Hành vi của Nguyễn Văn B cấu thành tội “Giết người” ở giai đoạn phạm tội chưa đạt

Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn B phạm tội “Giết người” hay phạm tội “Cố ý gây thương tích”?” của tác giả Trần Văn Minh đăng ngày 21/02/2024, tôi đồng tình với quan điểm Nguyễn Văn B phạm tội “Giết người” ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Để xác định hành vi của Nguyễn Văn B phạm tội Giết người hay phạm tội Cố ý gây thương tích, cần phân biệt những điểm khác nhau của hai tội như sau:

 * Mục đích của hành vi phạm tội

+ Tội giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

+ Tội cố ý gây thương tích: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

* Xác định mức độ, cường độ tấn công

+ Tội giết người: Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.

+ Tội cố ý gây thương tích: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn.

* Vị trí tác động trên cơ thể

+ Tội giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng,...

+ Tội cố ý gây thương tích: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v...

* Vũ khí, hung khí sử dụng và các tác nhân khác

+ Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy… cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.

* Yếu tố lỗi

+ Tội giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.

+ Tội cố ý gây thương tích: Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

* Đối với dấu hiệu của tội giết người chưa đạt

+ Người phạm tội đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm. Có nghĩa là họ đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội giết người (ví dụ: chuẩn bị dao, đâm vào người nạn nhân…)

+ Người phạm tội đã thực hiện hành vi giết người nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra.

+ Người phạm tội mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng để hậu quả chết người xảy ra nhưng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn nên không được (người bị hại tránh được, có người can ngăn kịp thời, được cứu chữa kịp thời,…)

Đối với vụ án trên, Nguyễn Văn B đã dùng hung khí nguy hiểm, gây sát thương cao là 01 con dao rựa sắc bén lưỡi hình cung bằng kim loại dài 60cm nhảy vào chém liên tiếp vào người anh K. B đã chém vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như vùng trán, môi, má… với cường độ tấn công nhanh, mạnh, liên tục gây nguy hiểm đến tính mạng của anh K. Sự việc chỉ dừng lại khi người nhà anh T can ngăn. Điều này chứng tỏ B mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn có người can ngăn kịp thời nên hậu quả chết người chưa xảy ra. Do đó, hành vi của Nguyễn Văn B cấu thành tội Giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với vụ án trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.

NGUYỄN THỊ YẾN HOA (Tòa án quân sự Quân khu 1)

Toà án quân sự khu vực 1 QK 5  xét xử  vụ án  “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Nguyễn Thành Nhân