Chuyển vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) đã có những quy định mới so với BLTTHS 2003 để giải quyết trường hợp khi hồ sơ vụ án đã được Viện kiểm sát (VKS) chuyển cho Tòa án nhưng sau khi nghiên cứu phát hiện không thuộc thẩm quyền xét xử của mình. Bài viết dưới đây sẽ phân tích làm rõ vấn đề trên.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của tố tụng là xác định thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án. Một vụ án dù có được áp dụng pháp luật nội dung chuẩn đến đâu nhưng nếu xác định sai thẩm quyền cũng bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
1.Quy định của BLTTHS 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử
Điều 274 BLTTHS 2015 quy định: “Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.”
Điều luật quy định việc sau khi Tòa án tiếp nhận hồ sơ và trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án căn cứ vào các Điều 268, 269, 270, 271, 272, 273 của BLTTHS 2015 để xác định vụ án đó có thuộc thẩm quyền của mình hay không. Và khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ trả hồ sơ cho VKS đã truy tố để chuyển đến cho VKS có thẩm quyền truy tố. So với BLTTHS 2003 thì vấn đề chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử đã có sự thay đổi rất lớn. Cụ thể, Điều 173 BLTTHS 2003 quy định: “Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án chuyển vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử…. Theo tác giả, sự thay đổi của BLTTHS 2015 về vấn đề này là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, nếu thực hiện theo quy định của BLTTHS 2003, tức là giữa các tòa sẽ chuyển vụ án cho nhau. Vấn đề này sẽ tạo ra một bất cập đó là Tòa án có thẩm quyền không thể sử dụng cáo trạng cũ để xét xử tại phiên Tòa vì tên của VKS và Tòa án ghi trong cáo trạng cũ sẽ không phù hợp với thực tế xét xử. Mặt khác, VKS cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền sẽ không thể tham gia phiên tòa để thực hành quyền công tố vì VKS đó không ban hành cáo trạng. Điều này sẽ dẫn đến trường hợp, không thống nhất giữa Tòa án và VKS. Như vậy, sự thay đổi BLTTHS 2015 là hoàn toàn phù hợp.
Ngoài việc quy định cách giải quyết của Tòa án xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Điều 274 còn quy định trách nhiệm của VKS khi nhận lại hồ sơ vụ án: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.” Điều luật cũng dự phòng trường hợp quan điểm của VKS và Tòa án mâu thuẫn với nhau về thẩm quyền xét xử. Đó là, trong trường hợp xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Theo Điều 275 thì vấn đề giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án. Theo tác giả, quy định này là hợp lý, phù hợp với vị trí của Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp.
2.Một số điểm bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, Điều 274 quy định: “Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.” Theo quy định này, khi xác định vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án sẽ “trả hồ sơ” cho VKS. Khi VKS đã nhận lại hồ sơ vụ án thì VKS ra quyết định “chuyển hồ sơ vụ án”. Như vậy, việc chuyển vụ án là do VKS được xác định là không có thẩm quyền truy tố nhận lại hồ sơ và chuyển cho VKS khác có thẩm quyền để truy tố. Và lúc này, việc chuyển vụ án sẽ không thuộc giai đoạn xét xử nữa mà sẽ là trong giai đoạn truy tố của VKS. Để khắc phục hạn chế trên, theo tác giải nên đổi tên điều luật là “chuyển vụ án trong giai đoạn truy tố” hoặc để phù hợp với vị trí của điều luật là nằm trong chương xét xử sơ thẩm thì nên đổi tên điều luật là “giải quyết vấn đề khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án”.
Thứ hai, Điều 274 không quy định rõ việc trả hồ sơ của Tòa án là trong giai đoạn chuyển bị xét xử hay tại phiên tòa. Theo tác giả, nếu trong giai đoạn chuyển bị xét xử mà Tòa án nhận thấy mình không có thẩm quyền xét xử, tức là VKS cũng không có thẩm quyền truy tố thì Tòa án sẽ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với căn cứ quy định tại điểm d Điều 280 BLTTHS 2015 là “Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.” và được hướng dẫn tại điểm n khoản 1 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định về quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung đó là “Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Còn trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình vì cho rằng các bị can phạm tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố và tội danh đó không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với căn cứ được quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015 “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Và quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại Tòa án ở khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015 “Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”. Hơn nữa, nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán nghiên cứu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình vì cho rằng bị can có tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố, sau đó Tòa án trả hồ sơ cho VKS đã truy tố để chuyển đến VKS có thẩm quyền thì vô hình trung, Tòa án đã thực hiện việc định tội danh đối trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Điều này vi phạm nguyên tắc việc định tội danh của các bị cáo chỉ được quyết định trọng bản án và quyết định đó phải dựa vào kết quả xem xét, tranh luận công khai tại phiên tòa.
Vì lý do đó, theo tác giả, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu cho rằng hành vi của bị can phạm vào một tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố dẫn đến không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Còn tại phiên tòa, dựa vào diễn biến, kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa mà xét thấy bị cáo phạm vào một tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố dẫn đến không thuộc thẩm quyền của Tòa án, thì Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho VKS đã truy tố để chuyển đến VKS có thẩm quyền. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 274 BLTTHS 2015 như sau:
“Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. …..”
Tòa án thành phố Long Xuyên, An Giang, xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” – Ảnh: Chí Đức
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận