Giá trị của tài liệu lưu trữ đối với ngành Tòa án

Ngày 13/10, Chi bộ Văn phòng TANDCC tại Hà Nội tổ chức sinh hoạt về Chuyên đề  Giá trị của tài liệu lưu trữ đối với ngành Tòa án, tại Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia I (Hà Nội).

Văn phòng TANDCC tại Hà Nội có sự kết hợp với Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia I trong công tác lưu trữ tài liệu, nên đã tổ chức buổi sinh hoạt Chuyên đề, giao lưu với Chi bộ Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia I.

Mở đầu buổi sinh hoạt, hai bên cùng xem clip giới thiệu về TANDCC tại Hà Nội. Ông Thái Bá Diệp, Phó Chánh Văn phòng TANDCC tại Hà Nội phát biểu cho biết, nhiệm vụ, quyền hạn của TANDCC là xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

TANDCC tại Hà Nội có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tòa án nhân dân cấp cao chính thức hoạt động từ ngày 1/6/ 2015.

Với lượng hồ sơ, tài liệu lớn, công tác lưu trữ đang được TANDCC tại Hà Nội đặt ra một cách cấp thiết, vì vậy buổi sinh hoạt chuyên đề về lưu trữ hôm nay có ý nghĩa thiết thực.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ  Quốc gia I  Trần Thị Mai Hương đã giới thiệu về những tài liệu đang được bảo quản tại đây, gồm: Khối tài liệu lưu trữ Hán Nôm, Khối tài liệu tiếng Pháp và Khối các sách báo.

Khối tài liệu lưu trữ Hán Nôm là các tài liệu đặc biệt quý hiếm bao gồm các phông, sưu tập: Châu bản triều Nguyễn, Địa bạ triều Nguyễn, Đinh bạ triều Nguyễn, Nha Kinh lược Bắc kỳ, Nha huyện Thọ Xương, Hồng Đức, Hương Khê, Vĩnh Linh… Các tài liệu này phần lớn là bản gốc được viết tay trên giấy dó, ngôn ngữ thể hiện chính là chữ Hán, ngoài ra có một số viết bằng chữ Nôm, chữ Pháp, chữ quốc ngữ.

 

Tham quan kho bảo quản Châu bản triều Nguyễn

Tài liệu chủ yếu có niên đại thế kỷ 19 thuộc triều Nguyễn, đặc biệt một số sưu tập tài liệu có niên đại khá sớm thuộc các niên hiệu Hồng Đức, Vĩnh Tộ, Cảnh Hưng (triều Lê). Đây là các tài liệu gốc hình thành trong quá trình hoạt động quản lý của các cơ quan chính quyền phong kiến Việt Nam nên hầu hết là tài liệu độc bản, tính chân thực cao, nội dung phong phú, phản ánh mọi mặt các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội giai đoạn tài liệu ra đời. Về mặt hình thức, trải qua thời gian, bản thân tài liệu đã trở thành những cổ vật quý giá, từ chất liệu giấy, mực, hình dấu in trên văn bản, bút tích ngự phê của nhà vua, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết… đều trở thành những tư liệu quý báu, cung cấp cho các nhà nghiên cứu rất nhiều thông tin trên nhiều lĩnh vực.

Ngay sau đó, đoàn đã được vào thăm kho bảo quản Châu bản triều Nguyễn, là những tài liệu đặc biệt quý giá. Các cán bộ của Trung tâm cho biết: Đây là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn (1802 đến 1945). Khối tài liệu này được hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền triều Nguyễn bao gồm văn bản do các hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.

Số lượng Châu bản còn lưu giữ đến nay gồm 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại, 2 triều không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.

 

Lãnh đạo hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm

Ngoài Châu bản, ở đây còn lưu trữ Địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng, xã trên cơ sở sự đo đạc và xác nhận của chính quyền. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Dưới triều Nguyễn, khi mới lên ngôi vua, năm 1805, Gia Long đã xuống chiếu bắt đầu lập địa bạ các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hoá đến các trấn ở Bắc thành.

Số lượng địa bạ hiện nay là 17.042 đơn vị bảo quản, mỗi đơn vị bảo quản tương ứng với một đơn vị hành chính. Toàn bộ số này là địa bạ của 31 tỉnh dưới triều Nguyễn gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Quảng Yên, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên.

Sưu tập Đinh bạ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gồm 3183 tập là các sổ kê khai dân đinh của các xã, thôn thuộc Bắc kỳ như huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định…

Đoàn cũng được vào thăm kho lưu trữ Khối tư liệu tiếng Pháp gồm: Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương (1887-1945); Tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc kỳ (1886-19450; Tài liệu của 12 toà công sứ các tỉnh ở Bắc kỳ và Tòa Đốc lý Tp Hà Nội, một số toà công sứ… Tài liệu giai đoạn 1945-1954 gồm có một số phông như: Toà Thị chính Hà Nội (1947-1954), Phủ Thủ hiến Bắc Việt (1947-1954), Sở Học chính Bắc Việt (1905-1954), Sở Thông tin tuyên truyền Bắc Việt (1946-1954)…

Trong khối tài liệu tiếng Pháp còn lưu trữ rất nhiều các tài liệu của Tòa Thượng thẩm, trong đó có rất nhiều hồ sơ vụ án. Các thành viên trong đoàn đã được trực tiếp xem, chạm vào một vài hồ sơ vụ án từ đầu thế kỷ 20.

 

Tập thể hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm

Khối tài liệu kỹ thuật trước 1945 có các tài liệu thuộc các công trình kiến trúc khu vực Miền Bắc, nhất là ở Hà Nội gồm có tài liệu về các dinh thự là trụ sở làm việc của các cơ quan, công sở từ thời Pháp và tư dinh của một số quan chức cao cấp của Pháp như: Dinh của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Phủ Chủ tịch hiện nay); Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Nhà khách của Chính phủ hiện nay);  Nhà hát Thành phố Hà Nội (Nhà hát Lớn hiện nay); Tòa Thượng thẩm (trụ sở TANDTC hiện nay); Nha Tài chính Đông Dương (Bộ Ngoại giao hiện nay)…

Ngoài ra, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện đang bảo quản khoảng 20.000 đơn vị tư liệu lưu trữ. Khối tư liệu này được hình thành và bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là tiếng Pháp và chữ Hán - Nôm… Đây thực sự là một nguồn tư liệu quý, có nội dung đề cập đến nhiều lĩnh vực trong xã hội thời kỳ phong kiến (chủ yếu triều Nguyễn), Pháp thuộc như: khoa học lịch sử, văn hóa, kinh tế, triết học, tôn giáo, giáo dục, địa giới hành chính, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước…

Sau khi tham quan, tìm hiểu hai kho tư liệu, đoàn đã xem phòng trưng bày về quá trình xây dựng cầu Long Biên với những tư liệu sinh động, được trưng bày hấp dẫn, dễ hiểu.

Các thành viên trong đoàn đều có chung cảm nhận về một buổi tham quan, tìm hiểu rất thú vị, có thêm nhiều thông tin, kiến thức bổ ích. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I với cách tổ chức, giới thiệu cởi mở, hiện đại đã thật sự đưa những tư liệu quý giá đến gần với không chỉ giới nghiên cứu mà với đông đảo công chúng quan tâm. Đây thật sự là một địa chỉ văn hóa của Thủ đô.

Lắng nghe Giám đốc Trần Thị Mai Hương phát biểu giới thiệu Trung tâm

THÁI VŨ