Cần dựa trên mục đích triệu tập của Tòa án để xác định tư cách tố tụng của người mua dâm, người bán dâm

Nghiên cứu bài viết “Xác định tư cách tố tụng của người mua dâm, người bán dâm trong giải quyết vụ án hình sự” của tác giả Võ Tuấn Khanh đăng ngày 13/8/2020, cá nhân tôi có một số ý kiến xin trao đổi.

Người mua dâm, người bán dâm là những người biết về tình tiết khách trong vụ án “Chứa mại dâm” hoặc “Môi giới mại dâm”. Xác định tư cách tố tụng của họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xử lý vật chứng hay tiền hoặc tài sản không phải là vật chứng cũng như đảm bảo quyền lợi của đương sự trong vụ án. Xác định chính xác tư cách tố tụng của  người mua dâm, người bán dâm trong vụ án “Chứa mại dâm” hoặc “Môi giới mại dâm”, theo tôi, cần dựa trên mục đích triệu tập của Tòa án đối với họ là gì?. Căn cứ vào mục đích triệu tập của Tòa án, xảy ra ba trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, Tòa án triệu tập họ để xử lý vật chứng hay tiền, tài sản không phải là vật chứng có liên quan đến họ trong vụ án hình sự. Trong trường hợp này, họ là những người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan trong vụ án, quyền lợi và nghĩa vụ của họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơ quan tiến hành  tố tụng. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 65 của BLTTHS năm 2015:“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”thì họ chính là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Vì vậy, Tòa cần triệu tập họ với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Trường hợp thứ hai, Tòa án triệu tập họ để làm rõ tình tiết của vụ án. Đối với những người mua dâm, người bán dâm không có tiền hay tài sản gì cần giải quyết trong vụ án nhưng họ là người biết về các tình tiết của vụ án, biết về hành vi chứa mại dâm, hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm của đối tượng phạm tội. Tòa án triệu tập họ là để làm rõ các tình tiết của vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Đối chiếu với quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2015: “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng” thì họ chính là người làm chứng. Vì vậy, Tòa án phải triệu tập họ với tư cách là người làm chứng.

Trường hợp thứ ba, Tòa án triệu tập họ vừa để làm rõ tình tiết của vụ án, vừa để giải quyết vật chứng hoặc tiền tài sản không phải là vật chứng trong vụ án có liên quan đến họ. Trong vụ án này, họ vừa đóng vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,  vừa có vai trò là người làm chứng.

* Nếu triệu tập họ với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì  theo quy định tại Điều 65 BLTTHS họ có các quyền và nghĩa vụ:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; d) Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Các quyền khác theo quy định của pháp luật….

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ: a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; b) Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”

Như vậy, ngoài việc đảm bảo việc giải quyết vật chứng, tiền hay tài sản là vật chứng liên quan đến họ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án còn phải chấp hành các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tức là qua lời khai của họ vẫn có thể làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.

Nếu chỉ triệu tập họ với tư cách là người làm chứng thì căn cứ Điều 66 BLTTHS quy định quyền và nghĩa vụ của người làm chứng:

3. Người làm chứng có quyền: a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật. 

Người làm chứng có nghĩa vụ: a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó…

Như vậy, nếu chỉ triệu tập họ với tư cách là người làm chứng, họ sẽ không có quyền kháng cáo phần xử lý vật chứng hay tiền, tài sản không phải là vật chứng liên quan đến họ trong bản án. Đó là điều bất lợi cho họ.

Vì vậy, trong trường hợp thứ ba, cần triệu tập người mua dâm, người bán dâm trong vụ án “Chứa mại dâm” hoặc “Môi giới mại dâm” với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để vừa làm rõ được tình tiết khách quan của vụ án, vừa đảm bảo được quyền lợi của đương sự.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

Bị cáo tại phiên tòa do xét xử vụ án chứa mại dâm tại huyện Bình Chánh, TP HCM – Ảnh: PLO 

NÔNG NGỌC MỴ (TAQS Quân chủng Hải quân)