Khai mạc phiên tòa xét xử đại án các “chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo

Sáng 11/7, TAND Tp Hà Nội đã khai mạc phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu". Theo kế hoạch, phiên tòa dự kiến kéo dài 30 ngày, gồm cả Thứ bảy và Chủ nhật. Thẩm phán Vũ Quang Huy là chủ tọa phiên tòa.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 54 bị cáo bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, 21 người nhận hối lộ; 23 người đưa hối lộ; 4 người môi giới hối lộ; 4 người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tới 18 bị cáo bị truy tố đến khung hình phạt chung thân, tử hình nên HĐXX  có 5 thành viên, gồm hai Thẩm phán Vũ Quang Huy (chủ tọa phiên tòa) và Nguyễn Ngọc Huân; và 3 Hội thẩm nhân dân gồm các ông bà Tạ Quốc Hùng, Bùi Xuân Hiếu và Hồ Thị Xuân Hương. Bên cạnh đó là 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân dự khuyết. Có 5 kiểm sát viên được phân công đại diện VKSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử. Ngoài ra, còn có 4 kiểm sát viên dự khuyết.

Phạm tội trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly

Theo bản cáo trạng dài 102 trang của VKSNDTC, tháng 1/2020, dịch Covid -19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4/2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu).

Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao) và sau đó bổ sung Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Quy trình cấp phép các chuyến bay combo nêu rõ: Doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các Bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 - 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ gần 227 tỷ đồng đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 24 tỷ đồng.

21 bị cáo nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng

Vụ án có 21 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương bị xác định nhận hối lộ lên tới hơn 500 lần, với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng.

Đáng chú ý là các bị cáo:

Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Khi làm thủ tục thực hiện các chuyến bay, ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay combo hoặc từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/hành khách. Chỉ trong 11 tháng, bị cáo Kiên đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỉ đồng của 18 người đại diện các doanh nghiệp. Đây cũng là bị cáo có số lần và số tiền nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án.

Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị cáo buộc 49 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng.

Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, là người phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, trong đó có việc xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, đồng thời trực tiếp báo cáo với Thứ trưởng Tô Anh Dũng các công việc có liên quan. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, nữ Cục trưởng đã nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền 25 tỉ đồng.

 

Đại diện VKSND tại phiên tòa

Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự - đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, cũng là người ký văn bản xin ý kiến các bộ liên quan và ký đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước. Bị cáo Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng trong quãng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022.

Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, bị cáo buộc nhận hối lộ 7,6 tỉ đồng của các doanh nghiệp.

Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận 5 tỉ đồng từ doanh nghiệp để cấp chủ trương cách ly cho công dân về Quảng Nam trên 56 chuyến bay.

Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay đưa công dân về nước. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021, bị cáo đã nhận hối lộ 5 lần với tổng số tiền 4,2 tỉ đồng.

Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng.

Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Bị cáo bị cáo buộc 2 lần nhận hối lộ 1,8 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp bán vé máy bay và đưa công dân về nước cách ly. Đến nay, bị cáo đã nộp lại 1,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

 

Bị cáo Tô Anh Dũng

Các bị cáo khác bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" gồm: Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ), Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự), Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải), Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola), Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Lý Tiến Hùng (cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

23 bị cáo tội đưa hối lộ

Trong số 23 bị cáo bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 BLHS, có Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc công ty Bluesky bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ "chuyến bay giải cứu", với số tiền hơn 100 tỷ đồng. 

Theo Kết luận điều tra, Lê Hồng Sơn đã bàn bạc, thống nhất cùng Nguyễn Thị Thanh Hằng (nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty Bluesky) móc nối, đưa hối lộ cho các bị can có thẩm quyền hơn 38,5 tỷ đồng để xin giấy phép thực hiện 109 chuyến bay combo.

Ngoài ra, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng được xác định đưa 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng) cho Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) để Hằng và Sơn không bị khởi tố hình sự. Ngoài ra, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng được xác định đưa 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng) cho Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) để Hằng và Sơn không bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, đến ngày 8/12/2022 Sơn vẫn bị bắt. Đến tháng 3/2023 thì đến lượt Nguyễn Thị Thanh Hằng bị khởi tố.

 

Các bị cáo tại phiên tòa

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Lê Hồng Sơn phạm vào tội "Đưa hối lộ" với tổng số tiền đưa hối lộ là hơn 100 tỉ đồng, cao nhất trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Hành vi của Nguyễn Thị Thanh Hằng được xác định là vai trò đồng phạm với Lê Hồng Sơn.

Các bị cáo khác bị truy tố về tội danh "Đưa hối lộ" gồm: Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình), Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch Lữ hành Việt), Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lữ hành Việt), Hoàng Anh Kiếm (trú tại tổ 6 phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên ATA Việt Nam), Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hàng không Minh Ngọc), Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh), Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife), Lê Thị Ngọc Anh (cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), Nguyễn Thị Hiền (trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn G19 Việt Nam), Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội), Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An), Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch thương mại Sang Trọng), Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cung ứng nguồn nhân lực và thương mại Quốc tế Sao Việt), Phạm Bích Hằng (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trần Tiến (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Phi Trường), Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa), Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch và dịch vụ Công đoàn Đường sắt), Đào Thị Chung Thúy (trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội).

Bốn bị cáo: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Đặng Minh Phương (cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 BLHS.

Bốn bị cáo bị truy tố về "Môi giới hối lộ" theo Điều 365 BLHS gồm: Nguyễn Anh Tuấn (cán bộ Công an nghỉ hưu); Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam), Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) và Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra).

2 bị cáo  Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ Công an) và Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS.

Gần 100 luật sư

 

Các luật sư tại phiên tòa

Tổng cộng có 105 luật sư đăng ký tham gia bào chữa, một số luật sư cùng lúc bào chữa cho 2 bị cáo. Hai bị cáo có nhiều luật sư nhất là Vũ Hồng Quang, cựu cán bộ Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) và Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, có 6 người bào chữa. Tiếp đến Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có 3 người bào chữa; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, có 2 người bào chữa… Tuy nhiên, tại phiên khai mạc, chỉ có gần 100 luật sư tham gia bào chữa, do một số bị cáo từ chối luật  sư.

Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập hơn 30 người làm chứng, 16 công ty và hơn 40 cá nhân có liên quan đến phiên tòa. Một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử đánh giá sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến phiên tòa, và sẽ tiếp tục triệu tập nếu cần thiết. 

 

HĐXX gồm 5 thành viên do Thẩm phán Vũ Quang Huy  là chủ tọa phiên tòa- Ảnh: Mạnh Hùng

 

 

NHÓM PV