Đào tạo luật: Hai triết lý, hai hướng đi, hai mô hình, hai hệ quả khác nhau

Hai triết lý, hai hướng đi, hai mô hình, hai hệ quả khác nhau.

Luật pháp là ý chí giai cấp thống trị hay lương tri chung?

“Luật pháp là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận”, người ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau như vậy. Nhưng khi đi tiếp tục đào sâu: Các quy tắc xử sự này phản ánh ý chí của ai? thói quen của ai? thì hai triết lý khác nhau sẽ có hai câu trả lời khác nhau.

Triết lý thứ nhất1, cho rằng luật pháp phản ánh ý chí của giai cấp thống trị. Bởi vậy việc xây dựng dự thảo, ban hành pháp luật không cần tham vấn ý kiến nhân dân. Bởi không tham vấn nhân dân, nên pháp luật trở thành thứ “đường đột” với dân chúng, nên cần thành lập cơ quan phổ biến, tuyên truyền pháp luật để dân chúng biết, hiểu và làm quen với “ý chí của giai cấp thống trị”. Theo triết lý này, quá trình học luật chính là quá trình tìm hiểu ý chí của giai cấp thống trị; nếu pháp luật có điều gì chưa rõ thì hỏi lại “giai cấp thống trị” họ muốn gì khi ban hành quy tắc đó; nếu cần làm rõ nữa thì đề nghị cơ quan ban hành pháp luật giải thích pháp luật hay nói cách khác cơ quan giải thích pháp luật, theo triết lý này, không phải là tòa án mà chính là cơ quan lập pháp; cơ quan lập pháp nếu vì quá bận bịu việc kiêm nhiệm thì có thể ủy cho cơ quan hành pháp ban hành văn bản giải thích hướng dẫn. Bởi vậy, thay vì nghiên cứu các án lệ đằng sau mỗi điều luật – với các lý lẽ của thẩm phán, thì sinh viên trong hệ thống này sẽ nghiên cứu hàng chục văn bản hướng dẫn đằng sau một điều luật.

Phương pháp diễn dịch dùng để diễn giải “ý chí giai cấp thống trị” sẽ được sử dụng trong các hệ thống giáo trình; người học sẽ phải chấp nhận và thuộc lòng các khái niệm, định nghĩa, nguyên tắc mà ít khi trải qua quá trình lập luận, so sánh, dẫn dắt để thấy được một cách giải quyết đúng bên cạnh những cách giải quyết sai hoặc không sai nhưng không tối ưu. Sản phẩm của mô hình đào tạo này là các sinh viên ra trường học thuộc lòng rất giỏi, biết, nhớ các quy định của luật viết – được hiểu là hiện thân của ý chí giai cấp thống trị và sẽ lúng túng nếu luật thực định không cầm tay chỉ việc; sẽ không quen với việc áp dụng tương tự pháp luật; hay bất lực khi phải tìm kiếm giải pháp pháp lý để bảo đảm công lý trong một tình huống, vụ việc cụ thể. Sản phẩm đầu cuối là một số bản án “phù hợp pháp chế” nhưng chưa chắc đã phù hợp với “lẽ công bằng”.

Triết lý thứ hai2, cho rằng luật pháp phải phản ánh mong muốn, ý chí của nhân dân. Các quy tắc xử sự giữa con người với con người được hình thành và chọn lọc một cách tự nhiên cùng với quá trình tiến hoá của loài người; quy tắc nào không phù hợp làm cho cộng đồng đó tàn lụi thì hoặc cộng đồng đó tự điều chỉnh quy tắc hoặc bị cưỡng bức từ bên ngoài bởi một cuộc xâm lược, thôn tính, thậm chí là rơi vào diệt vong; chứ không phải đơn giản là phép cộng đại số, chia trung bình các mong muốn của hàng chục triệu thành viên trong một quốc gia. Để cho giản dị, triết lý này gọi các mong muốn, chuẩn mực chung này là lương tri chung, nhận thức chung (common sense). Bởi luật pháp được coi là ý chí nhân dân, những quy tắc xa lạ với cuộc sống dân chúng sẽ không được chấp nhận trở thành quy tắc luật pháp; quá trình xây dựng pháp luật phải công khai, tham vấn ý kiến nhân dân; dự thảo đưa ra không phù hợp với ý chí, lợi ích của nhân dân thì phải điều chỉnh. Và ngay cả sau khi ban hành, nếu điều luật có nhiều cách hiểu khác nhau thì thẩm phán phải lựa chọn cách hiểu nào phù hợp với lợi ích nhân dân, phù hợp với cách hiểu, cách xử sự của người bình dân.

Bởi vậy, quá trình học luật, đào tạo luật, áp dụng pháp luật là quá trình phát hiện, quy nạp, khái quát để xác định ý chí nhân dân, lựa chọn cách giải thích luật sao cho tối ưu hóa lợi ích của nhân dân – vốn là một tập hợp số đông. Đào tạo luật trong mô hình theo triết lý này sẽ chú trọng các môn logic pháp lý, luận lý pháp luật (legal resonning) và chú trọng tư duy quy nạp, giảng dạy bằng phương pháp socratic để người học tự đúc rút ra quy luật, tự khái quát nên khái niệm, tự đặt ngược vấn đề, tự phản biện, để tìm ra phương án điều chỉnh pháp luật tối ưu, bên cạnh tư duy diễn dịch; cho người học hiểu về các quy luật kinh tế, tâm lý, lịch sử trước khi dẫn dắt người học đến các khái niệm trừu tượng. Triết lý này không cho phép làm luật một cách tuỳ tiện và rồi chính chủ thể làm luật đứng ra giải thích luật một cách tuỳ tiện, nên đã trao cho thẩm phán quyền giải thích pháp luật – vốn là chủ thể được thiết kế lựa chọn một cách độc lập, khách quan; đòi hỏi có chuyên môn cao3. Triết lý này coi án lệ là nguồn luật bổ sung khắc phục những khiếm khuyết của luật viết. Bởi vậy, triết lý này sẽ dẫn tới mô hình đào tạo luật  chú trọng giảng dạy về án lệ, chú trọng về khả năng tư duy, lập luận; không nặng về học thuộc lòng.

“Hiểu đời” rồi đi học luật hay học luật trước “hiểu đời” sau

Triết lý thứ nhất hiểu luật pháp là ý chí giai cấp thống trị, thì chỉ cần giỏi ngôn ngữ và đặt mình vào lợi ích của giải cấp thống trị, gần gũi với các bài nói viết của chính trị gia là sẽ hiểu luật, nhớ luật. Nên triết lý thứ nhất, chọn các học sinh phổ thông vào học luật. Và chính họ – vốn chưa có nhiều trải nghiệm về cuộc sống – sẽ dễ dàng chấp nhận cách giảng dạy áp đặt, coi mọi định nghĩa, nguyên tắc trong giáo trình là mặc nhiên đúng – bởi không có thói quen và cũng không có khả năng tự chất vấn, tự phát hiện ra mâu thuẫn. Rõ ràng, lựa chọn mô hình đào tạo này sẽ vô cùng thuận lợi cho việc đưa tư tưởng, ý chí của giai cấp thống trị vào đầu óc trẻ thơ và có thể đạt được hiệu quả không chỉ giáo dục lý trí mà hiệu quả tình cảm, cảm xúc, cuồng nhiệt. Kết quả đào tạo của triết lý này sẽ hình thành nên một thế hệ sinh viên ra trường nỗ lực “đưa pháp luật vào cuộc sống”, nỗ lực áp dụng các định nghĩa của sách vở vào cuộc sống muôn hình vạn trạng. Và điều gì chưa được học, không có quy định rõ ràng trong luật thành văn thì sẽ “thỉnh” ý kiến cấp trên.

Triết lý thứ hai đòi hỏi phải “đưa cuộc sống vào pháp luật”; luật pháp chỉ là ngôn từ pháp lý diễn đạt các quy luật cuộc sống; bởi vậy phải “hiểu đời” mới được phép đi học luật. Các kỹ sư cầu đường thành thạo sẽ học luật giao thông; cử nhân kế toán đi học luật thuế; cử nhân quản trị kinh doanh học luật công ty… sẽ không chỉ hiểu luật, thấm luật mà còn có thể tự phát hiện những bất cập của pháp luật; phát hiện “vênh” giữa luật và cuộc sống. Triết lý này biểu hiện ra thành hai mô hình đào tạo con trong đó: Mô hình châu Âu lục địa áp dụng chương trình diploma dài 5 -6 năm và đào tạo sinh viên cả hai khối kiến thức “đời” và“luật”. Mô hình Common Law, đặc biệt Hoa Kỳ, áp dụng chế độ chỉ được phép đi học luật sau khi tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư một ngành nghề nào đó (nên người học luật theo mô hình này khi tốt nghiệp được gọi là JD juris doctor – chứ không phải là cử nhân). Các cơ sở đào tạo luật theo triết lý thứ hai cho ra trường những sinh viên “thạo đời”, “thạo luật” để có thể ngay lập tức bổ nhiệm thành thẩm phán, hay hành nghề luật sư mà không cần trải thêm một kỳ đào tạo nào nữa. Những thẩm phán và luật sư chất lượng cao sẽ góp phần giảm tỷ lệ “án oan” ở quốc gia theo đuổi triết lý đào tạo này.

Học đi đôi với hành hay chia thị phần đào tạo?

Xã hội nào cũng hô hào “học đi đôi với hành”, song sự kết hợp này trong thực tế như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào triết lý mà xã hội đó theo đuổi.

Triết lý thứ nhất coi pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị, quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị phải thống trị xã hội trên cả ba phương diện: chính trị, kinh tế, tư tưởng. Để thống trị về mặt tư tưởng thì các trường đại học, giảng viên, phụ huynh sẽ bị hạn chế quyền lựa chọn môn học, nội dung học và giảng viên sẽ có bổn phận “vị nhà nước”, cao hơn bổn phận “vị người học”. Bởi vậy, trong mô hình này giảng viên có địa vị là công chức, sau đó là viên chức. Vì quan niệm này, dẫn tới triết lý thứ nhất không cho phép giảng viên hành nghề luật sư, kiêm nhiệm thẩm phán. Bởi vậy, mô hình đào tạo luật theo triết lý thứ nhất thường yếu về thực hành, thiếu va chạm thực tiễn, dạy luật theo kiểu “mổ tim trên giấy”. Bù đắp cho sự thiếu hụt này, mô hình đào tạo theo triết lý thứ nhất thiết kế ra chương trình đào tạo thực hành 18 tháng tách biệt sau áp dụng đối với cử nhân pháp lý muốn trở thành luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên. Theo mô hình này, các đại học chỉ “xuất xưởng” cái khung xe; muốn vận hành được, khổ chủ lại phải tự bỏ tiền ra lắp thêm vỏ xe, ruột xe để có thể hành nghề. Việc cắt khúc này tạo ra thị phần “đào tạo giai đoạn hai”. Và khi đặt thị phần “đào tạo giai đoạn hai” trong bối cảnh mỗi trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc một cơ quan chủ quản, bộ chủ quản khác nhau, thì cơ quan chủ quản nào cũng muốn giành phần “đào tạo giai đoạn hai” này về phía mình; từ một cơ sở đào tạo duy nhất, việc đào tạo hành nghề này bị chia tách làm ba nhánh.

Triết lý thứ hai coi trọng quyền tự do tư tưởng, tự do nghề nghiệp, tự do lao động. Bởi vậy không có ai có quyền áp đặt tư tưởng, nghề nghiệp lên người khác; mỗi người phải tự chịu rủi ro về việc làm của mình thì phụ huynh, sinh viên có quyền chọn học cái gì, học như thế nào, học ai để có việc làm tốt nhất và kéo theo là đòi hỏi về tự chủ đại học. Và phụ huynh,  sinh viên nào cũng muốn khi “xuất xưởng” mình là một sản phẩm hoàn thiện, sử dụng được ngay lập tức. Bởi vậy, họ không chấp nhận việc tách rời đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành thành hai công đoạn được thực hiện bởi hai đơn vị đào tạo biệt lập. Sự kết hợp “học đi đôi với hành” không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu án lệ, nội dung đào tạo, mà người giảng viên cũng phải dày dặn kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề. Để đạt được mong muốn này họ cho phép các giảng viên đồng thời là đại luật sư, kiêm nhiệm thẩm phán4. Triết lý thứ hai không chỉ thúc đẩy kết hợp “học với hành” trong giảng đường, mà còn thúc đẩy việc áp dụng các học thuyết pháp lý trong quá trình xét xử các vụ án tại toà, thúc đẩy các bản án tiệm cận công lý, sáng tạo giải pháp khi án lệ và luật viết không đủ tạo ra lẽ công bằng cho vụ án.

Chưa cần bàn tới việc hai triết lý khác nhau sẽ tác động khác nhau tới mô hình tổ chức tòa án, mô hình bồi thẩm đoàn hay hội thẩm nhân dân, các nguyên tắc tố tụng, mà hai triết lý khác nhau này đã dẫn tới hai mô hình đào tạo luật khác nhau, hai quy trình “sản xuất khác nhau”,  với chất lượng sản phẩm, tỷ lệ “lỗi sản phẩm” khác nhau. Và tỷ lệ “sản phẩm đào tạo lỗi” sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ “án oan” ở mỗi quốc gia tương ứng. □

Theo Tiasang.com.vn
—-
1Triết lý này thịnh hành ở Liên Xô trước đây và phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ bao cấp và một số vết tích vẫn kéo dài, lưu giữ trong các giáo trình luật học cho đến tận ngày nay.
2 Triết lý này được từng bước khôi phục khá vững chắc tại Điều 2, Điều 102 Hiến pháp 2013 và Điều 6 Bộ Luật Dân Sự 2015.
3 Thẩm phán thì chí ít phải là cử nhân pháp lý, còn đại biểu thì có thể mù chữ (phổ thông) vẫn có quyền ra ứng cử.
4 Ví dụ GS Jodan của Khoa Luật, Đại học Tự do – Berlin đã kiêm nhiệm làm Chánh án Toà hiến pháp Bang Berlin từ 2000 – 2006, xem tại  http://www.jura.fu-berlin.de/fachbereich/einrichtungen/oeffentliches-recht/lehrende/sodans/index.html

 

VÕ TRÍ HẢO