Không miễn án phí hình sự đối với người bị kết tội

Qua nghiên cứu bài viết “Thi hành Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 - Vướng mắc và kiến nghị” của tác giả Bùi Viết Vinh đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 01/6/2021, tôi cho rằng không có vướng mắc.

Khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (gọi tắt là Nghị quyết 326) có quy định về các trường hợp miễn nộp tạm ứng án phí, án phí gồm 5 trường hợp. Quy định này về cơ bản được áp dụng chung cho các quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với từng loại án cụ thể nếu trong quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, án phí trong các loại vụ án mà Tòa án đang giải quyết có dẫn chiếu đến quy định này.

Qua đó, chúng ta thấy rằng các quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ phúc thẩm được quy định tại Điều 26, Điều 29 của Nghị quyết 326 và các quy định về nghĩa vụ chịu án phí hành chính sơ phúc thẩm theo quy định tại Điều 32, Điều 34 của Nghị quyết 326 đều dẫn chiếu đến quy định tại Điều 12 trường hợp được miễn án phí. Còn riêng với trường hợp án phí hình sự, sơ phúc thẩm theo Điều 23 của Nghị quyết 326, không được luật dẫn chiếu đến trường hợp miễn án phí. Như vậy, có thể khẳng định rằng quy định về án phí hình sự là trường hợp đặc biệt và pháp luật không cho phép miễn án phí hình sự. Đồng thời, quy định về án phí hình sự và quy định về miễn án phí trong phần quy định chung của Nghị quyết 326 là không có vướng mắc, bất cập.

Quy định của Điều 23 của Nghị quyết 326 không có loại trừ án phí cho bất cứ người bị kết án nào nên người nào bị kết án đều phải chịu án phí hình sự là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 326, cũng như quy định tại khoản 3 Điều 136 của BLTTHS năm 2015. Điều này đã được chứng minh cụ thể là Điều 23 của Nghị quyết 326 không có quy định “trừ trường hợp được miễn án phí”.

Nếu miễn án phí hình sự cho các đối tượng theo quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết 326 sẽ làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như tồn tại tình trạng “một tình tiết nhưng người bị kết án được hưởng hai lần”.

Ví dụ: Tương tự như tình huống pháp lý tác giả bài viết đã đặt ra nhưng A thuộc trường hợp người cao tuổi (71 tuổi) nếu khi đó miễn án phí hình sự cho A thì khi xét xử A sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 51 của BLHS năm 2015… Như vậy, nếu cho rằng người cao tuổi được miễn án phí hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326 là không hợp lý, chưa đủ sức răn đe tội phạm.

Ngoài ra, án phí hình sự còn là một chế tài răn đe đối với người bị kết án và việc thi hành nghĩa vụ nộp án phí hình sự thể hiện sự ăn năn, hối cải của người bị kết án, cũng như thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của người bị kết và là một trong những điều kiện xóa án tích đối với người đã chấp hành án xong. Do đó, khi áp dụng pháp luật thì các Tòa án cần áp dụng theo Điều 23 của Nghị quyết 326, không miễn án phí đối với người bị kết án.

Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong quý đồng nghiệp trao đổi, góp ý!

 

Tòa án nhân dân Tp Kon Tum mở phiên tòa xét xử  vụ án hình sự - Ảnh: Đức Nhuận

HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) -