Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba được quy định xuyên suốt từ BLDS năm 1995 đến Bộ BLDS năm 2015. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục. Trên cơ sở phân tích, đánh giá quy định của pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của bên thứ ba ở Việt Nam hiện nay tác giả đưa ra một số quan điểm, kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định trên.
1. Pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
1.1. Khái niệm, đặc điểm về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Khoản 5 Điều 402 BLDS năm 2015 quy định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba bên cạnh mang những đặc điểm nhận biết của một hợp đồng thông thường còn có những đặc tính riêng biệt trong việc hình thành cũng như thực hiện hợp đồng.
Một là, tính thỏa thuận
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba bày tỏ ý chí của chủ thể, xuất phát từ sự thỏa thuận và các ý chí này gặp nhau tại một điểm gọi là ý chí chung của các chủ thể. Về bản chất hợp đồng khi các bên tham gia vào một hợp đồng đó là lợi ích mà các bên nhận được, tuy nhiên đối với hợp đồng này người thứ ba vẫn được hưởng lợi ích từ hợp đồng mặc dù người thứ ba không phải là các bên trong hợp đồng. Các tên gọi khác về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba hiện nay, phổ biến phải nhắc đến đó là hợp đồng bảo hiểm, theo đó trong hợp đồng bảo hiểm bên cạnh việc nhằm mục đích được hưởng bảo hiểm hoặc cho người khác gọi là người thứ ba cùng hưởng lợi từ hợp đồng, hợp đồng chăm sóc... Đặc điểm nhận dạng để phân biệt hợp đồng này với các hợp đồng thông thường đó là xuất hiện quyền lợi của người thứ ba là điều kiện bắt buộc đối với loại hợp đồng này.
Hai là, tính ràng buộc quyền và nghĩa vụ của người thứ ba
Đây là chủ thể nhận lợi ích từ hợp đồng mang lại, do đó trong phạm vi các điều kiện của hợp đồng, chủ thể này có quyền và nghĩa vụ nhất định, cụ thể: Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ (Điều 415 BLDS năm 2015), được quyền từ chối nhận lợi ích, quyết định đồng ý hay không đồng ý việc các bên trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng (Điều 416, 417 BLDS năm 2015). Tuy nhiên vấn đề đặt ra là người thứ ba có được chuyển giao quyền của mình hay không? trách nhiệm pháp lý như thế nào đối với trường hợp người thứ ba chết? thì các nhà làm luật lại chưa đề cập.
Ba là, điều kiện về tồn tại người thứ ba.
Như vậy từ lúc xác lập hợp đồng bắt buộc tồn tại người thứ ba, giúp xác định đúng chủ thể hưởng lợi của hợp đồng một cách chính xác. Khoản 5, Điều 402 BLDS năm 2015 đã đưa ra khái niệm về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Quy định người thứ ba về cơ bản được nêu ra khá đầy đủ giúp các bên trong hợp đồng định hình xác định. Tuy nhiên, việc hiểu người thứ ba là cá nhân hay pháp nhân? Điều kiện năng lực chủ thể của người thứ ba có là điều kiện bắt buộc? điều này chưa được nêu rõ nên khi áp dụng sẽ được hiểu theo nhiều cách hiểu khác nhau phụ thuộc vào tư duy của từng chủ thể áp dụng.
1.2. Thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Điều 415 BLDS năm 2015 quy định, khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, xuất phát từ lý do “người thứ ba” không phải là một bên trong hợp đồng cho nên không được thực hiện yêu cầu với bên đối ứng thực hiện nghĩa vụ đối với mình, tuy nhiên, đối với trường hợp đang có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Trong trường hợp này để bảo vệ cho người thứ ba thông qua bên có quyền để có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Quy định như trên giúp người thứ ba bảo đảm tốt hơn quyền lợi của mình với vai trò là người hưởng lợi, không phải là một bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người thứ ba yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì giải quyết như thế nào? Hướng giải quyết cho trường hợp này như thế nào BLDS năm 2015 chưa có quy định cụ thể. Một điều dễ thấy với quy định như trên người thứ ba sẽ rất bất lợi, thậm chí rơi vào trạng thái bị động phụ thuộc vào các bên giao kết hợp đồng nếu các bên giao kết hợp đồng không có thiện chí, việc xác định sự vi phạm hợp đồng của các bên trong trường hợp này sẽ khó được xác định để chịu trách nhiệm dân sự với người thứ ba.
Như vậy với quy định nêu trên có thể hiểu người thứ ba có thể không xuất hiện tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng tại thời điểm thực hiện hợp đồng bắt buộc phải tồn tại người thứ ba.
Pháp luật trao cho người thứ ba quyền nhưng có thể thấy vẫn còn nhiều hạn chế để người thứ ba phát huy quyền của mình trong trường hợp này.
1.3. Quyền từ chối của người thứ ba
Việc từ chối hưởng lợi ích của người thứ ba được quy định tại Điều 416 BLDS năm 2015. Nếu việc từ chối hưởng lợi ích được thực hiện trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ nữa, hợp đồng coi như bị hủy bỏ và không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết; các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, căn cứ hủy bỏ hợp đồng là bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền về việc người thứ ba từ chối hưởng lợi ích. Quy định này là cần thiết, giúp bên có quyền tránh được rủi ro phải thanh toán các khoản chi phí thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở chỗ, nếu bên có nghĩa vụ mới thực hiện được một phần nghĩa vụ thì người thứ ba từ chối việc tiếp tục hưởng lợi ích thì hợp đồng này có chấm dứt không? điều luật này lại không quy định cách xử lý trong trường hợp này là như thế nào?
1.4. Về sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng dân sự được xác lập trên cơ sở tự nguyện, ý chí của các bên khi giao kết, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các bên tự do thỏa thuận về nội dung của hợp đồng, cũng như việc sửa đổi hủy bỏ hợp đồng nhưng phải được các bên thống nhất đồng ý. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đối với loại hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, quyền sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng bị giới hạn bởi ý chí bởi người thứ ba không phải là một bên chủ thể giao kết hợp đồng. Theo Điều 417 BLDS năm 2015, “khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”.
Nhìn chung, BLDS năm 2015 đã quy định việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba theo hướng bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho người thứ ba, nhưng vẫn chưa đầy đủ đối với trường hợp người thứ ba muốn chuyển nhượng “quyền hưởng lợi ích” của mình cho một người khác. Bởi xuất phát từ bản chất của dân sự là sự thỏa thuận, chúng ta được quyền làm những gì mà luật không cấm, do đó trong trường hợp này theo tác giả nên quy định thêm nội dung bên thứ ba chuyển nhượng “quyền hưởng lợi ích” của mình cho người khác.
2. Những bất cập và đề xuất một số điều chỉnh trong quy định pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
2.1. Quy định liên quan đến người thứ ba
BLDS năm 2015 không đưa ra định nghĩa hay khái niệm người thứ ba là như thế nào mà chỉ đưa ra “người thứ ba”, điều này có thể làm dẫn đến cách hiểu rằng nói đến “người” là sẽ hiểu là đang đề cập đến cá nhân. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là pháp nhân có thể là người thứ ba trong loại hợp đồng này không? Bên cạnh đó cũng không có quy định nào yêu cầu “người thứ ba” có phải đáp ứng các điều kiện như thế nào về tư cách chủ thể do đó dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng quy định này, thai nhi trong hợp đồng bảo hiểm sinh con có được xem là “người thứ ba” không? Xuất phát từ nguyên tắc chúng ta được quyền làm những điều mà pháp luật không “cấm” do đó có thể hiểu “người thứ ba” ở đây là bao gồm cả cá nhân và pháp nhân.
Liên quan đến tư cách chủ thể của người thứ ba, một số quan điểm cho rằng người thứ ba ở đây phải có năng lực pháp lý để thụ hưởng lợi ích mà họ được thụ hưởng, chủ thể không có năng lực pháp lý để thụ hưởng quyền lợi thì không thể trở thành người thứ ba của hợp đồng. [1] Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tác giả cho rằng không cần thiết phải yêu cầu “người thứ ba” phải có đầy đủ năng lực chủ thể, ví dụ cha mẹ mua bảo hiểm cho con, theo đó con là người thứ ba được hưởng lợi ích từ hợp đồng giữa công ty bảo hiểm và bố mẹ hiện nay là một dạng hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Như vậy trong trường hợp này” người thứ ba” không cần có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, vì đa số các hợp đồng này người con ở đây là người chưa thành niên, năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ.
Hay pháp luật một số nước như “Nhật Bản đã từng thừa nhận thai nhi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có quyết định từ Toà án để có người giám hộ... cũng có thể là người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” [2]. Như vậy, khái niệm “người thứ ba” trong trường hợp này có thể là người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, có thể hiểu “người thứ ba” có thể là cá nhân hoặc pháp nhân; đối với cá nhân thì đây có thể là người đã thành niên hoặc người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự. Bởi “người thứ ba” không phải là một bên chủ thể trong hợp đồng không bộc lộ ý chí tham gia giao kết hợp đồng mà đây chỉ là chủ thể hưởng lợi từ hợp đồng mang lại do đó cần điều kiện về năng lực hành vi dân sự đối với “người thứ ba”.
Từ các điều kiện trên, theo tác giả có thể bổ sung khái niệm về “Người thứ ba” trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba như sau: “Người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là cá nhân, pháp nhân phải được xác định tại thời điểm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng nhưng không cần phải tồn tại vào thời điểm xác lập hợp đồng".
2.2. Bên có nghĩa vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba
Bộ luật dân sự trao quyền cho người thứ ba được yêu cầu trực tiếp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng lại không ghi nhận cụ thể chế tài gì sẽ xảy ra nếu như bên có nghĩa vụ không thực hiện. Theo quan điểm của một tác giả thì: Thực chất, đây là quyền trực tiếp của người thứ ba đối với người có nghĩa vụ nên chúng ta có thể coi quyền yêu cầu của người thứ ba nêu trên là quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nên người thứ ba có thể viện dẫn các chế tài cho vi phạm thực hiện nghĩa vụ (không đồng nhất với với chế tài do vi phạm hợp đồng) để quy trách nhiệm cho người có nghĩa vụ (các chế tài này được ghi nhận tại các quy định từ Điều 351 BLDS năm 2015 và về cơ bản đã tồn tại trong các Bộ luật trước đây) [3]. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba trong trường hợp này nên áp dụng quy định khoản 1 Điều 4 BLTTDS năm 2015 “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, theo đó “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Như vậy, quy định của BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 cho phép bảo vệ người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba bằng con đường khởi kiện ra Tòa án khi có tranh chấp phát sinh.
2.3. Quyền từ chối của người thứ ba
Có thể thấy rằng người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không phải là một bên giao kết hợp đồng nên pháp luật dân sự đã cho họ được quyền từ chối thụ hưởng lợi ích từ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn chưa thật sự rõ ràng và cần phải có những sự sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm đảm bảo hơn nữa các quyền và lợi ích của không chỉ người thứ ba mà còn cả các bên giao kết hợp đồng trong trường hợp này.
Thứ nhất, để giải quyết tốt hơn hệ quả pháp lý của việc người thứ ba từ chối hưởng lợi ích từ hợp đồng thì BLDS năm 2015 nên bổ sung thêm nội dung sau: “Trong trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ hoặc thỏa thuận người thứ ba khác thụ hưởng lợi ích từ hợp đồng”. Quy định này sẽ giúp cho các bên có thêm một phương thức khác để giải quyết thay vì chỉ có một phương thức giải quyết như tại Điều 416 BLDS năm 2015 là hủy bỏ hợp đồng thì theo tác giả nên cho các bên cơ hội được tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng cách chỉ định một người thứ ba thụ hưởng lợi ích mới.
Thứ hai, có thể thấy rằng trong quy định về quyền từ chối của người thứ ba sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ không dự liệu đến khả năng việc từ chối này có thể gây ra thiệt hại cho các bên giao kết hợp đồng. Do đó, theo tác giả cần phải bổ sung một số nội dung liên quan đến vấn đề này nhằm giải quyết tốt nhất các tranh chấp có thể phát sinh. Cụ thể:
- Cần phải bổ sung thêm trường hợp người thứ ba từ chối hưởng lợi ích trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ và gây ra thiệt hại, lúc này nên quy định rằng bên có quyền sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ. Như vậy, sẽ giúp bảo đảm cho các quyền và lợi ích của bên có nghĩa vụ.
- Trong trường hợp người thứ ba đã bày tỏ sự đồng ý tiếp nhận lợi ích từ hợp đồng, sau đó lại từ chối khiến thiệt hại phát sinh, cần bổ sung quy định trường hợp người thứ ba đã đồng ý nhưng sau đó từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại thì người thứ ba phải bồi thường, nếu như đã cho phép người thứ ba vận dụng các quy định trong trách nhiệm dân sự để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình thì sẽ là hợp lý nếu như họ cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng nếu như gây ra thiệt hại trong quá trình bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
*ThS, Giảng viên khoa Luật kinh tế Trường Đại học Phan Thiết, ** Phòng Hành chính, quản trị Trường Đại học Phan Thiết
Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng góp vốn- Ảnh: Đăng Khoa
[1] | Lê Minh Hùng, Hiệu lực của hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr.38. |
[2] | 商事法務編, 民法(債権関係)の改正に関する中間試案の補足説明(商事法務, 2013年, 398頁参照 [tạm dịch: Bộ pháp vụ thương mại, Giải thích bổ sung về dự thảo liên quan đến sửa đổi Bộ luật dân sự (quyền và nghĩa vụ), 2013, tr. 379]. |
[3] | Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Tập 2, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2018, tr. 407. |
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận