Cá nhân có được quyền ký vào đơn thay cho người khởi kiện?
Bà Nguyễn Thị Hoàng có đứng tên sở hữu căn nhà gắn liền với thửa đất ở quê nhưng bà Hoàng bận làm ăn xa nên đã giao toàn bộ căn nhà và thửa đất lại cho em trai là ông Nguyễn Văn Bình quản lý sử dụng. Đến đầu năm 2013, ông Bình phát hiện ông Đặng Ngọc Ngà có hành vi lấn chiếm trái phép qua phần đất của bà Hoàng nên đã báo cho bà Hoàng biết sự việc. Bà Hoàng đã ký hợp đồng uỷ quyền cho ông Bình khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất (đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm) đối với ông Ngà.
Thực hiện việc uỷ quyền, ông Bình đã nộp đơn kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND xã hoà giải nhưng không thành. Tiếp đó, ông Bình đã làm đơn khởi kiện và các cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo nộp tại Toà án. Trong đơn khởi kiện thể hiện rõ họ và tên người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Hoàng và đại diện uỷ quyền theo hợp đồng uỷ quyền đã được công chứng là ông Nguyễn Văn Bình và ông Bình đã ký vào cuối đơn khởi kiện, không có chữ ký của bà Hoàng.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện, Toà án đã không nhận đơn khởi kiện vì cho rằng: Đơn khởi kiện trong trường hợp cá nhân khởi kiện thì cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện mới phù hợp với các quy định của BLTTDS 2015 và các hướng dẫn của TANDTC. Cụ thể là: Điểm a, khoản 2, Điều 189 BLTTDS 2015 qui định ở phần cuối đơn, người khởi kiện là cá nhân phải ký kên hoặc điểm chỉ, đồng thời, tại phần hướng dẫn sử dụng mẫu đơn khởi kiện ban hành kèm Nghị quyết số 01/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng có hướng dẫn tương tự. Việc ông Bình là người đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng ký đơn vào đơn khởi kiện, không có chữ ký của bà Hoàng, nên Tòa án không nhận đơn khởi kiện.
Vậy việc làm của Toà án trong trường hợp này có đúng luật hay không?
Tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS 2015 có qui định: người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn. Mặc dù, quy định này chưa có Nghị quyết hướng dẫn nhưng nó cũng tương tự như quy định tại khoản 3 Điều 164 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 nên nội dung hướng dẫn tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC vẫn còn giá trị sử dụng để hướng dẫn với quy định tại khoản 3 Điều 189 BLTTDS 2015. Theo đó, Nghị quyết 05 hướng dẫn:
“Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.”
Như vậy, tư cách người khởi kiện trong trường hợp này vẫn là cơ quan, tổ chức nhưng khi ký tên thì người đuợc uỷ quyền được quyền ký tên và đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân mặc dù luật qui định rõ: người đại diện của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu vào cuối đơn. Nghĩa là nếu là pháp nhân khởi kiện thì họ có quyền uỷ quyền cho người khác khởi kiện, ký tên vào đơn khởi kiện. Trong khi đó, người nhận ủy quyền trong trường hợp cá nhân khởi kiện không được ký tên vào đơn khởi kiện là một điều phi lý và không công bằng giữa pháp nhân và cá nhân trong khi thực hiện quyền khởi kiện của mình. Toà án cần phải áp dụng tương tự pháp luật: pháp nhân và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nên pháp nhân được quyền uỷ quyền khởi kiện thì cá nhân cũng phải có quyền này.
Mặt khác, Điều 562 BLDS 2015 định nghĩa: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định” và khoản 1 Điều 138 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.”.
Người được ủy quyền là người đại diện cho người ủy quyền theo thỏa thuận giữa các bên và họ thực hiện công việc uỷ quyền nhân danh cho người đã uỷ quyền. Nghĩa là, người được uỷ quyền sẽ “nhập vai” như chính người uỷ quyền, họ thực hiện tất cả các nhiệm vụ được uỷ quyền thì việc họ ký tên thay người uỷ quyền vào đơn khởi kiện là điều bình thường và hoàn toàn phù hợp với qui định của pháp luật.
Do vậy, chúng tôi cho rằng việc cho người nhận ủy quyền trong trường hợp cá nhân khởi kiện ký vào đơn khởi kiện là phù hợp với quy định của pháp luật về ủy quyền và sẽ tạo công bằng cho tất cả các chủ thể có quyền khởi kiện khi tham gia vào quá trình tố tụng tại Tòa án.
Rất mong quý đồng nghiệp, độc giả trao đổi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
1 Bình luận
Dư Ngọc Thiện
14:18 10/10.2024Trả lời