Gia đình A và K không phải là người làm chứng
Qua nghiên cứu bài viết của tác giả Trần Văn Hùng, Thẩm phán TAQS khu vực Quân khu 4 về việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay là người làm chứng trong một vụ án hình sự cụ thể đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án ngày 19/01/2021, tác giả đồng ý với ý kiến thứ nhất.
Quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại Điều 65 như sau: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự...”
Như vậy, theo quy định của BLTTHS thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Họ có 9 quyền được quy định từ điểm a đến điểm i khoản 2 Điều 65 BLTTHS đó là, được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời có nghĩa vụ quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 65 BLTTHS đó là, có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như vậy, chúng ta phải khẳng định rằng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm, khi quyền lợi của họ có liên quan đến vụ án thì khi giải quyết vụ án Tòa án phải giải quyết quyền lợi, tài sản của họ. Thông thường những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là chủ tài sản, những tài sản đó lại liên quan đến người phạm tội, hoặc người phạm tội có dùng công cụ của họ để phạm tội, mà cụ do phạm tội có được là cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nhưng không biết được họ thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: A cho B mượn chiếc xe mô tô để đi mua hàng, khi A đi đến quán, A dựng xe mô tô ở quán thì bị C lấy trộm, giá trị chiếc xe mô tô là 20.000.000đ. C bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Trong vụ án này phải xác định B là bị hại, A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi vì, A là chủ sở hữu hợp pháp tài sản (xe mô tô) cho B mượn. Lúc này, B là người được giao quản lý nên B là bị hại trong vụ án, còn A là chủ sở hữu chiếc xe mô tô cho B mượn bị C chiếm đoạt nên A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Hoặc trong trường hợp A đến nhà B mượn con dao và A nói B mượn dao để về đi làm vườn, A đồng ý cho B mượn con dao dựa dài 70 cm, mượn được dao, trên đường đi về B gặp C, do trước đó B và C có mâu thuẩn, nên B đã dùng dao gây thương tích cho C. B bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Trong vụ án này, C là bị hại còn A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Vì A có dao cho B mượn nhưng A không biết B mượn dao để gây thương tích cho C nên A không tham gia phạm tội. Khi giải quyết vụ phải xác định A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Quyền lợi trong vụ án này của A là có quyền yêu cầu Tòa án trả lại con dao dựa cho A, nghĩa vụ ở đây là A phải tham gia phiên tòa để trình bày chứng minh về việc con dao mà B chém là của A cho B mượn nhưng khi B mượn dao A không biết B sử dụng vào việc phạm tội.
Quy định về người làm chứng
Đối với người làm chứng trong vụ án hình sự, Điều 66 BLTTHS quy định: “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng…”
Như vậy, theo quy định của BLTTHS thì người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và người làm chứng là người có thể trực tiếp nhìn thấy, hoặc trực tiếp nghe thấy, hoặc có thể nghe người khác kể lại những tình tiết liên quan đến vụ án.
Họ có 4 quyền đó là, được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định của BLTTHS; yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật và họ có nghĩa vụ, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; người làm chứng có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó. Nếu người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS. Theo đó, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Tư cách tham gia tố tụng của gia đình A và K
Phải khẳng định rằng tư cách tham gia tố tụng giữa người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoàn toàn khác nhau đó là, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm nhưng vẫn phải đưa vào tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng họ có quyền được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình liên quan đến vụ án. Còn người làm chứng thì không có các quyền này.
Trở lại nội dung vụ án mà tác giả nêu ra, thì Nguyễn Văn A và Hồ Quang K có hành vi đánh anh Đinh Văn E, hậu quả anh E tử vong, A và K bị Công an bắt tạm giam và khởi tố về hành vi “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS. Hai gia đình A và K đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại và được gia đình E đồng ý với số tiền 300.000.000 đồng và đề nghị Tòa án ghi nhận, trước khi mở phiên tòa thì đã bồi thường xong toàn bộ.
Vì vậy, việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án của đại diện hai gia đình A và K, phải xác định đại diện của hai gia đình A và K là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vì đại diện của hai gia đình A và K tự nguyện bồi thưởng thiệt hại thay cho A và K. Bởi vì, hai gia đình A, K đã đứng ra bồi thường thay cho A và K. Mặc dù họ là người tự nguyện bồi thường trước khi mở phiên tòa nhưng tại phiên tòa họ có quyền phát biểu ý kiến về lý do bồi thường thay cho các bị cáo A và K và họ có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện của gia đình bị hại (nạn nhân) về số tiền 300.000.000đ mà họ đã bồi thường thay như: Yêu cầu chủ tọa hỏi đại diện gia đình bị hại về những chi phí cho việc bồi thường…; họ có quyền tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ như nếu tại phiên tòa đại diện gia đình bị hại lại tiếp tục yêu cầu bồi thường thì họ có quyền tranh luận với đại diện gia đình bị hại về việc có chấp nhận bồi thường tiếp hay không chấp nhận bồi thường tiếp, nếu như đại diện gia đình bị hại tiếp tục yêu cầu họ bồi thường; họ có quyền xem biên bản phiên tòa xem như ký có ghi chép đúng ý kiến của họ trình bày hay không? Họ có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ đối với phần bồi thường. Đồng thời họ có quyền yêu cầu A và K phải hoàn lại số tiền này. Ngoài ra, họ có quyền kháng cáo bản án đối với phần bồi thường thiệt hại mà họ đã bồi thường thay cho A và K.
Như vậy, không thể xác định đại diện của hai gia đình các bị cáo A và K là người làm chứng được. Bởi vì, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến về vụ án. Do vậy, nếu mà xác định họ là người làm chứng trong vụ án thì đương nhiên họ mất quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; quyền tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối số tiền đã tự nguyện bồi thường; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đối với số tiền đã bồi thường và họ mất đi quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề họ đã bỏ tiền ra để bồi thường. Ngoài ra, hai gia đình A và K cũng không trực tiếp biết được những gì về tình tiết vụ án mà A và K đánh E dẫn đến tử vong; nếu xác định họ là người làm chứng thì đương nhiên họ mất các quyền nêu trên, nên không thể cho rằng họ tự nguyện bồi thường là biết được tình tiết liên quan đến vụ án để xác định hai gia đình của A và K là người làm chứng.
Trong vụ án này, họ chỉ là người đứng ra bồi thường thay cho A và K nên không thể xác định đại diện hai gia đình A và K là người làm chứng trong vụ án như ý kiến thứ hai nhận định.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận