Kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới về tội phạm khiêu dâm trẻ em
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm dược quy định tại Điều 147, Bộ luật hình sự 2015. Thực tiễn áp dụng tội phạm này đã cho thấy quy định của Điều 147 bộc lộ không ít những bất cập. Để, tiếp tục hoàn thiện quy định này, việc tham khảo kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia tiến bộ trên thế giới là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, bài viết phân tích so sánh quy định của BLHS Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức và Thuy Điển, trên cơ sở đó rút ra kinh nghiệm lập pháp cho Việt Nam.
Trong các tội xâm phạm tình dục trẻ em, tội phạm khiêu dâm trẻ em đã và đang xuất hiện với quy mô ngày một lớn và diễn biến phức tạp. Đứng trước tình hình như vậy các nước trên thế giới đều xây dựng một hệ thống pháp luật hình sự để bảo vệ, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm khiêu dâm trẻ em, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
1. Kinh nghiệm lập pháp của Nhật Bản về hành vi khiêu dâm trẻ em
Các tội phạm về khiêu dâm của BLHS Nhật Bản được quy định tại Chương XXII “Các tội khiêu dâm, hiếp dâm và song hôn”. Bao gồm 4 Điều từ Điều 174 đến Điều 176 và Điều 181: Tội khiêu dâm công khai (Điều 174); Tội phân phối các sản phẩm khiêu dâm (Điều 175); Tội khiêu dâm cưỡng bức (Điều 176); Tội khiêu dâm cưỡng bức dẫn đến chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe (Điều 181)[1]. Nội dung quy định cụ thể như sau:
Trên cơ sở các quy định về tội phạm khiêu dâm trong BLHS Nhật Bản và đối chiếu, so sánh với với quy định về Tội sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm tại Điều 147 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tác giả nhận thấy:
Thứ nhất, Điều 174, 175, 176, 181 BLHS Nhật Bản và Điều 147 BLHS Việt Nam đều có chung khách thể là xâm phạm về danh dự, nhân phẩm. Nhưng độ tuổi đối tượng bị tác động của tội khiêu dâm của Nhật Bản thì chỉ được quy định tại Điều 176: “Người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa mà thực hiện hành vi khiêu dâm đối với người nam hoặc người nữ khác từ 13 tuổi trở lên...”. Qua đó cho thấy, đối tượng tác động của tội này theo quy định của Nhật Bản là nam hoặc nữ từ 13 tuổi trở lên, rộng hơn, cụ thể về giới tính so với quy định đối tượng tác động là trẻ em dưới 16 tuổi của Điều 147.
Thứ hai, BLHS của hai nước quy định tương đối khác nhau về hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội này theo quy định của BLHS Nhật Bản khá đa dạng, phong phú, bao gồm: hành vi khiêu dâm một cách công khai (Đ174), hành vi phân phối, bán hoặc công khai trưng bày các tài liệu có tính khiêu dâm dưới dạng viết, tranh ảnh hoặc sản phẩm khác (Đ175), dùng vũ lực hoặc đe dọa mà thực hiện hành vi khiêu dâm đối với người nam hoặc người nữ khác từ 13 tuổi trở lên/dưới 18 tuổi (Đ176). Trong khi hành vi khách quan của Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Đ147) thì bó hẹp hơn khi chỉ quy định “là hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Bên cạnh đó, nếu các yếu tố trong mặt khách quan của Điều 147 BLHS 2015 phản ánh đây là tội phạm cấu thành hình thức thì quy định của tội danh này ở Điều 174, 175, 176 của BLHS Nhật Bản cũng thể hiện là tội phạm cấu thành hình thức khi không yêu cầu bắt buộc dấu hiệu hậu quả. Tuy nhiên, tại Điều 181 của BLHS Nhật Bản lại quy định cấu thành tội phạm này là cấu thành tội phạm vật chất khi quy định hậu quả là chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe. Qua đó cho thấy, quy định cấu thành tội phạm tội này của BLHS Nhật Bản đa dạng và linh hoạt hơn quy định của BLHS Việt Nam.
