Các bị cáo nhận hối lộ với các tính chất và mức độ khác nhau

Trong vụ chuyến bay giải cứu, có 18 người bị truy tố tội Nhận hối lộ theo khoản 4, Điều 354 BLHS với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Qua xét xử, các tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo đã được làm rõ.

Theo lịch dự kiến, đại diện VKSND Hà Nội trình bày bản luận tội sau 4 ngày xét hỏi. Đầu phiên làm việc buổi sáng ngày 17/7, theo đề nghị của VKS, chủ tọa phiên tòa thông báo tạm dừng phiên tòa để cơ quan công tố dựa vào chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo, từ đây đề xuất mức án phù hợp. Sau đó, đại diện VKSND công bố bản luận tội.

54 bị cáo ở cả 4 nhóm tội Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ, đã khắc phục khoảng 60 tỷ đồng trong tổng 165 tỷ đồng hậu quả vụ án. Riêng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nộp hơn 16 tỷ đồng.

Thủ đoạn, mức độ khác nhau

Trong 4 ngày xét xử, qua gần 200 lượt xét hỏi, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi. 21 người bị truy tố tội Nhận hối lộ cùng khai do thời gian đã lâu, công việc bận rộn hoặc số lần nhận tiền nhiều, không nhớ chính xác song thừa nhận nội dung VKS cáo buộc là chính xác.

Khi nêu quan điểm luận tội với bị cáo Phạm Trung Kiên  (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế), đại diện Viện kiểm sát nhận định, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

Trong vụ án, bị cáo là người nhận nhiều tiền nhất, với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che dấu cơ quan chức năng. “Do đó, hành vi của Kiên cần xử lý bằng bản án nghiêm khắc để răn đe", Viện kiểm sát nhận xét.

Trái lại, bị cáo Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) được cơ quan tố tụng xác định có hai lần nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cũng là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Travelsky).

Khi khai báo, bị cáo thừa nhận, từ đầu tháng 3/2021, bị cáo Hằng đã bàn với Hà về việc tổ chức chuyến bay giải cứu đưa công dân về Việt Nam từ Osaka. Sau bàn bạc, ông Hà ký các công văn gửi lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự, kiến nghị được tổ chức chuyến bay.

Theo lời khai của cựu Tổng lãnh sự, lúc đưa tiền, bị cáo Hằng nói đây là quà của công ty. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết đấy là 5% lợi nhuận của “chuyến bay giải cứu” đầu tiên. Ở chuyến bay thứ 2, ông Hà cho biết, bị cáo Hằng đề nghị giúp nhưng không đặt vấn đề tiền bạc. Chuyến bay hoàn thành, Hằng tiếp tục đưa cho ông một gói quà, bên trong có 600 triệu đồng. “Bị cáo cảm thấy ăn năn, không ổn khi nhận tiền nên đã chuyển trả tiền cho bị cáo Hằng”.

Hành vi “Nhận hối lộ” của bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Angola) cũng được tòa làm sáng tỏ thông qua lời khai của bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Công ty Vijasun) thì khác với cựu Tổng lãnh sự Nguyễn Hồng Hà.

Cáo trạng xác định, từ tháng 1/2022, Công ty Vijasun được cấp phép tổ chức chuyến bay từ Angola về Việt Nam, đưa 298 công dân về nước cách ly. Sau khi hoàn thành chuyến bay, bị cáo Dương hối lộ cho bị cáo Minh 864 triệu đồng. Khai với HĐXX, bị cáo Đào Minh Dương cho hay, đưa hối lộ cho bị cáo Minh là do người này chủ động "đưa ra yêu sách". Khi ông Dương liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola để nhờ giúp đỡ trong việc làm thủ tục chuyến bay, ông Minh ra nhiều điều kiện, trong đó, ngã giá 3 triệu đồng/khách. Tiếp tục luận tội, kiểm sát viên đánh giá, 21 trong số 54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Quá trình xét xử có đủ căn cứ cho thấy nhóm này đã nhận tiền của doanh nghiệp để trình, duyệt, cấp phép chuyến bay.

Đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm

Tiếp tục luận tội, kiểm sát viên đánh giá, 21 trong số 54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Quá trình xét xử có đủ căn cứ cho thấy nhóm này đã nhận tiền của doanh nghiệp để trình, duyệt, cấp phép chuyến bay.

Đáng chú ý, ở phần xét hỏi, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Kiểm sát viên khẳng định, các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền. Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.

Về thủ đoạn phạm tội của nhóm bị cáo, đại diện viện kiểm sát cho biết, có 2 dạng. Thứ nhất là đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá, buộc doanh nghiệp đưa tiền. Thứ hai là gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới "luật bất thành văn" rằng doanh nghiệp phải chi tiền thì mới được cấp phép.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, nhận hơn 4,2 tỉ đồng để trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, cấp phép các chuyến bay. Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của đại diện 13 doanh nghiệp để tạo điều kiện khi cấp phép chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hơn 25 tỉ đồng…

Các bị cáo tại phiên tòa- Ảnh: Mạnh Hùng

NHÓM PV