Lược sử hình thành và định hướng phát triển Học viện Toà án thông minh
Học viện Toà án được thành lập trên cơ sở Trường Cán bộ Toà án đến nay đã gần 30 năm hình thành và phát triển (1994-2023). Là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Toà án nhân dân tối cao, Học viện Toà án luôn không ngừng đổi mới, vươn lên sánh vai với các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề trong nước và quốc tế.
Học viện Toà án được thành lập trên cơ sở Trường Cán bộ Toà án đến nay đã gần 30 năm hình thành và phát triển (1994-2023). Là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Toà án nhân dân tối cao, Học viện Toà án luôn không ngừng đổi mới, vươn lên sánh vai với các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với yêu cầu hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới trên con đường đổi mới phát triển của Học viện Toà án trong thời gian tới. Do đó, từ kết quả nghiên cứu của mình trên cơ sở nhìn lại lược sử hình thành của Học viện, nhóm tác giả đề xuất định hướng phát triển thành Học viện Toà án thông minh phù hợp với xu thế chuyển đổi trường đại học trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể nhận thấy rằng, trước tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia, nhiều khái niệm mới liên quan đến nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này đã được hình thành như: “thành phố thông minh” hoặc “đô thị thông minh”, “sản xuất thông minh”, “quốc gia thông minh”. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng xuất hiện khái niệm “học tập thông minh” và với lĩnh vực đào tạo đại học, một khái niệm mới cũng được hình thành là “đại học thông minh” (smart university). Hoà chung vào xu thế đổi mới, ứng dụng và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện Toà án (HVTA) với tư cách là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cũng đang bước đầu thực hiện các công trình nghiên cứu về đại học thông minh. Ví dụ công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ “Xây dựng Học viện Toà án thông minh” tập trung nghiên cứu các vấn đề mới chủ yếu về lý luận, thực tiễn và xu thế phát triển đại học thông minh ở trong nước và trên thế giới; thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển HVTA thông minh ở Việt Nam. Để tiếp tục kiện toàn, phát triển HVTA trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp luật có uy tín phục vụ chiến lược cải cách tư pháp của ngành Toà án nhân dân (TAND) trong thời gian tới, bài viết dưới đây phân tích tổng quan về lược sử hình thành, phát triển của HVTA; từ một số thành tựu đạt được quan trọng của HVTA, tác giả đề xuất định hướng phát triển HVTA theo mô hình đại học thông minh trong thời gian tới, cụ thể:
1. Lược sử hình thành và phát triển của Học viện Toà án
Khác với các cơ sở đào tạo đại học nói chung, cơ sở đào tạo đại học luật nói riêng, lịch sử hình thành và phát triển của HVTA luôn gắn với sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành Toà án và nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực pháp luật phục vụ hoạt động xét xử, cải cách tư pháp nước nhà thông qua các dấu mốc thời gian quan trọng sau đây:
(1) Ngày 13/9/1945 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 13/SL thành lập cơ quan Toà án. Cùng với hoạt động của Toà án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ Toà án cũng được hình thành và phát triển. Ban đầu việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thông qua các hội nghị học tập hoặc các lớp huấn luyện ngắn hạn từ 3 đến 4 tháng được tổ chức trong cả nước.
(2) Năm 1960 là thời điểm Trường Tư pháp Trung ương được thành lập trực thuộc TANDTC cùng với Trường Cán bộ Tòa án cơ sở 2 được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Toà án có trình độ sơ cấp 6 tháng và trung cấp 12 tháng.
(3) Năm 1979 là năm Trường Tư pháp Trung ương được nâng lên thành Trường Cao đẳng Tòa án và mở hệ đào tạo cao đẳng 36 tháng với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ xét xử chuyên ngành Toà án làm nguồn bổ sung thẩm phán cho TAND các cấp.
(4) Năm 1982, do yêu cầu nhiệm vụ chung, TANDTC đã chuyển giao công tác quản lý các TA địa phương về tổ chức sang Bộ Tư pháp nên Trường Cao đẳng Tòa án cũng được sáp nhập với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường đại học Luật Hà Nội) trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Chương trình đào tạo của Trường có thời gian là 48 tháng, người học được trang bị hệ thống kiến thức về pháp luật cơ bản chung nhất, sau khi tốt nghiệp các học viên được cấp bằng Cử nhân Luật và một số được tuyển dụng làm việc tại TA, đây là nguồn để Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán TA các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992. Từ khi sáp nhập, tuy không còn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhưng trong giai đoạn này, việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng xét xử vẫn được duy trì thường xuyên qua các hội nghị chuyên đề.
