Không tính án phí trong trường hợp đã thỏa thuận trước khi mở phiên tòa

Tạp chí TAND điện tử ngày 06/01/2021 có đăng bài viết “Có tính án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường không?” của tác giả Trần Văn Hùng, theo tôi, trường hợp bị cáo và đại diện bị hại đã thỏa thuận xong về phần bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thì không tính án phí dân sự sơ thẩm.

Theo đó, tác giả đưa ra tình huống giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Trước khi mở phiên tòa, bị cáo A và đại diện gia đình chị P (Đại diện bị hại) đã thỏa thuận xong việc bồi thường với tổng số tiền là 150 triệu đồng nhưng A sẽ đưa trước cho đại diện bị hại 100 triệu đồng, còn 50 triệu sẽ trả dần trong vòng 6 tháng. Đồng thời, cả hai bên đều đề nghị Tòa án ghi nhận việc thỏa thuận bồi thường nêu trên.

Đối chiếu với quy định về mức thu, nộp án phí, lệ phí Tòa án được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, cụ thể tại điểm f  Điều 23 có quy định như sau:

Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó”.

Như vậy, quy định trên đã quy định rõ ràng rằng, nếu đáp ứng các điều kiện sau, sẽ không đặt ra nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm:

(i) Thời điểm hoàn thành việc thỏa thuận: Trước khi mở phiên tòa;

(ii) Chủ thể thỏa thuận: Giữa bị cáo và đương sự;

(iii) Đối tượng, mục đích thỏa thuận: Thỏa thuận bồi thường thiệt hại phát sinh từ hành vi phạm tội.

(iv) Ý chí của các bên: Các bên đều đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường.

Như vậy, quy định trên không đặt ra yêu cầu đối với nội dung thỏa thuận, theo đó, chỉ cần có sự thỏa thuận về bồi thường thiệt hại diễn ra xong trước ngày mở phiên tòa và các bên đều đề nghị Tòa án ghi nhận thì sẽ không tính án phí dân sự sơ thẩm. Chính vì vậy, trong trường hợp này, việc bồi thường giữa A và đại diện bị hại đã đáp ứng đủ các điều kiện trên nên A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 50 triệu đồng mà A chưa trả cho gia đình chị P.

Mặt khác, nội dung việc thỏa thuận nêu trên cũng không trái với quy định của pháp luật. Việc thỏa thuận là do hai bên tự nguyện, thống nhất ý chí, cho phép A sẽ trả số tiền 50 triệu đồng cho gia đình P trong vòng 6 tháng. Vấn đề sau đó A có trả hay không, có điều kiện trả được hay không hay A có tẩu tán tài sản không là vấn đề khác. Trong vấn đề dân sự, ý chí của hai bên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, Tòa án phải ghi nhận và không tính án phí dân sự sơ thẩm đối với A.

Hơn nữa, việc A chưa trả số tiền 50 triệu cho gia đình P không ảnh hưởng đến việc A được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Bởi như đã nói, nội dung thỏa thuận bồi thường là do các bên quyết định, Tòa án phải tôn trọng và ghi nhận sự thỏa thuận này nếu việc thỏa thuận không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội. Do đó, việc A tự nguyện thỏa thuận, bồi thường cho gia đình P đã đủ để A được hưởng tình tiết giảm nhẹ này và thực tế, A cũng đã trả cho gia đình P số tiền 100 triệu đồng. Số tiền 50 triệu còn lại, mặc dù có khả năng nhưng không thể chứng minh, cũng không thể khẳng định được A sẽ không trả cho gia đình P. Do đó, A phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Trên đây là quan điểm của tôi về việc tính án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp trên. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi được bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án “Kiện đòi tài sản”- Ảnh: VKSND tỉnh Bắc Ninh

VĂN LINH ( Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân)