Cán bộ lập pháp được hỗ trợ 100% lương hệ số
Quốc hội thông qua Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Với đa số đại biểu có mặt tán thành, sáng nay Quốc hội đã thông qua Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nghị quyết gồm 12 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật hiện nay. Một điểm nhấn quan trọng là nghị quyết không chỉ đề cập đến quy trình lập pháp, mà còn nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật từ cơ sở đến Trung ương, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Trước đó, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần gắn việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thể chế hóa Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua đã tiếp thu, chỉnh lý phụ lục theo hướng giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế. Đồng thời, tăng định mức kinh phí cho việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh; giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản của chính quyền cấp xã.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Mức khoán chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành là 14 tỷ đồng
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Nghị quyết nêu rõ phải “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt”.
Nghị quyết cũng bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.
Mức khoán chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành là 14 tỷ đồng; luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 12,5 tỷ; bộ luật sửa đổi, bổ sung là 7 tỷ. Với việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội, mức khoán chi là 4 tỷ, nghị định là 1,8 tỷ…
Mức khoán chi này là tổng mức tối đa ngân sách chi trả nếu thực hiện đầy đủ, trọn vẹn các hoạt động trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Định mức cụ thể cho từng hoạt động, nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: Quốc hội
Những người được hưởng gồm đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại phụ lục 1 kèm theo nghị quyết và các đối tượng khác thuộc khối các cơ quan đảng, MTTQ Việt Nam, bộ, ngành, chính quyền địa phương theo quy định, cũng được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ.
Cán bộ lập pháp được hỗ trợ 100% lương hệ số
Nghị quyết quy định người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).
Nghị quyết đã bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. Đây là nhóm cán bộ cơ bản bảo đảm tiêu chí “trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chính sách, xây dựng pháp luật” quy định tại Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị và được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.
Với một số đối tượng khác, nghị quyết chưa bổ sung do chưa đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan, có thể dẫn tới việc so sánh, mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng ở nhiều cơ quan trung ương khi xét tới tính chất công việc “trực tiếp, thường xuyên” liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.
Điều 7 của dự thảo quy định về Chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật
a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
b) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách;
c) Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.
Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;
d) Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định;
đ) Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định;
e) Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều này được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước. 5. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp; bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
Bình luận