(5) Ngày 23/8/1994, trên cơ sở Nghị quyết số 210/UBTVQH khóa IX ngày 20/5/1994 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập lại Trường Cán bộ Toà án trực thuộc TANDTC, ngày 23/8/1994, Chánh án TANDTC ra Quyết định số 100/TCCB về việc thành lập Trường Cán bộ Toà án trực thuộc TANDTC. Có thể nói, ngày 23/8/1994 là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tập thể lãnh đạo, giảng viên và người lao động của HVTA ngày nay. Ngày 23/8/2014, Trường Cán bộ Toà án đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập nhà trường (23/8/1994-23/8/2014), đánh dấu thời điểm hình thành và chặng đường phát triển tiếp theo của HVTA sau này. Sau 20 năm thành lập, Trường Cán bộ Toà án đã trải qua các giai đoạn xây dựng, phát triển khác nhau với những chức năng, nhiệm vụ ngày càng quan trọng, với cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà trường ngày càng được kiện toàn về cả mặt số lượng và chất lượng. Ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị có Thông báo số 116/TB/TW về việc đào tạo cán bộ của ngành TAND và ngành Kiểm sát nhân dân, theo đó, Bộ Chính trị đã “đồng ý để Tòa án nhân dân được đào tạo nghề Thẩm phán”. Sau 20 năm thành lập và phát triển (1994-2014), Trường Cán bộ Tòa án đã từng bước lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất trực thuộc hệ thống TAND, góp phần quan trọng vào thành tích chung của TAND. Kỷ niệm lần thứ 20 ngày truyền thống cũng là thời điểm Trường Cán bộ Tòa án bước vào giai đoạn phát triển mới với những bước tiến quan trọng. Những thành tích đã đạt được và sức trẻ của tuổi 20 đã và sẽ là hành trang đáng tự hào và niềm tin để Trường Cán bộ Tòa án cất cánh, sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới, những vinh dự mới trong tương lai.
(6) Ngày 30/7/2015, đây là mốc thời gian quan trọng, ngày Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg thành lập HVTA trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án. Theo Quyết định này, HVTA có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TANDTC.
(7) Ngày 25/3/2016, là ngày mà Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC trên cơ sở Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HVTA. Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC quy định HVTA có vị trí là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Toà án trực thuộc TANDTC, hoạt động theo Luật tổ chức TAND, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều lệ trường đại học. HVTA có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội và Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC, HVTA có các chức năng gồm: (i) Đào tạo đại học, sau đại học; (ii) Đào tạo Nghiệp vụ xét xử; (iii) Đào tạo nghiệp vụ để bổ nhiệm các chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án theo quy định; đào tạo các chức danh khác phục vụ cho hệ thống TAND; (iv) Bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho các chức danh tư pháp, công chức, viên chức, Hội thẩm nhân dân; (v) Nghiên cứu khoa học xét xử phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; (vi) Phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc TANDTC trong công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ; tham gia xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Trong vài năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về cải cách, đổi mới lĩnh vực giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến định hướng đổi mới, phát triển của HVTA trong thời gian tới như:
- Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã yêu cầu phải gắn giáo dục đào tạo song song với sự phát triển của công nghệ và ứng dụng công nghệ, cụ thể: “Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; […]. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao”;
- Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2030, giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô, tất cả 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình đào tạo (cấp bằng) bằng hình thức từ xa, trực tuyến, triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số tại một số cơ sở giáo dục đại học ngay trong năm 2022;
- Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện mô hình “giáo dục đại học số” và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích các trường đại học dân lập tham gia thí điểm triển khai mô hình; đến năm 2030, hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình “giáo dục đại học số” tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc; xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học;
- Và các văn bản quan trọng khác có liên quan được ban hành trước đó như Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025" định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2021 Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; ...
Trong ngành Toà án, TANDTC cũng đã kịp thời ban hành nhiều quy định phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến quy định Tòa án được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong vụ án rõ ràng; trừ các trường hợp liên quan đến bí mật của Nhà nước hoặc vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021. Hệ thống Tòa án đã triển khai đưa vào sử dụng phần mềm “trợ lý ảo” thẩm phán để giúp các Thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể. Theo chủ trương của TANDTC về chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử, TANDTC đã ban hành kế hoạch 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 với mục đích đưa trợ lý ảo vào trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán. Trước đây, Tòa án đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng tải công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử của TANDTC theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Việc công khai các bản án đã giúp cho các Thẩm phán có nguồn tham khảo khi gặp các vụ án có tình tiết tương tự khi xét xử.
Năm 2022, Ban cán sự Đảng TANDTC cũng đề ra lộ trình từ năm 2023 đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng đề án phát triển Toà án điện tử để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án: “Xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.[1] Hiện nay, việc xây dựng Toà án điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia và cuộc CMCN lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ cũng đặt ra trọng trách và định hướng chiến lược phát triển HVTA với tư cách là đơn vị đào tạo nghề xét xử và đào tạo bậc đại học, sau đại học công lập duy nhất trực thuộc TANDTC. Để xây dựng thành công Tòa án điện tử, cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao, điều hành quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những nhiệm vụ chính đó là phải xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án[2]. Một trong các nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng thành công Toà án điện tử trong thời gian tới được TANDTC xác định, đó là: “Xây dựng Toà án điện tử ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thẩm phán giải quyết án chính xác và giảm bớt áp lực công việc. Xét cho cùng chất lượng của Toà án chính là các Thẩm phán quyết định, nên yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Thẩm phán là nhiệm vụ rất quan trọng. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng “Trợ lý ảo” cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ Thẩm phán. Trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Toà án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ nói hoặc viết thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân nên nhanh chóng, tiện ích. Trợ lý ảo được kỳ vọng là điểm sáng của nền tư pháp trong thời đại 4.0 và là công cụ giúp việc đắc lực cho Thẩm phán”.[3]
Như vậy, có thể khẳng định lịch sử hình thành và phát triển của HVTA đang bước sang giai đoạn quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và góp phần xây dựng thành công Toà án điện tử của ngành Toà án trong thời gian tới. Những yêu cầu mới trong cải cách giáo dục đào tạo, cải cách tư pháp đã và đang mở ra cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển HVTA. Do đó, việc phát triển HVTA theo mô hình đại học thông minh cần kế thừa thành quả đạt được, giá trị truyền thống của HVTA gắn với chủ trương, định hướng lớn về chuyển đổi số và chiến lược cải cách tư pháp. Là một cơ sở đào tạo đại học và đào tạo nghề Thẩm phán công lập của Nhà nước, HVTA phải không ngừng cải cách, đổi mới phù hợp với chủ trương phát triển giáo dục đại học, chuyển đổi số trong giáo dục đại học, giáo dục nghề và yêu cầu cải cách hệ thống TAND để cung cấp nguồn nhân lực pháp luật, nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao. Với vai trò, sứ mệnh quan trọng như vậy trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới, việc xây dựng HVTA thông minh sẽ là một trong những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển của ngành Toà án.
2. Định hướng phát triển Học viện Toà án thông minh
Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của HVTA từ những năm 1945, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay với những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ như: (1) Đối với các hệ đào tạo cử nhân luật chính quy, từ năm 2016 đến năm 2023, HVTA đã tổ chức tuyển sinh 08 khóa đại học, với số lượng sinh viên là 2.276 sinh viên, trong đó, đã tổ chức đào tạo thành công hệ đại học chính quy khoá 1, 2, 3 với tổng số sinh viên tốt nghiệp của 3 khóa là 789 sinh viên chiếm tỉ lệ 98,7%; khoá 4 có 245 sinh viên đã được xét tốt nghiệp. (2) Đối với khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử, HVTA đã tổ chức thành công 9 khóa với tổng số lượng 3.639 học viên. Ngoài ra, HVTA đã tổ chức đào tạo 33 lớp Thư ký Tòa án với tổng số lượng 4.126 học viên, 08 lớp đào tạo Thẩm tra viên Tòa án với số lượng 816 học viên, 02 khóa đào tạo Thư ký viên chính với số lượng 425 học viên, 03 khóa đào tạo Thẩm tra viên chính với số lượng là 404 học viên… (3) Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, trong thời gian qua, HVTA đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với đối tác nước ngoài như với KOICA (Hàn Quốc), UNICEF, UNDP… Bên cạnh đó, HVTA còn đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo Luật trên thế giới như Đại học Kinh-Tài-Chính-Pháp Trung Nam (Trung Quốc), Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp, Trường Đại học Tư pháp quốc gia Liên bang Nga, Học viện Tư pháp Slovakia, Trường Đại học Pécs - Hungary; … HVTA đã phối hợp với KOICA trong dự án tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa án Việt Nam trước đây và nay là HVTA. Đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo, HVTA hy vọng tiếp tục nhận được sự đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc và tổ chức KOICA cho việc xây dựng HVTA thông minh giai đoạn 2024-2028 với Dự án “Nâng cao năng lực Học viện Toà án Việt Nam trên nền tảng công nghệ đổi mới kỹ thuật số”. (4) Về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong thời gian qua, HVTA đã tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học có sự tham gia của các đối tác nước ngoài, chủ yếu là với KOICA (Hàn Quốc). Ngoài ra, Học viện còn kết nối hợp tác với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tổ chức các buổi toạ đàm, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, các Trường đại học của Trung Quốc; ví dụ: Tháng 6/2023, HVTA đã phối hợp với Học viện Tư pháp hình sự thuộc Đại học Kinh tế và Pháp luật Trung Nam, Vũ Hán, Trung Quốc xuất bản cuốn kỷ yếu hội thảo quốc tế “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng”. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của tổ chức KOICA (Hàn Quốc), HVTA đã nghiên cứu, xây dựng được 17 cuốn giáo trình đào tạo hệ đại học, trong đó có nhiều giáo trình về các kỹ năng cơ bản trong hoạt động xét xử của Toà án, ...[4] Thành tích nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên đó là việc HVTA đã giành giải nhất, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2023 sau khi vượt qua 178 đề tài được lựa chọn vào vòng chung kết với Đề tài “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng - thực trạng và giải pháp" do nhóm sinh viên Trần Thị Nhật Thanh, Lê Nguyễn Linh Chi, Cao Khắc Tân, Phạm Văn Trung và Bùi Thanh Trúc của HVTA dưới sự hướng dẫn của ThS. NCS. Giảng viên HVTA Đỗ Nhật Ánh.[5]
Những thành tựu đạt được cơ bản nêu trên đã khẳng định vị trí, vai trò và chức năng của HVTA trong cơ cấu tổ chức bộ máy của TANDTC và trong môi trường giáo dục đào tạo đại học, đào tạo nghề. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để HVTA tiếp tục phát huy nhằm cung cấp nguồn nhân lực tư pháp, nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho ngành Toà án nói riêng và cho xã hội nói chung mới được quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu “hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” mà trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến tổ chức của Tòa án nhân dân - một trong những nội dung trụ cột của hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là cải cách tư pháp. Nội dung trọng yếu của cải cách tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ để đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án các cấp. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp; trong đó, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là đột phá. Về lĩnh vực đào tạo cán bộ pháp lý, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã xác định một trong số các nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến công tác đào tạo, đó là: “Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật”. Để góp phần thực hiện thành công cải cách tư pháp trong ngành Toà án nhân dân, TANDTC đã xây dựng đề án: “Xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”[6] với nhiều nhiệm vụ quan trọng, ví dụ liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đề án yêu cầu: “Thẩm phán, cán bộ Toà án phải được đào tạo lại để nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, nhận thức đầy đủ về Toà án điện tử và thay đổi thói quen làm việc từ môi trường truyền thống sang làm việc trên nền tảng số thống nhất của Toà án. Cán bộ Toà án không vào nền tảng này sẽ không làm việc được. Chỉ có như vậy Toà án điện tử mới thực sự thành công”.
Theo đó, để tận dụng thành công thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển ngành TAND trong việc xây dựng thành công Toà án điện tử và các ứng dụng khoa học tiên tiến khác phục vụ công tác đào tạo tại Học viện cũng như công tác xét xử của các TAND, đòi hỏi HVTA cần phải có định hướng, chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài với mục tiêu hướng tới xây dựng thành công HVTA thông minh. Một trong những viên gạch đặt nền móng pháp lý đầu tiên hướng tới xây dựng HVTA thông minh đó là phải hoàn thiện Chiến lược phát triển HVTA. Đây phải là chiến lược có chất lượng, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển đại học ở trong nước và trên thế giới, trong đó cần ghi nhận phát triển theo hướng mô hình đại học thông minh đang là xu thế tất yếu, khách quan. Ngoài ra, định hướng chiến lược phát triển HVTA phải phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam, đồng thời phải tính đến yêu cầu đặc thù của ngành Toà án và phù hợp với xu thế, thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, cụ thể:
Một là, chiến lược phát triển Học viện Toà án thông minh phải phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đại học và đào tạo nghề
Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã đề ra định hướng phát triển giáo dục, đó là: Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.[7]
Báo cáo tổng kết nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030[8] đã cung cấp bức tranh tổng quan về phát triển toàn diện giáo dục Việt Nam với 8 chương đã tập trung phân tích về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: (i) Cơ sở lý luận về chiến lược phát triển giáo dục, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, dự báo phát triển giáo dục, các nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng chiến lược phát triển giáo dục; (ii) Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược phát triển giáo dục: xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược phát triển giáo dục ở một số nước, bài học kinh nghiệm; (iii) Bộ chỉ số phát triển giáo dục; (iv) Thực trạng phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020; (v) Phân tích dự báo xu hướng phát triển giáo dục 2021-2030; (vi) Khung chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 và khung thành phần; (vii) Cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng và đánh giá chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 và (viii) Kiến nghị nội dung cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, có giá trị tham khảo, định hình chiến lược phát triển giáo dục đối với các cơ sở đào tạo nói chung, đào tạo đại học nói riêng, trong đó, có thể tham khảo tiếp tục xây dựng hoàn thiện Chiến lược phát triển HVTA trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính đến tháng 12/2021[9], Việt Nam đã xây dựng ba Chiến lược phát triển giáo dục. Chiến lược giáo dục đầu tiên của Việt Nam được xây dựng cho giai đoạn 1985-2000, trong đó Bộ Giáo dục đã đưa ra phương hướng và mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục. Tiếp theo là các Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn từ 2001-2010 đã hoàn thành và hiện nay là Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn từ giai đoạn 2011-2020 đang được thực hiện được thể hiện thông qua quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Chiến lược đã đề ra mục tiêu nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.
Sau khi Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được ban hành, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đã nhận định chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp…
Do đó, Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo quan trọng, đó là: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học; Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới”.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục đào tạo đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII và trong Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam 2011-2020 như đã trình bày nêu trên, chúng tôi cho rằng Chiến lược phát triển HVTA nên bao gồm đầy đủ các nội dung của Chiến lược phát triển giáo dục nói chung, ngoài ra phải chứa đựng các yếu tố đặc thù trong nhiệm vụ đào tạo cử nhân chuyên ngành luật, đào tạo chức danh Thẩm phán và các chức danh khác của ngành Toà án. Theo đó, Chiến lược phát triển HVTA có thể bao gồm những nội dung chính như: (1) Sứ mệnh; (2) Tầm nhìn; (3) Yêu cầu của Ngành Toà án trong tình hình mới; (4) Bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (5) Mục tiêu tổng quát; (6) Mục tiêu cụ thể; (7) Nhiệm vụ, giải pháp; (8) Tổ chức thực hiện.
Chiến lược phát triển HVTA phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung. Trong một kết quả nghiên cứu đề xuất Khung chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030 có đề ra nhiệm vụ, giải pháp để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đó là: “Nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế như trường học hạnh phúc, trường học thông minh…” hoặc một trong những nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam, đó là: “Triển khai các nền tảng công nghệ phục vụ dạy, học, kiểm tra trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục; triển khai dạy học trên truyền hình; phát huy khả năng tự học, nghiên cứu độc lập của người học trong các cơ sở giáo dục. Thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục thông minh và giáo dục số.”[10] Do đó, việc xây dựng chiến lược phát triển HVTA trong thời gian tới cũng cần bám sát các kết quả nghiên cứu về chiến lược phát triển của ngành giáo dục, trong đó có nội dung hướng tới phát triển giáo dục đại học thông minh, giáo dục nghề thông minh.
Hai là, chiến lược phát triển Học viện Toà án thông minh nhằm góp phần thực hiện thành công nội dung của chiến lược cải cách tư pháp đối với ngành ngành Toà án nhân dân
Nội dung chiến lược cải cách tư pháp đã được đề ra trong các văn kiện quan trọng của Đảng như: (i) Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã yêu cầu: Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp; Tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện những chủ trương về cải cách, tổ chức và đổi mới hoạt động các cơ quan tư pháp; Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác tư pháp; (ii) Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận lợi…”; “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử…”; “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”; (iii) Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định: “Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; (iv) Báo cáo Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”…
Đặc biệt, mới đây Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân”; “Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật”; “Xây dựng tòa án điện tử”.
Triển khai những nội dung đào tạo nguồn nhân lực tư pháp, nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng toà án điện tử theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW và các quy định có liên quan là những nhiệm vụ mới đặt ra đối với Lãnh đạo TANDTC, Lãnh đạo HVTA. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để tiếp tục đổi mới phát triển HVTA đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng thành công Tòa án điện tử trong thời gian tới.
Ba là, chiến lược phát triển Học viện Toà án thông minh phải phù hợp với xu thế phát triển đại học thông minh trên thế giới
Ngày nay, xu thế phát triển đại học thông minh ở các nước với việc ứng dụng mạnh mẽ các tính năng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang dần trở thành định hướng chủ đạo. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi từ mô hình đại học truyển thống sang mô hình đại học thông minh trên thế giới đang diễn ra ngày càng phổ biến. Ví dụ, từ năm 2017, Báo cáo NMC Horizon đã dự đoán rằng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) sẽ được sử dụng trong giáo dục đại học bắt đầu vào khoảng năm 2022. Và sự thật là đến năm 2022, AI đã thường xuyên được ứng dụng trong giáo dục đại học dưới hình thức Bàn trợ giúp trực tuyến 24/7; ví dụ: Việc sử dụng IBM Watson[11] tại Đại học Deakin.[12] Hoặc Đại học Bradley (Poeria, IL, U.S.A.) cũng đã nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển khái niệm mô hình đại học thông minh, chiến lược phát triển đại học thông minh, môi trường học tập thông minh, phòng học thông minh, hệ thống phần cứng và phần mềm thông minh… để chuyển từ mô hình đại học truyền thống sang mô hình đại học thông minh[13].
Theo một số chuyên gia quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực đại học thông minh[14] thì đại học thông minh là đại học sử dụng những đổi mới công nghệ trong tổ chức và hoạt động của mình để hiện thực hóa sứ mệnh của mình. Nói cách khác, chuyển đổi đại học truyền thống theo mô hình đại học thông minh chính là việc ứng dụng những công nghệ số, công nghệ thông minh để tối ưu hóa những hoạt động cơ bản của cơ sở giáo dục đại học (việc dạy và học, việc tuyển sinh, việc cung cấp dịch vụ cho sinh viên, việc nghiên cứu, việc quản lý sinh viên, việc giám sát giảng dạy, việc bảo đảm an ninh, an toàn trong môi trường dạy và học, nghiên cứu...). Những công nghệ thường được nhắc đến ở đây chính là công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, việc học tập/giảng dạy trên môi trường điện tử...
Đại học thông minh được cấu trúc bởi những thành tố chính là: (1) Giảng viên thông minh; (2) Sinh viên thông minh; (3) Nhà quản lý đại học thông minh; (4) Môi trường học tập thông minh (trang thiết bị, phương tiện học tập, làm việc, trải nghiệm của sinh viên và thầy cô giáo phải có kết nối Internet tốc độ cao; phải có các phương tiện kết nối thuận tiện, phải có thư viện số/thư viện thông minh… và (5) khuôn viên đại học thông minh (smart compus). Xây dựng đại học thông minh chính là việc ứng dụng công nghệ thông minh (công nghệ số) để “thông minh hóa” mọi quá trình tổ chức và hoạt động của trường đại học, nhất là thông minh hóa quá trình giảng dạy, đào tạo.
Như vậy, giảng dạy đại học sẽ không chỉ dừng lại ở bảng, phấn, máy chiếu, màn hình, slide bài giảng, hoặc giảng dạy trực tuyến thông qua các phần mềm giảng dạy trực tuyến (Zoom, Microsoft Team...) mà việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh còn được thực hiện toàn diện và có chiều sâu hơn nữa phục vụ các hoạt động trước, trong và sau giờ học.
Xây dựng đại học thông minh đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Hàng năm, nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế đã được tổ chức để trao đổi, bàn luận về chủ đề này. Trong số các diễn đàn được biết đến nhiều, phải kể đến diễn đàn do một hiệp hội phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại Anh, được thành lập từ năm 2001 tổ chức. Từ năm 2014, diễn đàn này đã tổ chức các hội thảo chuyên về giáo dục thông minh và học tập điện tử để chuyên gia ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể quy tụ, cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các công nghệ “học tập thông minh”, “giáo dục thông minh”, “đại học thông minh”... Trong thực tiễn, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy các sáng kiến về học tập thông minh. Sáng kiến về học tập thông minh đã được Chính phủ Hàn Quốc công bố và triển khai từ năm 2011.
Theo các kết quả nghiên cứu, một số cơ sở đào tạo đại học thông minh trên thế giới được hình thành vào những năm đầu thập niên của thế kỷ 21 và không ngừng phát triển cho đến ngày nay. Ví dụ, nhóm nghiên cứu của Vladimir L. Uskow và các cộng sự (2018) về chủ đề “Đại học thông minh: Mô hình hoá khái niệm và thiết kế hệ thống”[15] đã chỉ ra rằng “Các nhà phân tích dự báo thị trường giáo dục thông minh toàn cầu sẽ tăng trưởng với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 15,45% trong giai đoạn 2016-2020”[16]. “Thị trường dự báo giáo dục thông minh toàn cầu và thị trường học tập sẽ tăng từ 193,24 tỷ đô la năm 2016 lên 586,04 tỷ đô la vào năm 2021, với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,84%”[17]. Ở Việt Nam, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, giáo dục thông minh, học điện tử thông minh và trường đại học thông minh đang nổi lên và phát triển nhanh chóng, thị trường giáo dục và học thông minh thế giới đạt khoảng 233 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2018 và được dự báo lên tới khoảng 1.047 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2026. Điều này cho thấy có một xu hướng lớn trên thế giới về việc xây dựng đại học thông minh.[18]
Để quá trình phát triển đại học ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới, việc tính toán bước đi và lộ trình chuyển đổi số giáo dục đại học, xây dựng đại học thông minh cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam nói chung, chuyển đổi và phát triển thành HVTA thông minh nói riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp, nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao của HVTA đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước./.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Toà án: Kỷ yếu hội thảo “Xây dựng Học viện Toà án thông minh: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, tháng 6/2023.
2. http://www. marketsandmarkets.com/Market-Reports/smart-digital-education-market-571.html
3. http://www. researchandmarkets.com/research/x5bjhp/global_smart (2016).
4. Mạnh Cường, Học viện Toà án đoạt giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2023, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&folder_id=&item_id=306452427&p_details=1
5. Mateus de Oliveira Fornasier, Legal Education in the 21st Century and Artificial Intelligence: doi:10.12662/2447-6641oj.v19i31.2021 https://orcid.org/0000-0001-6444-2631;
6. Nguyễn Hữu Đức, Hà Quang Thụy, Phạm Bảo Sơn, Phan Xuân Hiếu, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Trí Thành; Đại học thông minh: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam; https://uet.vnu.edu.vn/dai-hoc-thong-minh-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
7. PGS. TS. Nguyễn Hoà Bình, Xây dựng Tòa án điện tử - một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp, https://tapchitoaan.vn/xay-dung-toa-an-dien-tu-mot-nhiem-vu-quan-trong-cua-chien-luoc-cai-cach-tu-phap5767.html
8. Toà án nhân dân tối cao, Tờ trình số 15-TTr/BCSĐ ngày 16/8/2022 về Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
9. Uskov, V.L., Bakken, J.P., Pandey, A.: The ontology of next generation smart classrooms. In: Proceedings of the 2nd International Conference on Smart Education and e-Learning SEEL-2016, 17-19 June 2015. Sorrento, Italy, Springer (2015);
10. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Báo cáo tổng kết nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, Mã số: KHGD/16-20.ĐT.041, CN đề tài: GS.TS. Lê Anh Vinh, 2021.
11. Vladimir L. Uskov, Jeffrey P. Bakken, Robert J. Howlett, Lakhmi C. Jain. Smart Universities: Concepts, Systems, and Technologies. Springer, 2018;
12.Website: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676661/27677412.
13. Website: https://www.ibm.com/watson.
* PGS. TS. Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Toà án & TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Giảng viên Học viện Toà án
[1] Toà án nhân dân tối cao, Tờ trình số 15-TTr/BCSĐ ngày 16/8/2022 về Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tr. 72.
[2] PGS. TS. Nguyễn Hoà Bình, Xây dựng Tòa án điện tử - một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp, https://tapchitoaan.vn/xay-dung-toa-an-dien-tu-mot-nhiem-vu-quan-trong-cua-chien-luoc-cai-cach-tu-phap5767.html
[3] Toà án nhân dân tối cao, Tờ trình số 15-TTr/BCSĐ ngày 16/8/2022 về Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045
[4] Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ, Học viện Toà án.
[5] Mạnh Cường, Học viện Toà án đoạt giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2023, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=27676164&folder_id=&item_id=306452427&p_details=1
[6] Toà án nhân dân tối cao (2022), Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
[7] Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Báo cáo tổng kết nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, MÃ SỐ: KHGD/16-20.ĐT.041, CN đề tài: GS.TS. Lê Anh Vinh, 2021, tr. 319.
[8] Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Báo cáo tổng kết nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, MÃ SỐ: KHGD/16-20.ĐT.041, CN đề tài: GS.TS. Lê Anh Vinh, 2021, tr. 36.
[9] Thời điểm công bố kết quả nghiên cứu 12/2021.
[10] Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Báo cáo tổng kết nghiên cứu xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, MÃ SỐ: KHGD/16-20.ĐT.041, CN đề tài: GS.TS. Lê Anh Vinh, 2021, tr. 288, 323, 327.
[11] Là phần mềm trí tuệ nhân tạo: https://www.ibm.com/watson
[12] Mateus de Oliveira Fornasier, Legal Education in the 21st Century and Artificial Intelligence, p. 4: doi:10.12662/2447-6641oj.v19i31.p1-32.2021 https://orcid.org/0000-0001-6444-2631
[13] Vladimir L. Uskov Jeffrey P. Bakken Robert J. Howlett Lakhmi C. Jain Editors, Smart Universities Concepts, Systems, and Technologies, Smart Innovation, Systems and Technologies 70, Springer 2018, p. 66.
[14] Uskov, V.L., Bakken, J.P., Pandey, A.: The ontology of next generation smart classrooms. In: Proceedings of the 2nd International Conference on Smart Education and e-Learning SEEL-2016, 17-19 June 2015. Sorrento, Italy, Springer, pp. 1-11 (2015); Vladimir L. Uskov, Jeffrey P. Bakken, Robert J. Howlett, Lakhmi C. Jain. Smart Universities: Concepts, Systems, and Technologies. Springer, 2018, p. 15; Học viện Toà án: Kỷ yếu hội thảo “Xây dựng Học viện Toà án thông minh: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, tháng 6/2023.
[15] Vladimir L. Uskov Jeffrey P. Bakken Robert J. Howlett Lakhmi C. Jain, Smart University: Concepts, Systems and Technologies, Chapter 3: Smart University: Conceptual Modeling and Systems’ Design, p. 50.
[16] Global Smart Education Market 2016–2020. Research and Markets, http://www. researchandmarkets.com/research/x5bjhp/global_smart (2016).
[17] Smart Education and Learning Market-Global Forecast to 2021, http://www. marketsandmarkets.com/Market-Reports/smart-digital-education-market-571.html
[18] Nguyễn Hữu Đức, Hà Quang Thụy, Phạm Bảo Sơn, Phan Xuân Hiếu, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Trí Thành; Đại học thông minh: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam; https://uet.vnu.edu.vn/dai-hoc-thong-minh-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận