Chấm dứt việc nuôi con nuôi, những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Về nguyên tắc, việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền có quyền ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi theo yêu cầu của tổ chức, các nhân được quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
1.QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CĂN CỨ CHẤM DỨT VIỆC NUÔI CON NUÔI.
Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định tại tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010. Theo đó, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây: “1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; 2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; 3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; 4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.”
1.1.Về căn cứ “Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”
Xuất phát từ nguyên tắc của việc nuôi con nuôi là phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi và trên cơ sở tự nguyện, nên khi con nuôi đã thành niên tức là từ đủ 18 tuổi trở lên thì giữa con nuôi và cha mẹ nuôi có quyền thỏa thuận với nhau chấm dứt việc nuôi con nuôi. Khi đó, con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. Do đó, nếu chỉ một bên là con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi nhưng bên còn lại không đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi thì Tòa án không chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi.
1.2.Về căn cứ “Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi” và “cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi”.
Trong căn cứ thứ hai và thứ ba này, pháp luật không quy định con nuôi đã thành niên hay chưa thành niên. Do đó, nếu con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi thì cha mẹ nuôi hoặc con nuôi hoặc cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi mà không phụ thuộc vào việc con nuôi hoặc cha mẹ nuôi có đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (cha mẹ nuôi hoặc con nuôi) được quy định tại Chương XIV từ Điều 123 đến 156 của BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 của BLHS năm 2015.
Về hành vi phá tán tài sản thì hiện nay pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi phá tán tài sản. Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi phán tán tài sản của cha mẹ nuôi thể hiện qua các hành vi như: đập phá tài sản, trộm cắp tài sản để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân… hành vi này có thể xảy ra nhiều lần và người có hành vi phá tán tài sản có thể đã được nhắc nhở hoặc giáo dục nhưng không sửa đổi.
1.3.Về căn cứ “Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi”
Các hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi như sau: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nếu phát hiện có những hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì tùy trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi (bao gồm con nuôi đã thành niên, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ) có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.
2.THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT CHẤM DỨT VIỆC NUÔI CON NUÔI TẠI TÒA ÁN
Quy nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, tác giả thấy có những bất cập, vướng mắc hoặc quy định của pháp luật cần được hướng dẫn cụ thể như sau:
2.1.Trường hợp con nuôi chưa thành niên hoặc con nuôi đã thành niên nhưng bị hạn chế, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ thống nhất chấm dứt việc nuôi con nuôi có được không?
Thực tiễn giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi có trường hợp như sau: Bà A có sinh một người con là cháu B nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên đem B cho chị của mình là bà C làm con nuôi. Vợ chồng bà C làm thủ tục nhận cháu B làm con nuôi đúng quy định pháp luật. Năm cháu B được 6 tuổi thì bà A và vợ chồng bà C thống nhất chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cháu B với vợ chồng bà C. Sau đó, bà A làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu căn cứ vào quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì Tòa án không có căn cứ nào để chấm dứt việc nuôi con nuôi theo yêu cầu của bà A. Tuy nhiên, nếu Tòa án không chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi giữa cháu B với vợ chồng bà C theo yêu cầu của bà A thì lại không phù hợp với nguyện vọng và ý chí của bà A, cháu B, vợ chồng bà C. Đây là vướng mắc trong thực tiễn. Trong những trường hợp như vậy, qua nghiên cứu các Quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi của Tòa án công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao thì đa số các Tòa án chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi trong những trường hợp tương tự như vậy.
2.2.Thế nào là hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi, con nuôi; thế nào là trục lợi, bốc lột sức lao động?
Một trong những căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi là khi con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc khi có vi phạm về việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của tác giả thì hiện nay pháp luật không có quy định và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thế nào là hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc thế nào là hành vi trục lợi, bóc lột sức lao động để làm căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Thực tiễn Thẩm phán khi giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong những trường hợp này cũng gặp nhiều khó khăn do còn nhận thức khác nhau.
2.3.Trong trường hợp nào thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội; trong trường hợp nào Hội liên Hiệp phụ nữ được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Nuôi con nuôi thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội; Hội liên Hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Tuy nhiên theo quy định thì con nuôi đã thành niên, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi cũng có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Như vậy, trong trường hợp nào cơ quan lao động, thương binh và xã hội; trong trường hợp nào Hội liên Hiệp phụ nữ được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng pháp luật cho thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Thủy
11:06 26/12.2024Trả lời