Một vài ý kiến góp ý đối với Dự thảo án lệ số 10 và số 13/2024 về vấn đề liên quan đến vi phạm điều kiện tách thửa

Bài viết nêu khái quát về Dự thảo án lệ số 10/2024 và Dự thảo án lệ số 13/2024, đồng thời, nêu một số ý kiến nhận xét, góp ý và đề xuất để việc xem xét công nhận các dự thảo án lệ này đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

1. Khái quát về Dự thảo án lệ số 10/2024[1]

- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 163/2023/DS-GĐT ngày 10/8/2023 về việc “Tranh chấp thừa kế” của TAND cấp cao tại Thành phố H giữa người khởi kiện là cụ Nguyễn Thị T và bị đơn là ông Nguyễn Văn D.

- Tình huống án lệ: Trong vụ án tranh chấp về thừa kế, các đồng thừa kế thỏa thuận phân chia di sản là QSDĐ thành các phần khác nhau, nhưng mỗi diện tích đất được phân chia không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định thỏa thuận của các đồng thừa kế là vi phạm điều cấm của luật và không chấp nhận thỏa thuận của các đồng thừa kế.

- Nội dung án lệ: “Xét thấy, việc thỏa thuận trên của các đương sự là vi phạm điều cấm của luật. Bởi lẽ, ngoài bà Nguyễn Thị N nhận diện tích 678,6m2 là đủ điều kiện tách thửa, còn diện tích của các kỷ phần còn lại không đủ diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh V quy định về hạn mức diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh V. Tại Công văn số 3836/STNMT ngày 26/9/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh V xác định: “Theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh V và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thì trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn hoặc diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh thì không được cấp giấy chứng nhận”. Do đó, TAND thành phố V, tỉnh V công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung như trên là không đúng, cần thiết phải hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên để giải quyết lại vụ án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.”

- Lý do đề xuất án lệ: Một trong những nguyên tắc cơ bản được pháp luật dân sự điều chỉnh là“Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”[2] Do đó, “mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật” là một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự[3]. Nếu giao dịch dân sự không đảm bảo điều kiện này thì vô hiệu[4]. Tuy nhiên, thực tế việc hiểu như thế nào là “Vi phạm điều cấm của luật” hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Hiểu theo tên “vi phạm điều cấm của luật” thì được hiểu là các trường hợp luật quy định không được làm một số giao dịch, thỏa thuận nhất định hoặc ngoài những trường hợp luật quy định được cam kết, thỏa thuận. Các quy định “điều cấm” này được quy định trong nhiều văn bản luật hiện hành như Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai,… Ngoài ra, các “điều cấm” được quy định trong các văn bản luật nêu trên thì các “điều cấm” này thực tế còn được quy định trong các “văn bản dưới luật” như các nghị quyết, quyết định của UBND,… Do đó, cần thiết phải xác định đúng như thế nào “Vi phạm điều cấm của luật”, chỉ bao gồm “điều cấm của luật” hay “điều cấm của pháp luật” để áp dụng đúng quy định này, tránh việc các giao dịch bị tuyên vô hiệu một cách tuỳ tiện, gây ra nhiều hệ quả khi giao dịch bị tuyên bố bố vô hiệu.

Trong vụ án được đề xuất làm án lệ này, các đương sự thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản là QSDĐ đối với các diện tích đất không đủ diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo Quyết định của UBND tỉnh quy định về hạn mức diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Vì vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã lập luận thỏa thuận này là một trong các trường hợp “vi phạm điều cấm của luật” (thực tế là vi phạm quy định của văn bản dưới luật hay “điều cấm của pháp luật”), nên Tòa án không công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này. Đây là giải pháp rõ ràng được Quyết định giám đốc thẩm đưa ra, có giá trị giải thích rõ hơn quy định về “vi phạm điều cấm của luật” được quy định trong Bộ luật dân sự (BLDS), có ý nghĩa làm rõ hơn quy định của pháp luật về vấn đề này.

Đây là tình huống phát sinh nhiều trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, việc lựa chọn phát triển án lệ từ Quyết định giám đốc thẩm này góp phần áp dụng thống nhất pháp luật trong các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.

2. Khái quát về Dự thảo án lệ số 13/2024[5]

- Nguồn án lệ: Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 23/9/2022 của TAND thị xã D, tỉnh T về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP C với bị đơn là bà Nguyễn Thị Đan N; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lâm Trung C, bà Nguyễn Thị D.

- Tình huống án lệ: Một bên thế chấp QSDĐ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng, trong đó có một phần diện tích đất là mồ mả. Bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng nên ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp đối với phần diện tích đất có mồ mả nếu phần diện tích đất còn lại vẫn đảm bảo để thi hành nghĩa vụ trả nợ.

- Nội dung án lệ: “[7] Về yêu cầu của nguyên đơn về xử lý tài sản thế chấp: Căn cứ Hợp đồng thế chấp QSDĐ số 41/2021/HĐBĐ/NHCT980 ngày 09/3/2021 và Hợp đồng thế chấp QSDĐ số 43/2021/HĐBĐ/NHCT980 ngày 09/3/2021 thì để bảo lãnh cho bà Nguyễn Thị Đan N vay vốn tại ngân hàng ông Lâm Trung C, bà Nguyễn Thị D đồng ý thế chấp QSDĐ tại 06 thửa đất do ông Lâm Trung C đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

[8] Vì vậy, theo quy định nếu trường hợp bà Nguyễn Thị Đan N không trả hoặc trả không đủ số tiền còn nợ ngân hàng trong phạm vi bảo lãnh thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bán tài sản là QSDĐ mà ông Lâm Trung C và bà Nguyễn Thị D đã thế chấp bảo lãnh cho khoản tiền vay của bà Nguyễn Thị Đan N là đúng thoả thuận của các bên trong hợp đồng và phù hợp quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của nguyên đơn tại thửa 84 và thửa 212, tờ bản đồ số 22, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Tại thửa 84 có phần đất khu vực nhà mồ gồm có 04 ngôi mộ người thân của ông C diện tích 360,6m2 và tại thửa 212 có toàn bộ diện tích 37,1m2 là nhà mồ có 01 ngôi mộ người thân của ông C. Mặc dù, theo quy định của pháp luật không cấm nguyên đơn được quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là QSDĐ có liên quan đến mồ mả nhưng để phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam, Hội đồng xử quyết định không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích 360,6m2 trong diện tích 1.386,1m2 tại thửa 84, tờ bản đồ số 22 và diện tích 37,1m2 tại 212, tờ bản đồ số 22, theo giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do ông Lâm Trung C đứng tên. Đất tại ấp R, xã N, huyện D, tỉnh T. Mặc khác, nếu không xử lý tài sản thế chấp là QSDĐ đối với phần đất mồ mả tại thửa 84 và 212 thì phần QSDĐ còn lại vẫn đảm bảo để thi hành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.”

- Lý do đề xuất án lệ

Hợp đồng thế chấp QSDĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên vay trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán hợp đồng tín dụng, thì ngân hàng có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp. Trên thực tế có nhiều trường hợp tài sản thế chấp là QSDĐ có một phần diện tích trên đất có mồ mả người thân của bên thế chấp, khi ngân hàng xem xét thẩm định tài sản thế chấp thì ngân hàng cũng đã biết; bên thế chấp cũng chấp nhận việc thế chấp diện tích có phần mồ mả này. Tuy nhiên, khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán và ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp thì phát sinh tranh chấp không đồng ý phát mại đối với phần diện tích đất có mồ mả.

Tại bản án nêu trên, Hội đồng xét xử đã đưa ra hướng xử lý như sau: Không phát mại tài sản đối với phần diện tích đất có mồ mả nếu phần diện tích đất còn lại vẫn đảm bảo để thi hành nghĩa vụ trả nợ. Hướng xử lý nêu trên phù hợp với chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự quy định tại Điều 7 của BLDS năm 2015[6]; phù hợp với quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quy định tại Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Việc phát triển án lệ nêu trên có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật cho các Tòa án đối với các vụ việc tương tự; đồng thời, lưu ý với ngân hàng khi xem xét thẩm định tài sản thế chấp đối với diện tích đất có phần mồ mả, tránh trường hợp tranh chấp khi xử lý tài sản thế chấp.

3. Một số ý kiến nhận xét và kiến nghị

3.1. Nhận xét đối với Dự thảo án lệ số 10/2024

- Thứ nhất, về việc hiểu như thế nào là “điều cấm của luật”“điều cấm của pháp luật”, thì cần phải có sự so sánh giữa quy định của BLDS năm 2005 với BLDS năm 2015. Theo đó, về mục đích và nội dung của hợp đồng (điểm b khoản 1 Điều 122), hình thức giao dịch dân sự (khoản 2 Điều 124), giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của “pháp luật”, trái đạo đức xã hội (Điều 128) và giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 134) được quy định ở BLDS năm 2005 trước đây đều sử dụng cụm từ “pháp luật”. Và tại đoạn 2 Điều 128 của BLDS năm 2005 đã định nghĩa Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Tuy nhiên, đến BLDS năm 2015 thì các quy định về mục đích và nội dung của giao dịch dân sự (điểm c khoản 1 Điều 117), hình thức của giao dịch dân sự (khoản 2 Điều 117 và khoản 2 Điều 119), giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của “luật”, trái đạo đức xã hội (Điều 123) và giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (khoản 1 Điều 129) được quy định ở BLDS năm 2015 đã thay cụm từ “pháp luật” thành “luật”. Và tại đoạn 2 Điều 123 của BLDS năm 2015 đã định nghĩa Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Có thể nhận thấy, việc BLDS năm 2015 sửa đổi và thay cụm từ “pháp luật ở BLDS năm 2005 thành “luật” là nhằm thể chế hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đó là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của công đồng”.

Qua quy định tại Điều 123 của BLDS năm 2015 cho thấy: Một là, BLDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “điều cấm của luật” thay vì “điều cấm của pháp luật” bởi vì sử dụng cụm từ “điều cấm của luật” sẽ cụ thể, rõ ràng và đảm bảo được quyền lợi của các chủ thể hơn so với quy định “điều cấm của pháp luật” có phạm vi rộng và khó xác định như BLDS năm 2005; Hai là, BLDS năm 2015 bỏ từ “và” giữa từ “mục đích” với “nội dung” vì chỉ cần mục đích hoặc nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự vô hiệu, chứ không phải là cả mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự mới vô hiệu. Như vậy, với BLDS năm 2015, chỉ khi “luật” quy định thì các bên mới phải tuân thủ chứ không phải là theo quy định của “pháp luật” như BLDS năm 2005.

- Thứ hai, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020 không có định nghĩa như thế nào là văn bản luật, văn bản dưới luật, nhưng thông qua quy định tại Điều 4 có thể khẳng định Quyết định của UBND cấp tỉnh là văn bản dưới luật. Đồng thời, Quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích đất tối thiểu để tách thửa là cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về việc “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai” và đây là quy định về điều kiện để tách thửa chứ không phải điều cấm. Như vậy, giao dịch dân sự chỉ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm do bộ luật, luật quy định, còn văn bản dưới luật không được tự đặt ra điều cấm, vì các điều cấm đều dẫn đến làm hạn chế quyền con người, quyền công dân (khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013).

- Thứ ba, quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh V “Quy định về hạn mức giao đất ở mới; hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao gắn liền với nhà ở; điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh V” có quy định về trường hợp ngoại lệ không áp dụng quy định này cho một số trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 1, trong đó có trường hợp “… đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà ở thuộc diện chính sách, hộ nghèo theo quy định”.

Hoặc tại Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh Đ về việc “Quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa, diện tích đất tối thiểu được tách thửa và cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đ”, thì cũng có quy định về xử lý một số trường hợp cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích quy định được phép tách thửa.

Hơn nữa, nếu so sánh với trường hợp của Dự thảo án lệ số 13/2024, thì quan hệ pháp luật tranh chấp có đối tượng là hợp đồng, nhưng lại được tách phần diện tích có ngôi nhà mồ trên một phần diện tích đất của các thửa đất đã thế chấp. Còn trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của các đồng thừa kế có phần diện tích mà đồng thừa kế được hưởng có diện tích tách thửa dưới hạn mức thì không được chấp nhận. Vấn đề đặt ra là nếu mỗi diện tích đất được phân chia không đủ điều kiện tách thửa, nhưng có ngôi nhà mồ có mộ của người thân họ trên đó thì có được công nhận hay không.

Do đó, về tình huống án lệ và giải pháp pháp lý theo Dự thảo án lệ số 10/2024 nêu trên là chưa xem xét đến các trường hợp ngoại lệ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích quy định được phép tách thửa và cũng chưa đảm bảo sự tương thích với Dự thảo án lệ số 13/2024.

3.2. Nhận xét đối với Dự thảo án lệ số 13/2024

- Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của BLTTDS năm 2015 thì: “… Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Theo đó, đơn khởi kiện ngày 06/4/2022 của Ngân hàng TMCP C, thì ngân hàng chỉ yêu cầu khởi kiện về các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp QSDĐ, cụ thể là Hợp đồng cho vay hạn mức số 63/2021-HĐCVHM/NHCT980 ngày 17/3/2021 và các Hợp đồng thế chấp QSDĐ số 41 và 43/2021/HĐBĐ/NHCT980 cùng ngày 09/3/2021, tức là đối tượng tranh chấp là hợp đồng chứ không phải tranh chấp về QSDĐ. Đồng thời, Tòa án thị xã D, tỉnh V thụ lý giải quyết và xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất”. Bên cạnh đó, bị đơn bà Nguyễn Thị Đan N không có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm Trung C và bà Nguyễn Thị D cũng không có yêu cầu độc lập về việc tranh chấp đối với phần diện tích đất của thửa đất số 84 có 01 ngôi nhà mộ gồm 04 ngôi mộ và thửa đất số 122 có 01 ngôi nhà mộ có 01 ngôi mộ đều là người thân của ông C. Do đó, Tòa án thị xã D tuyên xử không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là QSDĐ đối với phần diện tích có nhà mồ là 360,6m2 trong diện tích 1.386,1m2 tại thửa 84 và diện tích 37,1m2 tại thửa đất số 212 là đã vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự. Hơn nữa, vô hình chung Tòa án đã làm thay công việc của cơ quan thi hành án dân sự, trong khi luật cũng đã có quy định về trường hợp xử lý khi bên thế chấp chỉ thế chấp QSDĐ mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại (Điều 325 và Điều 326 của BLDS năm 2015).

- Thứ hai, Tòa án thị xã D chưa xem xét đến phần diện tích đất còn lại của các ngôi nhà mồ có đảm bảo đủ điều kiện để tách thửa theo Quyết định của UBND tỉnh T hay không và nếu diện tích này không đủ để tách thửa thì có được tách thửa hay không. Nếu so sánh với trường hợp của Dự thảo án lệ số 10/2024, thì trường hợp người chết để lại di sản thừa kế là QSDĐ cho người thừa kế của họ, các đồng thừa kế thỏa thuận phân chia di sản thành các phần khác nhau, nhưng mỗi diện tích đất được phân chia không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh, thì Tòa án phải xác định thỏa thuận của các đồng thừa kế là vi phạm điều cấm của luật và không chấp nhận thỏa thuận của các đồng thừa kế. Vấn đề đặt ra là nếu mỗi diện tích đất được phân chia không đủ điều kiện tách thửa, nhưng có ngôi nhà mồ có mộ của người thân họ trên đó thì có được công nhận hay không. Do đó, cần phải xem xét toàn diện đối với các trường hợp ngoại lệ cũng như đảm bảo sự tương thích với Dự thảo án lệ số 10/2024.

3.3. Kiến nghị

Qua phân tích nêu trên cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành đã rõ ràng và không thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, nên việc lựa chọn nội dung án lệ trong các vụ việc nêu trên không đáp ứng tiêu chí của án lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Ngoài ra, các lập luận trong nội dung và lý do được lựa chọn làm án lệ này không đáp ứng được tiêu chí về tính chuẩn mực theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Hơn nữa, xét về thứ tự áp dụng pháp luật, thì án lệ chỉ được áp dụng khi không thể áp dụng tương tự pháp luật. Do đó, án lệ không được trái với quy định của pháp luật, nên cần phải cân nhắc xem xét toàn diện và thật kỹ trước khi công nhận án lệ đối với các vụ án nêu trên.

 

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)

[1] Nguồn: Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND332629, truy cập ngày 22/6/2024.

[2] Khoản 2 Điều 3 của BLDS năm 2015.

[3] Điều 117 của BLDS năm 2015.

[4] Điều 123 của BLDS năm 2015.

[5] Nguồn: Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND332632, truy cập ngày 22/6/2024.

[6] Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự: 1. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.