Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo quy định của Pháp và một vài kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Pháp có nhiều điểm tương đồng, song cũng có những sự khác biệt nhất định. Nghiên cứu vấn đề này mang lại những góc nhìn mới hơn đối với quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình cũng như gợi mở những giải pháp pháp lý mà các lập pháp Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật nước nhà.

1.Tổng quan

“Cấp dưỡng” được hiểu là là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình[1]. Việc cấp dưỡng này nhằm mục đích đảm bảo cuộc sống tối thiểu của các thành viên trong gia đình.

Tại Pháp, về mặt lý luận, nghĩa vụ cấp dưỡng được xem như một loại trách nhiệm được xây dựng dựa trên sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình. Khi một người lâm vào hoàn cảnh túng quẫn, luật pháp quy định một mạng lưới đoàn kết bao gồm sự tương trợ trong gia đình: con cái đối với tổ tiên (cha mẹ, ông bà,...) và ngược lại. Về cơ bản, nghĩa vụ này được quy định trong Bộ luật Dân sự của Pháp.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày và so sánh các quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những người thân thích tại trong giữa hai luật, Việt Nam và Cộng hoà Pháp từ đó góp phần bổ sung thêm góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

2.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Hay nói cách khác, sự chăm sóc, giúp đỡ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ là nghĩa vụ về mặt đạo đức mà còn là nghĩa vụ pháp lý. Cụ thể, nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định giữa các thành viên trong gia đình như giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng khi ly hôn[2]. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình nhằm mục đích đảm bảo các nhu cầu thiết yếu[3] của người chưa thành niên, hoặc người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc gặp khó khăn, túng thiếu,... Cần lưu ý rằng, nghĩa vụ cấp dưỡng ở đây không chỉ là vấn đề cấp dưỡng về mặt ăn uống cho người thụ hưởng mà nó cần được hiểu rộng ra là bao gồm tất cả các nhu cầu cơ bản của con người như ăn uống, nơi ở, học tập, khám chữa bệnh,... Về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định khi các chủ thể nêu trên không sống chung. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể phát sinh ngay cả khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng sống chung với người phụ thuộc[4].  Về mức cấp dưỡng, người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào: (i) Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; (ii) nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết; Ngoài ra, khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết[5]. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người thụ hưởng có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, việc trốn tránh hoặc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng[6], thậm chí có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm[7].

3.Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình

Tại Pháp, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình được xây dựng dựa trên sự gắn kết trong gia đình. Chế định này được quy định bởi các điều từ 205 đến 212, 367 và 767 của Bộ luật Dân sự Pháp. Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng tại Pháp được hiểu là việc cung cấp cho các thành viên trong gia đình những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống (chăm sóc, thực phẩm, quần áo, nhà ở,..). Nghĩa vụ cấp dưỡng tồn tại giữa những người dòng máu trực hệ[8]; giữa người nhận con nuôi và con nuôi[9]; giữa những người có quan hệ thông gia bậc thứ nhất[10]; giữa vợ và chồng[11]. Cần phải lưu ý rằng, nghĩa vụ cấp dưỡng không được thực hiện giữa các thành viên khác trong gia đình như: anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,...; hoặc giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế; giữa những người chung sống như vợ chồng hoặc giữa những người bạn đời theo khế ước liên đới dân sự (Pacte civil de solidarité, được viết tắt là PACS) sau khi quan hệ chung sống chấm dứt,...[12].

Nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được thực hiện dưới hai hình thức, hoặc bằng hiện vật (chỗ ở, thực phẩm,...) hoặc bằng tiền (cấp dưỡng). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghĩa vụ cấp dưỡng phải tương xứng với nhu cầu của người được cấp dưỡng và nguồn lực của người cấp dưỡng. Điều này có nghĩa là người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cần thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nếu người được cấp dưỡng đã có đủ nguồn lực để tự đáp ứng nhu cầu của mình hoặc người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng mang tính cá nhân và tự động phát sinh từ nhu cầu của người được cấp dưỡng. Người yêu cầu cấp dưỡng phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể hoặc không còn khả năng đáp ứng các nhu cầu của mình. Thông thường, cấp dưỡng là tự nguyện.

Về bản chất, việc cấp dưỡng thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người thụ hưởng có thể yêu cầu sự can thiệp của tòa án gia đình[13]. Ngoài ra, người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong thời hạn hơn 2 tháng mà không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ phạm vào tội ruồng bỏ gia đình. Hành vi phạm tội này có thể bị phạt tù tối đa là 2 năm và phạt tiền tối đa là 15.000 €[14].

Nhìn chung, pháp luật Pháp và Việt Nam đều quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình khi họ gặp khó khăn, túng thiếu, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm giống nhau, giữa quy định pháp luật của hai nước cũng có những điểm khác biệt nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng 

Khác với pháp luật của Pháp, pháp luật Việt Nam chưa quy định minh thị về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa con rể, con dâu với cha mẹ vợ và cha mẹ chồng như ở Pháp. Mặc dù Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng trong trường hợp sống chung với nhau thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau tương tự như giữa cha mẹ con theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 trong cùng văn bản. Tuy nhiên, khi quy định về chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng, Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chưa ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng giữa con dâu, con rể và cha mẹ vợ/ cha mẹ chồng. Điều này có thể dẫn đến những quan điểm khác nhau gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng do chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định theo hướng liệt kê.

Thêm nữa, theo quy định tại Điều 80 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau giữa con dâu, con rể với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phát sinh trong trường hợp họ “sống chung” với nhau. Điều này có nghĩa là trong trường hợp các chủ thể nêu trên “không sống chung” với nhau thì các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau chỉ là nghĩa vụ về mặt đạo đức. Quy định này dường như chưa thật sự hợp lý. Do vậy, trong trường hợp này pháp luật Việt Nam có thể tham khảo quy định của Pháp về vấn đề này. Nghĩa là cần bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa con rể, con dâu với cha mẹ vợ, cha mẹ chồng trong quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2015, đồng thời sửa đổi quy định về quyền và nghĩa vụ giữa con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng tại Điều 80 trong cùng văn bản phát sinh không phụ thuộc vào việc họ có sống chung với nhau hay không. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa nhân văn phù hợp với quy chuẩn đạo đức xã hội Việt Nam cũng như góp phần thiết lập mối quan hệ tình cảm gắn kết chặt chẽ giữa con dâu, con rể với cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và ngược lại.

Thứ hai, về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng 

Pháp luật Pháp quy định rằng trong thời kỳ hôn nhân và cho đến khi ly hôn, vợ hoặc chồng có thể yêu cầu cấp dưỡng từ người phối ngẫu của mình. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng cũ không thể yêu cầu nguời vợ/ chồng kia cấp dưỡng. Các nghĩa vụ cấp dưỡng được đề cập trong Điều 212 của Bộ luật Dân sự Pháp khi này không còn được áp dụng nữa. Thay vào đó, họ có thể yêu cầu một khoản bồi thường thiệt hại nếu cho rằng mức sống của mình giảm sút đáng kể do hậu quả của việc ly hôn gây ra[15]. Điều này hoàn toàn khác so với pháp luật Việt Nam. Không chỉ trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng được quy định ngay cả sau khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn, bên khó khăn, túng thiếu có quyền yêu cầu cấp dưỡng từ người vợ/chồng cũ của mình. 

Cũng cần lưu ý rằng, theo quy định pháp luật Việt Nam thì vợ hoặc chồng không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi ly hôn như quy định trong luật của Pháp. Cụ thể, pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận về việc bồi thường đối với thiệt hại do ly hôn gây ra. Công sức đóng góp, lỗi dẫn đến việc ly hôn,… được xem như là một trong những tiêu chí để Tòa án xem xét, cân nhắc khi xác định tỷ lệ trong phân chia tài sản chung vợ chồng[16]. Mặt khác, liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng thì giữa Pháp luật Việt Nam và Cộng hoà Pháp còn quy định khác nhau trong trường hợp vợ/chồng qua đời. Điều 212 Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng trong trường hợp một bên vợ/chồng qua đời thì nghĩa vụ cấp dưỡng không biến mất. Người vợ/chồng còn sống có thể yêu cầu những người thừa kế của người vợ/chồng đã mất phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với họ. Ngược lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng qua đời[17]. Có thể thấy rằng quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng. Do vậy, đây cũng là vấn đề mà các nhà lập pháp Việt Nam có thể lưu tâm nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của người được cấp dưỡng.

Thứ ba, về trách nhiệm pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng

Như đã trình bày ở trên, pháp luật Pháp và Việt Nam đều có quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo đó, trong trường hợp chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ của mình thì phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý hành chính hoặc hình sự tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có thể thấy rằng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này trong luật của Pháp nặng hơn nhiều so với luật của Việt Nam. Theo tác giả, pháp luật Việt Nam cần tăng nặng hơn nữa chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng, đặc biệt là trách nhiệm về hành chính nhằm răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thực tế.

4.Kết luận

Trên đây là một vài phân tích, so sánh của tác giả về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Có thể thấy rằng, quy định về vấn đề này giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp có nhiều điểm tương đồng, song cũng có những sự khác biệt nhất định. Điều này mang lại những góc nhìn mới hơn đối với quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình cũng như gợi mở những giải pháp pháp lý mà các lập pháp Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật nước nhà.

 

Tòa án nhân dân huyện Kim Bảng, Hà Nam xét xử vụ án “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” - Ảnh: VKSKB

 

 

[1] Khoàn 24, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[2] Xem các Điều 107, từ Điều 110 đến Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[3] Khoản 20, Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định rằng: “Nhu cầu thiết yếu” là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. 

[4] Ví dụ: Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “ Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

[5] Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[6] Xem thêm : Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội ; phòng cháy và chữa cháy ; phòng chống bạo lực gia đình.

[7] Xem thêm : Điều 186 Bộ luật hình sự hợp nhất năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

[8] Nghĩa vụ cấp dưỡng được áp dụng giữa cha mẹ, ông bà,…với con cháu (con, cháu, chắt,...) và ngươc lại.

[9] Điều 367 Bộ luật Dân sự Pháp quy định con nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người nhận con nuôi nếu người đó gặp khó khăn và ngược lại, người nhận con nuôi cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng với con nuôi…

[10] Điều 206 Bộ luật Dân sự Pháp yêu cầu con rể và con dâu phải cấp dưỡng cho cha mẹ vợ/ cha mẹ chồng trong trường hợp cần thiết và ngược lại. Về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng này chấm dứt cùng với sự ly hôn hoặc khi vợ/chồng hoặc con chung từ quan hệ hôn nhân này qua đời. Lưu ý rằng, nghĩa vụ này chỉ áp dụng trong trường hợp kết hôn. Nó không được áp dụng trong trường hợp chung sống như vợ chồng hoặc PACS.

[11] Điều 212 Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, chung thủy, giúp đỡ và tương trợ nhau. Có nghĩa là, trong thời kỳ hôn nhân, mỗi bên vợ hoặc chồng phải đóng góp vào các chi phí gia đình tùy theo nguồn lực của mình. Trên thực tế, điều này có thể được hiểu tương tự với nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân. Nghĩa vụ này vẫn tồn tại trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu ly hôn hoặc ly thân cho đến khi có phán quyết chính thức về việc ly hôn. Nghĩa vụ này không biến mất trong trường hợp một bên vợ/ chồng qua đời. Người vợ/ chồng còn sống có thể yêu cầu những người thừa kế của người vợ/ chồng đã qua đời phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với họ, trừ đi phần thừa kế, nếu cần.  Nghĩa vụ cấp dưỡng không áp dụng đối với những cặp đôi chung sống như vợ chồng.

[12] Olivier Puren, Obligation alimentaire : les 5 règles à connaître, https://www.pleinevie.fr/mes-droits/reglementation/obligation-alimentaire-les-5-regles-a-connaitre-26953 , truy cập ngày 01/9/2021.

[13] Xem thêm : Les obligations alimentaires au sein des familles, https://notairesdugrandparis.fr/fr/actualites/les-obligations-alimentaires-au-sein-des-familles , truy cập ngày 01/9/2021.

[14] Xem thêm : Obligation alimentaire liée au mariage : époux(se), beaux-parents...., https://www.service-public.fr/particuliers/vosdroits/F1196, truy cập ngày 01/9/2021.

[15] Xem thêm : Pension alimentaire pour le conjoint, https://www.justifit.fr/b/guides/droit-famille/divorce/pension-alimentaire-pour-conjoint/#Quelles_sont_les_conditions_pour_demander_une_pension_alimentaire_a_son_ex-conjoint , truy cập ngày 02/9/2021.

[16] Xem them: ThS. Huỳnh Thị Nam Hải, Bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/boi-thuong-doi-voi-nhung-thiet-hai-do-viec-ly-hon-gay-ra-%E2%80%93-nghien-cuu-so-sanh-phap-luat-phap-va-viet-nam, truy cập ngày 5/9/2021.

[17] Khoản 4, Điều 118 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM), LÊ TRUNG HIẾU  (Sinh viên lớp K19504CP)