.jpg)
Kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp - Những vấn đề cơ bản và một số đề xuất hoàn thiện
Kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp là một hoạt động tất yếu, quan trọng và có tính xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết sẽ làm rõ khái niệm, phân tích quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
1. Khái niệm kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp
Kiểm soát quyền lực để hạn chế việc lạm dụng quyền lực là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng nền dân chủ. Yêu cầu này đã được đặt ra và bước đầu giải quyết ở Hy Lạp, La Mã từ thời cổ đại, tiếp tục hoàn thiện trong thời kỳ Phục Hưng, khai sáng ở Châu Âu và trở thành xu hướng chung của nhân loại ngày nay. Song, ở mỗi quốc gia, việc xây dựng các thiết chế bảo đảm kiểm soát quyền lực có tính đặc thù riêng, xuất phát từ điều kiện, kinh tế, chính trị, văn hóa và truyền thống[1]. Ở Việt Nam hiện nay, với việc xây dựng nhà nước trên tinh thần học thuyết, mô hình xã hội chủ nghĩa, các cách nhìn nhận tương ứng về kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp đã được hình thành và trở lên quan trọng bậc nhất.
Trước hết, về khái niệm “kiểm soát quyền lực nhà nước”, hiện nay có nhiều học giả nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau. Theo Tác giả Trịnh Đức Thảo: “Kiểm soát quyền lực nhà nước là toàn bộ những cách thức, biện pháp trên cơ sở pháp luật các chủ thể ngăn chặn, loại bỏ những hành vi sai trái của các thiết chế thực hiện quyền lực nhà nước; nhằm phát hiện và điều chỉnh được việc thực thi quyền lực nhà nước; bảo đảm cho quyền lực nhà nước được sử dụng và thực thi đúng mục đích và đạt được hiệu quả cao”[2]. Một cách tiếp cận khác, tác giả Nguyễn Minh Đoan - Vũ Thu Hạnh đã khái quát dựa vào hình thức, nội dung, đối tượng, mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước: “Kiểm soát quyền lực nhà nước là toàn bộ những hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá, những biện pháp mà thông qua đó có thể ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện đúng mục đích mong muốn và đạt được hiệu quả cao”[3]. Thông qua các quan điểm trên đây, chúng ta có thể hiểu việc kiểm soát quyền lực Nhà nước có mục đích nhằm ngăn chặn sự lạm quyền, sai trái của các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước.
Về khái niệm “kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp”, cũng có nhiều quan điểm đề cập về khái niệm này, mỗi khái niệm lại tồn tại những tính khác biệt nhất định. Với quan điểm cho rằng, nội dung của kiểm soát quyền hành pháp chỉ bao gồm hành vi vi phạm pháp luật, theo tác giả Nguyễn Thị Hoài An: “kiểm soát quyền hành pháp (hoặc nói một cách đầy đủ kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp) là toàn bộ các phương thức, cách thức do Hiến pháp và pháp luật quy định mà căn cứ vào đó các thiết chế nhà nước và xã hội có thể ngăn chặn, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm cho quyền hành pháp được thực thi đúng mục đích và đạt hiệu quả trong quản lý xã hội và trong quản lý chính bản thân quyền hành pháp”[4]. Một cách nhìn nhận khác, các tác giả Lê Ngọc Duy hay tác giả Đinh Văn Minh chỉ giới hạn hình thức của kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp chỉ bao gồm kiểm tra, xem xét, theo dõi, đánh giá: “kiểm soát thực hiện quyền hành pháp là toàn bộ những hoạt động xem xét, theo dõi, kiểm tra, đánh giá nhằm ngăn ngừa, hạn chế, hoặc loại bỏ nguy cơ sai phạm, hành vi vi phạm của cơ quan, cá nhân được nhà nước trao quyền trong tổ chức và thực thi quyền hành pháp, bảo đảm cho quyền hành pháp được tổ chức và thực hiện đúng mục đích và đạt được hiệu quả cao”[5]; hay “kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp chính là việc kiểm tra, xem xét nhằm ngăn chặn vi phạm trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật cũng như quá trình tổ chức thực hiện của các chủ thể thực hiện quyền hành pháp”[6].
Từ các quan điểm, khái niệm đã dẫn và các bình luận, có thể nhận thấy nội hàm của kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp bao gồm các yếu tố sau: Thứ nhất, kiểm soát quyền lực hành pháp được thực hiện bởi các chủ thể cả trong và ngoài nhà nước; Thứ hai, hoạt động kiểm soát vừa mang tính quyền lực nhà nước vừa mang tính xã hội; Thứ ba, đối tượng của kiểm soát là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó; Thứ tư, hình thức bao gồm các hoạt động như kiểm tra, giám sát, thanh tra, phản biện, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo…; Thứ năm, nội dung của kiểm soát bao gồm các nguy cơ, sai phạm trong quá trình chấp hành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức quản lý xã hội; Thứ sáu, mục đích của kiểm soát là nhằm bảo đảm quyền hành pháp được tổ chức và thực hiện đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm quyền quyền con người, quyền công dân, bảo đảm pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra khái niệm: “Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp là hoạt động vừa mang tính quyền lực nhà nước vừa mang tính xã hội như kiểm tra, giám sát, thanh tra, phản biện, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo…, được thực hiện bởi các chủ thể trong và ngoài nhà nước, để ngăn chặn, xử lý các nguy cơ, sai phạm của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó trong quá trình trong quá trình chấp hành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức quản lý xã hội nhằm bảo đảm quyền hành pháp được tổ chức và thực hiện đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm quyền quyền con người, quyền công dân, bảo đảm pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
2. Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo quy định của pháp luật hiện hành
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam, tại khoản 3 Điều 2, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận về vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đây là điểm mới đáng ghi nhận của Hiến pháp năm 2013, là nguyên tắc chỉ đạo công cuộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới cả về kinh tế và chính trị. Nguyên tắc này thể hiện chặt chẽ hai mặt của một vấn đề, đó chính là xây dựng quyền lực thống nhất, không có sự phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp[7]. Trên cơ sở ghi nhận của Hiến pháp về việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta lần lượt triển khai quy định nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp như: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Cán bộ, công chức; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, năm 2024; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Thanh tra năm 2022; Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018; Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Luật Tổ chức Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Tố cáo năm 2018…
Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, chúng ta thấy vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp được thể hiện thông qua các phương thức chủ yếu sau đây[8]:
Một là, kiểm soát bên trong: với phạm vi hoạt động rất rộng cùng nhiều thẩm quyền trong hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, liên quan đến tất cả các chủ thể trong xã hội nên nguy cơ lạm quyền trong bộ máy hành chính là rất cao. Do vậy, để kiểm soát quyền lực, tránh lợi dụng quyền lực để trục lợi hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, đến quyền lợi và hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ cần kiểm soát trong nội bộ hoạt động của Chính phủ cũng như cả nền hành chính. Phương thức kiểm soát đang tồn tại trong thực tiễn hiện nay và phát huy được hiệu quả nhất định đó là việc Chính phủ sử dụng các công cụ, thiết chế có tổ chức để trực tiếp giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động công vụ. Theo đó, các cơ quan trong bộ máy hành chính - thông qua người đứng đầu - thường xuyên tự kiểm tra, giám sát nội bộ khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn hoặc xử lý những hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ . Thông qua các thiết chế chuyên trách là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và hệ thống cơ quan thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương, Chính phủ thực hiện việc giám sát, kiểm tra và đặc biệt là thanh tra các dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong bộ máy hành chính; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý, điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Hai là, kiểm soát từ bên ngoài: Trước hết, về kiểm soát của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp. Đây là thiết chế kiểm soát hành pháp chủ yếu và quan trọng nhất, với các hình thức như báo cáo công tác, chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình, bỏ phiếu tín nhiệm, giám sát theo chuyên đề… Tiếp nữa, kiểm soát của tư pháp đối với cơ quan hành pháp. Đây là mô hình kiểm soát có tính đặc thù nhất định, vì nguyên tắc độc lập tư pháp đã thể hiện rất rõ bản chất của hoạt động tư pháp. Theo ghi nhận của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và các văn bản có liên quan, cơ quan tư pháp kiểm soát cơ quan hành pháp chủ yếu thông qua hoạt động xét xử các vụ án hành chính. Đồng thời, trong quá trình xét xử các vụ án hành chính, Tòa án nhân dân còn có quyền xem xét tính hợp pháp của các văn bản mang tính pháp quy của các cơ quan nhà nước. Thêm vào đó, hoạt động kiểm soát quyền hành pháp còn được tiến hành thông qua các thiết chế chính trị - xã hội và người dân, như: các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; thông tin, phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí; việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhiều hình thức, công cụ khác thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp
Thứ nhất, từ góc độ hành chính, tư pháp, cần sửa đổi, mở rộng phạm vi khiếu nại, quy định cụ thể về thủ tục xử lý văn bản hành chính, hành vi hành chính liên quan, tạo tiền đề cho việc kiểm soát quyền lực thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp
Tại khoản 8, 9 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011: quyết định hành chính là văn bản do “cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành”; hành vi hành chính là hành vi của “cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước” thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, tại khoản 1, 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015: quyết định hành chính là văn bản do “cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành” (mở rộng hơn: cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước; người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó); hành vi hành chính là hành vi của “cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước” (mở rộng hơn: cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước). Có thể thấy việc mở rộng này là cần thiết, để điều chỉnh kịp thời, tương thích với thực trạng quản lý hành chính nhà nước hiện nay. Chẳng hạn, căn cứ khoản 1, 2 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019: Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền bằng văn bản cho cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Vì vậy, Luật Khiếu nại cần sớm được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng, quyền khiếu nại với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước; người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó.
Cùng với đó, khi xã hội càng dân chủ, cơ chế kiểm soát quyền lực hành pháp càng cần được tăng cường và cụ thể hóa để khả thi trong thực tiễn thực hiện. Tại Điều 6, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định nguyên tắc về xem xét, xử lý văn bản hành chính có liên quan. Đồng thời, Luật cũng đã bổ sung một số quy định liên quan, như: quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện (khoản 12 Điều 38); quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền (khoản 3 Điều 193, khoản 6 Điều 241). Quy định này được hiểu là nhằm để Toà án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật[9]. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục, quyền hạn đối với việc xem xét, xử lý văn bản hành chính có liên quan theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa được quy định, hướng dẫn rõ. Chẳng hạn, với quy định tại Điều 6, Điều 193 Luật tố tụng hành chính năm 2015: Trường hợp nào Hội đồng xét xử xem xét quyết định hành chính có liên quan, trường hợp nào Hội đồng xét xử cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý? Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền có văn bản trả lời không đồng ý giải quyết theo kiến nghị của Tòa án thì lúc này Tòa án sẽ áp dụng căn cứ nào để giải quyết vụ án? Hiện nay, tại Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC, Tòa án nhân dân tối cao chỉ mới hướng dẫn về yếu tố thời hiệu khi xem xét quyết định hành chính liên quan[10]. Do vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan, người có thẩm thẩm quyền, phát huy triệt để nguyên tắc kiểm soát trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước, tác giả kiến nghị trong thời gian sớm nhất Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có Nghị quyết hướng dẫn, về lâu dài trong quá trình sửa đổi, bổ sung, Luật Tố tụng hành chính cần bổ sung, quy định cụ thể hơn về các nội dung này.
Thứ hai, từ góc độ lập pháp, cần điều chỉnh quy định về số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” làm căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm nhằm phát huy được vai trò cần có của việc giám sát, kiểm soát
Định kỳ tại Kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước… (Điều 4 Nghị quyết số 96/2023/QH15[11]). Tại điểm đ khoản 8 Điều 10, 11 Nghị quyết số 96/2023/QH15, các mức độ tín nhiệm khi lấy phiếu tín nhiệm bao gồm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Căn cứ điểm đ khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị quyết này, khi “người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu. Tại Điều 17 Nghị quyết số 96/2023/QH15, về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm: “Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất”. Lúc này, có thể xảy ra trường hợp một thành viên của Chính phủ, Ủy ban nhân dân khi lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “tín nhiệm thấp” (dẫn đến phải bỏ phiếu tín nhiệm) nhưng khi đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm thì lại không được quá nửa tổng số đại biểu bỏ phiếu “không tín nhiệm” (xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm). Về hình thức, từ ngữ, “tín nhiệm thấp” và “không tín nhiệm” là hai mức độ khác nhau. Mức “không tín nhiệm” thấp hơn mức “tín nhiệm thấp” (vẫn còn tín nhiệm, nhưng thấp). Thế nhưng, về mặt thực chất, việc đánh giá “tín nhiệm thấp” nhiều lúc cũng có thể tương đồng với “không tín nhiệm”, bởi các mức đánh giá hiện nay (tại Điều 10, 11 nêu trên) chỉ bao gồm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, (không có mức “không tín nhiệm” để đánh giá). Nữa là, trường hợp vẫn còn tín nhiệm thì mức tín nhiệm cũng gần như rất thấp, bởi căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được dựa vào những nội dung căn cốt, cơ bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ: “1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, gồm các nội dung sau đây:... 2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gồm các nội dung sau đây:...” (Điều 6 Nghị quyết số 96/2023/QH15).
Từ lý luận trên, có thể thấy rằng, việc quá nửa tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” khi lấy phiếu tín nhiệm cần được hiểu là người giữ chức vụ được đánh giá đã không còn được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm. Lúc này, giai đoạn tiếp đến, một cách phù hợp với tinh thần khi không còn được tín nhiệm, nên là: trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm[12]. Do vậy, khi lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu “tín nhiệm thấp” tối thiểu đủ phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm cần ít hơn “quá nửa tổng số” (50%). Việc đại biểu đánh giá tín nhiệm là một phương thức bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với người được lấy tín nhiệm. Trong tương quan các căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm, có thể hình dung việc đánh giá tín nhiệm của đại biểu có đặc điểm tương tự với việc “có kiến nghị” (đều thể hiện quan điểm, sự tín nhiệm) tại khoản 1 Điều 13 Điều 13 Nghị quyết số 96/2023/QH15: “a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; b) Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; c) Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội”. Thế nhưng, tính chất và phạm vi của việc kiến nghị tại điểm c khoản 1 Điều 13 Điều 13 Nghị quyết số 96/2023/QH15 có phần đặc biệt và rộng hơn so với việc đánh giá tín nhiệm. Việc có kiến nghị được thực hiện từ sự chủ động của đại biểu ở nhiều thời điểm. Trong khi đó, việc đánh giá tín nhiệm thì được thực hiện theo kế hoạch, bỏ phiếu kín vào những thời điểm xác định. Do vậy, số phần trăm đánh giá “tín nhiệm thấp” phải bỏ phiếu tín nhiệm cần được quy định lớn hơn mức 20%. Kết hợp giữa mức phiếu cần ít hơn 50% và lớn hơn 20% đã phân tích, tác giả kiến nghị khoản 2 Điều 12 và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 96/2023/QH15 cần sửa đổi mức phiếu tối thiểu phải bỏ phiếu tín nhiệm là một phần ba, cụ thể: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá một phần ba đến dưới hai phần ba tổng số phiếu …”.
[1] Lưu Văn Sùng, Hoàn thiện thể chế bảo đảm kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, năm 2014, tr.16.
[2] Trịnh Đức Thảo, Pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số kiến nghị, Tạp chí Nghề luật, số 04, năm 2018, tr.3.
[3] Nguyễn Minh Đoan - Vũ Thu Hạnh, Quan niệm về kiểm soát và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9, năm 2014, tr.4.
[4] Nguyễn Thị Hoài An, Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quyền hành pháp, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2019, tr.45.
[5] Lê Ngọc Duy, Kiểm soát quyền hành pháp của Quốc hội với Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 06, 2018, tr.36.
[6] Đinh Văn Minh, Kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp trong xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 03, năm 2019, tr.49.
[7] Nguyễn Trọng Nghĩa, Về nguyên tắc kiểm soát quyền lực Nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, https://kiemsat.vn/ve-nguyen-tac-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-hien-nay-64607.html, truy cập ngày 07/5/2025.
[8] Đinh Dũng Sỹ, Kiểm soát quyền hành pháp trong thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam, https://tcnn.vn/news/detail/62902/Kiem-soat-quyen-hanh-phap-trong-thuc-thi-quyen-luc-nha-nuoc-o-Viet-Nam.html, truy cập ngày 07/5/2025.
[9] Tòa án nhân dân tối cao (2015), Giới thiệu luật Tố tụng hành chính, Mục IV.2.
[10] Mục V.5 Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
[11] Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
[12] Khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 96/2023/QH15, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó”.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV - Nguồn: quochoi.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận