Bùi Văn A phạm tội Cướp giật tài sản

Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết “Bùi Văn A phạm tội gì?” của tác giả Phạm Quốc Kiệt đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 28/3/2020, quan điểm của tôi cho rằng Bùi Văn A phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Xem nội dung bài viết trao đổi.

Theo quy định tại Điều 171 BLHS 2015 về tội cướp giật tài sản: “ 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Đặc trưng cơ bản của hành vi cướp giật tài sản:

– Có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng. Được hiểu là người phạm tội không cần che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà thực hiện trước mặt mọi người một cách táo bạo, bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn.

– Để thực hiện được hành vi này người phạm tội không sử dụng vũ lực (tuy một số trường hợp có sử dụng sức mạnh như đạp, xô cho bị hại té để cướp), cũng không đe dọa sử dụng vũ lực hay uy hiếp tinh thần của người bị hại như trong tội cướp tài sản mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của người bị hại, hay trường hợp người bị hại không đủ khả năng bảo vệ tài sản (chẳng hạn như trẻ em, người già, phụ nữ…) để giật lấy tài sản của họ và tẩu thoát.

– Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt của tội phạm này là được thực hiện một cách bất ngờ và nhanh chóng (trong một khoản thời gian rất ngắn, thường chỉ trong một vài giây là đã thực hiện xong hành vi chiếm đoạt) làm cho người bị hại không kịp ứng phó. Đồng thời ngay sau khi đoạt được tài sản từ tay người bị hại, người phạm tội cũng nhanh chóng tẩu thoát nhằm tránh khỏi việc truy đuổi của người bị hại. Thông thường thì người phạm tội có sử dụng phương tiện để thực hiện tội phạm (như dùng xe phân khối lớn để cướp giật…)

Lưu ý:

+ Đối tượng của hành vi cướp giật tài sản (tương tự như đối tượng của tội cướp tài sản). Tuy nhiên thông thường là nữ trang, tiền và các giấy tờ có giá trị như tiền, là những vật nhẹ, gọn, dễ lấy và cất giấu một cách dễ dàng.

+ Nhiều trường hợp người phạm tội cũng sử dụng thủ đoạn tinh vi để tạo sơ hở mất cảnh giác của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản để thực hiện hành vi cướp giật.

Trong tình huống nêu trên Bùi Văn A thực hiện một cách công khai không cần che dấu đối với chủ sở hữu là ông B. Để phục vụ cho hành vi cướp giật tài sản A đã có hành vi “kêu ông B lấy cái xô của  người dân để gần mé kinh múc nước đổ vào lốc máy xe” đây là một thủ đoạn để nhằm tạo ra sự sơ hở mất cảnh giác của người chủ sở hữu tài sàn để thực hiện hành vi cướp giật tài sản là chiếc xe máy của ông B. Hành vi cướp giật tài sản mà Bùi Văn A thực hiện một cách nhanh chóng và khiến cho ông B bất ngờ không kịp phản ứng, đồng thời, A thực hiện hành vi tẩu thoát một cách nhanh chóng.

Trên đây là ý kiến trao đổi về bài viết của tác giả Phạm Quốc Kiệt, rất mong nhận được sự phản hồi từ bạn đọc./.

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Quân khu 4)