Hai Bộ trưởng và Thống đốc tiếp thu, giải trình trước Quốc hội

Ngày 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ YT Đào Hồng Lan và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu quan điểm về những vấn đề đại biểu quan tâm.

Sẽ đề đạt phương án với Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, Cử tri và Nhân dân cả nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo của nước nhà. Các đại biểu đã nêu nhiều nội dung quan trọng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài chính cho giáo dục, tự chủ đại học, chính sách cho nhà giáo…

Về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình trong lĩnh vực này. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình, hiện nay, 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Theo Bộ trưởng, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo. 

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này. 

Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh, tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn lại 64 nghìn chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu. Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo. 

Ngoài ra, về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạ và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Bộ trưởng cho biết, đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách. Về tài chính chi cho giáo dục, con số đưa ra là tính cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. 

Về việc soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước đã quan tâm đến lĩnh vực y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế…

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…

Trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự chia sẻ, động viên của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nướcđ. Đội ngũ nhân viên ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng đoàn kết vượt qua khó khăn, đổi mới phương pháp, làm việc tập trung cao nhất để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành…

Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành. 

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, tồn đọng của ngành như nội dung đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế- xã hội lần này. 

Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đối, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về tình hình. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý… Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…

Có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Cảm ơn những ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, điều chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng giải trình vấn đề quan trọng, nhiều đại biểu nêu.

Về tổng quan điều hành công tác chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn thách thức vì kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đặc biệt khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. 

Trong mọi tình huống, trước bối cảnh khó khăn và nhiệm vụ nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp chung vào thành công công chung của nền kinh tế.

Về điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất không chỉ ở một kỳ họp Quốc hội mà ở nhiều kỳ họp. Bởi, nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong các nước cao nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng. Đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%. 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh quản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.

Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng mạnh dạn điều chỉnh bốn lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch Covid-19 đã bằng, thậm chí giảm hơn, với khoảng 0,3%.

Ngân hàng nhà nước cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các cái gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản 15 nghìn tỷ đồng… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng. Tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các cái địa phương. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm (tăng 7,1% so với cuối năm ngoái). Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, phân tích nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ các ngành cùng Ngân hàng nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% cái nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Sau khi khó khăn về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng theo…

 

 

THÁI VŨ