Có một nơi bình đẳng, chan hòa…
Có một cộng đồng kế bên thành phố nhưng vẫn giữ nét sinh hoạt đơn sơ đến tối giản của những người nông dân chân lấm, tay bùn thời khẩn hoang 100 năm trước. Đó là cộng đồng theo đạo Ông Nhà Lớn ở đảo Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cộng đồng ấy đang trì níu quá khứ trước cơn bão táp đổi thay của thời cuộc…
Vùng đất mới của những người xiêu tán
Cuối thế kỷ 19, đất nước loạn lạc, tương truyền ông Lê Văn Mưu (1855-1935) quê ở Hà Tiên từng theo giáo chủ đạo Tứ ân hiếu nghĩa ở An Giang để chống Pháp. Mấy năm sau, quân Pháp triệt phá được phong trào, ông Lê Văn Mưu phải rút về quê ẩn tránh. Năm 1891, ông cùng gia quyến và khoảng 20 đồng đạo dùng 5 chiếc ghe lớn, vượt biển từ Hà Tiên lên Bà Rịa định cư với nghề làm thuốc và làm muối.
Phía Đông và Nam đảo Long Sơn khi đó hoang vu, còn nhiều thú dữ, ruộng đất thì nhiễm mặn và thiếu nước ngọt nên ít ai lai vãng. Một người em trai của ông đến khai khẩn và thấy có thể sống được mà ít bị nhòm ngó bèn bàn bạc với ông. Ông Lê Văn Mưu quyết định đưa gia đình và đồng đạo lánh sang đảo Long Sơn, tiếp tục lấy nghề muối sở trường làm sinh kế và cải tạo ruộng đất để cấy lúa, bên cạnh đó là đánh bắt hải sản.
Ông xin được qui dân lập ấp. Nhà cầm quyền chấp thuận, ông chính thức kêu gọi người dân lưu tán, nhất là dân miền Tây quê hương ông đến khai hoang, lập nghiệp, dần hình thành nên ấp Bà Trao, xã đảo Long Sơn ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho hay, đáng lưu ý là hầu hết những người di cư đến đảo đầu tiên là những người khá giả như là chủ điền hay là các viên chức hành chính, có lẽ họ là những người đồng chí của ông. Một số người khác là nông dân và thợ thủ công. Bên cạnh đó là những du kích chống Pháp thất bại cũng trốn đến đảo để tị nạn.
Trung tâm của Nhà Lớn
Ông Lê Văn Mưu nêu một tấm gương mẫu mực về sự cần cù, sống kiệm ước, giản dị, đề cao sự yêu thương và bình đẳng. Ông ở trần, chân đất cùng mọi người làm lụng nhọc nhằn, không phân biệt cao thấp, sang hèn. Lâu dần hình ảnh ông ở trần lao động khiến dân chúng gọi ông là Ông Trần. Tuy nhiên, con cháu và tín đồ đều gọi ông Lê Văn Mưu là Ông Nhà Lớn, đạo của Ông cũng là Đạo Ông Nhà lớn.
Nội thất Nhà Lớn
Cô Ba, cháu nội của Ông Trần dẫn chúng tôi đi thăm Nhà Lớn, đứng trên cây cầu dẫn từ lầu này sang lầu khác tôi thấy trùng điệp các dãy nhà lợp ngói đỏ au trên diện tích rộng đến 2 ha. Cô Ba cho hay, Ông cho xây dựng dinh cơ bắt đầu từ năm 1910 đến năm 1929 mới hoàn thành. Quần thể này có khu thờ phượng và khu phục vụ cộng đồng như nhà chợ để bán hàng, trường học, nhà mát cho dân tránh mưa nắng, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bảo tồn ghe sấm… Đặc biệt là các dãy phố, gồm nhiều ngôi nhà dài, lợp ngói, cửa gỗ khang trang, dành cho “bá tánh” là các hộ dân mới đến ở tạm. Những người mới đến được Ông giúp chỗ ở, nông cụ, trợ giúp phát hoang, làm muối và trồng lúa. Về phần mình, khi thu hoạch xong, họ tự nguyện mang đến cho Nhà Lớn một phần sản phẩm, tạo nên một nguồn lương thực chung để tiếp tục trợ giúp những người mới đến khác, để duy trì các hoạt động cúng tế tại Nhà Lớn và để nộp thuế.
Vị hương chức Võ Văn Giót râu tóc bạc phơ kể: Khi mới tới thì Ông cho sống chung, làm chung, ở trong nhà phố đó. Đến khi ổn định, có thể tách ra ở riêng được thì Ông cho đất làm nhà, gian nhà phố lại dành cho hộ đến sau. Ông bà tôi khi mới đến đây đã ở trong nhà phố đến 10 năm. Xưa có 6 dãy nhà phố, Tây đốt mất một, còn lại 5 dãy.
Vì quần thể kiến trúc đồ sộ như vậy mọc lên giữa nơi vốn hoang vu nên những người dân gọi đó là Nhà Lớn.
Đạo Ông Nhà Lớn
Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất Ông Nhà Lớn còn chăm lo đời sống tinh thần cho cư dân bằng cách xây dựng nếp sống mới mà cao nhất là tín ngưỡng bình dân, trên nền của Tứ ân hiếu nghĩa và những triết lý Nho, Phật, Lão mà ông thấy phù hợp với người dân chân phác, thật thà nhưng ít chữ nghĩa này. Dân chúng gọi đó là Đạo Ông Nhà lớn.
Người theo đạo chỉ cần sống bình thường, mặc quần áo bà ba đen, tóc búi hay để xõa, lấy việc thờ cúng, tu nhân, làm việc thiện là căn bản, để hưởng phước báo về sau. Ông dạy: “Chốn Diêm Chúa cực hình nghiêm nhặt/ Tội thì hành, phước lại hưởng cho/ Người ở đời phải ráng mà lo/ Đường sanh tử không ai khỏi hết”. Ông không xây dựng chùa chiền, không kinh mõ, không ép ăn chay và cũng không dung túng tệ mê tín dị đoan, cúng bái tốn kém, phiền hà. Những việc được coi là hệ trọng của đời người như tang ma, cưới hỏi cũng không xem ngày xem giờ. Đặc biệt, Ông “truyền khẩu bất truyền thư”, chỉ truyền giáo lý bằng những câu văn vần, dễ nhớ, dễ thuộc, để người nọ dạy người kia, mà không viết kinh sách.
-“Trai trung hiếu đáng trai hiền thảo/ Gái tiết trinh đúng gái Nam trào” hay “Đạo nào bằng đạo tu nhơn/ Thờ cha, kỉnh mẹ thảo thơm trọn đời” là những câu Ông dạy chúng tôi ai cũng thuộc lòng đó cậu – ông Võ Văn Giót nói.
Cô Ba và cụ Võ Văn Giót tiếp nhà báo
Trong Nhà Lớn tôi thấy chỗ nào cũng dán đầy đối liễn, không phải chỉ mặt tiền hay nơi thờ phượng mà lẫm lúa, nhà bếp, nhà ăn, cổng phụ... đều có chữ Nho viết trên giấy điều với những nội dung quen thuộc của Nho gia: Thiên hữu tứ thời xuân vị thủ/ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên (Trời có bốn mùa, mùa Xuân đứng đầu/ Con người có trăm nết, Hiếu là trước tiên) hay Độc thư tam bách, cẩn ư ngôn nhi thận ư hành (Đọc nhiều sách, cẩn trọng khi nói năng, thận trọng khi hành động); Xuất môn như kiến đại tân ( Ra cửa khiêm nhường, lễ độ như gặp vị khách lớn)…
Cô Ba cho hay, 21 tháng Chạp hàng năm là ngày viết đối liễn để đón năm mới, câu nào ở đâu từ thời Ông đến giờ vẫn viết lại y như thế, không thay đổi. Tôi hiểu rằng Ông Nhà Lớn là người có nhiều chữ nghĩa, nhưng không viết kinh sách để tránh “tam sao thất bổn”, để không sinh ra một tầng lớp trung gian là những người biết chữ được giảng giải, cắt nghĩa cho những người khác. Cư dân ở đây đa phần không biết chữ, Ông muốn tất cả tín đồ của mình thật sự bình đẳng.
Một tục lệ về sự bình đẳng đến tuyệt đối còn giữ nguyên đến ngày nay là ai qua đời thì tang lễ cũng tối giản. “Tử tắc táng” – chết thì chôn, nên sáng mất chiều an táng, chiều mất thì để sáng hôm sau, ai cũng không quá 24 giờ. Nhà có tang, ở đây gọi là “đám xác”, không than khóc, không kèn trống, không ăn uống. Ai đến viếng thì thắp một nén nhang, tang gia không chấp điếu, nghĩa là không nhận lễ vật hay tiền bạc phúng viếng. Vì thế, nhà có đám tang mà lặng thinh. Mỗi khi trong cộng đồng có người qua đời thì Nhà lớn viếng một mâm trái cây, một giạ gạo (chừng 20 kí), và một ít tiền để mua gạch, xi măng xây mộ, vậy thôi.
Một thứ nghi lễ “không” đặc biệt nữa là không áo quan. Người theo đạo Ông Nhà Lớn tâm niệm theo lời Ông dạy “Sống đồng tịch, đồng sàng, chết đồng quan, đồng quách” nên họ dùng chung áo quan khi trở về với trời đất. Cô Ba dẫn chúng tôi đến thăm nơi để chiếc áo quan chung. Áo quan đan bằng tre trét sơn đỏ khum hình mui thuyền gọi là “bao quan”, phần đáy là một tấm gỗ phẳng gọi là “tấm liệt”. Trên nóc có những cây nến đỏ bám dầy nhiều lớp. Khi có người qua đời, bà con đến xin thỉnh áo quan về, thi hài được tẩm liệm, đặt lên tấm ván và úp bao quan lên. Khi đưa tang, quan tài được khiêng bằng hai cây tre dài. Cô Ba chỉ lên xà nhà cho chúng tôi thấy hai cây đòn khiêng bằng gỗ không còn mầu sơn, chạm đầu rồng, phía cuối hình đuôi rồng, được gác lên đó và giải thích: Xưa thì các vị hương chức được dùng đòn khiêng này, nhưng giờ thì không ai dám dùng nữa, tất cả khiêng đòn tre vậy thôi.
Lễ an táng diễn ra đơn giản, huyệt được rải mấy lớp lá, thi hài bó chiếu cói đặt lên đó và lấp đất. Đúng là “sinh thổ hoàn thổ” – sống nhờ đất, chết lại trở về với đất. Áo quan lại được mang trả về Nhà lớn. An táng xong thì xả tang ngay tại mộ. Nam một bên, nữ một bên, cùng tháo khăn tang để trở về với sinh hoạt thường nhật. Lễ 49 ngày cũng được tổ chức nhưng không có cỗ bàn mà cúng xôi chè. Đến 100 ngày, nhà ai có điều kiện thì tùy tâm, có thể bày cỗ mặn để mời bà con cô bác.
Cô Ba dẫn chúng tôi ra thăm nghĩa trang, viếng mộ Ông Nhà Lớn. Khu mộ khang trang, nhưng những ngôi mộ cổ không có bia. Cô Ba cho hay, xưa Ông dạy mộ không có bia để nhắc con cháu phải thường xuyên thăm mộ, nếu có bia, có chữ thì con cháu có đi cả năm cũng không lo mất mộ, nó sẽ ít thăm viếng hơn. Nghe cô Ba giải thích, tôi thầm nghĩ, hồi xưa thời mới lập nghiệp nơi đảo hoang này, những người theo Ông có mấy ai biết chữ. Lập bia mộ lại khiến người không biết chữ chạnh lòng, lại phải cậy nhờ người có chữ viết giùm, phiền phức biết bao. Vậy là Ông đặt lệ tất cả cùng không có bia mộ cho mọi người thật bình đẳng, chan hòa với nhau đó thôi.
-Bây giờ thì ai cũng khắc bia, biết là không đúng truyền thống ông bà mà cưỡng không được đó cậu. Hồi xưa quí cô tôi vẫn than là con cháu đang đi xa dần, mất truyền thống ông bà. Đau lòng lắm… Cô Ba ngậm ngùi nói.
Đứng từ nghĩa trang lồng lộng gió biển thổi vào, trong cái nắng thu vàng, nhìn những lớp mái ngói lô xô trong Nhà Lớn, tôi chợt nghĩ rằng trong thời buổi cả xã hội bị cuốn theo đời sống vật chất, dù còn nghèo nhưng sinh hoạt hoang phí, phô trương hiện nay, lối sống kiệm ước, đơn sơ trong tình thương yêu bao bọc, cưu mang nhau với những chuẩn mực đạo đức truyền thống mà Ông Nhà Lớn xây dựng nên, là những giá trị quí báu. Đạo lý ấy có thể thức tỉnh con người đang mê đắm trong xã hội tiêu thụ. “Tri túc tâm thường lạc” - Biết đủ thì lòng sẽ vui, thông điệp ấy không xưa cũ mà rất hiện đại. Nhưng làm thế nào để giữ được những giá trị quí báu đó trong thời buổi hiện nay là một thách thức thật khó khăn, nan giải đến vô phương …
Tín đồ Nhà lớn
Tín đồ đạo Ông Nhà Lớn đông đảo, điều dễ nhận thấy là mặc dù sinh hoạt kiệm ước, bình dân nhưng lối ứng xử của họ thì không bình dân chút nào, luôn luôn cẩn thận giữ lễ, nói năng lịch thiệp, một “thưa quí khách”, hai “thưa cậu”, họ xưng hô với nhau bằng “quí anh, quí chị”… Đặc biệt đối với bề trên, với Ông thì họ hết sức kính cẩn. Mỗi khi chắp tay xá trước ban thờ xong, họ không buông hai tay xuống mà đưa hai bàn tay lên đầu rồi mới hạ tay xuống.
Tín đồ làm công quả ăn trưa
Mỗi ngày ở Nhà Lớn có một vị Hương chức trực và một vị phiên hầu. Phiên hầu là người trực tiếp lo kỉnh cơm nước trong ngày. Mỗi ngày có 4 thời, trong đó hai thời cơm vào lúc 7 giờ rưỡi sáng và 2 giờ rưỡi chiều, một thời nước vào hồi 5 giờ sáng và thời hương lúc 5 giờ chiều. Buổi tối cũng có một vị Hương chức và một vị phiên ngủ. Ở đây, các tín đồ thường nói “kỉnh Ông” –cô Ba giải thích rằng, theo lời Ông dạy, cúng là cúng cho cô hồn các đảng khuất mặt, còn đối với Trời, Phật, Tiên, Thánh bề trên thì phải dùng từ “kính”, phát âm thành “kỉnh” vậy thôi.
Lễ kỉnh cơm rất trang trọng nhưng đơn sơ, mỗi bàn thờ đặt ba thố cơm, gọi là thố nhưng đó là chiếc bát nhỏ, đường kính khoảng 6 cm, như chiếc chén uống nước có nắp, trên nắp đặt vài hạt muối. Vậy thôi. Có điều Nhà lớn có bao nhiêu bàn thờ thì cô Ba cũng không thể nhớ hết vì rất nhiều.
Dưới lầu Quan Âm là “Tích thiện đường” thờ bách linh, thờ tất các các linh hồn bách tính đã theo Ông khai khẩn, lập nên cộng đồng này. Vì vậy, ở đây không bày ba thố cơm mà có nhiều thố được bày biện ngay ngắn. Đứng trước gian thờ có hoành phi câu đối, đèn nến trang trọng này, tôi hiểu Ông không quên ai, Ông khiến không ai phải bận lòng lo sau khi mình qua đời không có người hương khói. Trong tâm thức của những người nông dân chất phác xưa kia, niềm tin ấy thật quí giá và có giá trị an ủi xiết bao.
Ngày lễ trọng nhất trong năm của Nhà Lớn là ngày giỗ Ông 20 tháng Hai hàng năm và Tết Trùng cửu 9 tháng Chín. Bữa đầu cúng mặn, ngoài cơm canh, muối có thêm tôm, cua. Họ không cúng Ông món cá vì cá có máu, “xưa Ông dùng vậy thì kỉnh Ông vậy thôi, thưa cậu” – cô Ba nói. Bữa sau thì cúng chay.
Dẫn ngang qua dãy nhà có lẫm thóc ngoài cửa dán đôi liễn đỏ, cô Ba mở cho chúng tôi coi, một kho thóc đầy, ánh nắng chiếu qua tấm kính trên mái khiến cho thóc ánh lên một màu vàng rực. Tôi ngạc nhiên vì Long Sơn khó trồng lúa, cô Ba cho hay, “đây là lúa bà con Tiền Giang gửi về kỉnh Ông đó, thưa cậu. Năm nào cũng vậy, có lẽ đến cả trăm năm nay rồi”.
Đó là năm Giáp Thìn 1904 miền Tây bị bão lụt lớn, dân đói, Ông bèn cho khui lẫm xúc thóc gạo đầy ghe lớn chở xuống cứu trợ. Đi đường thủy cả một tuần mới đến nơi. Nhờ có ghe lúa mà nhiều người được cứu đói qua cơn hoạn nạn. Ông còn ở lại bốc thuốc trị bệnh cho người dân. Dân chúng coi ông như vị cứu tinh Trời phái xuống để cứu nhân độ thế… Danh tiếng của Ông đã lan truyền và thu hút thêm hàng ngàn tín đồ mới đến Long Sơn học đạo.
Cô Ba kể: Lúc Ông cho xúc thóc, một người cháu nói: “Nội mang hết lúa đi như vầy, nay mai đói thì sao?”. Ông cười bảo: Con đừng có lo. Mai mốt thóc bay về thiếu gì… Quả nhiên, những năm sau, bà con dưới đó năm nào cũng đem thóc lên đóng góp cho Nhà Lớn, bây giờ là kỉnh Ông. Lượng thóc này đủ cho Nhà Lớn sinh hoạt, tiếp khách quanh năm. Những năm gần đây khoảng 25 tấn.
Đạo Ông Nhà Lớn lan truyền khắp Nam bộ, có tín đồ ở nhiều nơi, nên không có ngày nào Nhà Lớn không có khách đến kỉnh Ông và ở lại dùng cơm. Cô Ba cho hay, ngày giỗ Ông và Tết Trùng cửu thì có 20.000 đến 25.000 khách, hàng ngàn người nghỉ đêm và dùng cơm. Hôm 1 tháng 7 vừa rồi, Nhà Lớn tiếp hơn 1000 khách dùng cơm. Ngày thường thì một vài trăm khách.
-Như tối qua đó cậu, 8 giờ tối báo hôm nay có đoàn 100 khách, 9 giờ lại báo có đoàn 300 khách nữa. Vậy là tôi phải gọi điện cho những chị nấu cơm, đi chợ để sáng hôm nay lo cho kịp.
Cơm Nhà Lớn chỉ có đậu hũ, rau củ như khổ qua, bí, mướp, cây chuối thái nhỏ chấm chao, cơm trắng, trái cây tráng miệng và trà đá. Người ta ăn cơm Nhà lớn phần vì ở xa đến, phần vì ăn lấy hên. Ăn nghỉ ở đây miễn phí hoàn toàn. Bà con đến có thể mang theo nông sản mình trồng cấy được hay chút tiền “kỉnh Ông” nhưng không có hòm công đức, không ghi phiếu công đức, có cũng vậy mà không có cũng không khác nhau.
Một điều “không” đặc biệt nữa là Nhà Lớn không thuê mướn nhân công làm bất cứ việc gì, tất cả từ việc xây dựng, tu bổ nhà cửa, xây dựng công trình mới đến tiếp tân, quét dọn, xén tỉa cây, nấu cơm khách, rửa bát chén hàng ngày… đều là những người làm công quả, “làm vì Ông”, “làm kỉnh Ông” để lấy phước. Trong Nhà Lớn có một xưởng mộc, có máy cắt, máy bào rất đầy đủ, hỏi ra, đó cũng là bà con tự mang đến.
Nỗi khắc khoải của cô Ba
Theo truyền thống, từ khi sinh thời Ông Nhà Lớn đã lập ra nhóm Hương chức gồm có 8 người, là những đồ đệ thân cận của Ông. Sau khi Ông tạ thế, các vị Hương chức tiếp tục duy trì, truyền bá và giúp đỡ những tín đồ mới gia nhập Đạo. Cho đến nay, Nhà Lớn và cộng đồng Đạo Ông Nhà Lớn vẫn được quản trị bởi các vị Hương chức, là cơ quan quyền lực cao nhất. Hội đồng này có thể có hậu duệ của Ông Nhà Lớn, có thể không. Hiện nay không có ai là hậu duệ của Ông Nhà Lớn trong Hội đồng. Khi Hội đồng khuyết đi một vị thì bảy vị còn lại họp bàn chọn một người đủ đức đủ tài bổ sung để Hội đồng luôn đủ 8 thành viên.
Như vậy, trong bộ máy quyền lực đó, con cháu Ông Nhà lớn không có quyền lợi gì đặc biệt. Khu di tích vì thế không được quản trị như di sản thừa kế của Ông Nhà Lớn dành cho con cháu mà được coi là tài sản chung của cả cộng đồng. Đặc biệt là con cháu Ông Nhà Lớn cũng không có sinh hoạt gia tộc họ Lê riêng mà tất cả hòa vào cộng đồng theo đạo Ông Nhà lớn. Ông Nhà Lớn thật sự dành cả cuộc đời mình cho những người theo ông về đây khai hoang, lập ấp, theo đạo của ông, tuyệt đối không màng chuyện giữ tài sản riêng cho con cháu mình.
Cô Ba nhũ danh là Lê Thị Kiềm, đã ngoài 70 tuổi, cháu đời thứ tư của Ông Nhà Lớn, không phải là thành viên trong Hội đồng hương chức toàn nam giới, nhưng có vị trí đặc biệt. Cả đời cô sống trong Nhà Lớn, thấu hiểu mọi lễ nghi, phép tắc trong nhà và một đời đau đáu lo giữ Nhà Lớn nên cô như một vị tổng quản có uy tín. Theo nền nếp, hai người con trai của Ông Nhà Lớn đều ra ngoài dựng nhà riêng, còn người con gái, thường gọi là bà Tư thì không lập gia đình nên suốt đời sống trong Nhà Lớn. Cô Ba từ nhỏ đã được vào sống với bà Tư, được bà dạy dỗ chỉ bảo mọi điều, và cô Ba cũng ở vậy, như được bà Tư trao truyền bổn phận giữ lấy nếp nhà.
Hàng ngày, nhìn những biến đổi của thời cuộc dội vào Long Sơn, vào Nhà Lớn mà cô Ba lo thắt lòng. Xưa thì đảo cách biệt, bình yên lắm, nhà ai có chuyện gì mâu thuẫn, được mời vô Nhà Lớn khuyên giải thì ai cũng nghe. Bây giờ phức tạp hơn nhiều. Có cầu dẫn vô đất liền thì tệ nạn cũng sang đảo nhanh hơn. “Rầu lắm mà không biết tính sao. Không gìn giữ được nền nếp ông bà để lại thì nay mai xuống suối vàng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tiên đây. Đời tôi phải ráng đấy cậu” - cô Ba ứa nước mắt tâm sự.
Một ngày mới của cô Ba bắt đầu từ 2g 30 sáng thức dậy và làm việc cho đến 5 giờ chiều. Cô phải trực tiếp điều hành, quán xuyến từ việc tiếp khách, đến giao người đi chợ, nấu ăn, đãi đằng, dọn dẹp mỗi ngày cả trăm mâm cơm. Rồi lo khách ngủ lại… Tất cả phải bảo đảm chu toàn. Chưa kể chuyện trùng tu, xây dựng, tu bổ, tiếng là Hội đồng Hương chức quyết định nhưng cô là người tay hòm chìa khóa, thiếu đủ ở cô. Công việc như thế, khiến cô thức giấc sớm, lâu dần thành nếp. Bây giờ, tuổi đã cao mà cô Ba chưa tìm được người cháu gái nào để rèn cặp và trao truyền trách nhiệm như bà Tư trao cho cô xưa kia. Các cháu gái trong gia tộc bây giờ học hành, đi làm trong thành phố, chưa có ai chịu ở lại để sau này thay cô gánh vác việc Nhà Lớn.
Rồi vô số những chuyện không tên. Hôm rồi, mấy đứa cháu đi làm ăn khá giả ở thành phố về nói, lễ tảo mộ 25 tháng Chạp năm nay, tụi con làm con heo quay về kỉnh Ông rồi vui vẻ một bữa được không cô? Không được. Từ xưa ông bà mình không có làm như vậy … Tôi phải kiên quyết như vậy đó cậu – cô Ba nói. Đôi khi các chị em làm công quả hay chị em tiếp tân có chuyện va chạm, có người lớn tiếng, cô Ba cũng phải giải quyết. Cô nói: “Mấy chị đừng lớn tiếng mà có lỗi với bề trên, mấy chị nên bình tĩnh. Quí cô tôi xưa vẫn dạy: Thiên cung dành để thưởng người trung/ Địa ngục đang chờ phạt kẻ hung”. Mấy chị nghe tôi nói vậy sợ liền, vội đi kỉnh Ông để sám hối.
Một vấn đề khác khiến cô Ba đau đáu, đó là quản lý Nhà Lớn theo Luật Di sản văn hóa vì Nhà Lớn Long Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1991. Theo Luật thì phải có Ban quản lý di tích, có thể nhận tài trợ từ Nhà nước để tu bổ và hầu hết các di tích lớn đều thu phí tham quan… Những qui định đó xa lạ với truyền thống Nhà Lớn Long Sơn. Từ hàng trăm năm qua họ vẫn gìn giữ, duy trì nền nếp như hồi Ông Nhà Lớn sinh tiền, tuyệt đối không nhận tiền của chánh quyền. Đối với du lịch, Nhà Lớn Long Sơn là điểm đến hấp dẫn, mỗi năm thu hút 500 - 600 ngàn lượt khách đến thăm viếng, nhưng Nhà Lớn không kinh doanh du lịch, không tìm cách kiếm tiền từ những người đến thăm viếng. Nhà Lớn tâm niệm đó là khách của Ông, họ phải thay Ông đón tiếp, đãi đằng chu đáo. Làm công quả, phục vụ Nhà lớn cũng chính là hành đạo của tín đồ đạo Ông Nhà Lớn.
Chia tay cô Ba, người đang đau đáu lo lắng cho việc bảo tồn di sản Nhà Lớn và gìn giữ Đạo Ông Nhà Lớn bền vững trước những đổi thay, tôi tin rằng đặc thù quản trị ở Nhà Lớn cần được nghiên cứu kỹ và tôn trọng, không nhất thiết phải tạo dựng những thiết chế mới không ăn nhập với Nhà Lớn Long Sơn. Hơn nữa cho đến nay Nhà Lớn vẫn được gìn giữ chu đáo với tất cả tấm lòng thành kính của các tín đồ, họ coi việc bảo tồn, tu bổ di tích, đón tiếp khách thập phương là thực hành nghi lễ tôn giáo, hướng đến giá trị tâm linh chứ không phải lợi ích vật chất trước mắt. Quả thật, trong cả nước không mấy di tích có được sự quản trị và gìn giữ với niềm thành kính trong trẻo như thế.
Ảnh: Các vị hương chức, phiên hầu và cô Ba chụp hình với tác giả.
Nhà Lớn gồm rất nhiều công trình mang đặc sắc kiến trúc Nam bộ
Hàng ngày Nhà Lớn thu hút nhiều tín đồ đến làm công quả
Các cô tiếp tân ở Nhà Lớn
Bài liên quan
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Khởi công 2 dự án thuộc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Khai trương tuyệt phẩm sân gôn nơi miền di sản cố đô Huế Golden Sands Golf Resort
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận