Chủ tịch nước nói: Thẩm phán phải thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu
Ngày 16/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TANDTC và có bài phát biểu quan trọng.
Tham dự và chúc mừng các Thẩm phán được giao phó trọng trách mới, có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các Phó Chánh án, các Thẩm phán TANDTC, đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội… và các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương.
Chủ tịch nước đã trao các Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đối với ông Ngô Tiến Hùng, sinh năm 1962, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng TANDTC; bà Đào Thị Minh Thủy, sinh năm 1970; Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TANDCC tại Hà Nội; ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1971, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng; ông Nguyễn Biên Thùy, sinh năm 1970; Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng các tân Thẩm phán TANDTC. Chủ tịch nước “đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban cán sự đảng và lãnh đạo TANDTC trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nhằm bổ sung, kiện toàn Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống TAND trong thời gian tới”.
Chủ tịch nước nhận định: Trong bộ máy nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đặc biệt, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm. Đồng thời cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán TAND được xác định là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm công tác trong ngành.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tặng hoa, chúc mừng bốn Thẩm phán TANDTC vừa được bổ nhiệm - Ảnh: Nguyên Anh
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp. Chiến lược này có ý hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta, của chế độ ta trong giai đoạn mới, nhất là đối với hệ thống bộ máy nhà nước, gồm cả hệ thống TAND chúng ta. Đối với lĩnh vực tư pháp, văn kiện Đại hội xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã phân công Ban cán sự đảng TANDTC chủ trì, xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Chủ tịch nước khẳng định: “Có thể nói công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tư pháp trong TAND - một trong những nội dung chủ yếu để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang đặt ra cho hệ thống TAND những nhiệm vụ rất quan trọng. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với TANDTC để chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của TAND các cấp”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của TAND nói chung, trách nhiệm của người Thẩm phán nói riêng. Toà án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước Toà án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội. Trong các lĩnh vực xét xử khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động thì phán quyết của Toà án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng.
Do đó, người Thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân. Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán đều ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của Toà án, đến niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Vì vậy, trong công tác xét xử không cho phép người Thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý. Mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội; qua đó khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội.
Ngoài các yêu cầu trên, các Thẩm phán TANDTC, còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ, thể hiện bản lĩnh của mình trong vai trò là thành viên của cơ quan xét xử cao nhất; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật; tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật để ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất; lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ để áp dụng trong xét xử.
Thứ hai, không ngừng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư. Người Thẩm phán phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu kiến thức xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương để có những phán quyết thấu tình, đạt lý, thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và phải “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”.
Thứ ba, hình ảnh của người Thẩm phán phải thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu; tự rèn luyện tu dưỡng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Trong công tác cần thường xuyên phải nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống.
Đại diện cho các Thẩm phán TANDTC vừa được bổ nhiệm, Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng xin hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, luôn nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp; không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng; liêm khiết, trung thực, dũng cảm kiên quyết bảo vệ công lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với bốn Thẩm phán TANDTC vừa được bổ nhiệm - Ảnh: Nguyên Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận