Không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ ngày hôm nay, ngày 04/06 đến hết buổi sáng ngày 06/06. Phiên đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn, một trong những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm là ngăn chặn tội phạm ma túy.
Lực lượng Công an đã dự báo trước tình hình
Phân tích báo cáo của 3 ngành điều tra, kiểm sát và tòa án từ năm 2016 đến nay thì cho thấy lượng ma túy mà chúng ta bắt giữ gia tăng cả về số vụ, số bị cáo và số ma túy bị phát hiện như đại biểu đã nêu, bây giờ không tính bằng gam, kilogam, bây giờ phải tính bằng tấn, bằng tạ trong một vụ. Vậy các báo cáo cũng chỉ ra là hiện nay nước ta đang là địa bàn lý tưởng để các tội phạm trung chuyển ma túy đi các nước. Đại biểu đặt vấn đề: Phải chăng chúng ta chưa đánh ma túy mạnh như một số nước trong khu vực nên tội phạm đã chọn Việt Nam là địa bàn để trung chuyển ma túy đi các nước hay không? Lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu hiện nay là gì mà để một số lượng mà túy lớn đã xâm nhập vào nội địa?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Về kết quả bắt giữ ma túy thời gian qua, chúng tôi đã báo cáo lượng ma túy rất nhiều, tuy nhiên có vấn đề chúng ta có thể yên tâm là lực lượng Công an đã dự báo trước tình hình này. Trên cơ sở đó, đã có triển khai và kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống ma túy vừa qua cũng là con số nói lên điều này.
Trước hết phải khẳng định, tội phạm ma túy là một vấn đề của tội phạm quốc tế, không một quốc gia nào có thể không có sự hợp tác mà giải quyết được tội phạm ma túy. Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy ở Việt Nam phát triển, tức là chúng ta rất gần vùng trung tâm thứ 2 sản xuất ma túy là Tam giác vàng.
Tình hình về ma túy trên thế giới hiện nay có những diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa về ma túy. Riêng đối với Việt Nam, với Asean đã có lập trường chung về phòng chống ma túy. Từ tháng 10/2018, Bộ Công an đã được thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng của các nước Asean về phòng, chống ma túy. Qua hội nghị này có tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Asean về phòng, chống ma túy. Tháng 3/2019 vừa rồi tuyên bố đó được đoàn Việt Nam thay mặt các Bộ trưởng trình bày trước đại biểu Quốc hội, tức là cả khu vực Asean không chấp nhập hợp pháp hóa ma túy và các nước Asean đoàn kết đấu tranh chống tội phạm này.
Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp và dự báo trước, năm 2018 chúng tôi đã triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn chiếm 70% vào nước qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị chấn áp mạnh, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay phát hiện có sự can thiệp chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài, không chỉ hoạt động ma túy ở Việt Nam mà ở gần như các nước trên thế giới trong đó có khu vực Asean, từ Mianma, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia đã phối hợp và phát hiện đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Qua các vụ án đã thể hiện rõ việc này. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới.
Có một số thách thức đặt ra trong đấu tranh phòng, chống ma túy:
Một là, chúng ta đang ở rất gần trong vòng xoáy trung tâm lớn thứ hai về ma túy của thế giới.
Hai là, số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng, tôi muốn nói đến nguồn cung rất lớn và nhu cầu trong nước ngày càng phát triển, so với một số nước Asean chúng ta vẫn ở mức độ kiểm soát được nhưng số người nghiện, nhu cầu trong nước ngày càng tăng lên. Đây là một thách thức lớn, so với một số nước ở Đông Nam Á như Philippin thì số người nghiện trong nước bằng 1/10 hoặc so với Campuchia là một nước dân số ít nhưng số người nghiện nước ta bằng số người nghiện ở Campuchia. Tội phạm này có diễn biến rất phức tạp.
Hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đơn giản hóa thủ tục đưa người vào các cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy và Bộ luật Hình sự. Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước bây giờ đã bỏ , người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này để đưa vào sửa đổi một số quy định của luật pháp.
Có một số vấn đề cụ thể các đại biểu hỏi như khó khăn trong việc quản lý tại các cửa khẩu, hiện nay chúng tôi đang thấy được các vấn đề về quản lý cửa khẩu, thủ tục hàng hóa nhập cảnh thông quan của chúng ta là một trong những quốc gia rất thông thoáng. Chúng ta mở cửa phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Kiểm soát Hải quan chủ yếu là cửa xanh, các đối tượng lợi dụng chính sách này nên thông quan về hàng hóa thuận lợi. 3 mà có 2 vụ bị bắt, 1 vụ vận chuyển lời nên họ vẫn thực hiện. Vận chuyển kiểm soát nói chung trong đó có kiểm soát ma túy cũng có những khó khăn vì những chính sách này. Những phương tiện, điều kiện để kiểm soát ở cửa khẩu còn có những khó khăn. Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai cửa khẩu còn có khó khăn.
Hiện nay lực lượng Biên phòng kiểm tra chính ở cửa khẩu, lực lượng Công an có thể đấu tranh với tội phạm ma túy trong nội địa và ở nước ngoài. Khu vực cửa khẩu chúng tôi sẽ tính toán và đề xuất có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng. Giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính quản lý về hải quan và giải quyết những nhu cầu về cai nghiện ở trong nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ về những vấn đề này.
Việt Nam có thành địa bàn trung chuyển về ma túy quốc tế hay không?
Nhiều Đại biểu chất vấn với nội dung liên quan đến tội phạm ma túy, liệu Việt Nam trong thời gian tới có tiếp tục thành địa bàn trung chuyển về ma túy quốc tế hay không, Bộ trưởng Tô Lâm nói: Một là hiệu quả của các cơ quan chức năng ở Việt Nam về lực lượng Công an trong đấu tranh tội phạm ma túy có sự chuyển hướng, chúng ta đã kịp thời phát hiện sự chuyển hướng này và có kế hoạch đấu tranh nên đã bắt giữ được nhiều vụ ma túy lớn xảy ra vừa qua ở Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đánh giá mặc dù chúng ta đã phát hiện và bắt giữ được một số vụ ma túy lớn từ trước tới giờ chưa từng có, nhưng chúng tôi đánh giá nguy cơ đó vẫn còn đang rất hiện hữu và đòi hỏi phải tăng cường sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Vì trên cơ sở chỉ số như thế này, tức là bây giờ nhu cầu ở trong nước cũng còn đang tiếp tục, nhưng vừa qua chúng ta xử lý đến hàng tấn ma túy như vậy nhưng lượng, nguồn cung từ nước ngoài vào cũng chưa được đảm bảo sự ngăn chặn. Biểu hiện là giá ma túy trong nước chưa tăng cao lên. Chúng tôi còn phải tính đến là nếu chúng ta ngăn chặn tích cực nguồn ma túy từ nước ngoài vào thì ở trong nước giá cả ma túy sẽ có biến động, thậm chí giá sẽ cao lên, càng kích thích cho các đối tượng này. Vì lợi nhuận nó sẽ hoạt động một cách manh động hơn nữa, thậm chí nguồn cung như thế vào thì diễn biến tình hình tội phạm trong nước sẽ có thể có những diễn biến phức tạp hơn.
Từ những đối tượng nghiện có nhu cầu cần tiền, phải sử dụng ma túy mà giá ma túy cao lên dẫn đến tăng về trộm cắp. Diễn biến về tội phạm trộm cắp có thể sẽ phức tạp, thậm chí là cướp của, giết người cũng có nguy cơ tăng cao. Nhưng hiện nay, mặc dù chúng ta đã tổ chức đấu tranh ngăn chặn nhưng giá ma túy ở trong nước vẫn chưa có biến động nhiều. Chúng tôi đánh giá giữa nguồn cung từ nước ngoài vào vẫn còn đang có những diễn biến phức tạp. Vấn đề này phải tập trung để có đấu tranh.
Thứ hai, như tôi nói nguồn lực ma túy ở bên ngoài rất lớn. Từ tam giác vàng trở về chúng ta rất gần, 500 – 1.000 cây số. Con đường vận chuyển rất thuận lợi, khả năng kiểm soát từ nước bạn liên quan đến chúng ta cũng có những khó khăn. Trong khi đó, điều kiện mở cửa phát triển kinh tế – xã hội trong tất cả các mặt chính là cơ sở để tội phạm lợi dụng.
Chúng ta có một khó khăn nữa là đường biển, đường biên giới rất dài. Việc kiểm soát vấn đề này đang có những khó khăn. Chúng ta mới kiểm soát được trên các cửa khẩu, còn các lối mòn, các đường khác của bọn tội phạm lợi dụng những vấn đề vận chuyển về ma túy kể cả trên đất liền, kể cả trên biển cũng đang có những khó khăn.
Để ngăn chặn được tình hình này, chúng tôi nhấn mạnh một số giải pháp. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ, cũng đề xuất xây dựng một kế hoạch tổng thể để ngăn chặn biên giới với Lào và đã được Chính phủ phê duyệt việc này. Hiện nay, Bộ Công an đang tổ chức phối hợp với Lào để tổ chức mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy dọc đường biên giới giáp với Lào, phối hợp với bạn Lào triển khai và đã có hiệu quả rất tốt về chiến dịch tấn công này.
Thứ hai, chúng tôi sẽ có kế hoạch mời các nước trong khu vực và một số các tổ chức quốc tế đến Việt Nam để bàn và thống nhất kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma túy vận chuyển qua Việt Nam và Hội nghị cấp Bộ trưởng này sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7 này. Các nước xung quanh chúng ta đã nhận lời, chúng tôi tiếp tục kiến nghị các ngành sẽ nâng cao hiệu quả quản lý trên lĩnh vực, nhất là quản lý biên giới, cửa khẩu và quản lý các hoạt động của nước ngoài.
Thứ ba là giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng và tuyên truyền vận động sự ủng hộ của nhân dân, ở đâu cũng phải có người dân vào cuộc thì cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy để chúng ta không phải trở thành một địa bàn trung chuyển ma túy trên thế giới, đất nước ta sẽ phát triển.
Ngăn chặn tội phạm do ngáo đá gây ra
Về vấn đề tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra, đây là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Số vụ án những người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá có tăng lên trong thời gian qua. Điểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được, đối tượng hành vi gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; vợ giết chồng v.v… Qua khảo sát, người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án cao khoảng 6 – 7 lần người bình thường, tập trung ở dạng tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng, tâm thần trầm cảm. Chúng tôi có phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng để quản lý đối tượng tâm thần đang sống trong xã hội rất nhiều, cơ sở quản lý những người tâm thần sẽ được tăng cường để quản lý những người không làm chủ được hành vi của mình trong xã hội.
Về vấn đề lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc có những khó khăn. Hiện nay đưa một người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua 06 bước và 04 cơ quan để tiến hành việc này. Nhiều nội dung nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác rất khó thực hiện như đại biểu Quốc hội đã nêu. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi có một số giải pháp:
Đó là đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Để giảm nguồn cung trong nước thì việc quản lý và cai nghiện người nghiện trong nước là vấn đề quan trọng. Trong lộ trình chúng tôi sẽ đề xuất Quốc hội sang năm sẽ có chương trình, chúng tôi đang tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và đề xuất sửa đổi có những biện pháp hữu hiệu hơn. Thực tế còn nhiều vướng mắc nhưng nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt các quy định, có nhiều cách làm hay để làm tốt công tác quản lý và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện.
Trong khi chờ sửa luật, chúng tôi đang chỉ đạo phổ biến nhân rộng những cách làm hiệu quả của nhiều địa phương khác liên quan đến vận động đưa người cai nghiện, tập trung việc quản lý cai nghiện. Tăng cường công tác quản lý người nghiện, đề phòng hiện tượng ngáo đá là nguyên nhân gây ra tội phạm như các đại biểu đã quan tâm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận