Xuân về đào mai đua sắc

Hoa đào, hoa mai là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, trải qua bao thời gian khắc nghiệt nhưng sức sống vẫn tràn đầy, mang sắc xuân tô điểm cho cuộc sống. Theo quan niệm từ xưa, hoa mai là biểu tượng cho sự may mắn của một năm, hoa đào được xem là một loại cây dùng để trừ tà, đuổi quỷ mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ.

 Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội.

Ý nghĩa của hoa đào

Cây hoa đào có tên khoa học là Prunus persica, là loại cây thân gỗ nhỏ, lá hình mũi mác và sớm rụng, hoa nở vào đầu mùa xuân trước khi ra lá. Nếu như văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của quả Đào thì văn hóa Việt Nam chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của hoa Đào.

 Hoa đào 

Ở nước ta hiện nay có bốn giống hoa Đào. Phổ biến nhất là Bích Đào, tán rộng, hoa kép rải đều khắp các cành, kể cả cành tăm nhỏ xíu với màu đỏ hồng đầy hương sắc rực rỡ, kiêu sa, thường để trang trí ở phòng khách, văn phòng, công ty... đón mừng năm mới với ý nghĩa đem đến sự thịnh vượng, tràn đầy tài lộc. Bích Đào có thể chơi chậu lớn, cắt cành to cắm lọ lộc bình lớn trưng bày ở phòng khách hoặc cành nhỏ - gọi là đào dăm - để cắm trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết đều đẹp.

Giống đào có hoa màu nhạt, phơn phớt hồng, gọi là Đào phai. Đào phai có loại cánh kép, có loại cánh đơn, trông mỏng manh và thanh nhã cũng được trồng và chơi nhiều vào dịp Tết. Với sắc màu phớt hồng nhẹ nhàng đầy tinh tế, nét đặc trưng của mùa xuân, những nụ hoa chúm chím hé nở và nhiều lộc non tràn đầy đem đến sự may mắn và tài lộc.

 Cặp đôi linh vật rắn ''Kim Tỵ, Ngân Tỵ'' tại cổng chào đường hoa Nguyễn Huệ 2025

Đào Thất thốn hay còn gọi là Đào Tiến vua đã có từ rất lâu đời nên ý nghĩa cái tên Thất thốn cũng có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng, tên gọi Đào Thất thốn là do cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi “thốn” bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ “thất”. Cũng có người cho rằng, Đào Thất thốn là loại đào cao hơn mặt đất chỉ chừng 7 tấc (khoảng hơn 1m), phải trồng đến năm thứ 3 mới đơm hoa. Cây có gốc xù xì, lá xanh mướt, hoa đỏ thẫm đầy sức sống. Đào Thất thốn ra hoa kép, mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, mỗi bông to có đường kính lên tới 4-5cm. Đặc biệt, những bông hoa kép có thể có tới 30-50 cánh/bông nên đặc biệt quý hiếm. Vào ban đêm, hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được. Giống đào này rất khó chăm sóc nên được bán với giá đắt.

Một giống đào khác thường được gọi là Đào rừng. Đây là loại Đào ăn quả có hoa đơn 5 cánh cứng cáp màu phớt hồng, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn. Loại Đào này được mang về từ các vùng rừng núi Tây Bắc như: Mộc Châu, Sơn La… phủ sắc hồng trên các vạt rừng, báo hiệu mùa xuân về.

 Du khách nước ngoài tại chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội.

Sức sống hoa Đào và sự sinh sôi nảy nở trong nó tượng trưng cho sự an khang thịnh vượng, phát triển trường tồn của mỗi cá nhân và gia đình. Hoa Đào cho con người niềm tin hơn vào sự sống vĩnh hằng và sự phát triển của tương lai.

Cho đến bây giờ, nguồn gốc của hoa Đào vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho là nó có nguồn gốc ở xứ Ba Tư xa xôi. Người thì cho rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay hoa Đào có mặt nhiều nơi trên đất nước ta, đặc biệt là ở miền Bắc, mỗi khi Tết đến xuân về và không thể phủ nhận được rằng hoa Đào là loài hoa mang đến linh hồn cho ngày Tết cổ truyền của người Việt.

Với hình dáng đẹp, sắc hoa rực rỡ, lá xanh mơn mởn, lộc non tràn đầy và chỉ nở vào mùa xuân dịp Tết cổ truyền, nên hoa Đào được nhiều người lựa chọn làm một trong những loại cây để trang trí nhà cửa, văn phòng... trong dịp đón mừng năm mới với mong muốn tạo thêm sự may mắn, vượng khí và sung túc cho cả năm làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

Ý nghĩa của hoa mai

Cây mai thuộc họ Ochnaceae, có tên khoa học Ochna integerima còn được gọi là cây hoàng mai, rất được ưa thích vào ngày Tết Cổ Truyền ở miền Nam Việt Nam.

 Hoa mai

Tại Việt Nam, loài này phân bố tự nhiên nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa. Loài hoa này cũng có nhiều tại các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long, tại cao nguyên cũng có song số lượng ít hơn.

Là cây đa niên, có thể sống trên một trăm năm, gốc to rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen. Ngoài thiên nhiên, cây mai tự rụng lá vào mùa Đông và ra hoa vào mùa Xuân. Do đó, ông cha chúng ta đã lảy hết lá vào tháng chạp âm lịch, để kích thích cho cây mai ra hoa rộ vào dịp tết Nguyên đán.

Cây mai có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo sách “Trân hương bảo ngự” của Phí Cung Ấn, đời Minh chép rằng: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi”. Nghĩa là Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh, Trụ vương thường đội tuyết cùng ngấm. Như vậy, cách đây đã hơn 3000 năm, cây mai đã có mặt trên đất nước Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn nặng tình với mai từ lâu và xem Mai, Tùng, Cúc thuộc nhóm “Tuế tàn tam hữu”. Ý nói chịu được tuyết lạnh chẳng khác bật trượng phu khí tiết vững vàng, chịu được mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Đường hoa Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh Tết 2025. 

Yêu mai, người Trung Quốc xem hoa mai là quốc hoa, cũng như hoa đào là quốc hoa của người Nhật, có lẽ vì vậy mà họ đặt tên cho mai khá cầu kỳ. Theo sách “Mai phổ” thì loại hoa mai có sáu cánh tròn đẹp như hoa thuỷ tiên nên gọi là “Thủy tiên mai”, hoa có từng cặp gọi là “Uyên ương mai”, gọi hoa màu đỏ hồng gọi là “Yên chi mai”, mai có đài hoa màu xanh đậm gọi là “Lục ngạc mai”…Nhưng tựu chung cũng nằm trong 4 loại chính: Bạch mai: Sắc trắng như tuyết; Hồng mai: Sắc hồng như máu; Thanh mai: Sắc vàng tươi hay vàng đậm; Mặc mai: màu đen hay tím đen (loại này không thấy trồng phổ biến).

Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam. Cây mai sinh trưởng và phát triển mạnh, có tuổi thọ cao và nếu được chăm sóc chu đáo sẽ cho hoa nhiều và có màu sắc đẹp. Cây mai mỗi năm rụng lá một lần vào cuối mùa Đông (tháng 1 – tháng 2 Dương lịch) và nở hoa vào đầu mùa Xuân, chỉ riêng mai Tứ Qúy là nở hoa quanh năm.

 Đường hoa Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh Tết 2025.

Đã từ lâu hoa mai đã được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho những gì đẹp đẽ thanh tao. Mỗi khi hoa mai nở rộ là lúc lòng người hớn hở nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về. Hoa mai và ngày xuân là một biểu tượng không thể thiếu cho phần lớn các sắc dân cư ngụ trong vùng Á Châu. Đã từ lâu hoa mai đã đóng một vai trò quan trọng trong văn học Á Đông, đó là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao danh nhân.

Thời tiết, khí hậu

Mai thuộc loại dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể sống trong chậu hoặc ngoài đất. Cây ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Cây mai phát triển tốt ở nhiệt độ từ 28°C trở lên, thích hợp thời tiết cuối năm của miền Nam và Nam Trung bộ, vì không khí Tết tại miền Bắc thường có nền nhiệt chỉ khoảng trên dưới 20°C.

Trái lại, cây đào chỉ ưa không khí lạnh như miền Bắc, rất khó nở hoa nếu trồng nơi nóng nực. Ngoài ra, trước kia dịch vụ vận chuyển hoa tươi từ miền Bắc vào miền Nam chưa phát triển nên người dân ưu tiên chọn cây hợp thời tiết địa phương để trưng, ngắm trong những ngày Tết, lâu dần hình thành phong tục riêng của từng vùng.

Phong tục, tập quán

Cây mai là một trong tứ quý: tùng, trúc, cúc, mai và thường xuất hiện trong thơ ca, nghệ thuật. Theo quan niệm của người miền Nam, hoa mai vàng tượng trưng cho yếu tố thổ - trung tâm của ngũ hành và cùng màu với kim tiền, đại diện cho sự cao sang, phú quý.

 Hoa đào Nhật Tân, Hà Nội

Không chỉ vậy, cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão. Bởi vậy mà mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt nói chung.

Chính vì những lý do đó mà cứ vào mỗi dịp Tết, người miền Nam thường chọn trưng hoa mai vàng với mong muốn mang đến nhiều điều may mắn, mong ước về một năm mới trọn vẹn, bình an.

Vẻ đẹp tươi thắm và sắc độ của hoa đào từ xưa đến nay đã được xem như tinh hoa ngũ hành của trời đất. Ý nghĩa của đào trong phong thủy chính là nó có thể giúp xua đuổi bách quỷ cùng những điều không may, từ đó mang lại cho con người một năm mới bình yên và hạnh phúc.

Theo quan niệm của người miền Bắc, hoa đào kị bách quỷ, vì thế rất dễ thấy nhiều nhà thường trồng hoa đào trước cửa không chỉ vào dịp Tết đến xuân về.

Đặc biệt, hoa đào còn tượng trưng cho vẻ đẹp của người con gái miền Bắc, có gì đó e ngại nhưng lại vô cùng thướt tha, dịu dàng.

Vì những lý do ấy mà người miền Bắc sẽ lựa chọn hoa đào vào với mong ước cầu chúc cho một năm mới may mắn, an khang, thịnh vượng.

KHẢI HOÀN