Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 19/8, Tạp chí có đăng bài viết “Phạm Trung Đ phạm tội gì?” của tác giả Mai Trọng Thao với nội dung mua điện thoại nhưng không có tiền trả, lấy lý do để yêu cầu người bán chở đi rút tiền. Khi đến đoạn ngõ vắng, yêu cầu xuống xe để đi lấy tiền nhưng sau đó cầm điện thoại bỏ chạy. Hành vi của Phạm Trung Đ phạm tội gì? Tôi cho rằng Đ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua nội dung vụ án với các quan điểm đưa ra chúng tôi cho rằng Phạm Trung Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS, với những lập luận sau: Điều 174 BLHS quy định: “1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng...”.

Từ quy định trên của điều luật, ta đi vào phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm qua những tình tiết của vụ án như sau:

+ Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trước hết phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư) qua nhiều hình thức khác nhau (gọi điện, nhắn tin qua điện thoại di động, qua mạng xã hội...) và qua các tài liệu, giấy tờ giả do mình tạo ra hoặc có thể bằng hành động… (ví dụ: người phạm tội nói là mượn phương tiện của người khác để phục mục đích sinh hoạt nhưng sau khi lấy được phương tiện đã đem bán lấy tiền tiêu xài không trả phương tiện cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản... Trong vụ án này, thủ đoạn gian dối của Phạm Trung Đ được biểu hiện rõ qua các hành vi, đó là:

Thứ nhất: Hành vi cắt ghép, chỉnh sửa hóa đơn điện tử với mục đích làm cho L tin là Đ đã chuyển số tiền 17.100.000 đồng vào tài khoản của T để mua điện thoại. Lúc này thủ đoạn gian dối của Đ nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại của L đã hoàn thành, nhưng tội phạm chưa hoàn thành vì sau khi L gọi điện thoại cho T để kiểm tra thấy tiền chưa vào tài khoản của T, nên L đã không giao điện thoại cho Đ.

Thứ hai: Khi Đ thấy L nghi ngờ nên không giao điện thoại cho mình, Đ tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối bằng cách bảo L chở đi xung quanh để lấy tiền mặt trả cho L, thực tế Đ không bảo L chở đến một nơi cụ thể nào để lấy tiền; rõ ràng Đ bảo L chở đi lấy tiền là do Đ nghĩ ra và nói cho L biết để L tin Đ sẽ mua điện thoại của mình chứ sự thật Đ không hề có chỗ nào để đến lấy tiền; không chỉ vậy thủ đoạn gian dối này còn nhằm mục đích để Đ một lần nữa tiếp cận được chiếc điện thoại của L sau đó tìm cách chiếm đoạt.

Thứ ba: Để tiếp cận được chiếc điện thoại của L, Đ lại tiếp tục gian dối bằng thủ đoạn bảo L đưa cho Đ chiếc điện thoại để Đ xem và kiểm tra lại. Do nghĩ việc mình đang chở Đ đi lấy tiền là thật nên L đã tin tưởng rằng Đ sẽ mua điện thoại của mình và đã đưa điện thoại cho Đ.

Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Như đã phân tích ở trên, vì mục đích chiếm đoạt bằng được chiếc điện thoại của L, Đ đã dùng hàng loạt các thủ đoạn gian dối để L đưa điện thoại cho mình; thực tế L đã tin Đ chỉ xem và kiểm tra lại điện thoại nên đã đưa cho Đ.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội. Trong vụ án này, sau khi L đưa cho Đ điện thoại, một lần nữa Đ lại dùng thủ đoạn gian dối là lợi dụng việc khi đi đến đoạn ngõ vắng Đ bảo L dừng xe lại để Đ xuống xe đi vay tiền trả L với mục đích bỏ chạy để chiếm đoạt chiếc điện thoại của L và thực tế khi L dừng xe lại, Đ đã cầm chiếc điện thoại bỏ chạy vào ngõ chứ không phải đi vay tiền như đã nói với L. Lúc này Đ đã chiếm đoạt được tài sản qua thủ đoạn gian dối của mình và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đ đã hoàn thành; việc Đ cầm chiếc điện thoại bỏ chạy vào trong ngõ chỉ là cách thức để chiếm đoạt được tài sản.

+ Dấu hiệu khác

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Giá trị chiếc điện thoại Iphone 11 Promax do Đ chiếm đoạt đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (kết luận định giá tài sản).

Đ thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng hành vi của Phạm Trung Đ đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Ninh Thanh

Th.s ĐỖ THANH XUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)