Mối quan hệ giữa nơi xảy ra tội phạm và thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra
Trên cơ sở bài viết “Thẩm quyền giải quyết vụ án lừa đảo, chiếm đoạt xe ô tô” đăng ngày 03/11/2018 và bài viết trao đổi của tác giả NGUYÊN XUÂN BÌNH (TAND tỉnh Bắc Ninh), tôi thấy có nhiều nội dung cần trao đổi thêm cả về mặt lý luận và thực tiễn để làm sáng tỏ vấn đề mà hai bài viết đặt ra.
Bài viết này, tác giả chỉ đề cập và phân tích về trường hợp cụ thể hành vi của Thức phạm tội gì, về thời điểm nào được coi là tội phạm xảy ra và hoàn thành, ý nghĩa của việc xác định này trong việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra.
1.Xác định tội danh đúng là căn cứ để xác định thẩm quyền của cơ quan cảnh sát điều tra về trách nhiệm giải quyết vụ án
Về tội danh trong vụ việc đang bàn, tác giả Nguyễn Xuân Bình cho rằng: “Dựa theo các tình tiết trong nội dung bài viết thì chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn hành vi của Thức đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015”. Tôi đồng tình với tác giả Bình về cách phân tích và đưa ra quan điểm này. Nhưng với những tình tiết ít ỏi nêu ra trong hai bài viết thì theo tôi, hành vi của Thức đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS 2015. Với những lý do sau:
Giữa Thức và ông Sơn tồn tại một thoả thuận (giao dịch dân sự) trước khi Thức chiếm đoạt tài sản.
“Khoảng 11h, Thức mời ông Sơn sang nhà Thức ở Bắc Ninh chơi. Ông Sơn lấy xe ô tô và cùng đi. Thức cầm lái” (từ đó khẳng định thời điểm này ông Sơn tự nguyện giao chìa khóa cho Thức chứ Thức không dùng thủ đoạn gian dối gì, và thời điểm này ô tô chưa rời khỏi sự quản lý của ông Sơn). Sau đó uống rượu say, Thức đưa ông Sơn về nhà nghỉ. Sáng hôm sau (tám giờ sáng) ông Sơn mới phát hiện ô tô không còn thuộc sự quản lý của mình mới gọi điện hỏi Thức, thì Thức nói đi Lạng Sơn đòi nợ từ 5 giờ sáng.”
Chuỗi hành vi giữa Thức và ông Sơn từ 11 giờ ngày 28/6/2017 đến 8 giờ ngày 29/6/2017 là những giao dịch dân sự. Hành vi ông Sơn gọi điện nói với Thức để hỏi chiếc xe và Thức nói là đi Lạng Sơn đòi nợ từ 5 giờ sáng, nhưng ông Sơn cũng mặc nhiên tin và im lặng thì đây cũng chính là một giao dịch dân sự đã được xác lập.
Nếu đúng như lời của Thức đi Lạng Sơn có nghĩa là Thức đã thực hiện đúng cam kết trong giao dịch mượn tài sản. Ngược lại, nếu Thức không thực hiện việc lái xe đi Lạng Sơn như đã nói qua điện thoại với ông Sơn thì thời điểm sau 8 giờ ngày 29/6/2017 cho phép chúng ta xác định được Thức có ý thức gian dối biểu lộ ra bên ngoài (Thủ đoạn là nói không đúng sự thật làm cho ông Sơn tin và an tâm tài sản của mình vẫn đảm bảo). Cần phải xác định hành vi tiếp theo của Thức là gì? Theo nội dung vụ việc: “Thức tắt điện thoại” ; “Quá trình xác minh đã xác định, ngày 30/6/2017 Thức đã cầm cố xe ô tô của ông Sơn để vay 200 triệu đồng … và sau đó bỏ trốn” – đây là những tình tiết biểu hiện cụ thể về hành vi chiếm đoạt tài sản của Thức.
Hành vi của Thức nhận xe của ông Sơn là do ông Sơn tự nguyện đưa Thức chiếm hữu và sử dụng (lái), sau đó ông Sơn say, Thức đưa ông Sơn về nghỉ và tiếp tục sử dụng xe. Ông Sơn và Thức tiếp tục liên hệ vào lúc 8 giờ sáng ngày 29/8/2017 nên chưa có cơ sở cho rằng Thức có ý thức chiếm đoạt xe. Vì không thể chứng minh được ý thức chiếm đoạt trong suy nghĩ của Thức và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc có lợi nên quan điểm cá nhân tôi cho rằng: Các sự việc diễn ra trong chuỗi thời gian này là ngay tình, hợp lý, là giao dịch đời thường. Sau nhận xe xong, đặc biệt là sau 8 giờ thì Thức mới “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản” (thể hiện Thức nói dùng xe đi lên Lạng Sơn) và sau đó đi cầm cố để lấy 200 triệu và bỏ trốn (đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản), những hành vi này bộc lộ ra bên ngoài thống nhất giữa ý chí (mong muốn) và hành động của Thức, là căn cứ để đánh giá xác định Thức phạm tội gì. Tóm lại, trong tình huống này, hành vi của Thức đã cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS năm 1999 (Điều 175 BLHS năm 2015).
Vấn đề đặt ra là tài sản mà Thức chiếm đoạt là gì?
Là chiếc xe của ông Sơn (định giá tài sản để xác định giá trị) hay là tài sản chiếm đoạt chính là số tiền 200 triệu đồng từ việc thế chấp chiếc xe. Việc xác định tài sản bị chiếm đoạt trong vụ việc này có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt. Theo quan điểm cá nhân tôi, thì tài sản chiếm đoạt trong tình huống này là 200 triệu đồng, chiếc xe được xem chính là tài sản chiếm đoạt ban đầu nhưng mong muốn sự chiếm đoạt cụ thể của Thức hướng đến là số tiền có được từ việc thế chấp chiếc xe và thực tế là hậu quả vật chất thiệt hại thực tế là 200 triệu. Hiện nay chiếc xe vẫn còn, theo thông tin trong bài viết trước, chiếc xe là tang vật trong vụ án khác thì cũng phải cần làm rõ thêm vấn đề và tiếp tục xác định các tình tiết có liên quan trong vụ án để xác định trách nhiệm bồi thường. Mong các bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi để giúp tác giả có nhận thức khoa học và chính xác về nội dung (giá trị) tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án này.
2.Xác định cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết
Việc xác định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ được quy định tại khoản 4 Điều 163 BLTTHS 2015: “… 4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.
Để trả lời cơ quan điều tra Công an nào có thẩm quyền điều tra (giả định thẩm quyền của cấp huyện) thì cần phải trả lời: Tội phạm xảy ra ở đâu? Hành vi của Thức (với dữ liệu như đã cho) đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng Thức bắt đầu thực hiện hành vi nhận xe, mượn xe và điện thoại liên lạc với ông Sơn ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, sau đó xe lại đem cầm cố, thế chấp ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Vậy hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra ở đâu? Từ Sơn hay Tiên Du? Tội phạm xảy ra có được hiểu là tội phạm đã hoàn thành hay không? Hay chưa hoàn thành cũng được xem là xảy ra?
Sau ba lần pháp điển hoá năm 1985, 1999, 2015 BLHS vẫn chưa có qui định, định nghĩa cụ thể thế nào là tội phạm hoàn thành và chưa hoàn thành. Nên trên thực tế, việc đánh giá một hành vi phạm tội hoàn thành hay chưa hoàn thành tuỳ thuộc vào từng trường hợp, tuỳ thuộc vào việc áp dụng pháp luật của chủ thể có thẩm quyền. Hiện tại, quan điểm về tội phạm được coi là hoàn thành khi chủ thể phạm tội đã thực hiện có tất cả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được qui định tại điều luật tương ứng trong phần riêng của BLHS. Điểm chú ý là chủ thể áp dụng pháp luật cần phải đặc biệt quan tâm đến các giai đoạn thực hiện phạm tội. Tại phần chung của BLHS năm 2015, có hai điều luật là Chuẩn bị phạm tội (Điều 14) và Phạm tội chưa đạt (Điều 15) là một trong hai qui định nói về tội phạm chưa hoàn thành và hai qui định này đã liệt kê một số tội phạm được qui định ở phần riêng mới chịu TNHS về việc chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Nội dung này nếu có điều kiện sẽ đề cập trong trong bài viết khác.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất. Nên trong vụ việc này có hai luồng ý kiến: Thứ nhất cho rằng sau khi chiếm hữu được chiếc xe, Thức đã có hành vi nói dối với ông Sơn là xe đi Lạng Sơn là tội phạm đã hoàn thành vì đã chiếm đoạt chiếc xe (Tội phạm hoàn thành về mặt pháp lý). Sự việc này xảy ra tại huyện Từ Sơn nên Công an thị xã Từ Sơn có thẩm quyền trong vụ việc này. Thứ hai cho rằng hành vi tội phạm của Thức chỉ hoàn thành khi Thức thế chấp chiếc xe tại huyện Tiên Du và đã chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng nên được xem tội phạm xảy ra tại huyện Tiên Du nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc công an huyện Tiên Du.
Trong thực tế, tội phạm xảy ra có thể hoàn thành và chưa hoàn thành (ví dụ chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt) nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội tương ứng. Riêng đối với trường hợp của Thức, được xác định là tội phạm xảy ra ở Từ Sơn, đó là một chuỗi hành vi thực hiện của Thức và đã thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như đã phân tích. Nếu căn cứ vào thực ngữ nơi xảy ra tội phạm thì nơi xảy ra chính là huyện Từ Sơn, nên tác giả cũng đồng quan điểm với hai quan điểm Công an huyện Từ Sơn có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.
Về thời hạn giải quyết tin báo tội phạm, ngày 29/10/2018, Công an thị xã Từ Sơn mới ra Thông báo số 1652 về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, với nội dung tố giác: “Ngày 29/6/2017, tại phố Mới, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninnh, Nguyễn Công Thức, sinh năm 1989, trú tại thôn Đông, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có hành vi mượn chiếc xe ô tô biển số 29C- 524.61 của ông Sơn sau đó chiếm đoạt”. Với thông tin này, rõ ràng Công an thị xã Từ Sơn đã vi phạm thời hạn giải quyết đơn thư tố giác đối với dân.
Trên đây là nội dung xin trao đổi với hai tác giả, mong có sự trao đổi phản hồi để tác giả có cơ hội hỏi, chia sẻ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Trần Thanh Tân - Tòa án nhân dân huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
01:07 22/12.2024Trả lời