Hoạt động hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW
Tiếp nối Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết số 59) là văn bản chỉ đạo quan trọng, mang tính tổng thể của Đảng về hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp lớn để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính đồng bộ, toàn diện, sâu rộng của hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
1. Kết quả hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian gần đây
Trước thời điểm Nghị quyết số 59 được ban hành, ngành Tòa án nhân dân không ngừng đổi mới, nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế theo định hướng của Đảng, Nhà nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều phương diện. Các hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và Tòa án nói riêng. Công tác nghiên cứu pháp luật nước ngoài, tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đạt kết quả tốt. Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã ký 22 bản ghi nhớ hợp [a1] [A2] tác với Tòa án các nước và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Việc thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hợp tác quốc tế vẫn tồn tại một số hạn chế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện Nghị quyết số 59, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đề ra một số giải pháp nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian tới.
2. Một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 59-NQ/TW
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 59, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của ngành Tòa án nhân dân với mục đích, yêu cầu rõ ràng, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, trong đó cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Tòa án nhân dân cần tiếp tục chú trọng tính hiệu quả về chiều sâu.
Về hợp tác đa phương, Tòa án nhân dân tối cao ngày càng có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trên các diễn đàn tư pháp, pháp luật của khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là hoạt động của Hội đồng Chánh án các nước ASEAN và Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào.
Đối với Hội đồng Chánh án ASEAN, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã có những đóng góp tích cực để ASEAN công nhận Hội đồng Chánh án ASEAN là thể chế liên kết của ASEAN và hoạt động ngày càng hiệu quả. Hằng năm, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tham dự Hội nghị để thảo luận với Tòa án các nước trong việc đưa ra những định hướng hợp tác. Song song với đó, Tòa án nhân dân tối cao đã cử thành viên tham gia 11 Nhóm công tác của Hội đồng tham gia các hoạt động nhằm trao đổi, tham khảo kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực chuyên môn. Các hoạt động trong khuôn khổ Nhóm công tác, bao gồm cả các cuộc họp đều làm việc trực tiếp bằng tiếng Anh, do đó, yêu cầu đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án tham gia Nhóm công tác không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Đối với các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị và là diễn đàn để Tòa án các tỉnh biên giới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xét xử, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết các tranh chấp dân sự xuyên biên giới. Trong bối cảnh cơ cấu tổ chức và thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam có nhiều thay đổi, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam sẽ phối hợp với Tòa án tối cao hai nước Cam-pu-chia và Lào trong việc chỉ đạo các Tòa án cấp tỉnh thực hiện việc ký kết biên bản ghi nhớ và triển khai tốt các hoạt động hợp tác.
Về hợp tác song phương, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Tòa án các nước Lào, Trung Quốc, Nga, Cam-pu-chia, Cu Ba, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Đối với Trung Quốc, hoạt động hợp tác của Tòa án các tỉnh biên giới được tăng cường từ năm 2023, sau khi Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Trung Quốc. Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 11/2025. Đây là diễn đàn quan trọng để Tòa án nhân dân tối cao hai nước nói chung và Tòa án các tỉnh biên giới nói riêng trao đổi nhiều nội dung hợp tác nhằm nâng cao sự phối hợp và chất lượng hoạt động.
Thứ hai, bám sát tinh thần Nghị quyết số 59 về việc nâng cao năng lực thực thi các cam kết, thỏa thuận quốc tế gắn với công tác kiểm tra, giám sát thực thi và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong nước, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chú trọng công tác điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế, xây dựng pháp luật để nội luật hóa điều ước quốc tế, thực hiện điều ước quốc tế và pháp luật trong nước có liên quan, tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù theo quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu khả năng xây dựng một số nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; nghị quyết hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, các Tòa án khu vực, Tòa án cấp tỉnh ngày càng thực hiện nhiều hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, giải quyết yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, một trong những nội dung hết sức quan trọng của Nghị quyết số 59 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, cải cách tư pháp; hội nhập kinh tế là trung tâm, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Trong thời gian trước mắt, các hoạt động hợp tác quốc tế cần tập trung tham khảo kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc thành lập và hoạt động của Tòa chuyên trách, chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, phá sản, đặc biệt là Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025). Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, Tòa án thông minh, chú trọng tham khảo kinh nghiệm Tòa án Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng Tòa án hiện đại, tạo ra những giá trị to lớn, đóng góp quan trọng vào thành công của Chiến lược cải cách tư pháp và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, hoạt động tìm kiếm, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác nước ngoài phục vụ tiến trình cải cách tư pháp của ngành Tòa án cần tiếp tục được tăng cường. Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện tốt và được các nhà tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và một số đối tác tài trợ đánh giá cao về tính hiệu quả. Hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của một số đối tác, đặc biệt là Chính phủ Hàn Quốc và Ca-na-đa. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ của nước ngoài sẽ giúp ngành Tòa án tham khảo được nhiều kinh nghiệm hữu ích trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Thứ năm, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 59, ngành Tòa án Việt Nam tiếp tục chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và cán bộ cần đổi mới phương pháp, cập nhật nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tòa án trong tình hình mới. Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai Đề án đào tạo cán bộ Tòa án phục vụ hội nhập quốc tế giai đoạn từ năm 2023-2026 và kế hoạch đào tạo cho giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ mời một số chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm ngoài đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn và ngoại ngữ tại nước ngoài và trong nước, góp phần xây dựng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ tư pháp có đủ năng lực làm việc thích ứng với bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế cũng cần được tăng cường về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thường xuyên, sâu rộng về nội dung Nghị quyết số 59 và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và sự gia tăng nhanh chóng các vụ việc có yếu tố nước ngoài, bên cạnh thuận lợi, ngành Tòa án cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Tòa án trong thời gian tới sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 59 của của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.
[a1]Nội dung này, nếu bổ sung được cụ thể vào phần footnote thì sẽ tốt hơn.
[A2]Do thời gian gấp, nên chấp nhận đăng như dự thảo hiện nay.
Ảnh: Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
-
Một số quy định mới về tố tụng hình sự
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: "Trên gương mẫu làm trước – dưới đồng hành, hoạt động thông suốt - hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
Bình luận