Một số vướng mắc trong việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ trong vụ án có nhiều bị can, bị cáo
Tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án hình sự đã được quy định tương đối đầy đủ tại Điều 281 và Điều 282 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng vẫn có những vướng mắc, cần được hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất.
Quy định về tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án
Điều 281 của BLTTHS 2015 quy định về Tạm đình chỉ vụ án như sau:
“1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này; b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này; c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này”.
Điều 282 BLTTHS quy định về Đình chỉ vụ án như sau:
“1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này; b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này”
Các lý do tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án và hình thức, nội dung của quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án quy định tại Điều 281 và Điều 282 là tương đối rõ ràng và cũng đã được hướng dẫn ở nhiều văn bản nên trong quá trình áp dụng không có vấn đề gì đáng bàn.
Về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo quy định tại khoản 2 Điều 281 và đoạn 2 điểm b khoản 1 Điều 282. Nội dung và tinh thần quy định này được kế thừa từ BLTTHS năm 2003, về cơ bản không có gì thay đổi. Về mặt lý luận đây là một quy định hay và đúng đắn, vừa đảm bảo thực hiện việc tạm đình chỉ vụ án khi có các căn cứ quy định tại khoản 1; vừa đảm bảo nguyên tắc xử lý vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng tố tụng đối với các bị cáo khác mà căn cứ tạm đình chỉ không liên quan đến họ.
Vướng mắc ở giai đoạn trước khi xét xử
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, quy định này phát sinh một số vướng mắc như sau:
Ví dụ: Vụ án đánh bạc có 3 bị can, bị cáo A, B, C nhưng chỉ có căn cứ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ đối với A. Như vậy Tòa án sẽ phải đưa các bị can, bị cáo B, C ra xét xử theo đúng quy định.
Nếu vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với cả 3 bị cáo, sau đó đến trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa mới phát sinh lý do tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với bị cáo A thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với A và tiếp tục xét xử đối với các bị cáo B và C.
Nhưng giả sử, vụ án chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử, vậy trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ ghi thế nào, có đưa tên bị can A đang bị tạm đình chỉ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử không? Trường hợp này chỉ quyết định đưa ra xét xử đối với B và C nghe có vẻ hợp lý hơn, vậy khi lý do tạm đình chỉ vụ án đối với A không còn thì Tòa án sẽ phải ban hành một quyết định đưa vụ án ra xét xử riêng đối với A. Như vậy một vụ án có hai quyết định xét xử, hai bản án thì có phù hợp không?
Vướng mắc ở giai đoạn sau khi xét xử
Trường hợp vụ án đang tạm đình chỉ với A. Sau khi xét xử, hai bị cáo B và C kháng cáo, theo quy định phải chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp trên để xét xử phúc thẩm thì hồ sơ vụ án sẽ được xử lý thế nào? Trong hồ sơ vụ án không phải tài liệu nào cũng tách biệt đối với từng bị cáo. Vậy chuyển hồ sơ gốc hay hồ sơ đã được sao y bản chính cho Tòa án cấp phúc thẩm? Thực tế, trường hợp này Tòa án các địa phương thường phô tô, đóng dấu sao y bản chính hồ sơ vụ án, sau đó chuyển hồ sơ gốc cho Tòa án cấp phúc thẩm để xét xử phúc thẩm đối với B và C; còn hồ sơ đã sao y bản chính sẽ được giữ lại để xét xử đối với A khi lý do tạm đình không còn.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 281 nói riêng cũng như BLTTHS nói chung chỉ quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (trước khi mở phiên tòa) hoặc Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo mà không quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử hay Chánh án được quyền ra quyết định tách vụ án trong trường hợp này. Việc phô tô sao y hồ sơ như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế căn cứ trên Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với một bị can, bị cáo chứ chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng. Đây là một điều rất bất cập mà các Tòa án địa phương gặp phải khi áp dụng quy định này.
Vướng mắc trong việc theo dõi, báo cáo, thống kê
Về nguyên tắc, vụ án chưa được giải quyết xong với tất cả các bị cáo thì chưa thể gạch sổ thụ lý. Việc thống kê, gạch sổ thụ lý đối với các vụ án trong trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ đối với một bị can, bị cáo sẽ được tính như thế nào? Tất cả các vụ án trong trường hợp này đều có hai bản án hoặc một bản án và một quyết định đình chỉ gây khó khăn rất nhiều trong việc theo dõi báo cáo, thống kê.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu có quy định về việc Tòa án được tách vụ án trong trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với các vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà lý do đình chỉ, tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì sẽ giải quyết được tất cả các vướng mắc trên. Giống như việc nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn điều tra quy định tại Điều 170 hay trong giai đoạn truy tố được quy định tại Điều 242 của BLTTHS năm 2015.
Rất mong trong thời gian tới TANDTC có văn bản hướng dẫn áp dụng đối với những nội dung này.
Ảnh minh họa: Xét xử một vụ án hình sự tại TAND tp Thái Nguyên ( Nguồn: Báo QĐND)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Cần 1 PTT chuyên gq trước khiếu kiện
21:37 11/01.2025Trả lời