Hành vi của G sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài viết “Nguyễn Thị Huỳnh G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?” của tác giả Trần Quang Dương. Chúng tôi xin trao đổi về tội danh đối với đối tượng G mà tác giả bài báo đã nêu.
Để bạn đọc tiện theo dõi, có thể xem lại nội dung vụ án tại đây.
Tác giả bài viết cho biết có ba quan điểm như sau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: G không phạm tội, vì các giao dịch đã tiến hành với các bị hại là giao dịch dân sự và kinh doanh thương mại.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: G phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với vụ 1 (tài sản đã bán lại ủy quyền thế chấp, bảo lãnh với người khác); còn các vụ 2 (mua thức ăn cho cá về bán rẻ để lấy tiền) và vụ 3 (thế chấp giấy tờ của người khác) đều không phạm tội, do đây là các giao dịch dân sự.
– Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của tác giả Trần Quang Dương và tác giả Đỗ Văn Chỉnh [1] cho rằng: G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với cả 03 vụ.
– Quan điểm thứ tư của tác giả Đỗ Ngọc Bình [2] cho rằng: G phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với vụ 1 và phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với vụ 2 và 3.
Đối với các tội phạm về xâm phạm sở hữu, đặc biệt là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên thực tế các hành vi được thực hiện một cách tinh vi, đa dạng. Do vậy, đòi hỏi việc đánh giá có hay không có dấu hiệu phạm tội phải được thực hiện một cách hết sức cẩn trọng, không khéo sẽ dẫn đến việc hình sự hóa các quan hệ dân sự.
Để một hành vi được xem là phạm tội thì đòi hỏi người thực hiện hành vi đó phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi vì, mỗi tội phạm đều khác các tội khác về đặc điểm cấu trúc của bốn yếu tố của tội phạm (khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan). Nhưng tất cả các tội phạm thuộc một tội danh đều có những đặc điểm chung về bốn yếu tố đó. Những đặc điểm chung này được phản ánh trong các cấu thành tội phạm [3]. Cấu thành tội phạm không chỉ là cơ sở pháp lý để các Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà còn là căn cứ để xác định tội danh cũng như khung hình phạt cần áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội trong từng trường hợp cụ thể. Qua đó, trong nhiều trường hợp sự mô tả kỹ trong cấu thành tội phạm còn giúp các nhà áp dụng luật nhìn nhận chính xác các trường hợp chuyển hóa tội phạm (từ tội danh này sang tội danh khác) hoặc trong nhiều trường hợp còn xác định chính xác dấu hiệu chuyển hóa từ yếu tố định tội sang yếu tố định khung hình phạt hoặc từ yếu tố định khung hình phạt sang tội danh khác nặng hơn. [4]
Trở lại nội dung vụ án nêu trên, tác giả đi phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm, các hành vi khách quan đối với từng vụ việc như sau:
– Về chủ thể: G là người đủ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự được quy định của Bộ luật hình sự (BLHS).
– Về khách thể: Hành vi của G đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu (quan hệ giữa người với người đối với tài sản) của bà Nguyễn Thị Bích L, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) PS do bà Thái Nhị Ph là chủ sở hữu và bà Tô Thị Kim H. Đối tượng tác động là tài sản.
– Về mặt khách quan:
+ Hành vi khách quan: Việc G đứng ra thành lập DNTN QG vào ngày 26/02/2009 với số vốn đầu tư là 09 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh là sản xuất, phân phối cá giống, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, theo xác minh thì cơ sở kinh doanh tại địa chỉ G đăng ký kinh doanh ngày 21/6/2010 đã đóng cửa không hoạt động, chủ doanh nghiệp không có ở tại địa phương (bỏ đi nơi khác không rõ).
Như vậy, việc G đứng ra thành lập doanh nghiệp có thể chỉ là bình phong và tạo vỏ bọc bên ngoài, chứ thực chất không có hoạt động; việc thành lập doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các đối tác tin tưởng để ký kết hợp đồng, thuận tiện cho việc vay tiền. Bởi vì, đầu năm 2008 G làm ăn thua lỗ và nợ rất nhiều người.
Tuy nhiên, cũng cần làm rõ thêm việc G đăng ký vốn đầu tư 09 tỷ đồng thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có được thẩm định là vốn đầu tư đó là có thật không hay chỉ là phụ thuộc vào sự kê khai của chủ doanh nghiệp; toàn bộ số vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có được ghi chép lại một cách đầy đủ vào sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 142 Luật doanh nghiệp năm 2005. Nếu các CQTHTT chứng minh thêm được vấn đề nêu trên, thì hành vi gian dối của G trước khi ký kết hợp đồng với các đối tác càng vững chắc hơn nữa.
Vụ 1: G cùng chồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà L với giá 01 tỷ đồng, nhưng sau đó không sang tên cho bà L, mà báo mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và ngay sau đó cùng chồng ký hợp đồng cho bà Trần Thị KL được quyền thế chấp, bảo lãnh đối với nhà và đất đã bán cho bà L rồi chiếm đoạt số tiền 01 tỷ đồng.
Vụ 2: Để tạo sự tin tưởng của bà Thái Nhị Ph (chủ DNTN PS), nên G có hành vi gian dối là nói với bà Ph là các ao cá thuộc sở hữu của G và để bà Ph tin tưởng hơn nữa, G đã ký hợp đồng thế chấp cho bà Ph 04 ao cá mà G thuê của người khác và sắp hết hạn. Nếu như G nói cho bà Ph biết là các ao cá đó G đều thuê và sắp hết hạn thì liệu bà Ph có bán thức ăn cho G không? (việc này các CQTHTT có thể lấy lời khai của bà Ph để cũng cố chứng cứ vững chắc hơn nữa). Đồng thời, khi G nhận thức ăn của bà Ph giao thì bán cho người khác với giá rẻ hơn, mà không sử dụng vào việc cho cá ăn đối với 14 ao mà G đã nói với bà Ph. Khi G không có khả năng thanh toán tiền nợ thức ăn 4,48 tỷ đồng cho bà Ph, G lại tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Ph, trong khi nhà đất này trước đó G cùng chồng đã bán cho bà L.
Vụ 3: G còn nợ bà Tô Thị Kim H số tiền 420 triệu đồng, không có khả năng trả, nhưng để bà H tin tưởng và cho vay thêm số tiền 01 tỷ đồng, G đã đưa cho bà H 03 giấy chứng nhận QSDĐ và nói là giấy chứng nhận QSDĐ tên Huỳnh Thị Cẩm Tr là đất của G nhờ bà ngoại là bà Tr đứng tên, còn giấy chứng nhận tên ông Nguyễn Thái H là tên trong giấy của chồng G. Và để bà H tin tưởng hơn nữa, G đưa cho bà H xem một biên nhận ghi số tiền 1,42 tỷ đồng, phía sau biên nhận có ghi nội dung ông H và bà Tr đồng ý gửi giấy chứng nhận QSDĐ đưa cho bà H xem. Tuy nhiên, các giấy chứng nhận QSDĐ này ông H, bà Tr không biết G lấy, đã trình báo mất và được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
+ Hậu quả: Hành vi của G thực hiện có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại về tài sản gây ra cho bà L, DNTN PS và bà H. Cụ thể là giá trị tài sản bà L bị chiếm đoạt là 01 tỷ đồng, DNTN PS bị chiếm đoạt là 4,48 tỷ đồng và bà H bị chiếm đoạt 500 triệu đồng.
– Về mặt chủ quan: Hành vi của G thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản của G có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt.
Việc xác định thời điểm nào người phạm tội nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, cần căn cứ vào nhiều cơ sở khác nhau như: Hành vi chuẩn bị cho việc ký hợp đồng như thế nào, người phạm tội có quan tâm đến nội dung nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng hay không, điều kiện và khả năng thực tế để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng,… Mặt khác, cần xem xét đến ý nghĩa của thủ đoạn gian dối có quyết định đến việc chiếm đoạt được tài sản hay không.
Qua các vụ việc G đã thực hiện cho thấy: Hành vi gian dối của G là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt; còn hành vi chiếm đoạt của G là mục đích và kết quả của hành vi gian đối và hành vi gian dối của G diễn ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Như vậy, hành vi của G đối với cả 03 vụ nêu trên đều thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định trong BLHS.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 thì: Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản QPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Tham khảo quy định tại tiểu mục 2 và 3 Mục I Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985 thì: Đối với những tội phạm mà BLHS quy định “một hình phạt nặng hơn” thì không áp dụng quy định mới về hình phạt của BLHS mà vẫn áp dụng luật cũ đối với những tội được thực hiện trước ngày BLHS có hiệu lực thi hành. Căn cứ để so sánh một hình phạt mới nặng hơn một hình phạt cũ là lấy mức hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất của cùng một tội trong BLHS và trong luật cũ. Nếu mức tối đa của hình phạt mới quy định cao hơn mức tối đa của cùng tội trong luật cũ thì đó là hình phạt mới nặng hơn; ngược lại là nhẹ hơn. Nếu một tội có nội dung và hình phạt quy định trong luật mới và luật cũ giống nhau thì định tội và áp dụng hình phạt theo luật mới để xét xử.
Như vậy, hành vi của G được thực hiện trong thời gian từ giữa năm 2008 kéo dài liên tục đến tháng 6/2010, tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, nên hành vi của G sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đối với hành vi của chồng G nếu chứng minh được chồng G biết được thì chồng G cũng phạm tội với vai trò đồng phạm ở vụ 1.
Trên đây, là quan điểm của cá nhân tôi về bài viết “Nguyễn Thị Huỳnh G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của tác giả Trần Quang Dương đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16/11/2019, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các bạn đọc và đồng nghiệp./.
1.Đỗ Văn Chỉnh (2019), G phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/g-pham-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san đăng ngày 03/12/2019.
2.Đỗ Ngọc Bình (2019), G phạm cả hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/g-pham-ca-hai-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-va-lua-dao-chiem-doat-tai-san đăng ngày 19/11/2019.
3.Nguyễn Ngọc Hòa (2015), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 63.
4.Nguyễn Ngọc Thế (2013), Tội phạm, cấu thành tội phạm – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 45.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận