Một tiền án không thể được xem xét nhiều lần để xác định tình tiết định tội, tăng nặng, định khung
Sau khi nghiên cứu bài viết “Một tiền án có được xem xét nhiều lần để xác định tình tiết định tội, tăng nặng, định khung hay không? của tác giả Lê Trúc Phương, đăng ngày 7/12/2020, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.
Do đó, tôi chỉ phản biện đối với quan điểm thứ nhất, khi cho rằng: X đã tái phạm, chưa được xóa án tích nên lần này phạm tội do cố ý đã đủ cơ sở kết luận X phạm tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định điểm g khoản 2 Điều 173 của BLHS là không có cơ sở pháp luật. Bởi vì các lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 thì: “2.Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a)Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b)Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.” Và, theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của BLHS: “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.
Trở lại dữ kiện nội dung vụ án cho ta thấy: mặc dù, Nguyễn Việt X là người có 3 lần tiền án, cụ thể: lần thứ nhất, vào ngày 29 /9 /2014, bị TAND Tp S xử phạt 2 năm 6 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản; lần thứ hai, vào ngày 10 /3 /2017, bị TAND Tp S xử phạt 2 năm tù, về Tội trộm cắp tài sản, phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, chấp hành xong ngày 12 /9/ 2018; lần thứ ba, vào ngày 14/3/ 2019, bị TAND huyện L xử phạt 1 năm 3 tháng tù, về Tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định tội tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc trường hợp đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, đến ngày 19 /3 /2020 chấp hành xong hình phạt tù, chưa được xóa án tích.Trong khoảng thời gian từ ngày 01/8 đến ngày 14 / 8/ 2020, X đã thực hiện hai lần lấy trộm tài sản của người khác, cụ thể như sau: Lần thứ nhất: Tại khu vực khóm 3, phường 8, Tp Sóc Trăng, vào khoảng 1 giờ, ngày 01/8/2020 X lén lút lấy trộm của ông Trịnh Hoàng Trấn 1 xe mô tô 69E1-498.81, 2 cái mũ bảo hiểm, tiền 1.700.000 đồng; lấy trộm của ông Cao Kháng Chiến 1 xe mô tô biển số 83H4-6777, 1 mũ bảo hiểm. Tổng tài sản lấy trộm có giá 38.678.000 đồng, Lần thứ hai: Vào khoảng 19 giờ, ngày 14/8/2020, X lén lút lấy trộm của anh Lâm Hoành Thươl tại phòng trọ số 14 nhà trọ số 36/2 đường Kênh Cầu Xéo, khóm 1, phường 5, Tp Sóc Trăng 1 con gà trống trọng lượng 2,9 kg và 1 loa phát nhạc nhãn hiệu P88 màu đen; tổng tài sản lấy trộm có giá 469.050 đồng. Đối với lần thực hiện hành vi trộm cắp này thì theo quy định của pháp luật thì phù hợp các dấu hiệu cấu thành tội pham. Bởi theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm thì: “1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”.
Như vậy, X đã phạm vào quy định khoản 1 Điều 173 BLHS: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng và áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 của BLHS; tức là lần phạm tội này X đã chiếm đoạt tổng giá trị tài sản trên 39 triệu đồng thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản theo khoản 1 Điều 173 BLHS và trước đó X đã bị kết án 1 năm 3 tháng tù, về Tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định tội tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc trường hợp đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; đến ngày 19 /3 /2020 chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích và do không áp dụng tình tiết này quy định dấu hiệu định tội và khung hình phạt nên sẽ coi là tình tiết tăng nặng.
Thứ hai, nhận định ở quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với lần bị kết án thứ hai, vào ngày 10/ 3 /2017, bị xử phạt 2 năm tù, về Tội trộm cắp tài sản, phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, chấp hành xong ngày 12 /9 /2018, đến ngày 01 /8/2020, chưa được xóa án tích đối với lần bị kết án này, X lại thực hiện lấy trộm tài sản của người khác, giá trị trên 39 triệu đồng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của BLHS: “Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.” X đã tái phạm, chưa được xóa án tích nên lần này phạm tội do cố ý đã đủ cơ sở kết luận X phạm tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định điểm g khoản 2 Điều 173 của BLHS.
Theo như tôi nhận định này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì, theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì tại tiểu mục 7.3. Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt: a. Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo. Và cũng theo quy định tại Điều 14 BLTTHS: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, thì không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, bản án vào ngày 10/3/2017 đã được lấy làm tiền án để định tội danh với lần phạm tội thứ 3 vào ngày 14/3/ 2019 cho nên không thể lấy tiền án thứ 2 ngày 10/3/2017 để xem xét định tội danh với lần phạm tội lần này nữa. Không thể lấy một tiền án (tiền án thứ hai) để xem xét hai lần đối với Nguyễn Việt X sau mỗi lần bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, chỉ xét xử X về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định khoản 1 Điều 173 BLHS chứ không xét xử X về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS được.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi xin mọi người đóng góp ý kiến, trao đổi.
TAND huyện Thăng Bình, Quảng Nam xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Đặng Phùng Thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận