Người dân tin tưởng và ủng hộ nên việc triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt kết quả tốt
Hầu hết người dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ nên việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt kết quả tốt. Hơn nữa, một số Tòa án đã được thí điểm thực hiện nên việc triển khai, áp dụng luật có những thuận lợi nhất định.
Đây là nhận định trong Báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã trình bày tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2022.
Triển khai
Báo cáo đã phản ánh đầy đủ công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trước hết, các TAND đều xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tòa án và đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố nội dung triển khai thi hành Luật. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp nhiều tỉnh, thành phố đã bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm công tác, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật và phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai Luật. Một số Tòa án tỉnh, thành phố nhận được được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh ủy, sự đồng tình, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh.
Về xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật đã được ban hành tương đối đầy đủ ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thi hành Luật.
TANDTC đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền... Nhiều Tòa án thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết, các hoạt động triển khai Luật được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Báo cáo cho biết: Về tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hoạt động của Hòa giải viên, toàn quốc hiện có 2.248 người được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó số lượng bắt buộc phải qua bồi dưỡng để cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại là 1447 người.
Số lượng Hòa giải viên toàn quốc là 2.367 người. Đa số các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại. Tuy nhiên, số lượng Hòa giải viên đã được bổ nhiệm thấp hơn so với định biên, có Tòa chỉ bằng hoặc dưới 1/5 số lượng định biên (như Tòa án tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm được 35 Hòa giải viên/175 Hòa giải viên theo định biên; Tòa án tỉnh Cà Mau 22/164, Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 25/155...). Một số địa phương có số lượng Hòa giải viên của Tòa án hai cấp của tỉnh là rất thấp (dưới 20 Hòa giải viên) như tỉnh Kon Tum (06 Hòa giải viên), Quảng Trị (06 Hòa giải viên), Sóc Trăng (15 Hòa giải viên). Một số Tòa án cấp huyện chưa có Hòa giải viên như thành phố Hà Nội có 04 Tòa án quận, huyện chưa bổ nhiệm Hòa giải viên (Tòa án thành phố Hà Nội, Quận Bắc Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì); 06 Tòa án cấp huyện của tỉnh Kon Tum, 06 Tòa án cấp huyện của tỉnh Thanh Hóa, 06 Tòa án cấp huyện của tỉnh Đăk Lăk, 05 Tòa án cấp huyện của tỉnh Quảng Trị, 03 Tòa án cấp huyện của tỉnh Cà Mau...
Hiện nay, các đơn vị còn thiếu Hòa giải viên vẫn tiếp tục thông báo tuyển chọn Hòa giải viên theo quy định.
2.Hoạt động hòa giải, đối thoại
2.1. Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tính đến hết tháng 9 năm 2021, đã có 63/63 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thi hành Luật; chỉ có một số đơn vị Tòa án cấp tỉnh, huyện của các tỉnh, thành phố này chưa triển khai là: Thành phố Hà Nội (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Quận Bắc Từ Liêm, Huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì), thành phố Hải Phòng (Huyện Dương Kinh, huyện đảo Bạch Long Vĩ), tỉnh Thanh Hóa (thành phố Sầm Sơn, các huyện Thiệu Hóa, Nga Sơn, Quan Hóa, Quan sơn, Lang Chánh, Mường Lát, Triệu Sơn), tỉnh Tiền Giang (Tòa án nhân dân tỉnh và huyện Tân Phước), tỉnh Cà Mau (các huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, U Minh). Nguyên nhân chưa triển khai là do: Trụ sở làm việc không đáp ứng được yêu cầu, đang tiến hành xây dựng trụ sở mới (Hà Nội), trụ sở đi thuê nên không bố trí được phòng hòa giải, đối thoại (Hải Phòng), chưa bổ nhiệm được Hòa giải viên do không nhận được hồ sơ của người có nguyện vọng (Thanh Hóa, Cà Mau, Tiền Giang).
Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Thái Sơn
Hầu hết các Tòa án có số lượng các vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được[1]. Một số nguyên nhân như: người khởi kiện, người bị kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại; một số tranh chấp dân sự đặc biệt là tranh chấp đất đai đều đã được hòa giải tại địa phương, tranh chấp có yếu tố nước ngoài, một bên đương sự ở nước ngoài...
Một số Tòa án có số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án cao và cũng có số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành cao như Hải Phòng (1.505 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành/2.261 vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại/4.576 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhận được), Bình Dương (946/2.548/6.269), Quảng Ninh (938/1.893/4.460), Nghệ An (615/2.119/4.708), Hà Nội (535/1.940/11.136). Một số Tòa án có kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án khả quan như: Bình Phước, Đà Nẵng, Tây Ninh, Thanh Hóa, Long An, Hà Giang[2].
Một số Tòa án có số lượng vụ việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cao như: Hải Phòng (1.185/1.505 vụ việc), Bình Dương (830/946 vụ việc), Quảng Ninh (612/938 vụ việc), Nghệ An (544/615 vụ việc), Đà Nẵng (407/433 vụ việc), Bình Phước (389/452 vụ việc), Long An (270/314 vụ việc), Tây Ninh (367/391 vụ việc), Quảng Nam (262/291 vụ việc). Một số Tòa án có dưới 20 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành[3].
Các vụ việc được hòa giải thành chủ yếu là loại việc về hôn nhân và gia đình (khoảng trên 70%); các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính có tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành không cao, nguyên nhân là nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã trải qua nhiều cấp, nhiều lần hòa giải, đối thoại từ cấp cơ sở (thôn, bản, khối phố, xã phường) đến cấp huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và khiếu nại đến cấp tỉnh không thành mới khởi kiện đến Tòa án, do đó rất khó khăn cho việc hòa giải, đối thoại thành.
Một số đơn vị Tòa án cấp huyện không có vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại nên hầu như các Hòa giải viên đều không hoạt động[4]. Tuy nhiên có Tòa án số lượng đơn chuyển sang hòa giải, đối thoại nhiều trong khi số lượng Hòa giải viên ít, đa số lớn tuổi, không có Thư ký giúp việc, mỗi Hòa giải viên tự làm tất cả các thủ tục thông báo, tống đạt, vừa tiến hành hòa giải vừa tự đánh biên bản, báo cáo thống kê... nên ảnh hưởng đến tiến độ hòa giải, đối thoại các vụ, việc[5].
2.2. Đánh giá việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
2.2.1.Thuận lợi
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, Ban cán sự đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân đã sát sao, quyết liệt chỉ đạo; các Tòa án nhân dân nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tòa án nhân dân tối cao; sự ủng hộ của Thường trực tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp từ các cơ quan ban ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật đến người dân, hầu hết người dân đồng tình, tin tưởng và ủng hộ nên việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt kết quả tốt. Hơn nữa, một số Tòa án đã được thí điểm thực hiện nên việc triển khai, áp dụng luật có những thuận lợi nhất định.
Các điểm cầu tham gia Hội nghị - Ảnh: Cảnh Dinh
Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án luôn nêu cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải, đối thoại, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác triển khai thi hành Luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, đảm bảo quyền, lợi ích của đương sự và nâng cao hiệu quả giải quyết án của đơn vị.
Đa số các Hòa giải viên trước khi được bổ nhiệm là các Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên nghỉ hưu, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nên tạo được sự tín nhiệm của đương sự, người dân khi lựa chọn hòa giải, đối thoại. Các Hòa giải viên đều là những người nhiệt huyết, có trình độ, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có kỹ năng hòa giải có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác hòa giải, đối thoại. Thẩm phán Tòa án có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các Thư ký Tòa án tích cực hỗ trợ về nghiệp vụ cho Hòa giải viên khi có yêu cầu.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực pháp luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, giải đáp nghiệp vụ được ban hành và triển khai kịp thời đến đội ngũ cán bộ, công chức, Hoà giải viên đã tạo điều kiện cho việc triển khai và áp dụng Luật vào trong thực tiễn. Do đó, việc phân công, phân nhiệm Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, Thư ký hỗ trợ, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cũng như các hoạt động hòa giải, đối thoại được tiến hành đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tiến hành nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao góp phần phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
2.2.2. Khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo, việc triển khai thi hành Luật trong thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế chính như sau:
Một là, trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên, mặc dù đã tuyên truyền Luật đến người dân nhưng một số địa phương, đơn vị vì trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên việc tìm người đủ tiêu chuẩn theo quy định tương đối khó. Những người có kinh nghiệm, có thâm niên công tác hoặc đã về hưu, đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên… khi được vận động tham gia thì thường từ chối. Yêu cầu về tiêu chuẩn và thủ tục để bổ nhiệm theo Luật và Thông tư là rất chặt chẽ, phải có Phiếu lý lịch tư pháp nhưng thời gian triển khai gấp nên khi tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thì nhiều hồ sơ không có phiếu lý lịch tư pháp; tại một số đơn vị cấp huyện miền núi, xa trung tâm của tỉnh, người nộp hồ sơ (là cán bộ trong ngành tư pháp đã nghỉ hưu) còn ngần ngại trong việc xin cấp phiếu lý lịch tư pháp[6]. Công tác tuyển chọn còn gặp khó khăn trong lựa chọn người trẻ tuổi có năng lực; đối với người lớn tuổi có kinh nghiệm, có chuyên môn thì thường có hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, việc tự ghi chép, đánh máy…. Do đó, khi không có Thư ký giúp việc thì nhiều lớn tuổi thường e ngại trong việc làm Hòa giải viên. Thời gian đầu, chế độ chính sách đối với Hòa giải viên mới được ban hành, chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn cụ thể cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thu hút nhân lực tham gia làm Hòa giải viên.
Hai là, kỹ năng hòa giải, đối thoại của một số Hòa giải viên còn hạn chế. Một số Hòa giải viên tuy đã được bổ nhiệm nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ hoặc đã tập huấn nhưng kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế nhất là các vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại phức tạp, việc xem xét tài liệu, chứng cứ về đất tranh chấp đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Thẩm phán, Thư ký Tòa án.
Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật còn gặp phải một số khó khăn ở các địa phương là các tỉnh miền núi, có nhiều thôn, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác nên công tác tuyên truyền đôi khi chưa được sâu, rộng đến từng thôn, xã.
Bốn là, đối với việc hướng dẫn áp dụng thống nhất, chưa có quy định thống nhất về quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thiếu một số biểu mẫu dùng cho hòa giải, đối thoại, như biểu mẫu quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành....
Năm là, chưa có chế độ về việc được sử dụng lao động hợp đồng trong hoạt động hỗ trợ Hòa giải viên, trong khi hiện tại hầu hết các Tòa án đang phải phân công bổ sung nhiệm vụ liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại.
Sáu là, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án cơ bản chưa được đảm bảo. Đa số các Tòa án chỉ bố trí được một phòng vừa là phòng hòa giải, đối thoại, vừa là phòng làm việc của Hòa giải viên. Phòng hòa giải, đối thoại hầu hết được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân, phòng xét xử, phòng bảo vệ; diện tích phòng hòa giải, đối thoại nhỏ, không đúng tiêu chuẩn theo quy định, trang thiết bị như máy tính, máy in, máy phô tô, bàn ghế, tủ đựng tài liệu đều thiếu hoặc được tận dụng từ những trang thiết bị sẵn có của đơn vị[7]. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí đảm bảo cho việc lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho phòng hòa giải, đối thoại và phòng làm việc của Hòa giải viên.
Bảy là, còn một số lãnh đạo Tòa án chưa quyết liệt chỉ đạo việc chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho các Hòa giải viên để tiến hành hòa giải, đối thoại theo Luật.
Tám là, về sự hỗ trợ của Thẩm phán, Thư ký Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các Hòa giải viên hầu hết đều lớn tuổi nên các công việc hỗ trợ liên quan đến hòa giải, đối thoại tại Tòa án chủ yếu vẫn do cán bộ Tòa án đảm nhiệm; cán bộ Tòa án phải trao đổi các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc để các Hòa giải viên nắm được, từ đó đưa hướng hòa giải phù hợp; hầu hết các Hòa giải viên không biết sử dụng máy tính nên khi hòa giải, đối thoại họ chỉ ngồi phân tích, trao đổi với các đương sự, còn việc soạn thảo các văn bản vẫn do cán bộ Tòa án đảm nhiệm. Có Tòa án, cán bộ hành chính tư pháp phải kiêm nhiệm tất cả các công việc từ thụ lý, thông báo, đến quá trình tổ chức hòa giải, đối thoại, ngoài ra còn phải vào các loại sổ sách, thống kê, báo cáo, soạn thảo các văn bản… trong điều kiện thiếu Thư ký và một Thư ký phải giúp việc cho nhiều Thẩm phán. Vì vậy, việc không tuyển dụng lao động giúp việc phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động chung của Tòa án.
Khoản 2 Điều 41 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án quy định: “Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Hiện nay, biên chế Thẩm phán Tòa án cấp huyện có Tòa chỉ có 03 Thẩm phán, nếu sau khi mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì vụ việc chuyển sang giải quyết theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính sẽ khó khăn trong việc phân công Thẩm phán[8].
Thẩm phán phải thực hiện công việc xét xử, giải quyết án theo kế hoạch làm việc của cá nhân Thẩm phán và lịch làm việc của Tòa án nên khi Hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành vụ việc yêu cầu Thẩm phán có mặt tại Phòng hòa giải, đối thoại để chứng kiến thì các Thẩm phán có phần bị động, không sắp xếp được công việc[9]...
Hiện nay, chưa có quy định về chế độ đối với Thẩm phán khi tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu một trong các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định… Đồng thời, Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về việc ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên việc chưa có quy định về chế độ cho Thẩm phán trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là chưa đảm bảo quyền lợi cho Thẩm phán.
Chín là, về phía đương sự, đặc biệt là bị đơn thường có thái độ không hợp tác như không nhận giấy mời, không đến tham gia hòa giải, đối thoại, không có mặt tại nơi cư trú, không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Hòa giải viên, khi tham gia hòa giải, đối thoại thì không có ý kiến, không có thiện chí hòa giải, đối thoại… Khi tiến hành đối thoại các khiếu kiện hành chính thì người bị kiện là đại diện các cơ quan nhà nước đều có văn bản đề nghị vắng mặt hoặc nhiều lần vắng mặt nên Hòa giải viên không tổ chức được phiên đối thoại, kéo dài thời gian đối thoại tạo tâm lý không tốt cho người khởi kiện.
Mười là, có Tòa án việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hòa giải, đối thoại đối với các tranh chấp về đất đai cần sự tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương nhưng các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân chậm trả lời.
Mười một là, hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được ban hành (Quyết định số 454/QĐ-TANDTC của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngày 15-12-2020 về việc ban hành hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án), các Tòa án đã nhận được bản mềm để sử dụng nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công tác tập huấn, hướng dẫn chưa tiến hành nên các Tòa án còn lúng túng và không thống nhất trong việc quản lý, theo dõi vụ việc và lưu trữ hồ sơ; có Tòa án tự mở sổ để theo dõi, vào số các vụ việc hòa giải và theo dõi kết quả giải quyết của từng vụ việc, tự lập, in bìa hồ sơ các vụ việc hòa giải[10]… Đồng thời, cũng chưa có phần mềm thống kê loại vụ việc hòa giải, đối thoại để phục vụ công tác thống kê, theo dõi.
Mười hai là, khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật như:
- Trường hợp hình thức, nội dung đơn khởi kiện không đúng quy định hoặc chưa cung cấp đủ tài liệu thì trước khi chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Hòa giải viên, Tòa án có được yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không và trình tự, thủ tục yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện? (Hà Nội, Lai Châu).
- Người bị kiện đang đi làm xa hoặc không hợp tác trong khi thời hạn thực hiện các thủ tục ban đầu của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngắn nên không đảm bảo được thời gian thông báo cho người bị kiện, dẫn đến người khởi kiện không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại.
- Thời hạn hòa giải đối thoại ngắn, chưa đảm bảo đối với vụ việc phức tạp trong các trường hợp như: cần chờ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn trong một số lĩnh vực đang tranh chấp; cần thời gian để xác minh địa chỉ liên lạc và thông tin của các bên; các bên thỏa thuận kéo dài thời gian hòa giải, đối thoại theo tiến độ thực hiện cam kết của bên có nghĩa vụ. Đối với các trường hợp này, Hòa giải viên phải kết thúc quá trình hòa giải, đối thoại theo đúng thời hạn dẫn đến kết quả hòa giải, đối thoại không thành (Thái Nguyên).
- Luật chỉ quy định việc gửi Thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và Quyết định chỉ định Hòa giải viên cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chỉ định Hòa giải viên. Do đó, xảy ra trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không biết người khởi kiện yêu cầu gì để quyết định việc đồng ý hoặc không đồng ý hòa giải, đối thoại (Thái Bình).
