Một số bất cập về chế định chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Trong bài viết này, tác giả nêu và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục một số bất cập, hạn chế của chế định chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Chế định chứng cứ là chế định rất quan trọng trong Bộ luật Tố tụng dân sự, bởi nó là một trong những nhân tố quyết định đến tiến độ giải quyết các vụ việc dân sự nhanh hay chậm và kết quả có đúng đắn, khách quan, chính xác hay không. Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”. Để hoàn thiện chế định chứng cứ, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chứng cứ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn tố tụng. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn còn một số quy định về chứng cứ chưa phù hợp, từ đó có thể dẫn đến bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi.
1. Giao nộp chứng cứ
Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 84 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Căn cứ vào quy định này, chúng ta có thể hiểu việc giao nộp chứng cứ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các đương sự, đồng thời, luật cũng không quy định thời gian đương sự phải giao nộp chứng cứ, do đó, đương sự có quyền giao nộp chứng cứ vào bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án. Chính vì thế mà trong thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự, có rất nhiều trường hợp ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, đương sự mặc dù có chứng cứ nhưng không giao nộp, thậm chí cố tình che giấu chứng cứ, đến khi vụ án chuyển sang giai đoạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm mới giao nộp nhưng Tòa án vẫn phải chấp nhận chứng cứ đó, dẫn đến việc phải hủy, sửa bản án đã ban hành. Điều này đã góp phần kéo dài việc giải quyết vụ án dân sự, làm giảm tính ổn định của bản án, quyết định, gây tốn kém thời gian, công sức cho cả Tòa án và các đương sự. Để khắc phục tình trạng này, khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự”. Theo quy định này, nếu xét thấy chứng cứ đã giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Khi đã có yêu cầu của thẩm phán nhưng đương sự không giao nộp hoặc không giao nộp đầy đủ chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ giải quyết vụ việc dựa trên những chứng cứ đang có tại Tòa. Vấn đề đặt ra là, lý do nào sẽ được Tòa (mà cụ thể là thẩm phán) xem là “lý do chính đáng” và lý do nào không được xem là lý do chính đáng thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không giải thích rõ, dẫn đến việc xem xét lý do có chính đáng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của thẩm phán, điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện, thiếu minh bạch, công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ những lý do nào được xem là lý do chính đáng hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là lý do chính đáng trong trường hợp nêu trên.
2. Giám định chứng cứ
Chứng cứ có tác động rất lớn đến tính đúng đắn, chính xác, khách quan của kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Do đó, chứng cứ phải được thu thập hợp pháp, tồn tại khách quan, đúng sự thật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp đương sự cung cấp cho Tòa án một số chứng cứ chưa đáng tin cậy nên cần phải giám định. Những vấn đề cần trưng cầu giám định hiện nay rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Giám định chữ ký, giám định chứng cứ giả mạo, giám định băng ghi âm, ghi hình, ảnh chụp… Việc giám định chứng cứ rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi phải có độ chính xác cao về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Giám định tư pháp năm 2012 chưa có quy định trình tự, thủ tục giám định đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc giám định liên lĩnh vực. Mặt khác, nếu trong trường hợp cùng một vấn đề nhưng các cơ quan, tổ chức (khác nhau) có chức năng giám định (do các bên đương sự yêu cầu giám định) sau khi tiến hành giám định lại có các kết luận khác nhau thì giải quyết như thế nào, kết quả giám định nào sẽ được lựa chọn và cơ sở nào để lựa chọn kết quả giám định đó (vì hiện nay vấn đề này cũng chưa được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định)? Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp Tòa án nếu xét thấy cần thiết phải giám định thì thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định, quy định này khá phù hợp với nhu cầu bức thiết trong việc giám định chứng cứ để có thể đưa ra kết quả giải quyết vụ việc đúng đắn, nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại không quy định khoản chi phí trưng cầu giám định này do ai chi trả. Nếu căn cứ vào Điều 36 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì người trưng cầu giám định tư pháp phải chi trả, tức là Tòa án phải chi trả, điều này không phù hợp bởi Tòa án không thể bỏ chi phí giám định để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp giữa các đương sự trong khi các bên đương sự là “người trong cuộc” lại không phải chịu chi phí đó.
Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại nêu trên, pháp luật cần phải: (i) Bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục giám định đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc giám định liên lĩnh vực; (ii) Bổ sung quy định cụ thể để giải quyết trường hợp có sự khác nhau trong kết quả giám định về cùng một đối tượng giám định của các tổ chức giám định khác nhau theo hướng: Các đương sự thỏa thuận chọn một tổ chức giám định khác giám định lại hoặc yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định, kết quả của tổ chức tiến hành giám định lại là kết quả cuối cùng; (iii) Nếu chứng cứ bị tố là giả mạo thì chi phí giám định thực hiện theo khoản 3 Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, còn nếu không thuộc trường hợp này thì sẽ do bên thua kiện phải chịu.
3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
Khoản 3, khoản 4 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn tố tụng, bởi trong rất nhiều vụ việc, chứng cứ quan trọng có liên quan không phải do đương sự nắm giữ mà do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nắm giữ, do đó, nếu đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát không được giao quyền này thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, khi yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp số tài khoản, số dư tài khoản, sao kê các lệnh chuyển và nạp tiền vào tài khoản của đương sự… thường bị từ chối bởi tổ chức tín dụng cho rằng việc cung cấp những thông tin trên là vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin tài khoản cho khách hàng. Bên cạnh đó, quy định trên cũng chưa làm rõ “lý do chính đáng” để cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó từ chối việc cung cấp tài liệu, chứng cứ là những lý do như thế nào, nên rất dễ xảy ra nhiều quan điểm trái ngược nhau về sự “chính đáng” của lý do từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ. Cũng chính vì thế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ tài liệu, chứng cứ nếu muốn từ chối hoặc kéo dài thời gian cung cấp thì có thể tạo ra nhiều lý do khác nhau mà cơ quan có thẩm quyền cũng khó xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Để khắc phục những bất cập trên, pháp luật cần phải: (i) Giải quyết xung đột trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với quy định của các luật chuyên ngành theo hướng: Ưu tiên áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ để buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân này cung cấp tài liệu, chứng cứ trong mọi trường hợp (trừ khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chứng minh được chứng cứ đó không còn hoặc không còn do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó nắm giữ). Đồng thời, Tòa án, Viện kiểm sát, các đương sự có nghĩa vụ không được tiết lộ những thông tin về chứng cứ đó ra bên ngoài nếu điều đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. (ii) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần quy định rõ những lý do nào được xem là lý do chính đáng hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là lý do chính đáng trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ.
4. Bảo vệ chứng cứ
Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ. Đề nghị của đương sự phải thể hiện bằng văn bản. Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số trong các biện pháp niêm phong, thu giữ, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phục chế, khám nghiệm, lập biên bản và các biện pháp khác”. Đây là quy định cần thiết nhằm bảo đảm sự tồn tại toàn vẹn của chứng cứ. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp khi phát hiện chứng cứ đang bị tiêu hủy, tức là hành động tiêu hủy chứng cứ đang được diễn ra (như: Đập/nghiền nát, đốt… chứng cứ) mà đương sự chỉ có thể đề nghị Tòa án (bằng văn bản) ra quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ thì rất nhiều khả năng chứng cứ đó đã bị tiêu hủy, không còn trên thực tế và như vậy thì chứng cứ đã không được bảo vệ như mục đích của điều luật.
Theo quan điểm của tác giả, nhằm giải quyết bất cập trên, để chứng cứ không bị mất đi thì cần phải có biện pháp bảo vệ chứng cứ càng sớm càng tốt, tức là chỉ cần nhận thấy chứng cứ có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ.
Theo http://tcdcpl.moj.gov.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận