Ngô Thị B là bị hại duy nhất trong vụ án

Sau khi nghiên cứu bài viết "Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án Cướp tài sản” của tác giả Đinh Minh Lượng, tôi không đồng ý với cả hai quan điểm được tác giả đưa ra mà cho rằng cần phải xác định Ngô Thị B là bị hại, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel là người có quyền lợi liên quan đến vụ án.

Điều 168 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội Cướp tài sản như sau:  “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”. Như vậy, đây là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không phân biệt người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không. Và mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản. Nếu thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội cướp tài sản.

Trong vụ án này, với mục đích chiếm đoạt tài sản, A đã có thái độ, hành động sử dụng dao, lời nói hung bạo khiến cho chị B sợ mà tin rằng A sẽ dùng bạo lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản, nên hành vi của A đã thoả mãn tội Cướp tài sản, và phải xác định bị hại là chị B. Về quan điểm cho rằng ngoài B là bị hại, thì do số tiền A chiếm đoạt là của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp -Viễn Thông Quân đội nên Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cũng là bị hại, tôi cho rằng không đúng.

Bởi vì thông thường khi tấn công thì người phạm tội sẽ nhắm vào người đang quản lý, trông coi tài sản mà người phạm tội chủ định chiếm đoạt. Xét mối quan hệ sở hữu, thì tài sản đó có thể là tài sản của người bị tấn công hoặc của người khác nhưng người bị tấn công thường là người đang trực tiếp quản lý tài sản hoặc cá biệt người bị tấn công không có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng có thể làm cản trở việc chiếm đoạt của người phạm tội.

Theo dữ liệu bài viết, “khoảng 12 giờ cùng ngày, Nguyễn A điều khiển xe mô tô BKS: 43E1-219.75 đến cửa hàng Viettel Store, dựng xe mô tô trước cửa hàng, đi vào bên trong đến trước bàn làm việc của chị Ngô Thị B …, lúc này chị B đang thao tác trên máy tính không để ý nên A đứng dậy đi vòng qua bên phải quầy giao dịch (hướng từ cửa nhìn vào trong quầy) đến vị trí chị B đang ngồi, lấy con dao gấp đang giấu trong túi quần đến áp sát vị trí của chị B. Chị B phát hiện A cầm dao nên đã đứng dậy bỏ chạy qua bên trái quầy giao dịch và chạy ra phía cửa ra vào…”. Như vậy, tại thời điểm A đến, tại Cửa hàng chỉ có chị B là nhân viên ở trong cửa hàng, nên dù chị B tuy không là người sở hữu số tiền bị chiếm đoạt, nhưng tại thời điểm này, chị là người có trách nhiệm quản lý số tiền này cũng như trách nhiệm quản lý Cửa hàng nói chung.

Mặt khác, bị cáo mặc dù chiếm đoạt số tiền thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhưng bị cáo không có một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản (như dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác…) đối với Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Do vậy, ở đây A đã có hành vi cướp tài sản chị B đang quản lý, và tài sản này thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nên phải xác định Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel là người có quyền lợi liên quan đến vụ án mới phù hợp.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án “Cướp tài sản” xin được trao đổi với tác giả và các quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi xét xử vụ án “Cướp giật tài sản”- Ảnh: Đặng Ngọc Hoàng

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)