Ngoài ra, còn các số khó khăn, vướng mắc khác như: Một số Hòa giải viên do tuổi cao chỉ đủ sức khỏe để làm việc tại trụ sở Tòa án; Hòa giải viên là Luật sư còn ngần ngại trong việc hòa giải, đối thoại vì nếu nhận hòa giải, đối thoại thì không được bảo vệ cho đương sự trong vụ án đó (Đồng Tháp); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới có hiệu lực pháp luật nên Hòa giải viên khi tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật này còn lúng túng…
2.2.3 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật
Nguyên nhân chủ quan
Số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại không cao là do Tòa án đã giải thích, thông báo về quyền được hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng các bên chưa nắm được những quy định của Luật, lợi ích nếu hòa giải thành, đối thoại thành nên không đồng ý chuyển sang hòa giải, đối thoại. Khi nộp đơn và các tài liệu chứng cứ, chỉ người khởi kiện được tiếp cận, giải thích pháp luật thì lựa chọn hòa giải, đối thoại, còn phía người bị kiện không nắm bắt được nên khi nhận được thông báo, mời đến làm việc thì không hợp tác. Đồng thời, người dân còn có tâm lý e ngại, chưa tin tưởng hoặc chưa biết đến Hòa giải viên, mong muốn Tòa án giải quyết sớm, nếu chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại thì phát sinh thêm nhiều thủ tục trước khi thụ lý hoặc cho rằng tranh chấp của mình đã không hòa giải, đối thoại được mới yêu cầu Tòa án giải quyết nên có trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu tỏ ra bức xúc cho rằng Tòa án gây khó khăn và thường không lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp. Một số trường hợp, luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã tư vấn cho các bên không đồng ý hòa giải, đối thoại cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ các vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại chưa cao.
Một số Tòa án, một số Thẩm phán còn chưa nắm rõ, chưa nghiên cứu sâu quy định của Luật, văn bản quy định chi tiết Luật dẫn đến gặp khó khăn, vướng mắc khi tiến hành các thủ tục Luật định cũng như hỗ trợ Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật chưa đến được với người dân, chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là tại các Tòa án chưa thực hiện thí điểm.
Nguyên nhân khách quan
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng bị ảnh hưởng, các phương thức tuyên truyền về Luật không được thực hiện theo các chương trình quy mô, tập trung đông người.
Luật mới được triển khai thi hành trong thời gian ngắn, do vậy việc triển khai thi hành còn mang tính vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi lúng túng (đặc biệt tại các Tòa án chưa thực hiện thí điểm), chưa thu hút được nguồn tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên.
Thời gian đầu triển khai thi hành Luật chưa có quy định chi tiết về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên, do đó ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền Luật cũng như thu hút nguồn tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên.
3. Đề xuất, kiến nghị
Cấp kinh phí để các địa phương bố trí, sắp xếp phòng Hoà giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên đúng tiêu chuẩn, quy định; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: máy tính, máy in, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu...
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án, đặc biệt là ở các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để các quy định của Luật tới mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới về hình thức tuyên truyền tại những địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp.
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện nang cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo việc chuyển kịp thời tất cả các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo đủ điều kiện sang hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.
Tổ chức tập huấn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho các cán bộ, công chứng Tòa án, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại từng loại vụ án cho các Hòa giải viên nhất là đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai để nâng cao kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các Hòa giải viên.
Tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản hướng dẫn trong việc quản lý và chế độ hoạt động của Hòa giải viên; giải đáp những vướng mắc của các Tòa án địa phương về hòa giải, đối thoại; ban hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các biểu mẫu phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành; Thông báo chuyển vụ việc sang thủ tục tố tụng; Quyết định phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Biên bản ghi nhận ý kiến lựa chọn Hòa giải viên của người bị kiện; Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ; Biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại...
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng mẫu sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng phần mềm thống kê để theo dõi, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án liên thông với các phần mềm thống kê của hệ thống Tòa án nhân dân, áp dụng thống nhất trong hệ thống Tòa án; hướng dẫn cách sắp xếp, quản lý, lưu trữ hồ sơ sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật.
Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong trường hợp dịch bệnh covid-19 còn kéo dài thì có thể mở lớp bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến để cấp Chứng chỉ cho các trường hợp đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên nhưng còn thiếu chứng chỉ làm cơ sở để Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Hòa giải viên cho đơn vị còn thiếu.
Đối với các Tòa án cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa bổ nhiệm được Hòa giải viên hoặc còn thiếu so với định biên thì đề nghị xem xét cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh tuyển chọn, bổ nhiệm bổ sung đối với cả trường hợp chuyên môn khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… mà chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ công tác trước mắt (các trường hợp này Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ cử tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khi Tòa án nhân dân tối cao tổ chức).
Sớm ban hành quy định việc tính chỉ tiêu hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chỉ tiêu giải quyết, xét xử cho Thẩm phán và chỉ tiêu công tác của Tòa án.
Quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và chế độ đối với cán bộ Tòa án hỗ trợ Hòa giải viên. Sắp xếp, bố trí biên chế Thư ký hoặc tuyển dụng lao động giúp việc theo chế độ hợp đồng lao động phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Xây dựng các tiêu chí thi đua giữa các Hòa giải viên, giữa các Thẩm phán hỗ trợ Hòa giải viên với nhau nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết án và nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Thẩm phán với Hòa giải viên.
4. Một số nhiệm vụ chính triển khai trong thời gian tới
4.1. Đối với Tòa án nhân dân tối cao
Giao Cục Kế hoạch - Tài chính đẩy mạnh tiến độ triển khai Đề án trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án cơ sở vật chất triển khai thi hành Luật và các chế độ, chính sách khác đối với Thẩm phán, Hòa giải viên tham gia tiến hành hòa giải, đối thoại để bảo đảm cho việc thi hành Luật hiệu quả.
Giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chỉnh lý Chỉ thị, Quy trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các biểu mẫu bổ sung; tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải đáp vướng mắc về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Giao Học viện Tòa án tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chủ động thực hiện tốt các công việc được giao theo Kế hoạch triển khai Luật, thông báo kết quả thực hiện theo từng quý cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để tổng hợp, theo dõi.
Các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật của Tòa án nhân dân tối cao chủ động nắm bắt thông tin về những Tòa án mà mình phụ trách, thực hiện những công việc được phân công và báo cáo kịp thời Trưởng ban Chỉ đạo khi được yêu cầu.
4.2. Đối với các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các hoạt động triển khai Luật, chủ động khắc phục khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thi hành Luật có hiệu quả.
Tiếp tục việc tổng hợp, đề xuất bổ sung số lượng Hòa giải viên theo định biên của Tòa án từng tỉnh gửi về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức – Cán bộ) theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 188/TANDTC-PC và thực hiện việc bổ nhiệm sau khi được giao số lượng Hòa giải viên theo quy định của Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC.
[1] Tòa án tỉnh Trà Vinh: 02 vụ việc chuyển hòa giải, đối thoại/1.218 đơn khởi kiện, yêu cầu nhận được, Lào Cai: 8/2.105, Gia Lai: 14/6.763 , Vĩnh Long: 20/4.692, Lai Châu: 32/591, Thừa Thiên Huế: 47/1.497, Hòa Bình: 48/2.292, Kiên Giang: 49/6.033, Phú Yên: 57/3.603, Sóc Trăng: 57/4.926, Kon Tum: 92/1.607, Hà Nam: 74/794, Ninh Thuận: 75/954, Hưng Yên: 96/1.645...
[2] Bình Phước (389 quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành/452 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành/833 vụ việc chuyển hòa giải, đối thọa/5.854 đơn khởi kiện, yêu cầu nhận được), thành phố Đà Nẵng (433/1.139/4.115), tỉnh Tây Ninh (367/391/769/5.112), tỉnh Thanh Hóa (284/357/1.122/4.718), tỉnh Hà Giang (280/308/383/783), tỉnh Long An (270/314/1063/5508)
[3] Vĩnh Long, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Ninh Bình, Lào Cai, Lai Châu, Kiên Giang Hòa Bình, Gia Lai, Đăk Nông, An Giang.
[4] Tòa án tỉnh Vĩnh Long (Thành phố Vĩnh Long, Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Minh), Tòa án tỉnh Quảng Bình (một số Tòa án huyện), Tòa án tỉnh Hậu Giang (cấp tỉnh), Tòa án Quảng Nam (Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My)…
[5] Tòa án Đà Nẵng.
[6] Tỉnh Thái Nguyên
[7] Tòa án nhân dân các tỉnh: Sơn la, Nghệ An, Kiên Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Bến Tre, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Gia Lai...
[8] Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
[9] Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng
[10] TAND tỉnh Kiên Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Bài liên quan
-
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội triển khai công tác năm 2025
Quán triệt Chỉ thị số 06/CT-CA của Chánh án TANDTC về nhiệm vụ công tác năm 2025 -
Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Vĩnh Long năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền
-
TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết, triển khai công tác năm 2025
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận