Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng - Thực trạng và giải pháp
Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả phân tích thực trạng của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nêu ra các hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành và đề ra các giải pháp hoàn thiện.
1. Đặt vấn đề
Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bên cạnh những tác động tích cực tới sự phát triển chung của toàn nhân loại, tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Ở Việt Nam, tội phạm mạng nổi lên ngày càng nhiều như tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng... Đặc biệt tội phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cũng như tinh thần cho người dân đang không ngừng biến tướng và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong xã hội. Hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số nạn nhân lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn[1]. Trước tình hình đó, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu thực trạng của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam, tìm ra bất cập và đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan đến hành vi này.
2. Thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang dần trở nên phổ biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hiện nay, có những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vì tâm lý hoang mang, lo lắng, nhẹ dạ cả tin vẫn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo với thiệt hại lên đến hàng triệu, hàng tỷ đồng. Qua tìm hiểu và nghiên cứu thực trạng, có thể kể đến một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nổi bật như:
2.1. Hack tài khoản mạng xã hội
Hack tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay đang là vấn đề nhức nhối và phổ biến, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, dễ dàng đánh lừa người dùng. Theo số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 1720 người, có 790 người (chiếm 45,9%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Các thủ đoạn chiếm quyền sở hữu (hack) tài khoản mạng xã hội mà các đối tượng thường sử dụng có thể kể đến như: gửi một đường link qua ứng dụng như Messenger khi người dùng đăng nhập, thông tin về tài khoản và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng; thủ đoạn lừa khôi phục hoặc lấy lại tài khoản mạng xã hội đã bị khóa hoặc bị hack; thủ đoạn dò đoán mật khẩu. Sau khi đã chiếm được quyền sở hữu tài khoản, đối tượng sẽ thay đổi các thông tin đăng nhập như mật khẩu, email, số điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền.
2.2. Lừa đảo trúng thưởng
Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), tính đến tháng 6 năm 2021, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục CT&BVNTD đã nhận được hàng trăm cuộc gọi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua Messenger của Facebook,…[2]. Số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 1720 người cho thấy có 653 người (chiếm 38%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Dựa trên tình hình phức tạp và mức độ phản ánh của người dân có thể hình dung hành vi lừa đảo trúng thưởng qua các chiêu thức phổ biến như: mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng; gọi điện thông báo trúng thưởng.
Điển hình là trong thời gian gần đây, ngày 23/2/2023, Ban chuyên án Công an huyện TC (Nghệ An) đã phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng của các bị hại. Với phương thức, thủ đoạn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các bị hại, nhóm đối tượng này đã gọi điện cho nạn nhân để thông báo trúng thưởng tài sản và tiền mặt có giá trị lớn. Nếu các bị hại muốn “nhận thưởng” thì phải đóng tiền cọc. Bằng thủ đoạn trên, trong năm 2022, nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng[3].
2.3. Giả danh cán bộ cơ quan chức năng
Từ năm 2019 đến nay, xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, người quen lãnh đạo cấp cao,… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 1720 người, có 586 người (chiếm 34,1%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Với tình hình trên, Bộ Công an đã ra cảnh báo thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Thứ nhất, chúng sử dụng công nghệ cao gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của VKSND...; yêu cầu họ kê khai tài sản. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra. Thứ hai, các đối tượng yêu cầu nạn nhân không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết.
2.4. Lừa đảo trên sàn thương mại điện tử
Hiện nay khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa. Tuy nhiên, mỗi ngày có không ít khách hàng bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Theo số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 1720 người, có 586 người (chiếm 34,1%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo này.
Trước tình trạng đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với PA05 (Công an Thành phố Hà Nội) đã cảnh báo một số thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử như sau[4]: Thứ nhất, đối tượng lập tài khoản Người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử để giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế nhằm tạo lòng tin cho khách hàng. Sau đó đối tượng sử dụng các thủ đoạn để lừa người bị hại chuyển khoản thanh toán rồi chặn liên lạc. Thứ hai, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển logistic đến địa chỉ người mua. Thứ ba, các đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn thương mại điện tử hỗ trợ về việc đổi trả đơn hàng mà bạn đã đặt trên các sàn thương mại điện tử trước đó.
2.5. Vay tiền online
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều đối tượng đã tạo ra các app online, lợi dụng nhu cầu cần vay vốn gấp của người dân để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Theo khảo sát của nhóm tác giả trên 1720 phiếu có 341 người (chiếm 19,8%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân của hình thức lừa đảo vay tiền online. Đặc điểm chung của hình thức này là thủ tục nhanh chóng, dễ dàng, hồ sơ đơn giản, thậm chí không cần bất cứ một giấy tờ thế chấp nào. Hiện nay một số hình thức lừa đảo vay tiền online phổ biến như:
Thứ nhất, lừa đảo khi vay tiền qua app bằng cách thu phí trước vay. Đây là hình thức lừa đảo núp bóng dưới app cho vay tiền online với những thủ tục nhanh chóng, dễ dàng cùng với lãi suất thấp. Sau khi khách hàng khai báo đầy đủ thông tin, app sẽ thông báo khoản vay của khách hàng đã được duyệt và chờ giải ngân. Lợi dụng tâm lý cần vay tiền gấp của khách hàng, các đối tượng thường yêu cầu khách hàng nộp trước 1 khoản phí gọi là phí duyệt vay hoặc phí giải ngân. Tuy nhiên sau khi khách hàng đã nộp phí, khoản vay của họ không được giải ngân và họ cũng không liên hệ được với bên cho vay.
Thứ hai, lừa đảo bằng cách không giải ngân nhưng vẫn đòi nợ. Đây là thủ đoạn khi khách hàng đăng ký vay tiền online xong, các đối tượng sẽ thông báo giải ngân khoản vay nhưng thực chất khách hàng không nhận được giải ngân của khoản vay nào. Tuy nhiên trên hệ thống của app vẫn ghi nhận khách hàng đã vay tiền thành công. Đến hạn trả nợ, các đối tượng sẽ đòi nợ khách hàng, ép buộc khách hàng trả nợ dù thực tế họ chưa vay được tiền.[5]
2.6. Trung gian hoặc trực tiếp trao đổi, mua bán trên mạng
Đây là một hình thức lừa đảo hiện nay rất nhiều người đã trở thành nạn nhân, theo khảo sát của nhóm tác giả trên 1720 người, có 290 người (chiếm 16,9%) là nạn nhân hoặc quen biết với nạn nhân. Hình thức lừa đảo trung gian hoặc trực tiếp trao đổi, mua bán trên mạng thường được thực hiện thông qua các thủ đoạn như sau:
Thứ nhất, thủ đoạn trung gian trao đổi, mua bán trên mạng. Các đối tượng thực hiện hành vi mác là quản trị viên của một nhóm lớn, nạn nhân sẽ mất cảnh giác với các đối tượng này. Họ cho rằng các đối tượng này là những người uy tín, từ đó giao tiền, tài sản cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, thủ đoạn lập trang web giả mạo. Các đối tượng lừa đảo sẽ tự lập các trang web riêng giả mạo các trang web chính thống và chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Nhiều nạn nhân không tìm hiểu kĩ, thấy ưu đãi gấp nhiều lần nên đã click vào trang web giả mạo, nạp thẻ điện thoại, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng trên các trang web giả để mua hàng.
Thứ ba, thủ đoạn lừa đảo người bán. Trong trường hợp này, đối tượng lừa đảo hỏi mua các vật phẩm, đồ dùng qua các cửa hàng trên mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng mạng Internet hay các phần mềm photoshop để làm giả hóa đơn chuyển khoản, người bán nhiều khi không chú ý tiền đã về tài khoản mình chưa mà đã mang hàng hóa đi gửi chuyển phát.
2.7. Lừa đảo trên thị trường giao dịch chứng khoán, chứng khoán quốc tế và lừa đảo liên quan đến tiền ảo
Hiện nay tại Việt Nam có hai sàn chứng khoán phổ biến đó là sàn truyền thống[6] và sàn trực tuyến[7]. Tuy nhiên các giao dịch ngày nay thường ít được thực hiện tại sàn chứng khoán truyền thống mà chủ yếu hoạt động trên sàn trực tuyến. Qua đó hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong giao dịch chứng khoán chuyển từ thủ đoạn lừa đảo trực tiếp (như “bán giấy lấy tiền”[8] hay huy động vốn nhà đầu tư rồi chiếm đoạt, lừa tiền đặt cọc,...) thành các hình thức lừa đảo trực tuyến như sàn chứng khoán “ảo”, “cò mồi” đầu tư[9]. Tuy nhiên, dưới sự bảo vệ chặt chẽ của pháp luật, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên sàn chứng khoán không diễn ra nhiều và quy mô khá nhỏ. Thủ đoạn lừa đảo chủ yếu của hành vi này là việc các đối tượng lập ra các phần mềm chứng khoán giả mạo thành các phần mềm chứng khoán được cấp phép hoạt động để lừa tiền nhà đầu tư nếu không may mắc bẫy. Ngoài ra, đối với đa số sàn chứng khoán quốc tế, hai dạng hành vi lừa đảo trên sàn chứng khoán quốc tế chủ yếu như sau: Thứ nhất, hành vi đánh tráo khái niệm để chiếm đoạt tài sản (người phạm tội lợi dụng sự chênh lệch tỷ giá để chiếm đoạt tài sản); Thứ hai, hành vi thay đổi giá mã chứng khoán trên website giả để chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tiền ảo chưa được xem là một loại tài sản và sàn giao dịch tiền ảo chưa được pháp luật công nhận, bảo vệ. Vì vậy, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia giao dịch, đầu tư tiền ảo với lợi nhuận gấp 10, thậm chí là 100 lần nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng như: lừa đảo đầu tư tiền ảo nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân[10], hành vi gửi nhận lãi suất tiền ảo[11].
Ngoài những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng phổ biến nêu trên, trong đời sống hằng ngày vẫn còn tồn tại nhiều hình thức lừa đảo khác như: Lừa đảo thông qua việc quyên góp từ thiện[12], Tuyển cộng tác viên qua mạng[13], Gọi điện thông báo người thân bị bệnh nặng cần điều trị gấp yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp; Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt;…
3. Bất cập của pháp luật Việt Nam hiện hành
3.1. Theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để tăng cường tính răn đe, giáo dục đối với người vi phạm, đồng thời đảm bảo tốt hơn nữa quyền và lợi ích cho người bị xâm hại thì nhà làm luật cần phải có những điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Có thể điểm qua một số hạn chế của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như sau:
Thứ nhất, không dễ để tìm kiếm quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cụ thể quy định về hành vi trên nằm trong Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 15. Quy định như vậy sẽ dẫn tới khó khăn trong việc tra cứu quy định pháp luật về các hành vi bị xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với những người không được đào tạo về luật.
Thứ hai, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên thực tiễn chưa đảm bảo được tính răn đe.
Theo quan điểm của nhóm tác giả, khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bị xử lý vi phạm hành chính với trị giá tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng nhưng mức xử phạt cho hành vi trên chỉ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng là chưa tương xứng, chưa đủ tính răn đe. Vì trong trường hợp đối tượng chiếm đoạt thành công mà bị phát hiện thì cũng chỉ bị mất thêm tối đa 3.000.000 đồng, đây không phải là số tiền quá lớn khiến các đối tượng cảm thấy lo sợ, cân nhắc trước khi thực hiện hành vi của mình.
Thứ ba, kĩ thuật lập pháp tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Có thể hiểu quy định trên theo hai cách sau:
Một là, điểm này quy định ba dạng hành vi độc lập , gồm: 1) Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản; 2) Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản; 3) Đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Hai là, điểm này quy định ba dạng hành vi, gồm: 1) Dùng thủ đoạn gian đối để chiếm đoạt tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng; 2) Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng; 3) Đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Có thể hiểu theo cách này, bởi nó tương thích với quy định của BLHS năm 2015 về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại điểm b khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Từ hai cách hiểu khác nhau trên đã khiến nhiều cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác nhau đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Điều này đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính sao cho rõ ràng, cụ thể hơn.
3.2. Theo pháp luật hình sự
Trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, quy định về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 174 BLHS năm 2015 gần như là hoàn hảo, có giá trị lý luận cũng như thực tiễn cao. Tuy nhiên, đối với “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Điều 290 BLHS năm 2015 lại có nhiều bất cập trong quy định, gây ra những khó khăn nhất định trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Có thể điểm qua một số bất cập trong quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015, cụ thể như sau:
Thứ nhất, với kĩ thuật liệt kê, nhà làm luật đã liệt kê các hành vi phạm tội của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản giúp người áp dụng pháp luật có thể dễ dàng, nhanh chóng xác định hành vi phạm tội trên thực tế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng như hiện tại, các hình thức phạm tội ngày càng phát triển tinh vi, xảo quyệt và khó lường. Mặt khác, để ban hành một văn bản pháp luật mới, mất rất nhiều thời gian để thực hiện theo quy trình nhất định và luật cũng không thể nào thay đổi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định. Sự thay đổi của pháp luật cần phải có đủ thời gian để người dân nắm bắt luật, hiểu luật và tuân theo pháp luật. Như vậy, pháp luật mới thực hiện được sứ mệnh vốn có của mình. Do đó, việc xây dựng quy định pháp luật theo kĩ thuật liệt kê như vậy không thể theo kịp được thời đại, không liệt kê được toàn bộ hành vi phạm tội; từ đó có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, định tội danh sai, không đúng với ý chí của nhà làm luật.
Thứ hai, chưa thực sự có sự tách bạch rõ ràng giữa quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS năm 2015) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015). Điều 290 BLHS năm 2015 chỉ quy định những hành vi nếu không thuộc Điều 173 và 174 BLHS năm 2015 thì phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Về bản chất, đây cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đã được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, chỉ là hành vi này diễn ra theo cách thức và núp dưới hình thức đặc biệt[14]. Như vậy, trong nhiều trường hợp, khi hành vi của người phạm tội thỏa mãn cấu thành tội phạm của cả hai tội, người áp dụng pháp luật khó có thể xác định được chính xác tội danh.
Thứ ba, chưa có sự tương thích giữa quy định BLHS năm 2015 với Luật ANM năm 2018.
Một là, theo Luật ANM năm 2018, người phạm tội sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử, không gian mạng làm công cụ để thực hiện tất cả tội phạm quy định tại BLHS năm 2015 thì bị coi là tội phạm mạng. Tuy nhiên, Điều 290 BLHS năm 2015 đã quy định “Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử”, quy định này vô hình trung làm hẹp đi khái niệm “Tội phạm mạng” được quy định trong Luật ANM năm 2018. Trước tiên “mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” có nghĩa như sau:
Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau[15].
Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông[16].
Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự[17].
Hai khái niệm “mạng máy tính” và “mạng viễn thông” không thể bao trùm được hết không gian mạng được. Như đã phân tích, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Nếu sử dụng quy định hiện nay tại Điều 290 năm 2015 thì việc sử dụng mạng Internet[18] thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ được quy vào tội nào?
Hơn nữa, công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số[19]. Khái niệm trên rõ ràng không nhắm tới không gian mạng, mà là tiền đề của không gian mạng bao gồm phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại. Điều 290 BLHS năm 2015 hiện nay đã không thể bao trùm được những vấn đề rộng lớn như vậy. Điều đó khiến cho khi có hành vi phạm tội mới xuất hiện trên các môi trường này thì người có thẩm quyền sẽ không biết để định tội danh như thế nào.
Hai là, điểm d, khoán 1 Điều 290 BLHS năm 2015 quy định việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ bị xử lý về tội này khi xảy ra trong trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng. Quy định này vô hình chung đã bó hẹp lại phạm vi xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật
4.1. Theo pháp luật xử lý hành vi vi phạm hành chính
Từ những bất cập được nêu ra tại phần trên theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính cùng với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tác giả có một số đề xuất hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính như sau:
Thứ nhất, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã kế thừa và bổ sung so với điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (Nghị định bị thay thế bởi Nghị định số 144/2021/NĐ-CP). Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định như sau: “c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;”. Có thể thấy, cả hai Nghị định đều không quy định rõ ràng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ra khó khăn đối với người có thẩm quyền khi áp dụng pháp luật. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất nên sử dụng hành vi và thuật ngữ đã được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 để quy định cho văn bản về xử lý vi phạm hành chính, bởi vì BLHS năm 2015 là văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn. Điều này không chỉ giúp cho các quy định của các văn bản pháp luật tương thích với nhau; đồng thời, giải quyết được vấn đề quy định chồng chéo hoặc bỏ lọt hành vi vi phạm. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP sẽ được quy định như sau:
“c1) Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác;
c2) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;…”
Thứ hai, mức tiền phạt phải được cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn và tương ứng với từng nhóm đối tượng khác nhau. Tác giả đánh giá mức tiền phạt tối đa theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP là hợp lý, đủ sức răn đe trong bối cảnh lúc đấy.
Vì vậy, đối với hành vi phổ biến và khó phát hiện, xử lý như trên, nhóm tác giả kiến nghị nhà làm luật quy định lại mức phạt tiền đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản là 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo tỷ lệ phần trăm đối chiếu với thu nhập bình quân đầu người).
4.2. Theo pháp luật hình sự
Từ những bất cập nêu trên, nhóm tác giả có một số đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự mà cụ thể là BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Thứ nhất, tác giả đề xuất nhà làm luật bỏ đi cụm từ “nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này” tại Điều 290 BLHS năm 2015. Tức là biến Điều 290 BLHS năm 2015 trở thành một điều luật quy định về loại tội phạm riêng. Nếu như hành vi lừa đảo trong trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chắc chắn sẽ định tội danh về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Điều 290 năm 2015. Theo quy định của BLHS năm 2015, cấu thành tội phạm quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 290 là cấu thành tội phạm riêng trong một lĩnh vực; trong khi đó cấu thành tội phạm “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174) là cấu thành tội phạm chung. Khi một hành vi phạm tội đã thỏa mãn cấu thành tội phạm theo điểm d, khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015 thì đồng thời cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm theo Điều 174 BLHS năm 2015 nhưng cấu thành tội phạm theo điểm d, khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015 đã phản ánh đúng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và do vậy, người có hành vi phạm tội chỉ bị coi là phạm một tội theo Điều 290 BLHS năm 2015 về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Thứ hai, tác giả đề xuất nhà làm luật không sử dụng biện pháp liệt kê các hành vi phạm tội cho “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” tại Điều 290. Khi đã để Điều 290 trở thành điều luật quy định loại tội phạm riêng thì hành vi nào có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được quy vào tội này. Nếu như người phạm tội có sử dụng thêm những thủ đoạn khác tại Chương XVI: Các tội xâm phạm sở hữu như lừa đảo, trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm, đe dọa dùng vũ lực,... để chiếm tài sản trực tiếp thì sẽ bị xử lý về các tội xâm phạm sở hữu, ví dụ: lén lút đột nhập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến rồi chuyển tiền vào tài khoản mình. Tuy nhiên, cũng với những hành vi đó để gián tiếp chiếm đoạt tài sản thì sẽ thuộc vào tội quy định tại Điều 290, ví dụ: trộm cắp thẻ ngân hàng, rồi dùng thẻ ngân hàng rút tiền. Khi nhà làm luật hoàn thiện quy định theo hướng này sẽ không cần phải lo về vấn đề xuất hiện thêm những dạng tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mới nữa. Dù hành vi nào xuất hiện thêm đi nữa thì cũng chỉ cần căn cứ xem đối tượng có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hay không, rồi xem xét đối tượng dùng thêm những thủ đoạn nào, thủ đoạn đấy dùng để chiếm đoạt trực tiếp hay gián tiếp. Điều này sẽ giúp việc định tội danh một cách rõ ràng, chính xác hơn.
Thứ ba, tác giả đề xuất nhà làm luật nên thay thế cụm từ “mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” thành “không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử” để đồng bộ với khái niệm “Tội phạm mạng” quy định trong Luật ANM năm 2018. Đồng thời phải sửa đổi điểm d, khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015 theo hướng khái quát hơn bằng cách xóa bỏ cụm từ “Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng” thay bằng cụm từ “Dùng thủ đoạn gian dối”.
Vì những lý do trên, tác giả đề xuất nhà làm luật thay đổi Điều 290 BLHS năm 2015 thành:
“Điều 290. Tội sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
… d, Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”.
*Sinh viên Học viện Tòa án
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Thái Bình
[1] Trần Cường (2022), “Bộ Công an cảnh báo 8 thủ đoạn lừa qua mạng”, Báo Thanh niên, truy cập tại địa chỉ: https://thanhnien.vn/bo-cong-an-canh-bao-8-thu-doan-lua-dao-qua-mang-post1513796.html truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2023.
[2] Lưu Hiệp (2021), “Cảnh báo chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại, mạng xã hội”, Báo Công an nhân dân, truy cập tại địa chỉ: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/Canh-bao-chieu-tro-lua-dao-trung-thuong-qua-dien-thoai-mang-xa-hoi-i619048/ truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2023.
[3] Phạm Thủy, Trọng Tuấn (2023), “Lừa trúng thưởng qua MXH, nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng”, truy cập tại địa chỉ: https://truyenhinhnghean.vn/phap-luat/202302/lua-trung-thuong-qua-mxh-nhom-doi-tuong-lua-dao-chiem-doat-hon-1-ty-dong-6276a1c/ truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2023.
[4] Bộ Công thương (2021), “Cảnh báo các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn TMĐT”, Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử, truy cập tại địa chỉ: http://online.gov.vn/baiviet/Canh-bao-cac-thu-doan-chiem-doat-tai-san-qua-cac-San-TMDT-p99x5Ap4En truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2023.
[5] Xem tại: Phạm Quỳnh, Văn Tuyên (2023), “Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua vay tiền online”, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Phước, truy cập tại địa chỉ: https://congan.binhphuoc.gov.vn/Tuyen-truyen-phap-luat/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-vay-tien-online-296968 truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2023.
[6] Với sàn chứng khoán này người chơi phải đến trực tiếp sàn để tiến hành việc đặt lệnh hoặc thực hiện giao dịch.
[7] Sàn chứng khoán trực tuyến sẽ cho phép các nhà đầu tư thực hiện các lệnh giao dịch thông qua mạng internet.
[8] Chủ yếu xuất hiện trên thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) nơi mà hoạt động giao dịch chủ yếu diễn ra trên niềm tin và người mua, đặc biệt trong giai đoạn đầu bỡ ngỡ, rất khó xác định chứng quyền trong tay là thật hay giả.
[9] Dùng nhiều thủ đoạn để khiến bản thân trở nên uy tín rồi nhắn tin, gọi điện dụ dỗ người chơi chứng khoán đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
[10] Ở hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ mở một sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh các sản phẩm mà thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính. Thủ đoạn này tương tự như những trò tài xỉu online hoặc cá độ bóng đá online. Sau khi đã thu hút được lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền kiểm soát tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
[11] Với hình thành này, kẻ lừa đảo thường giả danh CEO của các dự án đầu tư tiền ảo lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào “ví” để nhận lãi khủng. Đặc biệt, số tiền ảo này sẽ không thể quy thành tiền hay bất cứ loại tài sản nào khác. Tuy nhiên, sau khi người chơi đã gửi tiền thành công, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống lỗi và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi cũng như có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã nạp trước đó. Nếu nhận ra dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân muốn bán toàn bộ tiền ảo có trong ví của mình thì cũng sẽ phát hiện toàn bộ số tiền trong ví đã biến mất và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch nào.
[12] Xem tại: Gia Hân (2022), “Kêu gọi từ thiện” nhằm lừa đảo”, Báo Nhân dân, tại địa chỉ: https://nhandan.vn/keu-goi-tu-thien-nham-lua-dao-post695676.html truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2023.
[13] Xem tại Bản án số 83/2019/HSPT ngày 17/04/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá.
[14] Nguyễn Ngọc Hoà (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần các tội phạm) – Quyển 2, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2018, trang 323.
[15] Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp – Bộ Thông tin truyền thông – Viện kiểm sát nhân dân tối
cao – Tòa án nhân dân tối cao (2012), Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTCTANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, khoản 2 Điều 3.
[16] Luật Viễn thông 2009 sửa đổi bổ sung năm 2018, khoản 10 Điều 3.
[17] Luật Giao dịch điện tử 2005, khoản 4 Điều 10.
[18] Xem thêm khái niệm “mạng Internet” tại phần 1.1.1.
[19] Luật Công nghệ thông tin năm 2006, khoản 1 Điều 4.
Bài liên quan
-
Mức xử phạt hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
A phạm hai tội, Tr là đồng phạm với A về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Hành vi của Nguyễn Văn A và Mạnh Kim Tr đã đủ cơ sở cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận