Đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát với các trường đào tạo ngành Luật

Sáng 29/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo. Đây là cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo do Trưởng ban - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Cùng dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tại cuộc họp, Ban Nội chính trung ương đã nêu ý kiến thẩm tra các báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định 549/QĐ-TTg, tháng 4-2013 phê duyệt đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật hà Nội, Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Cùng với đó là tổng kết việc thực hiện Quyết định 2083/QĐ-TTg, tháng 11-2013 phê duyệt đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và đề án mới “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật;" “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.

Chủ tịch nước cũng nhận xét, việc thực hiện hai đề án trên còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, một số lĩnh vực chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo…

Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện hai đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới. Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với hai Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật;" “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp."

Riêng đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật," Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng lại theo định hướng mà các thành viên của Ban Chỉ đạo đã góp ý. Theo đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình … từ đó đối chiếu, rà soát. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này.

Đặc biệt, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lưu ý đến yêu cầu về đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Đại học luật Hà Nội; Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viên Tư pháp sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, có chất lượng cao. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo theo hướng: Nhà nước đưa ra các tiêu chí đào tạo đi đôi với kiểm định chất lượng chặt chẽ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương chung là Đảng, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch nước đề nghị, quá trình thực hiện cần chú ý đến việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo này phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát và các trường để phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động thực tế của các chức danh tư pháp và pháp luật trong đời sống thực tiễn./.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phát biểu. Ảnh: VGP

THÁI VŨ