Đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân và hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân

Sáng ngày 26/4, tại tỉnh Vĩnh Phúc, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng”. PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các  Phó Chánh án TANDTC, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC ; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Hội thảo diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm cho các TAND sẵn sàng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong của thời kỳ hội nhập; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng hợp ý kiến của các đại biểu, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao nhận thấy: qua hơn 6 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn tồn tại một số bất cập từ tổ chức, hoạt động của TAND các cấp; về biên chế; về chế độ chính sách đối với Thẩm phán và các chức danh tư pháp; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp.

Chiều cùng ngày, TAND tối cao tiếp tục tổ chức Hội thảo Hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tại hội thảo các đại biểu khẳng định trong thời gian qua, Hội thẩm nhân dân đã tham gia rất tích cực vào công tác xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

 

Hội thảo Hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác của các Tòa án, đặc biệt là qua phối hợp theo dõi việc quản lý tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân cũng cho thấy một số bất cập về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân; về việc bảo đảm trình độ của Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu xét xử… Xuất phát từ thực trạng nêu trên, TAND tối cao đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.

 

Đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những ưu điểm của chế định về Bồi thẩm đoàn; chỉ ra những ưu, nhược điểm của từng chế định, khả năng áp dụng những ưu điểm của chế định Bồi thẩm đoàn để áp dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, TAND tối cao sẽ tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân, đưa ra những giải pháp căn cơ, mang tính đột phá cho việc hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

 

PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị,  Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

NGUYÊN ANH