Cần đối chất để giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền
Sau khi đọc bài viết “Nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16/3/2021, chúng tôi thấy đây là tình huống xảy ra nhiều trong thực tiễn, xin được trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.
Có thể nói, chứng minh là hoạt động tố tụng cơ bản trong tố tụng dân sự, mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật. Chứng minh trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thật vậy, trong tố tụng dân sự, quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ việc dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình. Vì vậy, cung cấp chứng cứ và chứng minh được coi là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự được quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.
Khoản 1 Điều 91 BLTTDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh như sau: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 91 BLTTDS năm 2015 cũng quy định: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.”. Như vậy, trong tố tụng dân sự, không chỉ đương sự đưa ra yêu cầu mà ngay cả đương sự phản đối yêu cầu cũng phải có nghĩa vụ chứng minh. Nói cách khác, đương sự phản đối yêu cầu cũng phải thuyết phục Tòa án rằng mình không xâm phạm đến quyền lợi của đương sự có yêu cầu; từ đó Tòa án mới có căn cứ, cơ sở để bác bỏ yêu cầu mà phía bên kia đưa ra. Đương sự phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý, các lý lẽ, lập luận để chứng minh cho việc phản đối đó là đúng đắn và có cơ sở.
Đối với tình huống được nêu trong bài viết của tác giả Cao Thanh Loan[1], khi nguyên đơn xuất trình được khế ước tức là đã cung cấp được một chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, dù chưa đầy đủ, thuyết phục. Hơn nữa, bà C cũng đã thừa nhận đó là chữ ký của mình trong bảng kê tất toán nên trách nhiệm chứng minh lúc này sẽ phụ thuộc nhiều vào phía bị đơn, cụ thể, phụ thuộc vào việc bị đơn có chứng minh được việc mình không nhận tiền hay không?
Khoản 1 Điều 465 BLDS có ghi nhận nghĩa vụ của bên cho vay: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận”, đối với hợp đồng vay tiền, nghĩa vụ này được hiểu là bên cho vay tiền có nghĩa vụ giao tiền cho bên vay đầy đủ vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. Do đó, nếu như các bên cho rằng chưa giao tiền thì cũng phải có phụ chú hoặc điều khoản ghi kèm trong hợp đồng để làm chứng cứ trước Tòa.
Nếu hiểu theo quan điểm thứ nhất: “Cho rằng không đủ căn cứ khẳng định bà D đã giao tiền cho bà C vay như đơn khởi kiện, vì không có chứng cứ chứng minh hai bên có giao nhận tiền và cũng không có người chứng kiến việc giao nhận tiền” là bất lợi cho phía nguyên đơn, bởi lẽ trong thực tế, những trường hợp vay tiền thường ghi nội dung rất đơn giản và việc giao nhận tiền thường được thực hiện ngay khi viết giấy nợ. Nếu buộc nguyên đơn phải chứng minh có việc giao nhận tiền cũng sẽ rất khó khăn và đôi khi không thể chứng minh được.
Tuy nhiên, để giải quyết vụ án một cách khách quan hợp lý hợp tình, Tòa án cần phải xác minh làm rõ những chứng cứ mà phía bị đơn đưa ra để có căn cứ xác định một cách chính xác. Nếu nguyên đơn cho rằng việc giao nhận tiền tại Ngân hàng, thì có thể trích xuất camera hoặc tìm người làm chứng. Đồng thời, cần tiến hành đối chất để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự.
Thông tin bà C đưa ra là “bà D từng mua nhà và vay tiền của bà C, (ngày 13/9/2010 bà C có cho bà D vay số tiền 600 triệu đồng) mà không nhắc gì đến bản khế ước đó” là những thông tin rất quan trọng, nếu đúng như vậy mà bà D không trừ khoản nợ chỉ cho vay có 81 ngày (tính từ ngày 5/3/2010) là điều vô lý. Bà C thừa nhận chữ ký trong bản kê là của mình nhưng giải thích là không liên quan đến việc nhận tiền và bản kê đó là bản phô tô, do đó Tòa án cần yêu cầu nguyên đơn nộp bản gốc để đối chiếu với những chứng cứ khác nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả nhằm trao đổi với bạn đọc. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các bạn đồng nghiệp và độc giả.
[1] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/nghia-vu-chung-minh-viec-giao-tien-trong-thuc-tien-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-vay-tien
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận