Mô hình chuyển đổi số thành công của hệ thống Tòa án góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Chánh án TANDTC và ngành Tòa án đã kiên trì, kiên quyết, kiên định chuyển đổi số suốt hơn 3 năm qua. Để đến nay có được một mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành giới thiệu nhân rộng ra toàn quốc, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chiều 16/6, tại Hà Nội, Ủy Ban Quốc gia về chuyển đổi số phối hợp với TANDTC tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành.

Những thành quả mà hệ thống TAND đạt được trong cải cách tư pháp chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời đại kỹ thuật số quốc gia, xây dựng Tòa án điện tử đã đưa hệ thống Tòa án trở thành mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 4 năm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm đầu tiên là khởi động chuyển đổi số, năm thứ hai là tổng diễn tập chuyển đổi số thời Covid-19, năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia, năm thứ tư là phát triển dữ liệu số. Năm 2024 này là bắt đầu của năm thứ năm, chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột là công nghiệp CNTT và truyền thông, phát triển kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hơn 4 năm qua đã cho chúng ta một số kinh nghiệm quý để tìm ra các cách làm chuyển đổi số hiệu quả. Thứ nhất là làm thí điểm tại một xã, một huyện, một tỉnh, một ngành, làm cho đến thành công, dễ dùng rồi từ đó nhân rộng ra cả nước. Thứ hai là phát triển những nền tảng số dùng chung toàn quốc. Thứ ba là cần hướng dẫn chi tiết, cái gì mới còn lạ lẫm cần hướng dẫn cụ thể để chuyển đổi số mới có thể lan rộng đến toàn dân, toàn diện. Thứ tư là hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số hiện nay. Thứ 5 là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc triển khai chuyển đổi số tại TANDTC với những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Thành công lớn nhất chính là việc chuyển đổi số đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp cúa ngành Tòa án. Đây là kết quả của ba năm chuyển đổi số, chuyển đổi số không thể thành công nếu chỉ là phong trào, đó phải là kết quả của một quá trình liên tục.

Ngay từ đầu, TANDTC đã lựa chọn đối tác chiến lược để đồng hành, vì chuyển đổi số không phải là mua một phần mềm về sử dụng mà là phát triển các phần mềm cho chính mình. Phần mềm chuyển đổi số không phải là viết ra là xong mà sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghệ số và cơ quan nhà nước, phải đi cùng nhau trên một chặng đường dài và trở thành đối tác chiến lược của nhau, doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án chuyển đổi số.

Cơ quan nhà nước phải đặt rõ bài toán cho doanh nghiệp công nghệ số, dạy nghề, dạy chuyên môn ngành mình cho doanh nghiệp, đưa dữ liệu, đưa trí thức ngành cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển sản phẩm. Rồi sau đó trực tiếp dùng sản phẩm hàng ngày và liên tục đưa ra các yêu cầu hoàn thiện sản phẩm. Đó là yêu cầu đối với cơ quan nhà nước để chuyển đổi số thành công.

Phần mềm đã viết xong nhưng làm cho nó thông minh lên từng ngày lại chính là việc của cơ quan nhà nước. Ví dụ, sau hơn hai năm TANDTC sử dụng hệ thống, số người dùng hệ thống đã đưa lên 27.000 tình huống pháp lý khó để được tư vấn, và từ đây đã hình thành 18.000 tình huống chuẩn hóa và được nhập vào hệ thống để tham khảo cho về sau, làm giàu thêm tri thức của ngành Tòa án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh cùng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo TANDTC tại Hội nghị

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong giai đoạn đầu, những người thông thái nhất của tổ chức phải dạy, phải truyền kiến thức của mình cho phần mềm chuyển đổi số, trợ lý ảo để những người khác trong tổ chức được sử dụng. Nhân viên khi sử dụng trợ lý ảo để giải quyết công việc hằng ngày của mình thì sẽ phát hiện những cái mà trợ lý ảo chưa biết rồi đi tìm tri thức để bổ sung cho trợ lý ảo. Ở giai đoạn sau, khi trợ lý ảo đã đưa vào sử dụng thì người làm cho trợ lý thông minh lên lại chính là những người sử dụng.

Công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ là việc tự động hóa cái mình đang làm, tự động hóa quy trình cũ mà là một cuộc cách mạng về cách làm, cách vận hành tổ chức, là một cuộc cách mạng vì sự thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Bởi vậy, phải cần đến người đứng đầu. Việc Chánh án TANDTC trực tiếp làm dự án chuyển đổi số đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số ngành Tòa án là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

Chuyển đổi số của TANDTC ngay từ đầu đã tập trung vào phục vụ đối tượng trung tâm là cán bộ, công chức của Tòa án, tạo ra các công cụ số, trợ lý ảo để giảm tải công việc, giảm thời gian làm việc, tăng chất lượng công việc cho họ. Chuyển đổi số mà không được cán bộ, công chức ủng hộ, không được họ dùng hàng ngày thì sẽ không thành công.

Cán bộ công chức là đối tượng trung tâm sử dụng các công nghệ số hiện đại, còn người dân là đối tượng được hưởng các dịch vụ chất lượng từ cán bộ công chức. Cán bộ công chức được hỗ trợ tốt thì người dân mới được phục vụ tốt.

Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Bộ TT&TT trân trọng cảm ơn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, cảm ơn ngành Tòa án đã kiên trì, kiên quyết, kiên định chuyển đổi số suốt  hơn 3 năm qua để đến nay có được một mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành từ đó nhân rộng ra toàn quốc, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

 

Thời gian qua, hệ thống Tòa án đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Cùng với đó, xét xử trực tuyến đã được triển khai tại Tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

Hệ thống Tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày.

TRIỆU HỒ

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành