Hồ Tấn Q phạm tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết định khung là “hành hung để tẩu thoát”

Sau khi nghiên cứu bài “Hành vi chiếm đoạt cùng một tài sản của bị hại hai lần ở hai địa điểm thì phạm một hay hai tội?” của tác giả Phan Thành Nhân, đăng ngày 21/3/2024, nhóm tác giả đồng thuận quan điểm thứ nhất.

Việc định tội danh là cơ sở đầu tiên để truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ khi định tội danh đúng mới có thể xác định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội. Thực tế hiện nay có nhiều loại hành vi có tính chất chiếm đoạt chuyển hóa tội danh.

Đối với tình huống này, Hồ Tấn Q đã có hành vi lén lút lấy trộm chiếc xe mô tô của Hồ Thị  B, sau đó trong quá trình Q quản lý, sử dụng chiếc xe mô tô này thì bị B phát hiện và Q có hành vi đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực tấn công B để tiếp tục chiếm đoạt chiếc xe. Cụ thể, Q dùng tay phải đánh một cái trúng vào gò má bên trái rồi dùng chân đạp vào đùi và chân của chị B làm cho chị B lùi lại phía sau. Q quay đầu xe mô tô hướng ra đường, ngồi lên xe nổ máy định chạy thì chị B dùng hai tay nắm vào quay yên xe kéo lại, Q quay lại nói “bà buông tay ra, không tôi đánh bà” rồi Q dùng tay đánh một cái từ trên xuống trúng vào mu bàn tay trái của chị B là nhằm để tẩu thoát (kể cả là để tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), trong trường hợp này việc dùng vũ lực của Q là tình tiết “hành hung để tẩu thoát”.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 về áp dụng một số quy định của BLHS thì việc chuyển hóa tội phạm quy định: “Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về cướp tài sản…, và tùy trường hợp mà kết án họ về tội phạm xảy ra trước khi dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) và coi việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là tình tiết “hành hung để tẩu thoát”…. Nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội giết người. Nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội cố ý gây thương tích…”.

Đồng thời, theo hướng dẫn tại Mục 6 Phần I, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 quy định về tình tiết “Hành hung để tẩu thoát” của tội trộm cắp tài sản như sau: “Khi áp dụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát”.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng Q đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết định khung là “hành hung để tẩu thoát” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS.

Trên đây là quan điểm của nhóm tác giả, rất mong trao đổi cùng đồng nghiệp, bạn đọc.

 

 

Th.s NGUYỄN THỊ THÚY LOAN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9) - HUỲNH HẢI DUY (Tòa án quân sự Quân khu 9)

HĐXX Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Quỳnh Việt