Hiểu thế nào là “Phạm tội lần đầu” để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện?
Thực tiễn công tác xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hơn 1 năm qua bên cạnh sự thống nhất cao về nhận thức và áp dụng pháp luật trong chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì chúng tôi thấy hiện nay quan điểm giữa các Cơ quan tố tụng còn có cách hiểu và vận dụng “thế nào là phạm tội lần đầu?”
Những tình huống thực tiễn
Theo quy định tại Điều 368 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 và quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì vấn đề tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định hoàn toàn mới, tiến bộ thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hơn 1 năm qua bên cạnh sự thống nhất cao về nhận thức và áp dụng pháp luật trong chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì chúng tôi thấy hiện nay quan điểm giữa các Cơ quan tố tụng còn có cách hiểu và vận dụng “thế nào là phạm tội lần đầu?” để được xem xét tha thù trước thời hạn chưa có sự thống nhất. Sau đây chúng tôi đưa ra hai ví dụ cụ thể minh chứng cho còn có cách hiểu khác nhau.
Phạm nhân Nguyễn Văn A bị kết án về tội “Tham ô tài sản” và bị kết án 7 năm tù. Đã chấp hành án được ½ mức phạt tù; đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; có nơi cư trú rõ ràng; đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong bản án xác định tình tiết tăng nặng đó là “Phạm tội 2 lần trở lên” (cụ thể là 3 lần, mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng phạm nhân chỉ bị xét xử và kết án về một tội đó là “Tham ô tài sản”. (Trường hợp này phạm nhân thuộc trường hợp có các hành vi ở các thời điểm khác nhau, mỗi hành vi đều thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm như trên).
Phạm nhân Nguyễn Văn B bị kết án về các tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” và bị kết án tổng hợp của 2 tội là 6 năm tù. Đã chấp hành án được ½ mức phạt tù; đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; có nơi cư trú rõ ràng; đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự và án phí. (Trường hợp này là phạm nhân thuộc trường hợp có các hành vi cùng thời điểm nhưng mỗi hành vi thỏa mãn dấu hiệu của các tội khác nhau như trên).
Những quan điểm khác nhau
Qua hai trường hợp này, hiện có các quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng cả hai trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn A và phạm nhân Nguyễn Văn B đều có đủ các điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi, mặc dù phạm nhân Nguyễn Văn A phạm tội “Tham ô tài sản” (với tình tiết tăng nặng định khung là phạm 2 lần trở lên) mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng không cấu thành tội độc lập khác ngoài phạm tội “Tham ô tài sản” mà phạm nhân chỉ bị kết án về một tội trong một bản án đang có hiệu lực pháp luật. Đối với trường hợp Nguyễn Văn B cũng vậy, mặc dù phạm nhân bị xét xử và tuyên phạt bởi 2 tội là: “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là các hành vi đó có cùng thời điểm với nhau và phạm nhân bị xét xử và tuyên phạt trong cùng một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 66 BLHS thì phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B có đủ điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Quan điểm thứ hai cho rằng phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B không đủ điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi mặc dù phạm nhân Nguyễn Văn A chỉ bị xét xử về một tội, bị kết án bởi 01 bản án đang có hiệu lực pháp luật nhưng phạm nhân được xác định là “phạm tội 02 lần trở lên” vấn đề mấu chốt ở đây là “phạm tội 02 lần trở” (và mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm dù chỉ xét xử về một tội). Còn đối với Nguyễn Văn B mặc dù bị kết án trong cùng một bản án nhưng bản án đó là bản án mà phạm nhân bị xét xử bởi 02 tội khác nhau mặc dù các tội đó là do các hành vi khác nhau nhưng cùng thời điểm. Do vậy, cả 2 trường hợp trên không thể được coi là “phạm tội lần đầu”. Quan điểm này cho rằng vận dụng theo hướng dẫn tại điểm 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC thì: “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.”. Vì vậy, quan điểm này cho rằng phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B không thỏa mãn điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Quan điểm ba lại cho rằng phạm nhân Nguyễn Văn A không thỏa mãn điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng phạm nhân Nguyễn Văn B thỏa mãn điều kiện “phạm tội lần đầu” để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi lý do: Nguyễn Văn A thực hiện nhiều hành vi phạm tội với cùng một tội danh do BLHS quy định, ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng được xét xử, kết án cùng một bản án. Tức là trong bản án đó Tòa án đã căn cứ điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 hoặc điểm g và điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” thì không thể coi là phạm tội lần đầu. Còn đối với phạm nhân Nguyễn Văn B thuộc trường hợp người phạm nhiều tội trong cùng một thời điểm và được xét xử, kết án ở cùng một bản án. Do vậy, trường hợp Nguyễn Văn B thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Ủng hộ quan điểm 1
Từ ba quan điểm trên, tôi cho rằng để xác định phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B có thỏa mãn điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không? Trước tiên chúng ta phải nhận thức rõ thế nào là “phạm tội lần đầu”. Từ góc độ quy định của pháp luật thì khái niệm thế nào là phạm tội lần đầu được quy định là một ý của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đó là “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đây là tình tiết được quy định tại tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và trường hợp nào được xem là “Phạm tội lần đầu” thì tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TÂDTC hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì: “Phạm tội lần đầu”, cụ thể: Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích .”.
Và tại điểm 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, thì: “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.”. Theo đó “phạm tội lần đầu” phải thỏa mãn điều kiện bắt buộc đó là: Từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào (đây là lần phạm tội duy nhất mà bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật); Còn nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.
Đối với các trường hợp này mặc dù, hướng dẫn không đề cập “nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau” thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau và các lần phạm tội trước đó có cấu thành tội phạm khác nhau hay cùng một cấu thành của một tội phạm cụ thể thì trường hợp nào được coi là phạm tội lần đầu và trường hợp nào không được coi là phạm tội lần đầu? Tuy nhiên, theo tôi hiểu thì về nguyên tắc “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Điều 13 BLTTHS. Do vậy, theo tôi thì cả trường hợp nếu các hành vi ở các thời điểm khác nhau nhưng phạm nhân cùng bị xét xử bởi một tội hay kể cả trường hợp nếu các hành vi khác nhau cùng thời điểm hay khác thời điểm khác nhau và phạm nhân bị xét xử ở các tội là khác nhau trong cùng lần truy cứu trách nhiệm hình sự sau cùng và bị kết án bởi 01 bản án thì cũng được coi là phạm tội lần đầu. Vì vậy, theo tôi căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số: 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì đó là “phạm tội lần đầu” (tức là trước đó chưa phạm tội lần nào).
Từ những phân tích trên, tôi đồng ý với quan điểm 1 tức là phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B đều thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu”. Vì, ngoài lần phạm tội đó; đang có bản án, quyết định có hiệu lực, cả phạm nhân không bị xét xử thêm lần nào. Tức là trước khi có bản án đó và sau khi có bản án đó cả 2 phạm nhân không bị kết án bởi một bản án khác. Đây là bản án kết tội duy nhất đối với 2 phạm nhân. Mặc dù, bản án kết tội đối với Nguyễn Văn A có xác định là “phạm tội 2 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Còn Nguyễn Văn B bị xét xử bởi nhiều tội khác nhau do các hành vi cùng thời điểm nhưng có cấu thành ở các tội khác nhau. Mặc dù, tình huống nêu ra ở trường hợp Nguyễn Văn B mới nêu là Nguyễn Văn B có các hành vi khác nhau nhưng cùng thời điểm mà không nêu trường hợp các hành vi khác nhau nhưng không cùng thời điểm nhưng xét xử cùng một lần với một Bản án thì cả 02 trường hợp này cũng được coi là “phạm tội lần đầu” để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về việc Hiểu thế nào là “Phạm tội lần đầu” để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện từ hai trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B. Rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận