Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự lễ khai trương đường Phạm Văn Bạch tại Châu Đốc, An Giang

Sáng ngày 7/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã dự lễ khánh thành và khai trương con đường mang tên cố Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch (1910 - 1987), tại Tp Châu Đốc, tỉnh An Giang, nơi quê hương yêu dấu của ông.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng. 

Về phía địa phương có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang  Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo TAND tỉnh An Giang và các TAND cấp huyện.

Cùng dự lễ có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và  lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, nhân dân TP. Châu Đốc.

Châu Đốc là thành phố biên giới, diện tích tự nhiên 104,7 km2 nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc. Bắc giáp huyện An Phú, Tây Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp huyện Châu Phú, Tây giáp huyện Tịnh Biên và Đông giáp huyện Phú Tân.

Chánh án Phạm Văn Bạch và bạn bè quốc tế - Ảnh TL của tác giả

Dân số của Châu Đốc hiện nay trên 119 ngàn người và là nơi sinh hoạt nhộn nhịp, mua bán sung túc, sông ngòi nhiều cá tôm, đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ. Trước mặt thành phố là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu. Sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đặc thù của Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam với nhiều di tích văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng cả nước. Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn liền với những sự kiện trong công cuộc gìn giữ đất nước nhất là sự kiện Thoại Ngọc Hầu huy động sức dân đào kênh Vĩnh Tế, vừa phục vụ công tác thuỷ lợi, vừa có ý nghĩa về mặt quân sự và phát triển du lịch… Sau nhiều năm xây dựng và 10 năm từ thị xã lên thành phố, Châu Đốc ngày nay thật sự chuyển biến, xanh - sạch - đẹp hơn; đời sống người dân Châu Đốc được cải thiện, và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy An Giang thực hiện nghi thức mở bia Tiểu sử TS Phạm Văn Bạch, cố Chánh án TANDTC - Ảnh: Thu Thảo

Tuyến đường Vòng Núi Sam thuộc phường Núi Sam là con đường lớn, vị trí đẹp được địa phương lựa chọn đặt tên là đường Phạm Văn Bạch, để tri ân một trí thức lỗi lạc, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

Danh nhân Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 tại quê mẹ, làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha là Phạm Văn Hảnh người làng Vĩnh Tế, tỉnh Châu Đốc, nay là phường Núi Sam, Tp Châu Đốc. Từ nhỏ cho đến khi 15 tuổi, ông học tiểu học ở Trà Vinh, sau đó học trung học tại Cần Thơ và Mỹ Tho. Thời kỳ học trung học, ông đứng đầu nhóm học sinh lãnh đạo biểu tình, đòi thả bốn bạn bị bắt giam vì nghi “làm chính trị”, rồi bãi khóa để tang Cụ Phan Châu Trinh cho nên bị nhà trường thuộc địa buộc thôi học cùng với 16 học sinh khác.

Năm 1926, anh thanh niên Phạm Văn Bạch theo gia đình người cậu thứ tư, xuất cảnh sang Pháp. Cuối năm 1936, sau khi giành được học vị Tiến sĩ Luật học, Phạm Văn Bạch về Cần Thơ dạy học tại trường Collge de Cần Thơ. Từ năm 1938 – 1940, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch hành nghề luật sư bào chữa tại Phnôm-Pênh (Campuchia). 

Giữa năm 1941 – 1944, Giáo sư, Luật sư Phạm Văn Bạch về lại Cần Thơ tiếp tục tham gia các hoạt động giúp đỡ, bào chữa cho cán bộ cách mạng trên địa bàn một số tỉnh miền Tây Nam bộ.  

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Phạm Văn Bạch được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Bến Tre. Tháng 9 năm 1945, ông được mời ông lên Sài Gòn giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Nam Bộ, sau này đổi thành Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Bến Tre.

Khai trương biển đề tên phố Phạm Văn Bạch - Ảnh: Thu Thảo

Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16/2/1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn gồm 10 người ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về tình hình Nam Bộ và chuẩn bị họp Quốc hội khóa đầu tiên. Ngày 29/6/1946 đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ kết nạp ông Phạm Văn Bạch vào Đảng.

Sau Hiệp định Genève, tháng 9/1954, ông tập kết ra Bắc, được Trung ương cử làm Phó Ban miền Nam của Trung ương Đảng. Từ tháng 01 năm 1955 đến tháng 6 năm 1957, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó ban Quan hệ Bắc - Nam của Chính phủ. Từ tháng 6 năm 1957, Phạm Văn Bạch là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, và Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương của Chính phủ và đảm nhiệm chức trách này cho đến tháng 9 năm 1959.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I (tháng 5/1959), đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu Tiến sĩ Phạm Văn Bạch giữ chức Chánh án TANDTC, được Quốc hội phê chuẩn. Ông giữ trọng trách này 22 năm (1959-1981) cho đến lúc nghỉ hưu. Như vậy, 35 năm liên tục, ông là đại biểu Quốc hội, từ khóa I đến khóa VII (1946-1981), là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội.

 

Ông Phạm Minh Tiến, con trai TS Phạm Văn Bạch phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Thu Thảo

Trong thời gian giữ chức Chánh án TANDTC, ông đã kiến nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đề nghị Liên Xô cử các chuyên gia sang đào tạo hai khóa Luật học dài hạn (1960-1964) có trình độ trung - cao cấp cho hàng trăm cán bộ chủ chốt của TAND, VKSND, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, C500 (Học viện An ninh ngày nay). Các học viên hai khóa học này sau đó trở thành những cán bộ lãnh đạo, chuyên viên nghiệp vụ chủ chốt của hệ thống tư pháp và các ban ngành trong khối nội chính Việt Nam.

Ông còn có công lao to lớn, là thành viên Ủy ban soạn thảo các Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Trong thời gian công tác, ông còn được giao kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng khác.

Năm 1981, khi đã 71 tuổi, ông Phạm Văn Bạch mới nghỉ hưu và về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 5 năm 1983, ông được hiệp thương giới thiệu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông mất ngày 08 tháng 3 năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi và được an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Để ghi nhớ công lao của ông, Đảng - Nhà nước  đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và rất nhiều thành phố, thị xã của các tỉnh miền Nam có con đường lớn mang tên nhà trí thức yêu nước, Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch.

Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo địa phương đã trồng cây trên đường Phạm Văn Bạch.

 

 

THÁI VŨ