Các bị cáo phạm vào tội Giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS

Qua nghiên cứu bài viết “Các bị cáo phạm tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”?” của tác giả Nguyễn Anh Chung (Tòa án Quân sự Quân khu 5), tôi không đồng tình với tác giả khi cho rằng các bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích với dấu hiệu định khung hình phạt “Làm chết người” theo quy định tại khoản 4 Điều 134 BLHS.

Trong tình huống đưa ra, các bị cáo phải phạm vào tội Giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS.

Trong thực tiễn, để phân biệt giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích với hậu quả làm chết người không hề đơn giản vì không có một nguyên tắc chung nhất định cho mọi trường hợp. Tuy vậy, tôi đồng tình với tác giả về những căn cứ mà tác giả đã đưa ra nhằm phân biệt 02 tội nêu trên và cũng xin bổ sung thêm một số căn cứ nữa, cụ thể:

- Thứ nhất, mục đích phạm tội:

Trong Khoa học Luật Hình sự, mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức mà chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện tội phạm. Như vậy, nếu mục đích phạm tội phù hợp với hậu quả của tội phạm thì tội phạm đó được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Đối với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn thực hiện tội phạm, không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra, đồng thời, việc thực hiện tội phạm là để nhằm đạt được một mục đích khác nên mục đích phạm tội không phù hợp với hậu quả của tội phạm. Từ đó, ta phân biệt:

+ Nếu người phạm tội có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân, tức mong muốn hậu quả nạn nhân chết xảy ra thì xử lý tội Giết người.

+ Nếu hậu quả nạn nhân chết nằm ngoài mong muốn, ý muốn của người phạm tội, hậu quả nạn nhân chết người phạm tội khó lường trước, khó thấy trước được thì xử lý tội Cố ý gây thương tích.

Tác giả cho rằng trong tội Giết người, người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân là không chính xác. Về mặt chủ quan của tội Giết người, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, tức cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân, tức mong muốn hậu quả nạn nhân chết xảy ra (mục đích phạm tội phù hợp với hậu quả của tội phạm), còn trong lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng để đạt được một mục đích khác, người phạm tội đã để mặc trong hậu quả nạn nhân chết xảy ra (mục đích phạm tội không phù hợp với hậu quả của tội phạm). Do đó, không phải khi nào trong tội Giết người, người phạm tội đều có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân, mong muốn hậu quả nạn nhân chết xảy ra.

- Thứ hai, mức độ tấn công, cường độ tấn công:

+ Trong tội Giết người, mức độ tấn công thường quyết liệt, nhiều nhát, liên tục; cường độ tấn công mạnh, mang tính chất bạo lực.

+ Trong tội Cố ý gây thương tích, mức độ tấn công không quyết liệt, dồn dập; cường độ tấn công yếu hơn, không mạnh.

- Thứ ba, vị trí trên cơ thể bị tấn công:

+ Trong tội Giết người, người phạm tội thường tấn công vào những vùng xung yếu, trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân như đầu, ngực, bụng, lưng, bẹn… Đây là những vùng nếu bị tấn công thì có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.

+ Trong tội Cố ý gây thương tích, người phạm tội thường tấn công vào những vùng ít xung yếu, trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân như tay, chân, vai…

- Thứ tư, công cụ, phương tiện được sử dụng để tấn công:

+ Trong tội Giết người, người phạm tội thường sử dụng những công cụ, phương tiện có tính sát thương cao như dao, búa, kéo, mã tấu…

+ Trong tội Cố ý gây thương tích, người phạm tội thường sử dụng những công cụ, phương tiện có tính sát thương thấp như gạch, đá, cây, tay, chân…

- Thứ năm, lỗi:

+ Trong tội Giết người, người phạm tội cố ý về hành vi và cũng cố ý về hậu quả, tức nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

+ Trong tội Cố ý gây thương tích, người phạm tội cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả, tức nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng hậu quả nạn nhân chết người phạm tội khó lường trước, khó thấy trước được.

- Thứ sáu, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội: Việc xác định điều kiện, hoàn cảnh phạm tội cũng có ý nghĩa trong việc phân biệt giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích hậu quả làm chết người như thực hiện hành vi tấn công nạn nhân ở những khu vực có điều kiện, hoàn cảnh nguy hiểm, khó khăn trong việc cứu chữa và người phạm tội biết rõ việc này (gây tai nạn giao thông làm nạn nhân ngã bị thương, sợ phải chịu trách nhiệm nên đã mang nạn nhân đến khu vực vắng vẻ trong rừng giấu rồi bỏ đi, do không được cấp cứu kịp thời, bị mất nhiều máu nên nạn nhân đã tử vong sau đó)…

Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: Theo Bản kết luận giám định pháp y về tử thi xác định nguyên nhân chết của A là do chấn thương sọ não (dấu hiệu chính qua giám định: Chấn thương sọ não, thái dương đỉnh phải, chẩm phải và thái dương đỉnh trái có các khối sưng nề, trên nền khối sưng nề có bầm tụ máu; tổ chức dưới da và vùng thái dương hai bên bầm tụ máu; tụ máu lan tỏa dưới màng cứng vùng thái dương, đỉnh, chẩm bán cầu đại não hai bên, tụt hạnh nhân tiểu não). Có thể thấy thương tích của A khá nặng nhưng diễn biến hành vi của các đối tượng K và V được nêu ra trong tình huống không rõ ràng dẫn đến việc đánh giá tội danh cũng gặp nhiều khó khăn như khi K chạy đến đấm A một cái vào mặt làm A ngã nằm nghiêng xuống đường thì đầu của A có đập xuống mặt đất hay không, K đạp vào đầu của A bao nhiêu cái, bản thân A có tiền sử bị thương ở vùng đầu trước đó hay không…

Tuy vậy, căn cứ vào diễn biến hành vi và hậu quả xảy ra, có thể thấy: A hoàn toàn không muốn gây sự, đánh nhau với K và V (điều này được thể hiện ở việc A khi bị K đánh thì ngồi xuống ôm mặt, không phản kháng lại, khi K được căn ngăn thì A đi đến hỏi K tại sao lại đánh mình chứ không đánh K…). Tuy nhiên, các đối tượng K và V đã liên tục tấn công, đánh A, trong đó K luôn tấn công vào vùng đầu và mặt của A như đấm vào mặt, lấy chân đạp vào đầu, đá vào phần trước mặt… Vùng đầu là vùng cực kỳ xung yếu, trong yếu trên cơ thể của con người. Với những tác động tương đối mạnh thì có thể gây ra những tổn thương lớn và dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Khi A nằm nghiêng thì K liền lấy chân đạp vào đầu, tức có thể hiểu chiều hướng đạp là từ trên xuống vào vùng thái dương. Vì A đã nằm nghiêng, đầu chạm mặt đất, tức đã có điểm tựa nên khi K đạp từ trên xuống với lực mạnh thì hoàn toàn có thể gây ra những tổn thương nặng ở 2 vùng thái dương. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết luận giám định về việc vùng thái dương của A bị tổn thương nặng nề, máu lan tỏa… Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi đã đạp vào đầu, K còn dùng chân đá vào phần trước mặt của A 1 cái. Việc đá này làm cho thương tích của A nặng lên rất nhiều và cũng đánh giá được tính chất quyết liệt, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác khi thực hiện hành vi tấn công A của K.

Từ những đánh giá trên, xác định: K đã có hành vi tấn công vào vùng đầu là vùng xung yếu, trong yếu trên cơ thể của A. Tuy chỉ tấn công bằng tay, chân nhưng hành vi của K là quyết liệt, liên tục, dồn dập, tấn công khi đầu của A có điểm tựa và không có sự phản kháng, chống trả khiến A bị chấn thương sọ não nặng dẫn đến tử vong. Khi thực hiện hành vi, K hoàn toàn nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả A chết có thể xảy ra (tấn công vào vùng đầu của A bằng chân với lực mạnh khi đầu của A có điểm tựa, quyết liệt, liên tục), tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả A chết xảy ra. Lỗi của K là lỗi cố ý gián tiếp và K không có ý thức tước đoạt tính mạng của A. Những tổn thương làm A tử vong hoàn toàn phù hợp với cơ chế hình thành và diễn biến hành vi của K nên hành vi của K đóng vai trò là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả, có mối quan hệ nhân quả với việc A tử vong. Vì vậy, K phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Trong vụ án này, V đóng vai trò đồng phạm khi cùng K tấn công A như xô A, đá vào ngực A 02 cái sau khi K đá vào phần trước mặt của A… và hành vi này không đóng vai trò là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả A tử vong nên V cũng phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS với vai trò là người giúp sức, còn K là người thực hành.

Cũng cần nói thêm, K và V thực hiện hành vi phạm tội có tính chất hung hãn cao độ, coi thường tính mạng, sức khỏe của A, thực hiện hành vi phạm tội một cách vô cớ (A xưng hô không đúng, đã nhận sai nhưng sau đó K và V lại tìm cớ gây sự, đánh A trong khi A không muốn đánh nhau và không phản kháng lại) nên thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ. Do đó, K và V phạm vào tội Giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.

Việc tác giá phân tích K và V không có ý thức tước đoạt tính mạng của A để xác định K và V không phạm vào tội Giết người là không chính xác, không bảo đảm nguyên tắc định tội danh theo cấu thành tội phạm vì trong tội Giết người với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không có ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả nạn nhân chết xảy ra, tức hậu quả nạn nhân chết nếu không xảy ra thì không sao, còn nếu có xảy ra thì cũng chấp nhận. Đây là vấn đề cần phải được nhận thức đúng đắn nhằm bảo đảm đánh giá một cách thận trọng, khách quan và chính xác hành vi của người phạm tội, góp phần điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống nêu trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và bạn đọc.

 

 

           Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án  "giết người" tại Ninh Bình - Ảnh: Mộc Miên/ Báo DS            

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)