Không bắt buộc phải xác nhận thông tin địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Trương Minh Tấn đăng ngày 23/01/2024 và một số ý kiến trao đổi, tôi đồng tình với quan điểm cho rằng khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, người khởi kiện không bắt buộc phải xác nhận nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của BLTTDS thì Tòa án vẫn phải thụ lý hồ sơ vụ án.

Theo quy định của BLTTDS 2015, điều kiện để thụ lý vụ án dân sự gồm các điều kiện sau:

Thứ nhất, chủ thể khởi kiện. Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là người có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc cơ quan, tổ chức thành lập hợp pháp và có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Thứ hai, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Để vụ án được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết trước hết cần xác định tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền Tòa án hay không? Có thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác như các cơ quan hành chính không? Việc xác định thẩm quyền giải quyết những vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động được thực hiện theo các Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS 2015.

Thứ ba, vụ án chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết những việc trước đó chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật, trừ những trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện (điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015).

Bên cạnh đó, người khởi kiện cũng cần nộp các tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Tuy nhiên, vào thời điểm nộp đơn khởi kiện thì không bắt buộc phải nộp toàn bộ tài liệu, chứng cứ và việc người khởi kiện chưa cung cấp được tài liệu, chứng cứ cũng không phải là căn cứ để tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Điều 192 BLTTDS 2015. Sau khi đã đáp ứng đủ các điều kiện thì người khởi kiện cần nộp tạm ứng án phí và nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án để thụ lý vụ án.

Như vậy, trong các điều kiện để thụ lý vụ án dân sự, không có điều kiện bắt buộc phải xác nhận nơi cư trú của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này là phù hợp với nguyên tắc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không làm các thủ tục tạm trú, tạm vắng khiến việc xác nhận cư trú của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, không thể xác nhận nơi cư trú ngay thời điểm mà người khởi kiện nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp đó đã bị xâm phạm. Để đảm bảo bảo vệ tối đa, nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tổn thất cho người khởi kiện thì Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện không xác định được nơi cư trú của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả và đồng nghiệp.

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)

Các đương sự tại phiên tòa xét xử vụ Tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất tại Trà Cú, Trà Vinh - Minh Quân