Khó khăn, vướng mắc về dữ liệu điện tử trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Dữ liệu điện tử là nội dung mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), do đó quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, bài viết dưới đây tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về vấn đề này.
1.Quy định của BLTTHS
BLTTHS đã ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ tại điểm c khoản 1 Điều 87. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử (Khoản 1 Điều 99 BLTTHS). Về bản chất, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử, có thể phục hồi, phân tích, tìm được dữ liệu, kể cả trong trường hợp dữ liệu đó đã bị xóa, bị ghi đè, dưới dạng ẩn, đã mã hóa và làm cho có thể đọc được, nhìn thấy được, ghi lại, sử dụng làm chứng cứ.
Chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Việc công nhận dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ trong hoạt động tố tụng nhưng chúng không phải hoàn toàn đáng tin cậy. Để xem xét dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ hay không, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét rất nhiều các yếu tố khác nhau như: Cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác (Khoản 3 Điều 99 BLTTHS). Bên cạnh đó, dữ liệu điện tử cũng như các loại nguồn chứng cứ khác, giá trị của chứng cứ ở mức độ nào là do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội thường sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội. Hầu hết các đối tượng này có kiến thức về dữ liệu điện tử và am hiểu pháp luật nên có những thủ đoạn tinh vi để che giấu thông tin phạm tội như xóa dữ liệu, phá sập trang Web đã tạo ra… nên đã gây ra không ít khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án. Do vậy, để giải quyết các vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải nhanh chóng thu thập đầy đủ và kịp thời dữ liệu liên quan, đồng thời, trường hợp cần thiết còn phải tiến hành các biện pháp khôi phục để làm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.
BLTTHS đã cụ thể hóa hoạt động thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử tại Điều 107, cụ thể như sau: (1) Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. (2) Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. (3) Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. (4) Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được. (5) Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.
Đây là quy định mới, tiến bộ bởi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nên phương tiện, dữ liệu điện tử cần thu giữ ngày càng đa dạng; Dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ mới được quy định trong tố tụng hình sự và là tài liệu chứng cứ khoa học có giá trị cao trong chứng minh tội phạm, nên phải được thu giữ, niêm phong chặt chẽ, tránh tiêu cực xảy ra.
2.Những khó khăn trong quá trình thực hiện.
2.1.Có sự quy định chưa đồng nhất trong BLTTHS
Điều 107 BLTTHS với tên gọi của điều luật là “Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử”, trong khi đó tại khoản 1 điều này quy định: “Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời… có nghĩa là “thu thập phương tiện điện tử” và “thu giữ phương tiện điện tử” là giống nhau, như vậy là hoàn toàn mâu thuẫn, bởi dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ phải thu thập, còn phương tiện điện tử là nơi để chứa đựng dữ liệu điện tử. Khoản 1 Điều 107 chỉ quy định về việc thu giữ phương tiện điện tử, trong khi đó dữ liệu điện tử được thu thập không chỉ từ phương tiện điện tử mà còn từ mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác quy định tại khoản 2 Điều 99 BLTTHS. Bên cạnh đó, việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử lại được quy định tại Điều 196 BLTTHS. Tại khoản 1 Điều 196 BLTTHS có nêu "Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng", như vậy "phương tiện lưu trữ" có phải là phương tiện điện tử hay không? Với quy định như thế này rất khó hiểu.
2.2.Khó khăn về trình độ của người tiến hành tố tụng đối với phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử
Hiện nay, trình độ hiểu biết về phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử của người tiến hành tố tụng có mặt còn hạn chế nên việc thu thập, thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử chưa được thống nhất về phương tiện và cách thức tiến hành. Điều này ảnh hưởng đến các thuộc tính của nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.
2.3.Khó khăn trong việc giám định dữ liệu điện tử
Theo quy định tại Điều 206 BLTTHS thì dữ liệu điện tử không thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định, do đó, có tiến hành giám định hay không là phụ thuộc vào nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng. Như đã phân tích ở trên, để xem xét dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ hay không, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét rất nhiều các yếu tố khác nhau như: Cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
2.4.Khó khăn trong khai thác dữ liệu điện tử
Khoản 4 Điều 107 BLTTHS quy định: …“kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được”. Các cơ quan tố tụng đang gặp nhiều khó khăn khi chuyển hóa những đoạn video clip thành chứng cứ dưới dạng có thể đọc được. Đối với dữ liệu điện tử được thu từ các thiết bị, phương tiện điện tử có thể ghi hình và lưu dữ liệu điện tử dưới dạng file video, hiện nay thường sử dụng phương pháp cho người tham gia tố tụng xem trực tiếp để xác định người, vật và các hoạt động diễn ra trong đoạn video thu được, sau đó tiến hành lập biên bản ghi nhận. Biên bản cho người tham gia tố tụng trực tiếp xem hình ảnh, video là hoạt động gì trong các hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. Trường hợp người xem có sự xác nhận khác, ảnh hưởng đến tính xác thực của hình ảnh thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận định, đánh giá của người tiến hành tố tụng.
3.Đề xuất, kiến nghị
Qua nghiên cứu nội dung quy định mới liên quan đến dữ liệu điện tử theo quy định tại Điều 99, 107 và Điều 196 BLTTHS, chúng tôi đề xuất kiến nghị như sau:
Theo quan điểm của tác giả, nên nhập Điều 196 vào Điều 107 BLTTHS và sửa đổi tên điều luật để bảo đảm cách hiểu thống nhất, cụ thể:
"Điều 107. Thu thập dữ liệu điện tử, thu giữ phương tiện điện tử.
1. Phương tiện điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia; phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào các phương tiện điện tử có thể lưu trữ và thu giữ, bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
- Thiết nghỉ, cần thiết phải bổ sung việc giám định dữ liệu điện tử trong một số trường hợp vào Điều 206 BLTTHS hoặc cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc giám định dữ liệu điện tử bắt buộc trong một số trường hợp.
- Dữ liệu điện tử là quy định mới trong BLTTHS, việc áp dụng pháp luật thống nhất và đồng bộ quy định này trong thực tiễn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Cần thiết phải ban hành những hướng dẫn cụ thể để thực hiện một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm liên quan đến vấn đề này./.
TAND tp Yên Bái tổ chức phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn đồng thời số hóa hồ sơ đối với vụ án hình sự - Ảnh: Lê Thu Hằng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận