Công chứng là dịch vụ công thì không thương mại hóa

Ngày 25/6, tại Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 17/06/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận. Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Pháp luật tổ chức nghiên cứu giải trình thảo luận tại tổ và có Báo cáo số 256 ngày 24/6/2024 gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên

Liên quan tới tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân Luật, Thạc sĩ luật hoặc Tiến sĩ luật. Đại biểu  Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)  đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng quy định nêu trên do quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm. 

Đồng thời, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như thẩm phán phòng ngừa nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật là từ đủ 5 năm trở lên. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử như luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho biết, tại khoản 2 Điều 16 quy định về các nghĩa vụ của công chứng viên (với 11 nhóm nghĩa vụ), tuy nhiên chưa có quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng được quy định tại Điều 37 dự thảo Luật, theo đó:“... trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của một tổ chức hành nghề công chứng...”.

 

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân

Để quy định được chặt chẽ, thống nhất, rõ nghĩa vụ của công chứng viên, đảm bảo đầy đủ cơ sở trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 16 dự thảo về nghĩa vụ của công chứng viên “bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 37 của Luật này”.

Mô hình công chứng

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ quan tâm tới nội dung về mô hình công chứng. Đại biểu đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.

Về quy định Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng tại các địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa chưa phát sinh nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự… nên việc văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên không khả thi mà chỉ cần 1 công chứng viên là đủ.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị có nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của quy định này tại các vùng có tính đặc thù về dân cư, mức độ phát triển để bổ sung cho phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định Văn phòng công chứng có từ 1 công chứng viên trở lên.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đại biểu cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng.

Về tuyên bố vô hiệu của Tòa án

Về tuyên bố vô hiệu của Tòa án, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần cân nhắc nội dung: Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của nhà nước, xã hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định văn bản vô hiệu được thực hiện theo Bộ Luật Hình sự thực tế đã áp dụng và không có vướng mắc và bất cập.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tranh luận  với đại biểu Phạm Văn Hòa về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, cho rằng, không nên bỏ quy định này, vì đây là văn bản luật công chứng, nên tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khác với giao dịch, hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định về lời chứng của công chứng viên, theo đó, quy định hiện tại buộc lời chứng của công chứng viên phải không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đại biểu, cần sửa lại theo đúng quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Dân sự 2015 là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, để đảm bảo thực hiện pháp luật thống nhất, đồng bộ. Với Điều 51, đại biểu đề nghị bổ sung “việc thực hiện tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.”

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cơ bản nhất trí với những nội dung của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Quan tâm tới quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật có quy định: Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản.

Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa tương thích với khoản 1 Điều 401 của Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó, Bộ uật Dân sự quy định theo hướng các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vào một thời điểm khác với thời điểm giao kết, trừ khi luật liên quan có quy định khác. Đồng thời quy định như dự thảo Luật cũng chưa tương thích với khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự rằng di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế chứ không phải có hiệu lực từ thời điểm công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề vào di chúc. 

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hiệu lực trong trường hợp ngoại lệ là luật liên quan có quy định khác- như Bộ luật Dân sự đã quy định và sửa khoảng 1 Điều 5 thành: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.” Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét trường hợp với công chứng điện tử thì hiệu lực có phù hợp với quy định này hay không?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, trong toàn bộ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) còn thiếu một định nghĩa rất quan trọng là: Công chứng là một dịch vụ công. Vì các giao dịch dân sự của nhân dân, của doanh nghiệp rất nhiều nhưng họ cần sự xác nhận có thực của cơ quan nhà nước. Và công chứng ra đời với ý nghĩa đó. Ở nhiều quốc gia khác (như Anh, Mỹ…) cũng xác nhận công chứng là một dịch vụ công.

Vì vậy, dịch vụ công này có thể được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và nhiều quốc gia cũng lập phòng công chứng, trao cho các công chứng viên Nhà nước. Nhưng để giảm bớt gánh nặng và tinh giản biên chế, nhiều quốc gia cho phép các công chứng viên tư nhân làm việc này với tư cách được ủy quyền thực hiện các dịch vụ công, khác với dịch vụ pháp lý của luật sư. Luật sư hoàn toàn là dịch vụ tư như các dịch vụ tư nhân khác.

 

Các đại biểu tại Hội trường

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc thành lập các văn phòng công chứng tư cần tránh trở thành loại dịch vụ tư, trách nhiệm của công chứng viên cần được định nghĩa khác đi. “Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện đang thiếu định nghĩa này, do đó đề nghị cần bổ sung định nghĩa này”, đại biểu nêu rõ.

Hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ và hội trường; cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây nhà nước thực hiện thực hiện công việc này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm và cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi. Chúng ta thống nhất với cách tiếp cận và cũng thống nhất về cơ bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thiết kế một số quy định đi theo mạch này. 

Trong đó, mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên  và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.

Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng; chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

THANH LOAN

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Qh.vn