Buộc M phải trả lại chiếc xe gắn máy cho chị C theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS

Sau khi đọc bài viết “Vật chứng phải xử lý như thế nào?”, của tác giả Phạm Minh Đô đăng trên Tạp chí ngày 28/9. Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

Tôi cho rằng, dù gia đình M đã bồi thường đầy đủ thiệt hại cho chị C nhưng vẫn phải trả lại chiếc xe cho chị C theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS.

 Khoản 2 Điều 47 BLHS quy định: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Do đó, để có căn cứ trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, cần phải xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép và người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra (khoản 1 Điều 48 BLHS). Đồng thời, tại điểm b, khoản 3 Điều 106 BLTTHS quy định “Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Theo đó, trước khi quyết định xử lý vật chứng, người có thẩm quyền phải xem xét vật chứng thuộc sở hữu hoặc quản lý của ai, họ có lỗi trong việc để vật đó làm công cụ, phương tiện hoặc trở thành đối tượng của tội phạm không. Như vậy, trước khi xem xét việc tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy vật chứng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét về quyền sở hữu  hoặc quản lý hợp pháp đối với vật chứng đó, nếu chủ sở hữu hoặc quản lý hợp pháp không có lỗi trong việc để vật đó trở thành công cụ, phương tiện phạm tội hoặc đối tượng tác động của tội phạm thì xử lý vật chứng theo hướng trả lại cho chủ sở hữu hoặc quản lý hợp pháp nếu việc đó không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và thi hành án.(1)

Trở lại nội dung vụ án, ngày 28/2/2022, với mong muốn có tiền để cá độ đá banh nên Lê Văn M (2001) đã đến nhà chị Trần Thị C là hàng xóm cạnh nhà M giả vờ hỏi mượn xe gắn máy nhãn hiệu Wave màu đỏ, trị giá 16 triệu đồng để đi thăm người thân đang nằm bệnh viện. Mượn được xe, M đến ngay cửa hàng mua bán xe và bán với giá 6 triệu đồng. Số tiền này M dùng để cá độ và thua hết. M đã hoàn thành việc chiếm đoạt chiếc xe gắn máy. Hành vi của Lê Văn M cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015.

Đối với vật chứng trong vụ án này được xác định là chiếc xe máy trị giá 16 triệu đồng do hành vi trái pháp luật của M gây ra và M cùng gia đình đã bồi thường đủ 16 triệu đồng cho chị C. Tuy nhiên, khi quyết định xử lý vật chứng cần phải xác định được chủ sở hữu hoặc ngưởi quản lý hợp pháp bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra và xem xét đến yếu tố có lỗi của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có hay không để người phạm tội sử dụng tài sản đó dùng vào mục đích phạm tội. Vì vậy, trong vụ án trên chị Trần Thị C được xác định là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe máy việc M giả vờ hỏi mượn để đi thăm người thân đang nằm bệnh viện nhằm mục đích để chiếm đoạt chiếc xe máy bán với 6  triệu đồng, số tiền này M dùng để cá độ thì trong trường hợp này chị C không biết và không có lỗi. Đồng thời, chị C là bị hại trực tiếp về tài sản do hành vi phạm tội của M gây ra. Do đó, cần phải trả lại chiếc xe máy cho chị Trần Thị C là chủ sở hữu hợp pháp còn đối với số tiền 16 triệu đồng mà M đã bồi thường trước đó cho chị C thì M có thể khởi kiện một vụ án dân sự khác về việc đòi lại số tiền đã bồi thường cho chị C.

Như vậy, từ những phân tích trên buộc M phải trả lại chiếc xe gắn máy cho chị C theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tác giả về vụ án, kính mong các độc giả và đồng nghiệp đóng góp ý kiến.

*Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7

Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn, Tuyên Quang  xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Trần Thị Huyền Trang

1.GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh Luật sư, TS. Phan Trung Hoài, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, NXB chính trị Quốc gia sự thật; tr 219-220.

TRẦN VĂN MINH*