Gắn bó với Tạp chí từ thời sinh viên
Tạp chí TAND điện tử xin giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Cường - người đã gắn bó với Tạp chí TAND một cách đặc biệt. Ông say mê đọc tạp chí từ thời sinh viên; khi ra trường về công tác tại TANDTC, từ tháng 4/1984 đến tháng 4/1989 ông làm biên tập viên và 14 năm sau ông giữ cương vị cao nhất của Tạp chí là Tổng Biên tập.
Người Thầy trong thời gian học đại học
Năm 1978, khi học năm thứ ba của khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi bắt đầu tìm đọc Tập san Tòa án nhân dân (tên gọi của Tạp chí Tòa án nhân dân thời gian này), vì bắt đầu từ năm học này mới học các môn luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... Khi đó, các tài liệu học tập rất ít, vì vậy Tập san Tòa án nhân dân là tài liệu rất bổ ích đối với tôi. Các bài phân tích về các tội phạm (các tội được quy định trong Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, Pháp lệnh Bảo vệ rừng), các bài bình luận án, các bài rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án và các bài trả lời bạn đọc là những bài tôi chú ý đọc nhất.
Nếu các bài giảng về hình luật thường là khái quát, thì các bài phân tích về các tội phạm lại rất chi tiết với những ví dụ cụ thể , nên giúp cho người đọc nắm được rõ cấu thành của các tội phạm ,nhớ bài học tốt hơn rất nhiều.
Các bài bình luận án thường có hai phần, phần đầu nêu tóm tắt nội dung bản án bị hủy, phần thứ hai là lời bình luận chỉ rõ những thiếu sót của bản án đó, như: áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không đúng, đánh giá chứng cứ sai dẫn đến kết tội oan, xác định không đúng tài sản chung của vợ chồng khi giải quyết án ly hôn… Với một sinh viên luật thì những bài viết này là thực tiễn xét xử phong phú. Có thể nói đọc những vụ án này rất hấp dẫn.
Các bài rút kinh nghiệm về việc giải quyết các vụ án thường nêu một số vụ án có thiếu sót để rút ra kinh nghiệm chung trong giải quyết loại án được nêu ra. Đây cũng là loại bài có tính thực tiễn rất cao.
Tập san còn đăng những bài “rất nghiệp vụ Tòa án” như kinh nghiệm viết bản án, kinh nghiệm ghi biên bản phiên tòa hình sự.
Mục trả lời bạn đọc thì rất phong phú, về nhiều vấn đề, như: thế nào là có họ trong phạm vi ba đời, cấp dưỡng con ngoài giá thú, về chống án, về xác định tội danh đối với một việc cụ thể, về xếp và tạm xếp vụ kiện dân sự (sau này BLTTDS quy định là đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự… Tóm lại mục này là trả lời các câu hỏi của cán bộ Tòa án về những vấn đề cụ thể trong thực tiễn công tác .
Đã trên 40 năm trôi qua, tôi không thể nhớ được cụ thể những bài tôi đã đọc trên Tập san Tòa án, chỉ có thể nói rằng nhờ đọc Tập san mà tôi đã có được cái mà nhiều người thường gọi đó là “thực tiễn công tác xét xử”. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong công tác sau này. Khi ra trường, đầu năm 1981, tôi về nhận công tác tại Vụ nghiên cứu pháp luật TANDTC và được đưa về tập sự (làm thư ký tòa án) tại Tòa án nhân dân tỉnh Q.N. Ở đây, một nửa thời gian tôi tập sự ở Tòa án thị xã, nửa thời gian còn lại tập sự ở Tòa án tỉnh, ở mỗi Tòa án thì một nửa thời gian tập sự ở bộ phận Dân sự và một nửa thời gian ở bộ phận Hình sự.
Ở Tòa án thị xã, án Dân sự chủ yếu là án hôn nhân –gia đình. Tôi làm nhiệm vụ nhận đơn, thụ lý đơn, triệu tập đương sự, giúp Thẩm phán lấy lời khai của đương sự, đến nơi cư trú hoặc công tác của đương sự điều tra vụ kiện (về tình trạng hôn nhân, con cái, tài sản ), tham gia cùng Thẩm phán hòa giải . Thời gian tôi làm việc ở đây, không có vụ nào phải đưa ra xét xử mà chủ yếu là hòa giải đoàn tụ thành và công nhận thuận tình ly hôn.
Khi ở bộ phận Hình sự, tôi làm các công việc như: nhận hồ sơ (kiểm tra hồ sơ có đủ bút lục, tài liệu hay chưa ), báo cáo Thẩm phán rồi thụ lý hồ sơ vụ án; tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án (xem xét đã có đầy đủ chứng cứ hay chưa, vai trò của từng bị cáo trong vụ án…); khi đã có lịch phiên tòa thì triệu tập những người tham gia phiên tòa, mời Hội thẩm nhân dân và phục vụ họ nghiên cứu hồ sơ vụ án tại cơ quan; tại phiên tòa thì ghi biên bản phiên tòa, cấp trích lục án cho bị cáo khi phiên tòa kết thúc; giúp Thẩm phán dự thảo bản án. Sau đó, nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì hoàn thiện hồ sơ gửi lên Tòa án tỉnh.
Thời gian tập sự ở Tòa án tỉnh cũng làm những công việc tương tự như ở Tòa án thị xã, nhưng về dân sự thì chủ yếu là phúc thẩm nên thường giúp Thẩm phán dự thảo bản án. Về hình sự thì ở Tòa án tỉnh, hồ sơ vụ án thường nhiều bút lục và tài liệu hơn, phải chú ý các lệnh tạm giam còn hay hết hạn, kiểm tra các vật chứng đi kèm hồ sơ… Tại đây, tôi cũng ghi biên bản phiên tòa và làm những công việc sau khi kết thúc phiên tòa như ở Tòa án thị xã.
Có thể nói thời gian tập sự là phải thực hiện các công việc như một Thư ký tòa án thực sự. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức học được từ Tập san Tòa án nhân dân mà một người vừa rời ghế nhà trường như tôi không cảm thấy bỡ ngỡ, đã thực hiện các công việc của mình một cách rất tự tin và được các chú các anh chị ở cả hai Tòa án đánh giá cao. Đối với tôi, Tập san Tòa án nhân dân đúng là người Thầy trong thời gian học đại học của tôi và sau này là động lực để tôi ham mê công việc chuyên môn.
Tôi làm biên tập viên Tạp chí
Từ tháng 4/1984 đến tháng 4/1989 tôi làm biên tập viên Tạp chí TAND, khi đó Tạp chí có tên là Tập san Tòa án rồi sau đó đổi tên là Tập san Tòa án nhân dân. Tập san là một đơn vị cấp phòng, có Trưởng phòng và 6 “cán bộ “ ( 3 người làm bên trị sự và 3 người làm bên nội dung, sau đó một người chuyển đi đơn vị khác nên chỉ thường xuyên có hai người). Tập san do một Phó chánh án TANDTC phụ trách. Thời gian này Tập san ra hai tháng một kỳ 32 trang in ti-pô.
Ông Ngô Cường hồi làm biên tập viên Tạp chí
Công việc của tôi là biên tập bài, đặt bài với cộng tác viên và trực tiếp viết bài cho Tập san. Đối với việc biên tập thì trước hết phải đọc xem bài có phù hợp với tôn chỉ của Tập san không? Nếu phù hợp nhưng cách trình bày chưa đạt thì gặp trao đổi trực tiếp với tác giả ở Hà nội hoặc viết thư cho tác giả ở địa phương, đề nghị họ sửa. Nói chung các tác giả đều cho ý kiến là cứ tùy ý sửa bài giúp họ.
Đôi khi có bài phải viết lại toàn bộ và vẫn đứng tên tác giả, nhưng sau đó ở bài khác thì tác giả đề nghị tôi cùng đứng tên. Có một kỷ niệm về việc này mà tôi vẫn nhớ, ấy là một lần anh Nguyễn Doãn Mùi ở tòa Dân sự TANDTC đưa tôi xem một bài viết của anh, sau khi đọc , tôi liền gặp và trao đổi lại với anh để đặt lại tít bài và thể hiện lại bài viết, anh hoàn toàn đồng ý, và bài viết “Ngôi nhà tre là của ai?” của anh đã đăng trên Tập san. Sau việc này anh rất chăm viết bài cho Tập san và lần nào gặp tôi trước mọi người, anh cứ nói ầm lên: “Ngô Cường là thầy của tôi trong việc viết bài” . Qua công việc của mình, tôi nghĩ để có thể biên tập được bài vở về công tác xét xử, đòi hỏi phải đọc các hướng dẫn của TANDTC, các kết luận của Chánh án TANDTC tại các hội nghị tổng kết công tác, trao đổi với các Thẩm phán, các cán bộ ở bộ phận Giám đốc kiểm tra…
Về đặt bài cho Tập san thì lãnh đạo Tập san hầu như chưa bao giờ nêu yêu cầu cụ
thể cho cộng tác viên cần phải viết bài gì, có lẽ lần duy nhất tôi được giao đặt bài cụ thể là đặt với bác Vũ Tá Lân viết bài kỷ niệm 25 năm ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân ( 1960-1985 ), nhưng bác lại viết “ Một số tư liệu về 40 năm xây dựng tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân “, vì vậy bên cạnh bài viết của bác thì tôi “đành phải” viết bài “Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 kế thừa và phát triển Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960” (lấy tên Hải Ninh ) để cùng đăng trên mục kỷ niệm này. Ngoài trường hợp đặt bài “chỉ định” vừa nêu, tôi đều trực tiếp gặp các cộng tác viên tiềm năng trao đổi để mong nhận được bài trong một ngày nào đó. Có thể kể đến đó là các bác Vũ Như Giới, Võ Thọ, Ngô văn Thâu, Tiết Văn Nghi… các anh chị Phạm Hồng Hải, Võ Khánh Vinh, Vũ Thư, Nguyễn Trung Tín, Lâm Minh Hạnh, Nguyễn Vạn Nguyên, Phạm Huỳnh Công… Thời đó phương tiện liên lạc rất hạn chế, chỉ có điện thoại cố định ở các cơ quan, do đó tôi thường phải đạp xe đạp đến nhà hoặc nơi làm việc của họ.
Những cuộc trao đổi đó nhiều khi không “thu” được bài nào nhưng thu được rất nhiều điều bổ ích về chuyên môn cũng như về cuộc sống. Tôi nhớ có lần trao đổi với bác Võ Thọ, bác phản biện rất gay gắt về quy định của BLHS trao cho VKS thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chữa bệnh, đại ý bác nói: Thẩm quyền này chỉ thuộc Tòa án thôi, trao cho cả VKS là không đúng. Nhưng khi bác gửi bài viết “Bắt buộc chữa bệnh, một biện pháp cưỡng chế nhân đạo được quy định trong luật hình sự”, thì bác viết rất ôn hòa, có tình, có lý. Đây là kinh nghiệm rất quý mà tôi học được từ bác.
Về công việc viết bài cho Tập san, có một lần tôi được giao viết về một vấn đề cụ thể là về xét xử gián điệp TQ. Tôi đã phải tham dự các phiên tòa ở Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, đọc cáo trạng của các vụ án… mà nghĩ mãi không biết viết thế nào, nhưng rồi cũng viết được bài “Qua xét xử một số vụ án gián điệp TQ”, chủ yếu miêu tả âm mưu và thủ đoạn của bọn gián điệp này. Ngoài lần này ra thì “tự do” nghiên cứu viết bài. Để làm được việc này tôi thường tìm đọc kết quả kiểm tra của bộ phận giám đốc - kiểm tra, các kháng nghị giám đốc thẩm để viết những bài có tính chất bình luận án hoặc rút kinh nghiệm trong công tác, chẳng hạn qua xem một số hồ sơ vụ án hình sự, thấy nhiều biên bản phiên tòa sơ sài quá nên đã viết bài “Một vài kinh nghiệm nhỏ về ghi biên bản phiên tòa hình sự”. Cùng với đó là quan tâm đọc các bài viết ở các Tạp chí chuyên ngành khác để nảy sinh ý tưởng viết những bài nghiên cứu.
Tôi cứ nghĩ làm một biên tập viên Tạp chí chuyên môn thì phải ham nghiên cứu,học hỏi , có như vậy mới làm được biên tập, mới hướng cộng tác viên tiềm năng viết bài cho mình cũng như mới tự mình viết được bài cho tạp chí của mình.