Thứ ba, chủ thể của tội khiêu dâm được BLHS Nhật Bản quy định tại Điều 174 là bất cứ “Người nào”. Trong khi, chủ thể của tội này lại được BLHS Việt Nam quy định là “Người nào đủ 18 tuổi trở lên”. Điều này cho thấy, chủ thể của tội này theo quan điểm của Nhật Bản rộng hơn rất nhiều so với Việt Nam. Ở Việt Nam, chủ thể thực hiện tội này chỉ có thể là những người đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của pháp luật hình sự, trong khi đó thực tiễn cho thấy có những người dưới độ tuổi này cũng thực hiện hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm nhưng lại không thể xử lí. Vì vậy, quy định của BLHS Nhật Bản về chủ thể là một kênh tham khảo để Việt Nam cân nhắc trong việc hạ độ tuổi chủ thể của tội phạm này cho phù họp với thực tiễn.
Thứ tư, về mặt chủ quan, cả hai quốc gia đều quy định tội danh này được thực hiện dưới một hình thức lỗi duy nhất là lỗi cố ý trực tiếp và đều quy định mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc với tội danh này. Tuy nhiên, tên tội danh này của BLHS Việt Nam lại quy định rõ việc sử dụng đối tượng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì phạm tội này. Trong khi bản chất mục đích của người phạm tội là để cho người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến trình diễn khiêu dâm nhằm để kích dục, khiêu gợi ham muốn tình dục đối với người quan sát hành vi chứ không nhằm mục đích giao cấu hoặc thỏa mãn tình dục trực tiếp. Qua đó cho thấy, cách đặt tên tội danh của BLHS Việt Nam chưa thật sự phù hợp và dễ gây hiểu không thống nhất, nhầm lẫn về bản chất của tội danh này.
Thứ năm, về chế tài, BLHS của cả hai nước đều thể hiện đường lối xử lí về tội phạm khiêu dâm khá nghiêm khắc thông qua việc quy định về các khung hình phạt cụ thể. Khung hình phạt quy định tại Điều 174 175, 176, 181 BLHS Nhật Bản lần lượt ở mức cao nhất là 06 tháng, 02 năm tù, 07 năm tù, 03 năm tù, nhẹ hơn khung hình phạt của Điều 147 BLHS Việt Nam. Điểm khác biệt là hai Điều 174 và 175 quy định thêm hình phạt tiền còn tại Điều 147 BLHS Việt Nam không có quy định hình phạt tiền. Qua đó nhận thấy, BLHS Việt Nam mặc dù quy định hình phạt tù nghiêm khắc hơn những loại hình phạt áp dụng cho tội danh này lại không đa dạng phong phú bằng BLHS Nhật Bản.
Trên cơ sở những phân tích, đối chiếu so sánh trên, cho thấy BLHS Việt Nam có thể học hỏi những điểm tiến bộ của BLHS Nhật Bản như mở rộng hành vi khách quan của tội phạm, mở rộng đối tượng tác động và chủ thể của tội phạm cũng như bổ sung thêm hình phạt tiền đối với tội phạm này.
2. Kinh nghiệm lập pháp của CLHB Đức về hành vi khiêu dâm trẻ em
Cộng hòa Liên Bang Đức là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật tiên tiến, trong đó các tội phạm khiêu dâm trẻ em quy định tương đối đầy đủ và chi tiết trong từng điều luật cụ thể trong BLHS CHLB Đức. Bao gồm 4 điều[2]: (Điều 184) phát tán những ấn phẩm khiêu dâm; (Điều 184b) phát tán, mua và chiếm hữu những ấn phẩm khiêu dâm trẻ em; (Điều 184c) phát tán, mua và chiếm hữu những ấn phẩm khiêu dâm người chưa thành niên; (Điều 184d) phát tán những chương trình có tính khiêu dâm qua đài phát thanh, những dịch vụ truyền thông hoặc viễn thông. Nội dung quy định cụ thể như sau:
Thông qua đối chiếu, so sánh quy định về tội phạm khiêu dâm của BLHS CHLB Đức và BLHS Việt Nam, tác giả nhận thấy:
Thứ nhất, mặc dù đều là tội phạm cấu thành hình thức nhưng hành vi khách quan của Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trong BLHS Việt Nam khác và hẹp hơn nhiều so với hành vi khách quan của các tội phạm khiêu dâm trong BLHS CHLB Đức. Cụ thể, hành vi khách quan của tội phạm khiêu dâm được quy định khá phong phú đa dạng từ điều 184 đến điều 184d, đó là: hành vi mời chào, giao cho một người dưới mười tám tuổi hoặc làm cho họ tiếp cận được hoặc trưng bày công khai, treo, trình chiếu hoặc bằng cách khác làm cho được tiếp cận ở một nơi mà những người dưới mười tám tuổi tiếp cận được hoặc có thể nhìn thấy được …(Điều 184); hành vi phát tán những ấn phẩm khiêu dâm là các hành vi mời chào giao, trưng bày, công khai treo, trình chiếu cho một người dưới 18 tuổi hoặc làm cho họ tiếp cận được, mời hoặc giao cho một người khác trong buôn bán lẻ hay theo hình thức chuyển giới, các cửa hàng cho thuê sách, tạp chí, nhập khẩu, xuất khẩu, để một người khác có được hoặc giới thiệu một trình chiếu phim, tạo ra, chuyển đến cung cấp tàng trữ hoặc hoạt động nhập khẩu nhằm sử dụng chúng hoặc những đơn vị ấn phẩm được tạo ra từ chúng... (Điều 184b); phát tán, công khai trưng bày, treo, trình chiếu hoặc bằng cách khác làm cho được tiếp cận hoặc tạo ra, chuyển đến, cung cấp, tàng trữ, mời chào, thông báo, quảng cáo, hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm sử dụng chúng hay những đơn vị ấn phẩm được tạo ra từ chúng theo nghĩa của số 1 hay số 2 hoặc tạo điều kiện cho một người khác một sự sử dụng như vậy (Điều 184c); hành vi phát tán một chương trình có tính khiêu dâm qua đài phát thanh, dịch vụ truyền thông hoặc viễn thông (Điều 184d)…
Thứ hai, cũng giống như BLHS Nhật Bản, BLHS CHLB Đức quy định chủ thể tội khiêu dâm khá rộng là bất cứ “người này” chứ không thu hẹp chủ thể tội phạm chỉ là những “người đủ 18 tuổi trở lên” trong Điều 147 BLHS Việt Nam.
Thứ ba, độ tuổi của đối tượng tác động trong quy định của BLHS CHLB Đức rộng hơn so với quy định của BLHS Việt Nam. Cụ thể tại Điều 184 BLHS CHLB Đức quy định là người dưới 18 tuổi, còn Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của BLHS Việt Nam quy định đối tượng bị tác động là người dưới 16 tuổi. Điều này cho thấy BLHS CHLB Đức quy định đối tượng được bảo vệ rộng hơn, đây là điểm tiến bộ Việt Nam cần tiếp thu để hoàn thiện BLHS nói cung và tội phạm liên quan đến hành vi khiêu dâm nói riêng.
Thứ ba, về hình phạt đối với các vi khiêu dâm trong BLHS CHLB Đức quy định là hình phạt tù có thời hạn hoặc phạt tiền, tùy mức độ nghiêm trọng của từng hành vi của người phạm tội. Nhìn chung BLHS CHLB Đức nhẹ hơn so với BLHS Việt Nam. Tại Điều 184 BLHS CHLB Đức khung hình phạt là phạt tự do đến một năm hoặc hình phạt tiền, Điều 184b BLHS CHLB Đức khung hình phạt là hình phạt tự do từ 03 tháng đến 05 năm, Điều 184c BLHS CHLB Đức khung hình phạt là hình phạt tự do đến 03 năm hoặc hình phạt tiền nếu có tính chất chuyên nghiệp thì áp dụng hình phạt tự do từ 03 tháng đến 05 năm. Mặc dù, BLHS CHLB Đức không quy định mức tiền phạt cụ thể nhưng việc có chế tài này thể hiện sự phù hợp, linh hoạt cũng là điểm mới so với quy định của Điều 147 BLHS Việt Nam.
Như vậy, BLHS CHLB Đức đã có những quy định cụ thể về tội phạm khiêu dâm trẻ em, quy định rõ độ tuổi của đối tượng tác động và quy định thêm hình phạt tiền. Vì vậy, BLHS Việt Nam cần tiếp thu, học hỏi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa quy định về Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
3. Kinh nghiệm lập pháp của Thuỵ Điển về tội phạm khiêu dâm trẻ em
BLHS Thuỵ Điển ban hành từ năm 1962, có quy định thành các tội riêng biệt, tương ứng với các hành vi khách quan “bóc lột trẻ em trình diễn khiêu dâm” được quy định tại Điều 8 (Chương 6) và thực hiện một trong các hành vi “vẽ, phổ biến, mua bán, chiếm hữu hoặc môi giới để giao dịch các bức tranh khiêu dâm trẻ em, kết nối giữa người mua và người bán các bức tranh khiêu dâm trẻ em,... ” quy định tại Điều 10a (Chương 16)[3].
Thông qua việc nghiên cứu các quy định trên, nhận thấy cả các điều luật quy định khách thể bị xâm phạm đều là sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người, của trẻ em. Đối tượng tác động của Điều 8 (Chương 6) quy định là trẻ em dưới 15 tuổi hẹp hơn so với Điều 147 BLHS Việt Nam quy định người dưới 16 tuổi. Cho thấy đối tượng dưới 15 tuổi được bảo vệ một cách tuyệt đối, trong bất kì trường hợp nào người phạm tội thực hiện hành vi khách quan của tội này đều bị truy cứu TNHS. Tuy nhiên, cũng tại Điều 8 (Chương 6) đặt ra vấn đề là nếu đối tượng bị tác động là trẻ em từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ bị xử lí khi tính chất của việc trình diễn có thể gây hại cho sức khỏe hoặc sự phát triển của trẻ em, nếu không đáp ứng được điều kiện trên thì không bị áp dụng điều luật này. Bên cạnh đó, Điều 10a (Chương 16) BLHS Thụy Điển cũng không quy định về độ tuổi của đối tượng tác động mà chỉ quy định là trẻ em, cho thấy đối tượng tác động của điều luật này là những người dưới 18 tuổi. Điều này cho thấy, đối tượng tác động quy định của tội danh này quy định tại BLHS Thụy Điển được bảo vệ có phần rộng hơn so với Việt Nam.
Hành vi khách quan của Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Còn đối với quy định của Điều 8 (Chương 6) BLHS Thụy Điển là khuyến khích hoặc bóc lột trẻ em dưới 15 tuổi thực hiện hoặc tham gia vào việc trình diễn khiêu dâm; là hành vi vẽ chân dung trẻ em trên bức tranh khiêu dâm, phổ biến, chuyển giao, cho phép sử dụng, trưng bày hoặc bằng cách khác làm bức tranh trẻ em, mua hoặc đề nghị mua bức tranh trẻ em, kết nối giữa người mua và người bán các bức tranh nói trên hoặc thực hiện biện pháp tương tự để thúc đẩy việc mua bán các bức tranh đó, hoặc chiếm hữu bức tranh trẻ em (Điều 10a BLHS Thụy Điển). Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt cuộc đối với Điều 147 BLHS Việt Nam và Điều 10a, Điều 8 (Chương 6) (nếu đối tượng là trẻ em dưới 15 tuổi). Tuy nhiên, nếu đối tượng tác động là trẻ em từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì Điều 8 (Chương 6) lại quy định phải bắt buộc hậu quả có thể gây nguy hại cho sức khỏe hoặc sự phát triển. Qua đó cho thấy, BLHS Thụy Điển cho rằng việc thực hiện hành vi khách quan của tội phạm với đối tượng dưới 15 tuổi nguy hiểm hơn đối với đối tượng từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi thực tế BLHS Việt Nam lại chưa có sự phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể theo đối tượng tác động như thế này. Đây là điểm tiến bộ mà Việt Nam cần học hỏi khi tiếp tục hoàn thiện quy định của Điều 147 để tránh bỏ lọt tội phạm.
Quy định tại Điều 147 BLHS Việt Nam nêu rõ chủ thể phạm tội này là người nào đủ 18 tuổi trở lên, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và không phụ thuộc vào giới tính là nam hay nữ, còn tại Điều 10a và Điều 8 (Chương 6) không quy định cụ thể về độ tuổi của chủ thể chỉ quy định chung là: “...Người nào...”. Điều này cho thấy quy định của BLHS Thụy Điển không giới hạn độ tuổi của chủ thể phạm tội nên bất kể người nào thực hiện hành vi khách quan của tội này đều bị truy cứu TNHS.
Tại Điều 147 và Điều 8 (Chương 6) cho thấy cả hai quốc gia đều quy định tội danh này được đều thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi khách quan của tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, Điều 10a của BLHS Thụy Điển lại quy định tội danh này được thực hiện dưới cả hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý. Qua đó cho thấy, quy định hình thức lỗi của BLHS Thụy Điển với tội danh này rộng hơn, thể hiện quan điểm nghiêm khắc của quốc gia này đối với hành vi khiêu dâm.
Nhìn chung hình phạt quy định tại Điều 8 (Chương 6) BLHS Thụy Điển là: “Phạt tiền hoặc tù đến hai năm” và “Từ 06 tháng tù đến 06 năm tù” (trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng) hay phạt tù đến 02 năm về tội khiêu dâm trẻ em hoặc phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tiền hoặc tù đến 06 tháng và trong trường hợp bị coi là nghiêm trọng thì 06 tháng đến 04 năm (Điều 10a BLHS Thụy Điển) nhẹ hơn so với Điều 147 BLHS Việt Nam quy định mức cao nhất là 12 năm tù. Điều này cho thấy BLHS Việt Nam quy định hình phạt chính về tội phạm khiêu dâm trẻ em nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, hình phạt bổ sung tại điều này của BLHS Việt Nam chỉ quy định có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; chưa quy định về hình phạt tiền như tại Điều 8 (Chương 6) nhưng điểm hạn chế của điều này là chưa quy định rõ khung hình phạt tiền mà chỉ quy định ở mức chung chung.
BLHS Thụy Điển quy định hình phạt đối với tội này là. Nhìn chung nhẹ hơn so với khung hình phạt của Điều 147 BLHS Việt Nam. Ngoài hình phạt tù có thời hạn thì BLHS Thụy Điển còn quy định thêm hình phạt tiền, đây cũng là một điểm tiến bộ để PLHS Việt Nam tiếp thu, học hỏi.
Tóm lại, qua nghiên cứu, phân tích, so sánh Điều 147 BLHS Việt Nam với BLHS của một số nước trên thế giới (như Nhật Bản, CHLB Đức, Thụy Điển) về tội phạm khiêu dâm trẻ em cho thấy: mặc dù BLHS Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tội phạm này và có chế tài hình sự nghiêm khắc nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần phải tiếp tục tiếp thu, học hỏi những điểm tiến bộ của các nước trên thế giới để hoàn thiện hơn nữa các quy định của PLHS về tội phạm khiêu dâm trẻ em. Cụ thể là: Một là, mở rộng đối tượng tác động và chủ thể của tội danh này; Hai là, mở rộng hành vi khách quan của tội phạm này; Ba là, mở rộng hình thức lỗi của tội phạm này; Bốn là, mở rộng các loại hình phạt chính như bổ sung hình phạt tiền.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Hiền (2011), Bộ luật Hình sự Nhật Bản, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ Luật Hình sự Cộng hòa Liên Bang Đức, NXB Công An Nhân Dân.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Bộ luật Hình sự Thụy Điển, NXB Công An Nhân Dân.
4. Quốc Hội (2017), Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.
[1] Trần Thị Hiền (2011), Bộ luật Hình sự Nhật Bản, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ Luật Hình sự Cộng hòa Liên Bang Đức, NXB Công An Nhân Dân.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Bộ luật Hình sự Thụy Điển, NXB Công An Nhân Dân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận