Đánh tráo linh kiện của người gửi xe phạm tội Trộm cắp tài sản

 Qua nghiên cứu bài viết “Tráo linh kiện của người gửi xe, tội gì?” của tác giả Đặng Duy Thanh đăng trên Tạp chí Tòa an nhân dân số ngày 08/6/2020, tôi đồng ý với quan điểm tác giả khi cho rằng các đối tượng Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Sơn, Ngô Hoàng Văn và Trần Tấn Phát phạm vào tội Trộm cắp tài sản.

 

Trước hết, theo Điều 175 BLHS, “tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, thì giữa người chiếm đoạt và người bị chiếm đoạt tài sản phải có giao kết hợp đồng và sự tín nhiệm. Ý thức khi giao kết ban đầu là ngay tình. Quá trình thực hiện hợp đồng, một bên nảy sinh ý muốn chiếm đoạt và có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của bên kia – đây là dấu hiệu đặc trưng của “lạm dụng tín nhiệm”. Hay nói một cách khác đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau khi có giao dịch hợp pháp của hai bên hay có được tài sản, người phạm tội mới có ý định chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung đưa ra trong bài viết Nam, Sơn, Văn và Phát“đã câu kết với các đối tượng bên ngoài” chứng tỏ đã có sự bàn bạc và có ý thức chiếm đoạt ngay từ ban đầu. Ngoài ra, giữa khách gửi xe và nhân viên trông xe là Nam, Sơn, Văn và Phát không có quan hệ hợp đồng gửi giữ, nhân viên chỉ là những người thừa hành, được thuê để trông giữ xe. Về pháp lý, họ chỉ có quan hệ hợp đồng với người thuê, nên không thể là chủ thể lạm dụng tín nhiệm. Giả sử có sự thông đồng giữa chủ bãi xe và nhân viên trông xe thì vẫn không phải là hành vi lạm dụng tín nhiệm mà chỉ có thể là hành vi lừa đảo hoặc trộm cắp.

Theo một số bạn đọc đã nhận định hành vi thay thế linh kiện của các nhân viên giữ xe Bệnh viện đa khoa khu vực A có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phân tích sau về các yếu tố cấu thành để xác định hành vi của 4 đối tượng giữ xe có phù hợp để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không hay phạm một tội khác?

Về cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể tại khoản 1 điều 174 Bộ luật hình sự như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Về chủ thể: Là bất kỳ người nào đủ năng lực chịu trách nhiệm hinh sự khi thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể, ở đây cần xác định được chủ thuê mướn nhân viên giữ xe, hay nhân viên giữ xe tự ý thực hiện hành vi đánh tráo linh kiện. Nếu nhân viên tự ý thực hiện thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu có sự chỉ đạo của chủ thuê mướn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức, hoặc đồng phạm.

– Về mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức được nhà nước bảo vệ. Hành vi tự ý thay linh kiện kém chất lượng ở đây đã có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh công cộng, an toàn xã hội. Nếu vụ án không có tình tiết đặc biệt thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên của các đối tượng Nam, Sơn, Văn và Phát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Về mặt khách quan: Để có thể thực hiện việc tháo và lắp linh kiện của xe thì rõ ràng người thực hiện hành vi phạm tội cần có thời gian, địa điểm, không gian phạm tội cụ thể, thông qua quá trình điều tra thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ vấn đề.

– Về mặt chủ quan: Việc thay thế linh kiện, phụ tùng trong ô tô nhằm hưởng lợi về vật chất trên cơ sở các linh kiện, phụ tùng ô tô của từng hãng, nhà sản xuất có giá trị khác nhau. Người thực hiện hành vi phạm tội ở đây thực hiện với lỗi cố ý, nhằm kiếm lợi ích cho bản thân mình. Đặc điểm, nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đây là người thực hiện hành vi phải có thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa bạn, làm cho bạn tin tưởng về công dụng thực sự của linh kiện, phụ tùng trong xe.

Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy ở đây là các đối tượng đã thực hiện hành vi không có sự lừa dối đối với người gửi xe, không làm cho người gửi xe tin tưởng vào công năng của chiếc linh kiện bị thay. Hay nói cách khác cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu đặc trưng là hành vi gian dối làm cho đối tượng bị hại tin tưởng giao tài sản cho các đối tượng nhằm chiếm đoạt. Như vậy, ở đây hành vi đánh tráo chiếc linh kiện trong xe ô tô của các đối tượng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo như đã phân tích.

Vậy hành vi của các đối tượng nêu trên sẽ phạm vào tội gì? Trên cơ sở các văn bản pháp luật và theo nhận định thì hành vi đánh tráo linh kiện, thiết bị trong xe được gửi giữ đủ để cấu thành Tội trộm cắp tài sản theo điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:”

Ở đây các đối tượng đánh tráo linh kiện trong ô tô đã thực hiện hành vi lén lút – lén lút tiếp cận tài sản, lén lút chiếm đoạt và lén lút cất giấu tài sản đã chiếm đoạt, bí mật làm cho người gửi xe không biết về hành vi chiếm đoạt đấy. Hành vi của các nhân viên trông giữ xe đã thể hiện rất rõ chuỗi dấu hiệu đó. Có thể thấy thời điểm nhân viên trông giữ “đưa xe vào khu vực bên trong cùng của bãi giữ xe, tại đây có một căn phòng có lỗ thông với bên ngoài” là đã hoàn thành hành vi trộm cắp tài sản, việc có lấy được phụ tùng hay không, không làm thay đổi bản chất hành vi. Hậu quả thiệt hại chỉ có ý nghĩa định khung phạt và mức bồi thường dân sự. Việc dùng phụ tùng “dỏm” tráo đổi sau khi hành vi chiếm đoạt đã hoàn thành, chỉ được xem là thủ đoạn nhằm che giấu.

Trên đây là quan điểm của tôi về tội danh trong vụ án này, rất mong nhận được sự trao đổi của quý bạn đọc.

Ths NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN (Giảng viên Khoa Luật – Trường Đại học An ninh nhân dân, Tp. HCM)