Về trao đổi thảo luận chuyên môn trên Tập san, có lần nghe Tòa hình sự đang chuẩn bị chuyên đề phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, tôi đề xuất với bác Lê Kim Quế, lúc đó kiêm phụ trách Tập san tổ chức thảo luận trên Tập san. Nhưng sau đó, bản chuyên đề của Tòa hình sự cũng không hoàn thành được, nên Tập san đã tổ chức một cuộc họp và tôi đã tổng thuật lại các ý kiến về cuộc thảo luận này để đăng trên Tập san. Quả là tôi đã chọn một đề tài hóc búa quá để thảo luận, đây là bài học kinh nghiệm quý cho một biên tập viên như tôi .
Thời gian này, Tập san vẫn duy trì mục Trả lời bạn đọc, khi nhận được thư bạn đọc hỏi, chúng tôi thấy tự trả lời được thì trả lời, nhưng chủ yếu là chuyển cho các đơn vị liên quan trả lời. Bản thân tôi chỉ trả lời được một lần (Tội gì? Tập san số 4/1986) trong rất nhiều câu hỏi gửi về Tập san.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ mục Trả lời bạn đọc ở Tập san rất bổ ích vì nó giải đáp ngay được những khúc mắc trong công tác của cán bộ Tòa án địa phương, việc giải đáp này chỉ là một kênh truyền đạt về nghiệp vụ, nếu chưa chính xác thì sẽ có hướng dẫn cao hơn đính chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là các trả lời đó đều chính xác, Tập san đã tập hợp các trả lời này trong cuốn sách nhỏ “Một số vấn đề về thực tiễn công tác tư pháp “và xuất bản được ba tập .
Do nhiều nguyên nhân, Tập san hầu như không tổ chức họp cộng tác viên. Vì vậy, không nhớ là vào dịp tổng kết ngành năm 1987 hay 1988, tôi đề xuất với bác Lê Kim Quế tổ chức cuộc gặp mặt với các đại biểu về dự hội nghị góp ý cho Tập san. Bác đồng ý và thông báo sau bữa cơm chiều hôm đó, mời các đại biểu dự cuộc gặp mặt. Rất vui là các đại biểu gồm Chánh án hoặc Phó chánh án các Tòa án địa phương đã đến dự đông đủ, các đại biểu chỉ gọi nước giải khát cùng bánh kẹo hoa quả theo nhu cầu của mình, không có “phong bì”. Rất tiếc là tôi không giữ lại được biên bản ghi lại các ý kiến hôm đó, chỉ nhớ là nói chung các đại biểu đều cho rằng Tập san đã bám sát hoạt động của ngành. Phải nói rằng cuộc gặp mặt rất ấn tượng, khó có lần nào được như thế.
Cuối cùng xin được nói thêm về chuyện “ bếp núc” của Tập san thời kỳ ấy. Bài vở của cộng tác viên gửi đến chủ yếu là viết tay, thi thoảng có người gửi bản đánh máy. Sau khi bài được duyệt thì đưa đánh máy và chúng tôi sẽ soát bản đánh máy thật cẩn thận (cần phải nói rằng khâu đánh máy bản thảo cũng phải rất cẩn thận vì nếu lỗi nhiều thì lại phải đánh máy lại từ đầu, rất mất thời gian ). Khi nhà in đưa bản in thử thì lại soát sửa, phải học cách sử dụng các ký hiệu như xóa, xuống dòng… để sửa bản in thử. Không nhớ rõ vì lý do gì đó mà có lần vào buổi tối, tôi còn phải đạp xe đến nhà in để sửa bản bông cho nhà in kịp in Tập san cho mình, và hôm ấy tôi mới tận mắt nhìn thấy thợ sắp chữ gắp từng con chữ bỏ vào ô chữ để in. Đến ngày Tập san in xong ,được chuyển về thì chúng tôi cùng “khuân vác” lên tầng 2 (trụ sở ở 66 Quán Sứ, trên tầng 2 của tòa nhà bệnh viện tư thời Pháp, ở 48 Lý Thường Kiệt thì nhẹ hơn, chỉ chuyển từ cửa vào trong nhà), rồi lại cùng nhau đóng gói Tập san để gửi đi các nơi đặt mua.
Hôm nay, ngồi ôn lại thời gian đã qua làm việc tại Tập san TAND (nay là Tạp chí TAND) mà xúc động, mắt nhòa lệ khi nhớ đến các chú, các bác nay đã đi xa! Thế mà đã mấy chục năm rồi…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận