Không thể áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T không?” của tác giả Trần Minh Huy đăng ngày 05/12/2024. Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

Trước hết cần hiểu như thế nào là “tái phạm nguy hiểm” quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS 2015:

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

 a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

 b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm:

- Người nào đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì được coi là tái phạm nguy hiểm.

- Người nào đã bị kết án 2 lần về bất kỳ tội danh nào, trong lần kết án thứ 2 người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm.

Áp dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Mục 7.3 quy định khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt:

Thứ nhất, trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

Trong vụ án này, Huỳnh Xuân T đã có 4 tiền án đều chưa được xóa án tích. Trong đó có 3 tiền án về tội “trộm cắp tài sản” và 01 tiền án về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Đối với lần thứ 4 Huỳnh xuân T thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với trị giá 300.000 đồng. Vì vậy, các tiền án về tội “trộm cắp tài sản” trước đó của T được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, nên các tiền án này không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 đối với bị cáo T.

Thứ hai, trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Theo đó, T có 04 tiền án về tội “trộm cắp tài sản” và tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, đều chưa được xóa án tích lại trộm cắp tài sản có giá trị 300.000 đồng. Trong trường hợp này, tiền án về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với T.

Vì vậy, hành vi trộm cắp tài sản trong lần thực hành vi phạm tội lần thứ 4 của T sẽ bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS 2015, với tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

TRẦN DUY KHÁ (TAQS khu vực Quân khu 7

TAND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên xét xử lưu động hai vụ án hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” - Ảnh: Xuân Thao.